Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 13/07/2015
Tổng Thống Barack Obama và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn
Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc ngày 7 tháng Bảy, 2015. (Hình: Saul Loeb/Getty
Images)
Xin minh xác ngay là năm chữ "quân cờ Nguyễn
Phú Trọng" không phải là ngôn ngữ chính trị để nhục mạ ông Trọng; mà danh
từ "quân cờ" chỉ mô tả chính xác vai trò của ông ta trong việc ông
sang Mỹ, sang Tầu, để được chủ tịch Tầu, tổng thống Mỹ tiếp kiến. Nói cách
khác, quân cờ không đáng trách, không đáng được khen, hay bị chê. Tự nó, quân cờ
chỉ là một vật vô tri, bằng gỗ, hay bằng plastic, không có ý chí, không tiến tới
hay thụt lui được, không sang Tầu, hay sang Mỹ được.
Ông Trọng là quân cờ trong thế cờ TPP (Trans-Pacific Partnership- Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương). "Siêu thị" TPP gồm 12 nước trong nhiều nước sống trên ven biển Thái Bình; 12 nước hội viên TPP được quyền tự do đem sản phẩm của mình bán sang những nước thành viên khác, đổi lại cũng phải mở thị trường nước mình cho các nước TPP khác đem sản phẩm vào bán.
Đối với những nước còn đang trên đà phát triển như Việt Nam, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, và Mã Lai thì việc gia nhập TPP là cơ hội ngàn năm một thuở để đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghệ, nhờ có thị trường tiêu thụ.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới vẫn là Hoa Kỳ, vì không người nước nào có mãi lực lớn hơn người Mỹ. Một thí dụ: năm 2014 khách hàng Mỹ mua $58 tỉ Mỹ kim quần áo đan, đồ thêu, và mua 51.3 tỉ quần áo may của Trung Quốc.
Mỹ đang đòi Việt Nam loại bỏ vải Tầu, dùng vải Mỹ để may quần áo bán sang Mỹ; nếu việc này giải quyết được để Việt Nam lãnh một nửa số quần áo đan và may từ trước vẫn do Trung Quốc cung cấp thì 50% của thương vụ $108 tỉ cũng đã lên tới $54 tỉ, số tiền đủ lớn để phát cho 5 triệu rưỡi cô thợ may, thợ đan, mỗi cô $10,000/năm.
Số tiền đó lớn gần gấp đôi ngân sách Quốc Phòng Việt Cộng hiện nay.
Trên bàn cờ TPP, thế giá của Việt Nam rất quan trọng, vì Việt Nam là nước cộng sản duy nhất trong 12 nước thành viên của TPP; do đó Hoa Kỳ không chỉ mời Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, Tổng Thống Obama không chỉ tiếp kiến ông, mà còn hứa sẽ sang thăm Việt Nam.
Tất cả những vinh quang đó chỉ để đẩy con chốt đỏ đổi mầu và sang sông, vinh quang đang tạo không khí "hồ hởi, phấn khởi" tại Hà Nội.
Thông Tấn Xã Việt Nam ca tụng Tổng Thống Obama đã thẳng thắn trong cuộc hội đàm với ông Trọng, và hai bên bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông; nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không, được quốc tế công nhận. Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên Bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Nói cách khác, Nguyễn Phú Trọng đã đóng tròn vai trò "quân cờ" tại Hoa Thịnh Đốn, cũng như vài hôm trước (tối mùng 4 tháng Bảy) ông ta nói những điều phải nói, làm những điều cần làm tại Bắc Kinh, như đi duyệt hàng lính Tầu bồng súng đứng dàn chào, và đọc diễn văn trong cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa thanh niên Tầu-Việt tại đại lễ đường Nhân Dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Truyền thông Mỹ chỉ thông tin và bình luận hời hợt về việc đáng lẽ mời ông Trương Tấn Sang -chủ tịch nước Việt Nam cộng sản sang Hoa Thịnh Đốn gặp tổng thống Mỹ- thì chính phủ Mỹ lại mời ông Trọng; ông này chỉ là tổng bí thư của đảng cộng sản; một vài bình luận gia cho là Trọng là "người của Mỹ."
Ngày 7 tháng Bảy, Tân Hoa Xã đăng bài xã luận chỉ trích chuyến thăm Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng, cho rằng Hoa Kỳ đã sử dụng ông Trọng để lôi kéo Việt Nam thực hiện âm mưu chống lại Trung Cộng.
Ngày hôm sau -mùng 8 tháng Bảy- đài truyền hình Vân Nam, trong một chương trình phỏng vấn đã hỏi đề đốc Tầu, Doãn Trác, câu hỏi: "Ông Trọng chỉ là viên chức cao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng không phải là chủ tịch nước Việt Nam -người đối cấp với ông Obama- thì việc Mỹ mời ông Trọng mà không mời ông Sang là triệu chứng báo trước điều gì?"
Ông Trác cho là việc tổng thống Mỹ mời Nguyễn Phú Trọng là “có mục đích chính trị,” “Muốn lôi kéo Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Nhật và Phi Luật Tân để chống lại Trung Quốc trong những vấn đề biển đảo.” Ông dùng chữ "Mỹ muốn thực hiện cách mạng màu ở Việt Nam,” ý nhắc lại những cuộc nổi dậy chống độc tài tại Phi Châu.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phụ trương của Nhân Dân Nhật Báo) ngày 7 tháng Bảy viết, "Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào hàng ngũ thân Mỹ, chống Trung Quốc. Nhưng mục tiêu này là không thể đạt được.
“Washington muốn Hà Nội phối hợp trong chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ ở Châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường áp lực lên Trung Quốc; Hà Nội hy vọng việc xích gần lại với Washington có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông."
Tờ Hoàn Cầu Thời báo -một trong những cơ quan tuyên truyền của chính phủ Bắc Kinh- còn nêu lên mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng nhận định: "Mặc dù Việt Nam xem Trung Quốc là một đe doạ đối với nền an ninh quốc gia, nhưng Việt Nam đang tận hưởng những động lực phát triển kinh tế từ Trung Quốc cũng như sự hỗ trợ từ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.
“Giống như Trung Quốc, chiến lược chính của Việt Nam là xúc tiến phát triển kinh tế, xã hội, và Việt Nam chỉ có thể đạt kết quả tối đa trong nỗ lực phát triển, bằng chính sách không chống lại tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông."
Đó là góc nhìn của người Tầu về vấn đề Biển Đông và vấn đề phát triển kinh tế; họ tin là Việt Nam -tối thiểu cũng có một số lãnh tụ Việt Cộng- muốn cầu an tại Biển Đông và yên phận với một số quyền lợi nhỏ.
Trong việc sang Mỹ, quân cờ Nguyễn Phú Trọng không đáng trách, vì quân cờ tự nó không xê dịch được; Trọng sang đây vì tay cao thủ cờ tướng Obama cần Trọng qua sông, đổi áo, để tượng trưng cho thế chiếu bí trong nước cờ TPP. Trung Cộng bị chiếu bí vì Việt Nam và những thành viên của TPP sẽ thay chỗ của Trung Cộng cung cấp quần áo, vật dụng nhập cảng cho Hoa Kỳ. Mất đi nguồn lợi tức lớn lao này làm Trung Cộng mất mát nhiều hơn việc mất đồng minh Việt Cộng.
TPP mới chỉ là đòn kinh tế, là một nửa của chiến lược PIVOT thực hiện việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm hoạt động trở về Á Châu-Thái Bình Dương. Đòn kinh tế đã đánh ra, mặt quân sự cũng đang chuyển động, tạo thế chủ động của Hoa Kỳ trong nhu cầu cân bằng ảnh hưởng trên địa phương Á Châu-Thái Bình Dương
Nhìn từ góc nhìn của người Việt quốc nội, hay của người Mỹ gốc Việt thì TPP vẫn chỉ có lợi cho Việt Nam; một chứng minh dễ thấy nhất là phản ứng chống đối dữ dội của Trung Cộng. (nđt)
No comments:
Post a Comment