Ỷ Lan, thông tín viên RFA, Genève
2015-07-15
2015-07-15
Công an, cảnh sát đặc
biệt đàn áp, đánh đập các người dân oan, kể cả phụ nữ... File Photo
Khóa
họp lần thứ 61 của Uỷ ban Xóa bỏ tất cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ
nữ gọi là Uỷ ban CEDAW của LHQ đang diễn ra tại Điện Quốc Liên, Genève từ ngày
6 đến ngày 24 tháng7. Hai ngày 9 và 10 dành cho việc xem xét bản Phúc trình
của Việt Nam, và cũng là dịp Chuyên gia LHQ gặp gỡ hỏi han các tổ chức
Phi Chính phủ lấy ý kiến trước cuộc chất vấn Phái đoàn Việt Nam.
Ngoài bản Phúc trình chính thức của Nhà nước Việt
Nam, và phúc trình của tổ chức “Phi chính phủ” đến từ Hà Nội và do Phái đoàn Hà
Nội dẫn theo có tên là “Liên hiệp các tổ chức Gencomnet, Dovipnet, và New”, mà
thuật ngữ trong giới hoạt động nhân quyền gọi là GONGO thay vì NGO, còn có các
Phúc trình phản bác của các tổ chức Phi chính phủ khác như “Uỷ ban Bảo vệ Quyền
Làm Người Việt Nam”, “ Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam”, một tổ chức trong nước
nhưng do một phụ nữ ở Canada đại diện, “Diễn đàn Tự do của người Khmer Krom”,
và “Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom”.
Phái đoàn Hà Nội gồm 12 người do ông Doãn Mậu Diệp,
Thứ trưởng Bộ Lao đông Thương binh Xã hội cầm đầu, tháp tùng là các đại diện
các bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Y tế Giáo dục và đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư. Đây
là phúc trình thứ 7 và 8 góp chung trước Ủy ban CEDAW.
23 Chuyên gia LHQ thuộc Uỷ ban CEDAW chất vấn
Phái đoàn Hà Nội trong suốt ngày 10 tháng 7 trên các lĩnh vực mà LHQ quan ngại,
như : Bạo hành gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, giới nữ bị nhiễm HIV, các
vi phạm quyền sinh nở, kỳ thị giới tính trong sách giáo khoa, quyền
lao động, hố sâu giàu nghèo, đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc ít người, như
Dega, người Thượng, Khmer Krom, v.v...
Một vấn đề sôi nổi là tình trạng của những
tổ chức xã hội dân sự độc lập, và người phụ nữ bảo vệ nhân quyền bị đánh đập,
sách nhiễu, đe doạ, do các Phúc trình phản bác cung cấp.
Bà
Leinarte, Chuyên gia nước Lithuani hỏi : “Xin
cho biết tình trạng các Xã hội dân sự tại Việt Nam, những điều kiện hoạt động của
họ diễn tiến ra sao ?”.
Tiếp đấy, Bà Patten, Chuyên gia nước
Mauritius lên tiếng : “Tôi muốn biết Việt Nam có luập pháp đặc thù
dành cho quyền giới tính và chính sách bảo vệ phụ nữ hoạt động cho nhân quyền,
đặc biệt những điều luật bảo vệ họ trước những đàn áp, cho phép họ làm ăn trong
cộng đồng mà không sợ hãi bị báo thù ? Vì chúng tôi đọc được nhiều phúc trình về
vấn đề những phụ nữ hoạt động bảo vệ nhân quyền bị bắt bớ tuỳ tiện và hiện còn
bị giam giữ. Tôi xin quý ngài cung cấp các thông tin về hiện trạng những người
bị bắt giam này”.
Ông
Diệp, Trưởng phái đoàn, trả lời: Ở Việt
Nam không có bất cứ ngăn cấm nào về việc bảo vệ nhân quyền. Tất cả những hoạt động
trong khuôn khổ pháp luật đều được bảo vệ. Tôi bất ngờ, tôi không nghe bất kỳ một
trường hợp nào hoạt động vì bảo vệ nhân quyền mà bị bắt”.
Bà
Leinarte, Chuyên gia nước Lithuani, đáp ngay và đưa
ra trường hợp của bà Trần thị Nga bị công an đánh đập gần đây (trường hợp mà
Ông Võ Văn Ái đã nêu lên với các Chuyên gia LHQ qua buổi hội luận góp ý).
Phái đoàn Hà Nội trả lời là chúng tôi không có thông
tin gì trong vụ này.
Ủy ban CEDAW cho Phái đoàn Hà Nội 48 tiếng đồng hồ để
điều tra và trả lời.
Chuyên
gia Lilian Hofmeister nước Austria than phiền : “Theo
cấu trúc quốc gia người phụ nữ và bé gái Việt Nam bị xem như công dân hạng hai
theo truyền thống văn hoá, là điều vi phạm nhân quyền. 30 năm sau khi Việt Nam
tham gia ký kết Công ước CEDAW, vẫn tồn tại ở Việt Nam việc thích quý con trai,
và sự mất cân bằng phi tự nhiên về vấn đề chọn lựa trai/gái trong các vụ phá
thai. Chẳng nghi ngờ gì nữa việc đàn ông và thiếu nhi nam mang nhiều đặc quyền
trong xứ sở các ông. Với những nỗ lực nào chính phủ ông thay đổi thái độ phụ hệ
đang hăm doạ hằng ngày các điều kiện sống của các bé gái và phụ nữ ? Các ông có
chương trình gì khai thông chống lại sự phá các thai nhi gái, bắt trẻ em cưới hỏi,
bán dâm, xâm phạm tình dục trẻ em ?”.
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm
lãnh hải cũng bị bắt bớ đánh đập bất kể phụ nữ
Ông
Bruun, Chuyên gia nước Finland tỏ vẻ lo âu về những
vi phạm lao động đối với phụ nữ : “Sự chênh lệch lương bỗng giữa phụ nữ
và đàn ông. Lương phụ nữ chỉ bằng 70 tới 80% lương đàn ông. Rất đông phụ nữ làm
công trong các khu vực không chính thức không được hưởng quyền an sinh xã hội
hay các quyền lợi xã hội khác. Các ông sẽ làm gì để bảo vệ họ ? Các phúc trình
cho chúng tôi biết một số trường hợp kỳ thị đối xử trong thực tế, ví dụ như hợp
đồng lao động bắt không được mang thai trong thời hạn hợp đồng ba năm”.
Ông cũng nêu lên nhiều vấn đề khác, như Bộ Luật Lao
Động cấm sách nhiễu tình dục nơi làm việc, nhưng chẳng đưa ra biện pháp nào để
kỷ luật những người chủ vị phạm; việc Việt Nam có danh sách 38 điều cấm phụ nữ
làm một số công việc do vấn đề sinh học của phái yếu, là điều trái với Công Ước
CEDAW, đảm bảo bình đẳng giới tính.
Bà
Leinarte, Lithuania, đồng ý với ông Bruun và nhấn mạnh
: Phụ nữ và đàn ông rất khác nhau là điều rất đúng. Nhưng sự sai khác
đến từ văn hoá truyền thống, chứ không đến từ vấn đề sinh học biến người phụ nữ
hoặc bình đẳng với đàn ông, hoặc thấp hạng và mất đặc quyền.
Nhiều câu hỏi không được Phái đoàn Việt Nam trả lời,
trá hình dưới cách nói chung chung, trích dẫn luật pháp để biện minh. Thỉnh thoảng
phái đoàn lâm tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Như khi các chuyên gia
hỏi về thông tin phụ nữ mại dâm hay bị nhiễm HIV bị kỳ thị nhiều hơn so với giới
đàn ông, Ông Doãn Mậu Diệp Trưởng phái đoàn bác bỏ :
Cái ghi nhận của xã hội là không hề có cái sự phân
biệt là nam bị nhẹ hơn, nữ bị nặng hơn, không hề có cái sự đó
Trái lại, bà đại diện bộ Y tế thì “Theo
một cái cuộc điều tra quy mô nhỏ mới nhất, năm 2014, thì chúng tôi thấy là nhóm
phụ nữ bán dâm và phụ nữ bị nhiễm HIV là hai nhóm có tỷ lệ kỳ thị vẫn còn cao,
trong khi, cùng một trường hợp nhiễm thì người nam giới có kỳ thị còn nhẹ
nhàng hơn so với phụ nữ”.
Suốt 5 tiếng đồng hồ, các chuyên gia LHQ chất vấn từ
tốn, lễ phép, nhưng lắm khi hóc búa, làm cho Phái đoàn Hà Nội lúng túng. Chẳng
hạn như bà Acosta Chuyên gia xứ Peru hỏi về luật đất đai. Bà nói theo luật
đất đai năm 2013 cho phép phụ nữ cùng chồng đứng tên trên giấy sử dụng đất đai,
nhưng trong thực tế thì thế nào ? Có bao nhiêu phần trăm phụ nữ ký tên cùng chồng
? Có bao nhiêu phụ nữ goá bị mất đất khi chồng chết ?
Ông
Diệp ấp úng nói : “Cái cơ chế và giám sát đối với
đất đai thì quả thực là một cơ chế khá cồng kềnh. Ờ ờ… không phải là cồng kềnh
mà là khá phức tạp về nội dung Luật đất đai, thì nó rất là phức tạp. Thế còn
cái số liệu bao nhiêu người… bao nhiêu người (cười) cái thông tin đó khá cụ
thể vì nó thay đổi từng ngày, công việc rất là dài. Về cái thông tin này thì
chúng tôi xin lỗi không nhắm được”.
Các câu chất vấn nào Phái đoàn không trả lời được, Uỷ
ban cho phép Phái đoàn 48 tiếng đồng hồ để điều tra và trả lời.
Sắp tới, vào ngày 24 tháng 7 Uỷ ban CEDAW sẽ công bố
Kết luận cuộc xem xét Phúc trình Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị yêu sách thực
hiện cho việc bảo vệ và thăng tiến Quyền Phụ nữ chiếu theo Công ước Xóa bỏ tất
cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) của LHQ.
Ỷ
Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tường trình từ LHQ Genève
No comments:
Post a Comment