Đó là một cách hiểu bài báo của tác giả David
Volodzko trên tờ TheDiplomat.com viết về người đứng đầu đảng CS
Tàu (1). Tác giả này gọi Tập Cận Bình là loại nguỵ trí thức, vì ông ta hay khoe
khoang là am hiểu văn học nghệ thuật phương Tây nhưng trong thực tế thì ông ta
chẳng hiểu gì cả.
Tập Cận Bình khoe rằng đọc sách là một phần đời của
ông. Ông nói từng đọc nhiều tác phẩm văn học Nga của các tác giả như Krylov,
Pushkin, Gogol, Dostoievski, Tolstoy, Chekhov, Sholokov, v.v. Khi đi thăm Pháp,
trong một bài diễn văn, họ Tập lại khoe rằng ông từng đọc Voltaire, Rousseau,
Diderot, Sartre, Montaigne, La Fontaine, Moilere, Balzac, Hugo, Dumas,
Maupassant, v.v. Nói tóm lại là tất cả các tác gia danh tiếng của Pháp, họ Tập
đều đọc hết! Chưa hết, khi tiếp Ngoại trưởng Mĩ John Kerry, họ Tập lại “nổ” rằng
ông đã đọc thơ của Marianne Moore và trích vài dòng để gây ấn tượng.
Còn ở trong nước thì họ Tập tỏ ra là người có viễn
kiến về nghệ thuật. Ông kêu gọi các văn nghệ sĩ nên xiển dương chủ nghĩa yêu nước
và diễn giải cho đúng lịch sử, dân tộc, và văn hoá. Họ Tập còn nói rằng mục
đích của nghệ thuật là đi tìm cái chân – thiện – mĩ (pursuit of the true, the
good, and the beautiful). Nghe qua thì chẳng có gì mới, nhưng câu đó cho thấy Tập
là một người thật sự có đọc sách. Phải có đọc sách mới nhớ/biết câu sơ đẳng đó.
Thật vậy, nếu chỉ nghe những gì Tập nói, chúng ta có
thể nghĩ ngay rằng Tập là một kẻ trí thức, học cao, đọc nhiều, và hiểu rộng.
Nhưng nhà báo David Volodzko cho rằng Tập chỉ … xạo. Tập là kẻ bóp chặt tự do
ngôn luận và tự do học thuật ở Tàu nhiều nhất. Volodzko đặt câu hỏi làm sao văn nghệ sĩ Tàu có thể đi
tìm sự thật khi kiểm duyệt tràn lan? Làm sao họ có thể tìm cái đẹp trong thiên
nhiên khi bất cứ ai lên tiếng bảo vệ thiên nhiên là bị đàn áp? Làm sao văn nghệ
sĩ Tàu có thể tìm cái đẹp khi không có tự do tư tưởng?
Nói cách khác, họ Tập chỉ nổ thế thôi, chứ ông ta
chưa chắc biết ông ta nói cái gì! Nếu họ Tập thật sự đã đọc Bernard Shaw thì
ông hẳn phải biết trong lời mở đầu có câu quan trọng rằng điều kiện thứ nhất
cho tiến bộ là phải xoá bỏ chế độ kiểm duyệt. David Volodzko kết luận rằng hoặc
là Tập Cận Bình quên, hoặc là ông ta chỉ đơn giản là không hiểu.
Không biết Tập Cận Bình có biết rằng Albert Einstein
từng nói là “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi
cá nhân lao động trong tự do”, và “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ
sống tại nước nào mà tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi
công dân trước pháp lí là luật lệ”. Tôi nghĩ chắc Tập không biết.
Tôi cũng nghĩ rằng ai đó viết diễn văn cho Tập đọc
thôi, chứ khả năng rất thấp là Tập đã đọc những tác phẩm kinh điển của phương
Tây. Những người cộng sản như Tập Cận Bình có thói quen chỉ nói khoa trương để
chứng tỏ rằng họ cũng là những người văn minh, có nhân văn, và am hiểu văn học.
Trong thực tế thì họ làm ngược lại những lời nói hoa mĩ do ai đó nhét cho họ
nói. Câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Thiệu cũng có thể áp dụng cho trường
hợp Tập Cận Bình. Rất tiếc là David Volodzko không biết câu nói của ông Thiệu.
___
No comments:
Post a Comment