Sunday, July 5, 2015

Tập Cận Bình : Nhà lãnh đạo chuyên chế (Minh Anh - RFI)





Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 04-07-2015

Cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp tiếp tục lấn át các chủ đề khác trên các báo Pháp hôm nay 04/07/2015. Thời sự về Châu Á hầu như vắng bóng trên các nhật báo. Duy chỉ có tuần san Courrier International, trên mục Tiêu điểm, tập hợp luận điểm các nhà phân tích đăng trên các tờ The Wall Street Journal tại New York và Shun Po của Hồng Kông, dưới một tiêu đề nhận định chung là «Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình – một nhà lãnh đạo chuyên chế ».

Tờ The Wall Street Journal đăng bài nhận định của nhà Trung Quốc học người Mỹ, David Shambaugh cho rằng kể từ khi lên cầm quyền lãnh đạo năm 2012, ông Tập Cận Bình, thay thế Hồ Cẩm Đào đã khoác lên người dáng vẻ của con người đầy quyền lực, chống tham nhũng không nương tay và chống những người đối lập không thương tiếc. Không những ông cứng nhắc trong ý thức hệ, mà còn quân sự hóa chế độ. Một sự tiến triển đáng lo, làm lộ rõ năm kẻ hở quan trọng, theo như đánh giá của nhà Trung Quốc học này.

Thứ nhất là hiện tượng chân trong chân ngoài của giới tài kinh Trung Quốc, những người góp phần làm nên sự giàu có của đất nước. Một thăm dò do văn phòng Hurun thực hiện năm 2014 cho thấy có đến 67% trong số 393 người giàu của Trung Quốc đang chuẩn bị hay có dự định ra nước ngoài. Điều này cho thấy tầng lớp ưu tú của xã hội không mấy tin tưởng vào chế độ và tương lai đất nước.

Thứ hai là cường độ trấn áp chính trị nhắm vào các tiếng nói đối lập trên mọi lãnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, chính trị … đã tăng mạnnh kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012. Nhiều biện pháp nghiêm khắc đề ra nhằm đảm bảo một chính phủ ổn định và an toàn. Những biểu hiện đó cho thấy một trạng thái căng thẳng cao độ và bất định đang ngự trị trong thượng tầng lãnh đạo Đảng.

Thứ ba là sự giả ngây, vờ tuân thủ chế độ của rất nhiều nhân vật trung thành. Nội trường chính trị Trung Quốc như một màn kịch. Các bài diễn văn dài lê thê, buồn ngủ của nhiều nhà bác học của Đảng. Với khuôn mặt vô cảm, cử chỉ như những con rô-bốt và sự ngán ngẩm thể hiện rất rõ, những học giả đó chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền « giấc mơ Trung Hoa », khái niệm chủ đạo của ông Tập Cận Bình.

Thứ tư là nạn tham nhũng mọi tầng mọi cấp trong đảng, chính phủ và xã hội. Chưa bao giờ Trung Quốc có một cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt đến như vậy. Nhưng do thiếu một nhà nước pháp quyền và nền báo chí độc lập, nên cuộc chiến vẫn thật sự chưa có hiệu quả. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ít nhiều gì cũng lộ rõ tính chất thanh trừng có chọn lọc. Rất nhiều đối tượng bị truy bắt là những tay chân thân tín hay đồng minh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Tuy nay đã 88 tuổi, nhưng ông vẫn luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng lên nền chính trị Trung Quốc. Có thể nói là trong cuộc chiến chống tham nhũng này, Tập Cận Bình đang đi những nước cờ liều lĩnh.

Điểm cuối cùng là nền kinh tế Trung Quốc. Những chương trình cải cách mà ông Tập Cận Bình đề ra hồi năm 2013 cho đến giờ vẫn gặp khó khăn trong triển khai. Bởi lẽ, chính sách cải cách đó lại đụng chạm quyền lợi của các nhóm lợi ích, đó là các tập đoàn nhà nước và các quan chức Đảng địa phương, những cản lực chính trong các chương trình cải cách kinh tế.

*
Shun Po (Hồng Kông) : Củng cố quyền lực bằng quân sự hóa
Nhật báo Kinh tế Hồng Kông Shun-po thì cho rằng để có thể ngự trị trên quyền lực, Tập Cận Bình đã dựa dẫm vào quân đội mà trọng lượng chính trị của phe này ngày càng lớn mạnh. Nhật báo còn nhận thấy lãnh đạo cũng như công dân đều được mời gọi đóng góp nỗ lực vào quốc phòng. Tờ báo đề tựa « Tiến tới nền quân sự hóa ».
Tờ báo ghi nhận kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2013, nhiều tướng tá « thân cận » của Tập Cận Bình được quyền tham gia tranh luận trong các lãnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia. Những nhà ngoại giao am hiểu phương Tây và có tinh thần cởi mở hầu như đã bị gạt ra. Để có thể nhận được một khoản ngân sách quan trọng và để có được tiếng nói trọng lượng hơn trong chính phủ, quân đội luôn ủng hộ Bắc Kinh có thái độ cứng rắn với Hoa Kỳ và tất cả những quốc gia nào có can dự vào « mưu đồ bao vây Trung Quốc » do Mỹ dẫn đầu.
Sách Trắng nhấn mạnh rằng hải quân phải tăng cường nhiệm vụ bảo vệ các vùng duyên hải và vùng xa bờ. Trong khi đó, không quân chỉ có nhiệm vụ « bảo vệ không phận của lãnh thổ ». Sách Trắng cũng chủ trương kêu gọi toàn bộ quân lực cũng như dân chúng phải « tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị chiến đấu trên trận chiến tin học ».
Tất cả những điều này được thể hiện rõ qua các động thái như thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, đưa dàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thậm chí hoàn tất phi đạo trên những bãi đá ngầm được cải tạo xung quanh đảo nhỏ trên Biển Đông. Tờ báo lưu ý là tất cả những hành động trên đều đến từ ý tưởng của quân đội chứ không phải của các nhà ngoại giao Trung Quốc.

*
Trưng cầu dân ý tại Hy Lạp qua góc nhìn của báo chí Châu Âu
Báo chí Pháp nín thở theo dõi cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Nhưng không chỉ có báo Pháp, mà là cả Châu Âu. Le Figaro chạy tít lớn trên trang nhất « Châu Âu hồi hộp trước cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp ».Nhật báo phối hợp cùng với bốn nhật báo đối tác hàng đầu, Die Welt tại Berlin (Đức), La Republica tại Roma (Ý), tờ El Pais ở Madrid (Tây Ban Nha) và tờ Le Soir ở Bruxelles (Bỉ), để cùng giải mã những thách thức trong cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Điểm nổi bật trong những bài viết do Le Figaro viết cũng như được trích đăng lại cho thấy dụng ý làm nổi rõ vai trò của các nhà lãnh đạo trong hồ sơ Hy Lạp.
Ví dụ, tờ La Republica nhận định về vai trò khách quan của Thủ tướng Ý khi thấy rằng «Matteo Renzi đổi lập trường nhưng không đổi mục tiêu ». « Đối mặt với chủ nghĩa dân túy của đảng Syriza, Mariano Rajoy tự đem mình làm ví dụ » là tựa nhận định trên El Pais, tại Madrid, Tây Ban Nha. Sắp đến ngày Tổng tuyển cử, Thủ tướng chính phủ Tây Ban Nha tán dương mô hình quản lý của mình, hiện bắt đầu có những kết quả. Một cử chỉ chống lại Tsipras, vốn dĩ được đảng đối thủ của ông là Podemos (một đảng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa) ủng hộ.
Tại Pháp, Le Figaro có bài đánh giá về « Phương pháp của ông Hollande trước thử thách Hy Lạp». Tổng thống Pháp đóng vai trò cầu nối giữa Berlin và Athens. Thế nhưng, thất bại của đàm phán cho thấy giới hạn của phương pháp. Trong khi đó, tờ Die Welt thì cho rằng « Cuộc đọ sức với Alexis Tsipras còn giúp tăng uy tín của bà Angela Merkel ».
Về điểm này, Die Welt nêu rõ những suy nghĩ về bà Thủ tướng Đức, không chỉ ở ngay trong nước. Bởi vì, người Pháp cũng xem Angela Merkel là nhân vật chủ chốt trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Theo một thăm dò do Oxada thực hiện cho nhật báo Le Parisien, 2/3 người Pháp nhận định là bà Merkel là nhân vật có « ảnh hưởng lớn nhất trong các quyết định do Liên Hiệp Châu Âu », với tỷ lệ là 67%, bỏ rất xa Tổng thống Pháp François Hollande chỉ có 2%.

*
Hy Lạp : Đàm phán là lối thoát duy nhất
« Hy Lạp : Đi hay ở » là hành tít nhận định trên Libération. Bài xã luận của nhật báo cho biết Châu Âu không thích trưng cầu dân ý và Châu Âu đã lầm. Bởi lẽ, vấn đề thật sự không nằm ở chỗ tính hợp pháp của việc tham vấn người dân, mà chính là thỏa thuận với Hy Lạp : Nên hay không nên một thỏa thuận ? Nên hay không nên cố xích lại gần những lập trường để duy trì Hy Lạp trong khối ?
Đối với nhật báo thiên tả này, chỉ có một lối duy nhất để thoát ra khỏi ma trận : đàm phán, đàm phán và đàm phán cho dù là kết quả trưng cầu dân ý có ra sao đi chăng nữa. Giống như là nhận định của Le Figaro, cho dù tính chất bất định của cuộc trưng cầu dân ý, nhưng mọi người cũng nên « giữ bình tĩnh ». Bởi kết quả có ra sao thì cũng không đem lại được giải pháp nào cho vấn đề Hy Lạp.

*
Daesh đánh không chừa cái gì
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang vươn dài những chiếc vòi bạch tuộc của mình ra khắp vùng Trung Đông. Họ tấn công mọi lúc, mọi nơi, vào bất kỳ ai, bất kể thế nào. Từ thành cổ Palmyra cho đến bãi biển đẫm máu tại Sousse. Ngay trong lòng thủ đô một quốc gia Hồi giáo cho đến một thành phố lớn Châu Âu. Có thể nói là giờ đây « Daesh đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện ». Đây cũng là nhận định của tuần san L’Express.
Tờ báo mở hẳn một hồ sơ dài 14 trang để nói về « Những tên điên mới vì Allah ». Đó là những tên đã tấn công khủng bố tại Isère (trung nam Pháp), những tên đã nổ súng thảm sát các nhà báo tại tuần san biếm họa Charlie Hebdo và tại một tiệm tạp hóa người Do Thái ở Paris hồi tháng Giêng năm nay…Những tên khủng bố mà các chuyên gia về đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan sẽ ngày càng khó phát hiện hơn. Bởi họ có những biểu hiện rất khó phán đoán, pha lẫn giữa hiện tượng tâm lý không ổn định và khủng hoảng nhân cách.
Từ đó, tuần san nêu câu hỏi liệu « Việc đề phòng là một nhiệm vụ bất khả thi ? ». Mặc dù Pháp đã đưa vào hoạt động các cấu trúc báo động và triệt tiêu cực đoan hóa từ một năm nay. Các cơ chế này gần như hoạt động khá tốt, nhưng vẫn bị vấp do tính chất quá bao quát của nhiệm vụ.
Do đó, tính đến nay, người ta ước tính có đến 5000 người Châu Âu tham gia lực lượng thánh chiến tại Syria và Irak. Điều này khẳng định « Tính chất quốc tế hóa của sự khiếp hãi ». Từ Tunisia cho đến Châu Âu, từ Yemen cho đến Koweit, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang vươn rộng mối đe dọa ra cả ngoài « vương quốc » của mình. Chuyên gia sử học về Trung Đông, Jean-Pierre Filiu cho rằng sở dĩ Daesh có thể lan rộng được là do họ biết cách khai thác các thế yếu và sai lầm của phương Tây, mà Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu.

*
Pháp cũng nghe lén như ai
Nghe lén các cuộc nói chuyện quốc tế nhờ vào cáp ngầm của Tổng cục An ninh đối ngoại. Kế hoạch này do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bí mật tiến hành. Thông tin này vừa được François Hollande xác thực, theo như thông báo của tuần san L’Obs qua hàng tựa « Pháp cũng nghe lén thế giới ».
Dựa theo chứng cứ của các nhà chức trách hiện nay và quá khứ, L’Obs làm rõ thêm về vấn đề này. Cách đây 10 năm, Nicolas Sarkozy đã cho phép triển khai Dự án của Tổng cục An ninh quốc gia và sau đó dưới sự tiếp quản của François Hollande.
Tờ báo nhắc lại trong những thập niên 80-90, Pháp đã đầu tư ồ ạt vào hệ thống chặn tín hiệu vệ tinh. Một nửa trong số một chục căn cứ quân sự đã được bí mật lắp đặt những chiếc ăng-ten parabol khổng lồ ngay trên lãnh thổ và tại các đảo thuộc Pháp. Vấn đề là hiện nay hơn 90% các trao đổi thế giới được truyền qua các cáp quang ngầm.Và Hoa Kỳ đã hiểu rất rõ điểm này. Sau vụ 11/09, Mỹ đã chi hàng tỷ đô-la để theo dõi các kênh này, cùng với đồng minh thân cận nhất là Trụ sở Truyền thông chính phủ Anh (GCHQ). Về điểm này, Pháp đã chậm một bước so với Hoa Kỳ.
Năm 2008, ông Sarkozy bật đèn xanh cho kế hoạch đầu tiên về xây dựng cáp ngầm tại Pháp. Dự án kéo dài 5 năm (từ 2008-2013) với ngân sách đầu tư là 700 triệu euro, và 600 nhân viên. DGSE được phép đặt hệ thống ngầm tại khoảng 40 quốc gia, từ Bắc Phi (gồm Al-giê-ri, Ma-rốc, Tu-ni-si) cho đến Trung Đông (Iran, Irak, Syrie, Arập xê-út), một phần lớn Châu Phi Nam Sahara và tại một số nước lớn như : Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ,… Một quan chức cấp cao thừa nhận : « Trừ trường hợp đặc biệt, DGSE không yêu cầu theo dõi thông tin đến từ Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Châu Mỹ la tinh. »
Cả hệ thống không chỉ dùng để chống khủng bố. Mục tiêu theo dõi còn có ngoại giao, chính trị và kinh tế. DGSE ngày càng phát triển về công nghệ và nhân sự với 2 300 nhân viên hiện nay. Đến năm 2009, nước Pháp tham gia vào nhóm « Five Eyes » theo như lời mời của Hoa Kỳ, biến nhóm giờ trở thành là « Six Eyes ».







No comments: