11.07.2015
Một luật sư nhân quyền nổi tiếng tuyên bố bản án hai
năm rưỡi tù giam anh vừa hoàn tất càng tô đậm thêm ý chí tranh đấu của anh cho
một đất nước Việt Nam tự do - dân chủ thật sự.
Luật sư vì người nghèo, Lê Quốc Quân được quốc tế biết
đến kể từ sau xuất học bổng của Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ Hoa Kỳ NED và cũng từ
sau đó, anh liên tục bị nhắm mục tiêu sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm liên quan đến
các hoạt động cổ súy ôn hòa kêu gọi tự do tôn giáo và tự do chính trị cho người
dân Việt Nam.
Bản án Hà Nội dành cho anh về tội danh ‘trốn thuế’
cách đây 30 tháng đã khiến cộng đồng quốc tế và rất nhiều tổ chức bảo vệ nhân
quyền trên thế giới chỉ trích là có động cơ chính trị và mạnh mẽ lên án thành
tích nhân quyền của Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên VOA sau
ngày mãn hạn tù, luật sư Lê Quốc Quân chia sẻ mơ ước và dự định của anh trên chặng
đường sắp tới.
Ls
Quân: Lần giam cầm này khác với mấy lần trước nhiều lắm,
họ điều tra Quân về nhiều phương diện với nhiều cáo buộc khác nhau cho nên rất
đau đầu và phức tạp, mãi đến sau họ mới tập trung về thuế. Tuy nhiên, trong suốt
mười mấy tháng điều tra họ không hề lấy được một lời khai hay có một chữ ký nào
của Quân cả. Khi có án rồi, Quân bị giam ở khu các tù nhân chính trị, điều kiện
sinh hoạt đỡ hơn về mặt vật chất, nhưng về mặt tinh thần là một áp lực rất lớn
vì bị giam riêng giống như một nhà tù bên trong một nhà tù nữa.
Trà
Mi: Anh bị tuyên
án về tội danh ‘trốn thuế’, vì sao anh bị giam chung khu với các tội danh về
‘an ninh quốc gia’?
Ls
Quân: Thật ra, tội ‘trốn thuế’ chỉ là họ cáo buộc chứ bản
chất đây là một án chính trị. Quân bị kết án vì các hành vi chính trị của mình
và do các quyết định chính trị của cấp trên. Cho nên họ đối xử với mình như một
tù nhân chính trị.
Trà
Mi: Tù chính trị
hay còn gọi là tù nhân lương tâm, Việt Nam là nhà tù lớn nhất giam giữ tù nhân
lương tâm. Sự thật sau song sắt trại giam thế nào thưa anh?
Ls
Quân: Sau Luật Thi hành án 2011 nên có những cải thiện nhất
định, nhưng vì Luật này trước đây chưa được đưa vào nên nhiều người tù vẫn phải
cam chịu. Đối với tù thường phạm, vợ chồng được thăm gặp 24 tiếng/tháng. Nhưng
đối với tù chính trị, mỗi tháng được gặp không quá 1 tiếng, có thể chừng 5-10
phút họ đã bắt dừng, tùy theo. Khi tôi vào trại An Điềm, các bạn ban đầu phải
đi lao động, nhưng sau đó tôi đấu tranh nhiều, dần dần họ bỏ luôn. Từ tháng 11
tới nay không thấy các bạn bị buộc lao động nữa.
Trà
Mi: Anh là một
trong những nhân vật bất đồng chính kiến được quốc tế ủng hộ có thể là mạnh mẽ
nhất, nhưng vẫn không được giảm án cho dù một ngày. Theo anh việc đó nói lên điều
gì?
Ls Quân: Ở góc độ nào đó, họ
cương quyết đối với tôi lắm. Không khoan nhượng từ chỉ đạo cấp trên, nhưng trong
tương tác hàng ngày với quản giáo, tôi cũng làm thay đổi nhận thức được rất nhiều
người. Cũng có những người bị kỷ luật hoặc bị điều chuyển công tác vì quá thân
với tôi hoặc vô tình bày tỏ quan điểm đồng ý với tôi.
Trà
Mi: Đối với anh,
bản án này có ý nghĩa thế nào?
Ls
Quân: Thật sự đây là một bản án oan cho tôi. Trước khi ra
tù, tôi đã khởi động chuyện phải đòi công lý cho chính mình. Vụ án này phản ánh
một sự thất bại hoàn toàn về tư pháp, không phản ánh đúng bản chất sự việc hay
đúng công việc của tôi nhưng rất nặng nề. Hình thức là họ đánh phá kinh tế gia
đình tôi, bắt cả em tôi và bắt công ty tôi phải nộp tiền phạt cùng nhiều việc
khác nữa. Đây là một đối sách rất lớn của họ, cho thấy cách họ nghiên cứu chúng
tôi thế nào, đưa bản án thế nào, âm mưu triệt hạ cá nhân tôi rất lớn. Cũng nhờ
trời và sự giúp đỡ của mọi người, tôi vẫn mạnh mẽ. Gia đình tôi cũng đã vượt
qua những khó khăn nhất định.
Trà
Mi: Trước khi bị
bắt, anh nói anh tin một ngày không xa Việt Nam sẽ có tự do - dân chủ thật sự.
Sau bản án này, niềm tin đó nhạt đi hay đậm màu thêm? Cho tới giờ này, anh thấy
còn cách ‘ngày không xa’ đó bao xa nữa?
Ls
Quân: Câu hỏi của chị rất hay và là điều tôi suy nghĩ
hàng đêm trong tù. Niềm tin của tôi không hề phai nhạt, thậm chí đậm màu sắc
hơn. Thế nhưng, chính quyền Việt Nam vẫn đang là một chính quyền trung ương tập
quyền rất mạnh, chưa có đối lập. Cho nên, khả năng có một lực lượng thay thế là
rất khó, ở tương lai không gần. Nhưng vì có những tác động về mặt kinh tế -
chính trị-xã hội cùng ảnh hưởng từ nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc, cho nên có
thể có những diễn biến bất thường. Ngay chính trong nội bộ những người theo đảng
cộng sản cũng có thể cũng ý thức rằng cần phải bảo vệ dân tộc này.
Trà
Mi: Anh nói ước vọng
lớn nhất của anh là tự do-dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam. Có bao giờ anh cảm
thấy ước vọng của mình lẻ loi. Nếu có sự đồng lòng của tập thể, chắc mọi việc
đã khác đi rất nhiều?
Ls
Quân: Mong ước tột bậc của tôi là như thế và chắc chắn nó
sẽ đến được như thế ở Việt Nam vì con người Việt Nam là tốt lắm. Vì họ vướng
vào cái chủ nghĩa thôi chứ về độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền thì người Việt
Nam nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với nhau. Một ước vọng tốt đẹp ở dân tộc có những
con người tốt đẹp thì có thể tự giải quyết vấn đề tốt đẹp thôi. Hoàn toàn không
thấy lẻ loi chút nào, tôi cảm thấy một sự đồng lòng chung của người dân Việt
Nam. Tuy nhiên, cách thức giải quyết thì có khác nhau. Góc nhìn về phương pháp
có khác nhau cho nên có thể chưa đạt được sự đồng thuận. Nhận thức về xã hội và
mong ước là đồng thuận, nhưng phương pháp tiến hành, cách thức thực hiện còn những
khác biệt. Chính điều đó làm cho nó hơi chậm hơn.
Trà
Mi: Có những bài
báo của nhà nước nói anh ‘khoác áo’ yêu nước để chống nhà nước, đòi thay đổi chế
độ, rằng động cơ thật sự của anh đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của
nhân dân. Họ đặt câu hỏi ‘Có thể đóng góp được gì khi mục đích và hành động chỉ
nhằm ‘đạp đổ’ mà thôi?’ Anh phản hồi thế nào?
Ls
Quân: Tôi đã đóng thuế, tạo công ăn việc làm, xây dựng đất
nước này. Tôi không chỉ lo cho cá nhân mình, mà tôi khát khao một cơ chế để đất
nước mình phát triển, trở nên thịnh vượng để đảm bảo chủ quyền. Nghèo khó làm
sao bảo vệ chủ quyền. Vì sao nghèo khó? Vì cơ chế, vì quan liêu, vì tham nhũng,
vì không có một cơ chế kinh tế-xã hội-chính trị dung hợp và tự do hơn để người
ta phát huy khả năng của mình. Khi người ta có tự do, dân chủ, đối lập, tức là
không có độc tài thì kinh tế phát triển, đất nước hùng cường hơn. Tôi đã viết,
đã làm, và chịu đựng tù đày vì điều đó. Không chỉ tôi mà tất cả anh em gia đình
tôi đều bị đối mặt với khó khăn.
Trà
Mi: Phải chăng vì
có sự khác biệt trong niềm tin và lý tưởng về dân chủ? Có người nói vì thể chế
chính trị, vì môi trường xã hội khác nhau giữa xã hội chủ nghĩa và xã hội tư bản
nên phải chấp nhận dân chủ xã hội chủ nghĩa khác với dân chủ tư bản. Từng
nghiên cứu về dân chủ ở Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ Hoa Kỳ và kinh qua thực tế ở Việt
Nam, anh suy nghĩ thế nào?
Ls
Quân: Trong các hình thức dân chủ, dân chủ tư bản đang áp
dụng tại phần lớn các nước trên thế giới hiện nay là ưu việt hơn, tiến bộ hơn. Ở
Việt Nam, những người lãnh đạo đảng cộng sản trung thành với lý tưởng Mác-Lê và
lý tưởng của cộng sản. Lẽ ra họ chỉ lãnh đạo trong đảng mà thôi, nhưng họ lại đồng
thời lãnh đạo đất nước, giữ vị trí rất cao trong cơ quan dân cử. Rõ ràng đây là
dấu hiệu của sự độc tài. Tất cả chỉ do bên đảng vì Hiến pháp quy định đảng độc
quyền lãnh đạo. Mặc dù chỉ những người cộng sản bầu lên các lãnh đạo đó, nhưng
các lãnh đạo đó lại lãnh đạo toàn bộ đất nước. Như vậy, tính dân chủ và đại diện
nhân dân đã bị cướp mất.
Trà
Mi: Bằng luật sư
không còn nữa, công việc kinh doanh thì phá sản, con đường phía trước của anh
sau án tù này thế nào?
Ls
Quân: Ngoài án tù, họ còn bắt phạt tôi trên 1,2 tỷ nữa.
Có rất nhiều áp lực khác nữa không chỉ lên tôi mà còn lên các em và gia đình của
tôi. Đối với tôi, tôi không bao giờ từ bỏ những điều tôi đã nói, nhưng phương
pháp bây giờ, tôi có cái nhìn rộng lượng hơn đối với những người đối lập với
mình để cách thức làm việc sao cho ôn hòa và chuẩn mực nhất. Còn việc ra nước
ngoài, tôi cũng đã có cơ hội nhưng tôi không muốn. Tôi lạc quan về tương lai đất
nước và yêu quý con người Việt Nam.
Trà
Mi: Nhân quyền Việt
Nam lại được nhắc tới nhân chuyến Mỹ du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là luật
sư bảo vệ nhân quyền, anh muốn nhìn thấy điều gì sau sự kiện quan trọng này?
Ls
Quân: Điều tôi mong muốn nhìn thấy nhất là sự cải thiện
nhân quyền Việt Nam. Đây là khát khao thật sự của tôi. Tôi nghĩ Mỹ đang có vị
trí hết sức quan trọng, hết sức lớn đối với chính phủ Việt Nam. Cho nên, Hoa Kỳ
có thể làm rất nhiều để tác động cho sự cải thiện nhân quyền của Việt Nam ngày
càng tốt hơn.
Trà
Mi: Xin cảm ơn anh về thời gian dành cho cuộc trao đổi
này.
No comments:
Post a Comment