Wednesday, July 8, 2015

Những bước đầu cho việc nâng cao quan hệ song phương Mỹ-Việt (Gia Minh-RFA | GS Jonathan London)





Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-08

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tiếp tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng vào ngày hôm qua 7 tháng 7. Phát biểu của hai ông cũng được công khai.
Sau cuộc gặp được cho là lịch sử giữa một vị tổng thống quốc gia dân chủ và một tổng bí thư đảng cộng sản từng là cựu thù với nhau, những gì cần phải được thực hiện trong thời gian tới?
Gia Minh phỏng vấn giáo sư Jonathan London giảng dạy tại Đại Học Hong Kong về nhận định của ông đối với chuyến làm việc của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Trước hết giáo sư Jonathan London cho biết:

Giáo sư Jonathan London: Dù còn sớm nhưng ít nhất cuộc gặp gỡ này với việc hai lãnh đạo gặp nhau là một bước đi lịch sử trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Tôi đặc biệt mừng về phần nội dung của tuyên bố hai bên vì có rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cải cách ở Việt Nam.

Gia Minh: Có người cho rằng đây là bước khởi đầu thôi và cũng vì quyền lợi của hai phía mà phải xích lại gần nhau, nhưng sắp đến Việt Nam cần phải làm gì nữa như từ ‘cải cách’ mà giáo sư đề cập đến?
Giáo sư Jonathan London: Rõ ràng Việt Nam cần một số bước đi mà chưa thấy.
Chính vì thế mà khi được Nguyễn Phú Trọng mời sang Việt Nam, thì ông Obama nói hy vọng sẽ sang Việt Nam trong tương lai chứ không nói chắc chắn sẽ sang. Bởi vì phía Mỹ vẫn thấy ở Việt Nam một số điều hết sức cơ bản và quan trọng. Trong đó hai điều lớn nhất: thứ nhất là vấn đề cải cách trong lĩnh vực kinh tế mà cốt yếu phải đó để thực sự được xem là một nền kinh tế thị trường, dù đã có một số tiến bộ đối với hồ sơ này.
Thứ hai vấn đề lớn là nhân quyền ở Việt Nam. Như tôi nói trước là rất vui mừng vì phía Hoa Kỳ đã đặt vấn đề này ở vị trí trung tâm; và tôi cũng có ấn tượng là phía Việt Nam cũng thấy rõ vấn đề đó vì ngay cả Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến vấn đề đó.
Có một nghịch lý là Mỹ có rất nhiều quan hệ song phương với những nước mà có nhân quyền không tốt; nhưng riêng đối với Việt Nam họ yêu cầu có một số bước đi nhất định. Và điều đó theo tôi nghĩ là quan trọng.
Và tôi nghĩ Việt Nam càng tiến bộ về vấn đề nhân quyền thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ gần nhau hơn. Chẳng hạn nếu Việt Nam là một số điều quan trọng như thả những người nên thả và chấm dứt hành vi sách nhiễu… thì tôi có thể tưởng tượng Obama sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay.
Thế nhưng vẫn cần có một số tiến bộ!

Gia Minh: Người ta nói đến việc phải có niềm tin với nhau, vậy làm sao Việt nam xây dựng cho được niềm tin với Hoa Kỳ?
Giáo sư Jonathan London: Niềm tin là làm những gì nói. Nói đến nhân quyền mãi mà không làm thì không tin được.
Tôi nghĩ phía Mỹ muốn thấy Việt Nam thực hiện một số bước đi nhất định để chứng minh rằng khác so với trước đây Việt Nam nói có tôn trọng nhân quyền, thì thực sự có làm.
Điều đó sẽ mở rộng tiềm năng quan hệ song phương.

Gia Minh: Cũng có ý kiến nói rằng có sự thay đổi trong đảng cộng sản Việt Nam, giáo sư có thấy đúng là đến nay có thay đổi gì đó nơi người cộng sản Việt Nam?
Giáo sư Jonathan London: Chắc chắn đã có rồi; nhưng hơi buồn, hơi tiếc một chút lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ: làm sao lãnh đạo một đảng chính trị như đảng cộng sản lại nói là đại diện cho toàn dân Việt Nam; có ít kinh nghiệm quốc tế như thế là một hạn chế!
Việc Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ có thể nói, kể cả phái bảo thủ nhất trong đảng cộng sản Việt Nam, cho thấy sự cần thiết của mối quan hệ mạnh mẽ đối với Mỹ. Dù vẫn còn có những quan điểm khác nhau trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam nhưng rất khó tưởng tượng họ vẫn cứ nói đến diễn biến hòa bình…, hoặc nói xấu Mỹ liên tục.
Trên thực tế vì những quyền lợi chiến lược của Việt Nam, dù có quan điểm chính trị nào, đều vẫn phải có quan hệ tốt với Mỹ.

Gia Minh: Theo giáo sư thì Trung Quốc có để yên cho Việt Nam bắt tay với Mỹ và có mối quan hệ tốt như thế không?
Giáo sư Jonathan London: Theo tôi nghĩ phải bỏ qua ý kiến của Trung Quốc; không quan trọng! Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản họ sang Mỹ, họ có sợ gì (đâu)!
Việt Nam là nước độc lập không nên để ý đến quan điểm của Trung Quốc, đó là việc của Trung Quốc. Việt Nam chỉ nên lo những chiến lược, quyền lợi chính đáng của nước Việt Nam mà thôi. Đừng lo về Trung Quốc mà chỉ lo đến những việc Trung Quốc đang làm.
Tôi nghĩ thời mà lãnh đạo Việt Nam lo liên tục về khuynh hướng của Trung Quốc đã lỗi thời rồi, đã quá khứ rồi. Nên hy vọng đây là sự bắt đầu cũa một thời đại mới trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

Gia Minh: Chỉ còn nửa năm nữa là đến đại hội 12 của đảng cộng sản Việt nam, GS có nghĩ sẽ có thay đổi trước hết là thành phần lãnh đạo có tư tưởng độc lập như giáo sư mới bày tỏ đó không?
Giáo sư Jonathan London: … rõ ràng vẫn còn nhưng người bảo thủ nhưng có vẻ ít nhất có một thế hệ mới đang lên. Họ sẽ thoáng hơn, cởi mở hơn. Đó cũng là một lý do để chúng ta, chưa thể nói lạc quan, nhưng không loại trừ khả năng sẽ có những thay đổi nhất định trong quan điểm, tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam.
Vấn đề tôi thấy quan trọng nhất dù vẫn là một chế độ theo chủ nghĩa Mác- Lê nin, nhưng tôi tin rằng, hy vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam cần có tinh thần đa nguyên dù vẫn trong khuôn khổ một đảng. Điều này sẽ thuận lợi, sẽ tốt hơn, sẽ giúp cho chính trị của Việt Nam minh bạch, văn minh hơn và hiệu quả hơn.
Hy vọng trong năm tới Việt Nam sẽ có những thay đổi nhất định vì chúng ta biết thời điểm của nền chính trị bảo thủ đã qua rồi, bây giờ là thời đại mới phải có chính trị mới.

Gia Minh: Cám ơn giáo sư về những nhận định sau chuyến công du (của ông Nguyễn Phú Trọng) mà mọi người bàn tán nhiều vừa qua.







No comments: