Tác giả: Jack
Phillips | Epoch Times
Dịch giả: Mai Hồng
20 Tháng Bảy , 2015
Đó là những gì Tân Hoa hậu Thế giới Canada – cô
Anastasia Lin, chia sẻ và lần đầu được đăng trên Washington
Post. Đầu năm nay, sau khi cô đạt ngôi Hoa hậu, cha cô đã bị các quan chức Đảng
cộng sản Trung Quốc tại đất nước này đe dọa, nhưng cô Lin cho biết cô sẽ không
chùn bước.
Anastaisia Lin đến
từ Toronto được vinh danh Hoa hậu thế giới Canada tại lễ trao giải ở Vancouver
ngày 16 tháng 5 (Andrew Chin)
Cha tôi chưa bao giờ tự hào về tôi đến thế khi tôi đạt
vương miện Hoa hậu thế giới Canada vào tháng 5 vừa qua. Đây là một vinh dự
tuyệt vời khi được đại diện cho đất nước của tôi trên sân khấu thế giới. Đối
với cha tôi, người vẫn sống ở Trung Quốc, điều này là minh chứng rằng
tất cả những nỗ lực của ông trong việc ủng hộ tôi đã được đền đáp.
Mặc dù việc truy cập thông tin tại Trung Quốc bị kiểm
soát chặt, tin tức về thắng lợi của tôi đã nhanh chóng lan rộng khắp tỉnh Hồ
Nam, nơi quê nhà tôi. Cha tôi nhận được tin nhắn tới tấp gửi đến để chúc mừng
ông và tôi. Nhưng mọi thứ đã nhanh chóng chuyển sang chiều hướng xấu. Chỉ vài
tuần sau khi tôi đạt vương miện, cha tôi e ngại không dám nói chuyện với tôi.
Nguyên nhân của vấn đề này đều quá quen thuộc đối với
những người Trung Quốc sống ở nước ngoài mà dám nói thật ra suy nghĩ của mình.
Không lâu sau thắng lợi của tôi, cha tôi bắt đầu bị cơ quan an ninh Trung Quốc đe dọa vì họ khó chịu đối với hoạt động ủng hộ nhân quyền tôi làm. Là một
diễn viên, tôi đảm nhận các vai diễn trong các bộ phim và các tác phẩm truyền
hình vạch trần vấn nạn tham nhũng và đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, và ngôi
vị Hoa hậu thế giới Canada là một nền tảng tuyệt vời để tôi phản ánh những vấn
đề đó. Không nghi ngờ gì, vì lo sợ cho cuộc sống và công việc kinh doanh, cha
yêu cầu tôi chấm dứt hoạt động ủng hộ nhân quyền tôi đang làm. Ông nói với tôi
rằng nếu tôi không dừng lại, ông sẽ từ tôi.
Nhiều nhà ủng hộ nhân quyền Trung Quốc cũng đều từng
trải qua những chuyện như thế này. Thậm chí ngay cả sau khi họ định cư ở
phương Tây, Đảng Cộng sản vẫn thị uy và khiến những người này phải im lặng
thông qua việc gây áp lực tới thân nhân của họ đang ở tại Trung Quốc.
Có nhiều trường hợp, những thân nhân này được bên cơ
quan an ninh “mời đi uống trà” và rồi sẽ đưa ra những ám chỉ về việc trả đũa nếu
người nhà ở nước ngoài của họ không biết điều giữ yên lặng. Cách làm này gợi nhớ
lại thời Cách mạng Văn hóa khi trẻ em được khuyến khích tố cáo và cung cấp
thông tin về cha mẹ, còn các thành viên trong gia đình trở mặt với nhau bởi sự
đe dọa của bức hại.
Một số người Trung Quốc, đặc biệt những người sống
qua thời Cách mạng Văn hóa và những chiến dịch sau này, đã tiếp thu bài học
không được phê bình chế độ. Điều này giải thích cho việc bên cạnh nhận được rất
nhiều thông điệp ủng hộ, rất nhiều người Trung Quốc cũng gửi thư khuyên tôi nên
giảm bớt các hoạt động trên diễn đàn nhân quyền bởi họ thấy nó quá mang tính
chính trị. Tuy nhiên, đối với tôi đây không phải là vấn đề về chính trị. Nó là
về những giá trị nhân văn cơ bản vốn không bao giờ được phép tước đoạt.
Nhiều người hỏi tôi tại sao tôi vẫn tiếp tục lên tiếng
sau khi cha tôi bị đe dọa. Câu trả lời đơn giản là: Nếu tôi cho phép bản thân
mình bị đe dọa, tức là chính tôi tiếp tục đồng lõa với sự vi phạm nhân quyền. Nếu
tôi và những người có cùng mối quan tâm tới nhân quyền cho phép bản thân mình bị
làm cho im lặng, cái Đảng Cộng sản đó sẽ tiếp tục lộng hành bức hại người dân.
Hoa hậu thế giới
Canada – cô Anastasia Lin học văn bằng kép về kịch nghệ và quan hệ quốc tế tại
Đại học Toronto năm 2013. (Ảnh được cung cấp bởi Anastasia Lin)
Mặc dù cá nhân tôi chưa từng trải qua cuộc bức hại
(tôi chuyển tới Canada từ khi 13 tuổi), nhưng những vai diễn tôi tham gia đòi hỏi
tôi phải nhập vai vào câu chuyện và trải nghiệm của những nhân vật phải chịu bức
hại. Trong một bộ phim dựa theo một câu chuyện có thật, tôi đóng vai một học
viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại trại lao động của Trung Quốc dù phải chịu
tra tấn đau đơn nhưng không từ bỏ đức tin của mình. Câu chuyện đó khiến tôi trở
nên mạnh mẽ hơn và tôi tin rằng chúng ta cần phải lắng nghe họ.
Để đạt được sự thay đổi tích cực trên thế giới thì cần
phải có sự hy sinh và rủi ro. Hàng triệu người dân Trung Quốc còn dũng cảm hơn
tôi nhiều khi họ chấp nhận những rủi ro này cho dù có bị bắt giam, tra tấn hay
tệ hơn nữa. Chúng ta bày tỏ sự kính trọng trước sự hy sinh của họ bằng
cách giữ vững niềm tin và những giá trị. Rõ ràng những nỗ lực như vậy sẽ làm tổn
thương những người thân nhất của chúng ta. Tôi đau lòng khi nhận được tin nhắn
cha yêu cầu tôi phải giữ im lặng. Tôi trăn trở về những gì cần làm,
cân nhắc thế nào là tốt cho cha tôi, cho bản thân tôi, cho tất
cả những người đang ở Trung Quốc và cho tất cả những người rời Trung Quốc
xây dựng cuộc sống mới ở những đất nước tự do. Chúng ta đều sống dưới sự đe dọa
từ chính quyền Trung Quốc. Chúng ta đã chấp nhận sự cưỡng bách này quá dễ
dàng, coi noi nó như một chuẩn mực xã hội, đổ lỗi cho những người nói
ra chứ không phải là những người sử dụng dùi cui.
Nhưng im lặng sẽ không bảo vệ được cha tôi, và thậm
chí nếu ông không hiểu và chấp nhận việc tôi lên tiếng, tôi biết rằng ông sẽ an
toàn hơn khi sự việc được đưa ra dưới ánh sáng của dư luận quốc tế, hơn là
khi ở trong bóng tối của một chế độ độc tài.
Thời gian trôi đi và câu chuyện này rồi sẽ dần bị lu
mờ. Nhưng xin đừng quên cha tôi và hàng triệu gia đình khác giống như chúng
tôi. Rời khỏi Trung Quốc không khiến chúng ta tự do trong khi bạn bè và gia
đình chúng ta bị coi như những con tin. Tự do chỉ thực sự có được khi chúng ta
không chấp nhận sự chuyên chế và dám đương đầu với những kẻ duy trì sự
chuyên chế đó.
No comments:
Post a Comment