Ngô Nhân Dụng
Friday, July 10, 2015 6:18:23 PM
Người
Việt Nam sống ở Mỹ biết thế nào cũng được ông Nguyễn Phú Trọng nhắc tới. Quả
nhiên, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS), ông Trọng đã đọc một
bài diễn văn viết sẵn, với câu này, “Tôi
mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công
việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt
và đóng góp tích cực...”
Trước đây, ông Trương Tấn Sang qua Mỹ đã từng thỉnh
cầu chính phủ Hoa Kỳ săn sóc đời sống của người Việt ở Mỹ khiến cho mấy triệu
người bật cười rồi, năm nay ông Trọng lập lại. Nghe xong, người Việt phải bật
cười lần nữa! Khi phát biểu
những yêu cầu này, hai ông chỉ chứng tỏ họ không biết gì đời sống ở một nước
dân chủ tự do, trong một xã hội mở, nhất là trong một nước do hàng trăm sắc dân
họp lại mà thành, như nước Mỹ!
Điều mà người Việt Nam sống ở Mỹ muốn gửi tới hai
ông, cùng tất cả Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, là yêu cầu quý ông bà
không cần lo cho chúng tôi. Xin quý vị hãy “quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi
cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam ở trong nước Việt Nam!”
Nhiều người Việt đang bị bắt vào đồn công an một
ngày bỗng bị treo cổ chết, công an bảo rằng họ tự tử nhưng không ai tin. Bao
nhiêu nông dân Việt Nam bị Đảng Cộng Sản cướp đất để bán cho tư bản đỏ. Bao
nhiêu trẻ em Việt Nam không được đi học; nhiều em đi học không đủ ăn đói quá
không học được nữa; nhiều em đi học khi qua sông bố với con phải chui vào bao
ni lông hay phải đu dây. Bao nhiêu người Việt Nam cần được “tạo điều kiện” vừa
đủ cho họ được sống thôi, nhưng cuộc sống bình thường của họ đang bị đảng tước
đoạt.
Còn người Việt Nam ở nước Mỹ, thực sự họ không cần
“chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc
và học tập...” nào cả. Nhiều người Việt đã trở thành tỷ phú mỹ kim hoàn toàn do
sức làm việc, sáng kiến và cơ hội tạo ra, không ai thấy “chính quyền Hoa Kỳ” phải
làm gì giúp họ cả. Bao nhiêu học sinh Việt Nam ra trường đứng đầu bảng; bao
nhiêu sinh viên được học bổng của các định chế giáo dục tư, đã trở thành các
giáo sư, các nhà nghiên cứu; chỉ cần các em nghe lời cha mẹ dậy cố gắng học
hành, không em nào cần nhờ đến chính quyền nào giúp cả.
Hơn nữa, những người Việt Nam sống ở Mỹ chắc chắn
không ai đòi hỏi và cũng không ai muốn được đối đãi đặc biệt. Tất cả các công
dân và những người thường trú hợp pháp ở Mỹ đều được đối xử bình đẳng như nhau.
Cơ hội mở ra cho tất cả mọi người như nhau, không ai cần được ưu đãi. Người gốc
Trung Hoa, gốc Mexico hay gốc Nga cũng vậy. Không ai cần “chính quyền Hoa Kỳ”
làm gì đặc biệt cho họ hết! Họ chỉ cần tuân thủ pháp luật, cố gắng đi học hay
làm việc, cuộc đời họ do chính họ quyết định chứ không phải do những “nghị quyết”của
đảng chính trị nào hoặc “chính sách ưu đãi” của bất cứ chính quyền nào cả.
Những điều trên, ông Nguyễn Phú Trọng không hề biết.
Cho nên ông mở miệng nói ra những lời mà người Việt hay người nào nghe cũng phải
thấy là “ngớ ngẩn.” Không phải riêng ông Trọng mới lẫn cẫn như vậy. Các người
lãnh đạo Đảng Cộng Sản đều hoàn toàn lú về nếp sống trong các nước tự do dân chủ.
Và họ không chịu học. Năm trước, ông Nguyễn Minh Triết sang New York, bị hỏi về
chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo tại Việt Nam, ông hỏi lại rằng, “Thế tại sao
nước Mỹ lại chỉ có hai đảng? Một đảng hay hai đảng khác gì nhau?” Cả đời Nguyễn
Minh Triết không được ai dạy cho biết rằng nước Mỹ có hàng chục đến hàng trăm đảng
chính trị; người ta nói nhiều đến hai đảng bởi vì có hai đảng mạnh nhất, chứ
không hề có luật lệ cấm bất cứ công dân nào lập thêm đảng mới cả!
Các lãnh tụ Cộng Sản đều “học tập tư tưởng Hồ Chí
Minh” cho nên cái gì họ biết về nước Mỹ đều do Hồ Chí Minh dạy. Trên báo Nhân
Dân ngày 5 tháng 11 năm 1951, Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa Mỹ ngày nay là văn hóa
của bọn đại tư bản, bọn gây chiến tranh, bọn giết người... Xã hội Mỹ hôi thối
như thế, văn hóa Mỹ suy đồi như thế, mà đế quốc Mỹ cứ khoe là ‘văn minh’ và đi
truyền bá ‘văn minh’ cho các nước khác!” Năm 1953, trên báo Cứu Quốc (ngày 6
tháng 11), Hồ Chí Minh viết bài: “‘Văn minh Mỹ’ - người không bằng chó.” Trong
đó có câu: “Theo báo Mỹ thì chó Mỹ ăn 30 phần 100 nhiều hơn nhân dân hai bang
Anhđiana và Mitsuri cộng lại! Có 730 món đồ hộp cho chó xơi...” Kết thúc bài chửi
Mỹ, Hồ Chí Minh còn đặt hai câu vè: “‘Văn minh’ trọng chó hơn người, ‘Văn minh’
của Mỹ buồn cười lắm thay!” Hai chữ “Văn minh” đều đặt trong dấu ngoặc để chế
nhạo. (Các bài này còn chép trong tuyển tập Hồ Chí Minh cả).
Ông Nguyễn Phú Trọng từng làm chủ tịch Hội Đồng Lý
Luận Trung Ương, chắc ông có đọc ít nhiều sách khác; không đến nỗi dốt như Nguyễn
Minh Triết. Nhưng dù có đọc bao nhiêu sách viết về chế độ dân chủ mà không có dịp
quan sát đời sống dân chủ tự do thì cũng chẳng biết gì cả.
Một điều chắc ông Nguyễn Phú Trọng không biết, là nước
Mỹ nó thay đổi. Năm mươi năm trước đây, nhiều người da đen sống ở Mỹ còn bị
chèn ép không sử dụng được quyền đi bỏ phiếu, một quyền đã được luật pháp bảo đảm.
Năm 1964, đạo luật về dân quyền đã cấm các thủ đoạn chèn ép, ngăn chặn đó. Và
bây giờ thì một người da đen đang làm tổng thống. Năm mươi năm trước, nhiều tiểu
bang còn cấm người da đen không được kết hôn với người da trắng. Năm nay, họ có
quyền lấy nhau. Không những thế, còn được phép lấy cả người cùng tính phái nữa!
Một quốc gia tiến bộ được là nhờ thay đổi, chấp nhận
thay đổi và dám thay đổi. Đảng Cộng Sản đã kìm hãm không cho cơ chế chính trị
nước ta thay đổi, cho nên nước Việt Nam bây giờ lạc hậu nhất trong vùng Á Đông
và Đông Nam Á.
Một điều khác ông Nguyễn Phú Trọng nên học, là các
thẩm phán ở Mỹ không nghe lệnh của đảng chính trị, dù đảng đang cầm quyền hay
không. Ông John Roberts được một vị tổng thống Đảng Cộng Hòa đưa lên làm chánh
án Tối Cao Pháp Viện, cách đây 10 năm. Nhưng trong một năm qua, ông đã hai lần
bỏ phiếu phán quyết cho đạo luật cải tổ y tế của ông Obama, một tổng thống thuộc
Đảng Dân Chủ, là hợp hiến. Ngay trong lần ra Thượng Viện điều trần trước khi được
các nghị sĩ chuẩn y, ông Roberts đã xác định rằng vai trò các quan tòa giống
như các trọng tài trong trận banh. Ông nhân danh các thẩm phán tuyên bố, “Chúng
tôi không thuộc Đảng Dân Chủ, cũng không Cộng Hòa” khi làm nhiệm vụ thẩm phán.
Tháng Hai năm 2015, hai thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, Ruth Ginsburg và Elena
Kagan, cùng do các vị tổng thống Dân Chủ đề cử, nhưng họ đã bỏ phiếu trái ngược
nhau trong cùng một phán quyết. Cũng vậy, ông Clarence Thomas, vị thẩm phán tối
cao thuộc Đảng Cộng Hòa nổi tiếng bảo thủ nhất, trong năm qua đã hai lần bỏ phiếu
cùng một phía với các vị thẩm phán thuộc phái cấp tiến do Đảng Dân Chủ đưa lên.
Đảng Cộng Sản đã quen thói sai bảo các thẩm phán như
đầy tớ, tòa án là một công cụ đảng dùng để bỏ tù những nông dân uất ức muốn kêu
oan, những người Việt yêu nước chống Trung Cộng, và tất cả những công dân không
đồng ý với chính sách của đảng. Vì vậy Đảng Cộng Sản đang ngăn cản không cho nước
Việt Nam thay đổi, không cho nước Việt Nam tiến bộ.
Trong bài thuyết trình tại CSIS, ông Nguyễn Phú Trọng
còn nhắc tới chuyện Hồ Chí Minh và Mỹ. Ông kể rằng những người ngoại quốc đứng
bên cạnh Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 năm 1945 đều là người Mỹ. Ông quên không
nói rõ rằng đó là thủ đoạn của ông Hồ để “dọa” các đảng phái quốc gia không Cộng
Sản. Ông Hồ dùng các sĩ quan tình báo Mỹ OSS để tạo ra hình ảnh ông “được Mỹ ủng
hộ.” Chính ông Bảo Đại chịu thoái vị nhượng quyền cũng vì tưởng Mỹ đứng sau
lưng ông Hồ! Việc Hồ Chí Minh viết thư xin kết thân với Mỹ nhưng bị bỏ rơi, ông
Trọng cũng nhắc lại và tỏ ý tiếc rẻ. Nhưng vào lúc đó mối lo lớn nhất của chính
quyền Mỹ là cuộc xâm lăng của Chủ Nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới. Các cơ
quan tình báo quốc tế đều biết ông Hồ là một điệp viên của Nga Xô. Chính quyền
Mỹ hồi đó mà ủng hộ ông Hồ thì cũng không khác gì một chính quyền Mỹ bây giờ ủng
hộ tay thủ lãnh al Qaeda nào đó làm chủ tịch một nước Trung Đông! Họ đã đủ hồ
sơ về Hồ Chí Minh rồi, không cần phải chờ đọc những bài ông viết (trích dẫn
trên đây) mới biết hết bụng dạ ông ta ra sao!
Tuy nhiên, nếu ông Nguyễn Phú Trọng kể lại các chuyện
trên chỉ để biện minh cho đường lối “Quy Mã” của Đảng Cộng Sản, thì phải khuyến
khích ông cứ tiếp tục nói. Những câu chuyện đó nên được kể nhiều lần trong nội
bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam để thuyết phục tất cả các đảng viên rằng phải nhờ nước
Mỹ giúp mới tạo được thế cân bằng đối đầu với Trung Cộng. Hơn thế nữa, các đảng
viên cộng sản còn nên học tập những nền nếp trong đời sống dân chủ tự do ở nước
Mỹ. Hơn 16,000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Mỹ có cơ hội học ngay tại chỗ.
Đời sống nước Mỹ có cái hay và cái dở; người nhìn thấy
nhiều cái hay hơn, người thấy nhiều cái dở hơn. Nhưng nó thay đổi, nó không đứng
ỳ một chỗ. Chính nhờ thế nó tiến bộ. Nước Mỹ quý trọng tự do. Người Mỹ bảo vệ
bình đẳng trong cơ hội. Những kẻ ngăn cản các quyền tự do, bình đẳng sẽ bị pháp
luật trừng phạt. Người Mỹ tự quyết định đời sống của mình chứ không bao giờ “nhờ
ơn đảng.” Guồng máy cai trị nước Mỹ có phân ra ba quyền, cân bằng và kiểm soát
lẫn nhau. Cơ chế đó bảo đảm tự do và bình đẳng. Chỉ cần học mấy điều này thôi,
chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn hữu ích.
No comments:
Post a Comment