Võ Thị Hảo
Sun, 07/12/2015 - 04:44 — autum
Việc Tổng Bí thư Đảng CS VN được Tổng thống Mỹ đón
tiếp tại Nhà Trắng đã khiến rất nhiều người quan tâm đến vận nước phấp phỏng hy
vọng.
Đảng Cộng sản VN đã có phần thay đổi theo khuynh hướng
tôn trọng quyền lợi của đất nước?
Một sự cải thiện về chất trong mối quan hệ Mỹ - Việt?
VN có cơ cải cách thể chế theo chiều thướng tiến
bộ, có dân chủ và nhân quyền?
Những văn bản quan trọng cam kết về lộ trình thực hiện
để có thể thay đổi thể chế độc tài độc đảng sẽ được ký kết? Một hợp tác quân sự
đủ lớn ở mức VN có thể kiềm chế được cái lưỡi tham lam của TQ và giữ hòa bình ổn
định lâu dài?
Nhưng sau cuộc họp báo và bản Tuyên bố Tầm nhìn
chung Việt Nam- Hoa Kỳ được công bố ngày 7/7/2015, nhiều người đã thất vọng.
- Giẫm chân tại chỗ
Theo nội dung đã công bố, hai bên vẫn chỉ là „đối
tác hợp tác toàn diện“. Mà hợp tác toàn diện, thì ông Trương Tấn Sang đã
ký với Mỹ từ cách đây 2 năm, cần gì phải đến chuyến đi này của ông Trọng!
„Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng
thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ nhằm xây
dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ…. Quan hệ Đối tác Toàn diện mới
sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị
và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục
và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và
an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch“.
Như vậy, về vị trí đối tác, sau rất nhiều nỗ lực của
Tổng thống Obama, Mỹ cũng vẫn nằm tại vị trí hai năm trước, chỉ là một
trong mười một nước „đối tác toàn diện“ của VN, ngang hàng Chile và Malaysia!
Cho đến giờ này, VN vẫn giữ lập trường cộng sản,
chỉ „hợp tác chiến lược toàn diện“ với Trung quốc (năm 2008) và Nga (2012).
Theo định nghĩa thì Đối tác toàn diện là
quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến
mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn
nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi…
Đối
tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu
dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả
các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy
lẫn nhau ở cấp chiến lược.
- Vế đối „đạo văn“ TQ
“Thú vị,” “sâu sắc,” “ngỡ ngàng,” “kỳ diệu,” “hết sức
tâm đắc”… đó là những mỹ từ mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng trong
phát biểu với Tổng thống Obama và trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc chiêu
đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì.
Nguyễn Phú Trọng còn đưa ra một vế của câu đối –
ngay cả điều này cũng mang phong cách đặc quan thầy TQ - để tán dương quan hệ
VN và Mỹ:
“gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy
tương đồng, hướng tới tương lai”.
Ngay nội dung của „16 chữ bạc“ này cũng thể hiện một
ý nghĩa hợp tác hời hợt, chỉ là gác lại quá khứ, khác biệt, phát huy những điểm
giống nhau mà thôi. Điều đó khác hẳn với nội dung hợp tác với TQ - nước đã xâm
lược VN và nhiều năm nay đã bằng mọi cách, như con trăn nuốt dần VN.
Người ta không thể không nhớ lại, năm 1999, trong
tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc đã khái quát phương châm “16 chữ vàng” với
Việt Nam, cụ thể như sau: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu
dài, hướng tới tương lai”.
- Ký, nhưng là những văn bản hợp tác vòng ngoài
Nếu được kể là nội dung mới trong Tuyên bố Tầm nhìn
chung Việt Nam- Hoa Kỳ thì không đáng kể.
„...Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với
các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải
cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể
cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về
Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc…“
Ngay khi TQ đang xâm lấn VN, nhà cầm quyền VN vẫn
liên tục ký những văn bản hợp tác bất bình đẳng và im lặng trước sự xâm lược của
TQ. Chỉ trong năm 2015 đã dồn dập ký tới hàng chục văn bản ảnh hưởng cốt tử,
gây nguy hiểm cho VN, luôn „thọ mệnh“ từ quan thầy TQ qua cái gọi là Ủy ban chỉ
đạo hợp tác song phương“…
Trong khi đó các hiệp định và thỏa thuận vừa ký với
Hoa kỳ chỉ là : Hiệp định
tránh đánh thuế hai lần và ngăn lậu thuế, Bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa
bình Liên hợp quốc, chương trình các mối đe dọa đại dịch mới nổi, an ninh y tế
toàn cầu, về hàng không dân dụng và giấy phép lập Đại học Fulbright VN.
Đó chỉ là những văn bản hợp tác „vòng ngoài“, chưa
thể tạo ra một cải cách, một thay đổi về chất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Chữ „tăng cường“ trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt
Nam- Hoa kỳ ngày 7/7/2015 được nhắc lại đến 9 lần.
Số lượng hình dung từ này nhiều đến mức gợi nhớ đến
nghị quyết của Đảng cộng sản và bản kế hoạch, chương trình hành động của chính
phủ VN. Người VN đã dị ứng với những từ như „đẩy mạnh“, „tăng cường“, „làm sâu
sắc hơn“, „thúc đẩy“… Họ biết rằng với Hoa kỳ có thể tin vào những lời hứa đó
nhưng VN thì thường chỉ là hứa suông, thậm chí làm ngược lại.
* Sự
hài lòng của TQ
Kết cục giống như những người thực tế đã dự tính. Mặc
dù Mỹ đã tạm thời bỏ qua tất cả những khác biệt về thể chế, những vi phạm
nhân quyền …để chìa cánh tay cho VN, nhưng một VN giảo hoạt vẫn lặp lại những
bài nói đã cũ mèm, nghe thì đầy những hình dung từ kêu như chuông nhưng cuối
cùng vẫn chỉ bộc lộ bản chất bên trong: hăng hái gia nhập TPP, mong ông Mỹ thể
tất cho để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Tiền đầu tư thì nhận nhưng
điều cốt tử của nhà cầm quyền là giữ thể chế cộng sản độc tài, hợp tác chỉ ở mức
hời hợt…
Những lời hoa mỹ về hứa hẹn hợp tác tăng cường nhân
quyền được nhắc đến nhiều lần. Nhưng cơ sở để tin là VN sẽ thực hiện thì gần
như bằng không, vì từ năm 2013, sau khi ông Sang ký với Mỹ một văn bản hợp tác
toàn diện, nhà nước CSVN đã tăng mức độ đàn áp người bất đồng chính kiến, dân
oan, bạo lực xã hội và tham nhũng cũng tăng vọt. 2015 là năm của những vụ
tàn sát cả gia đình vô cùng tàn bạo. Số lượng công an, an ninh xã thôn xóm…là
khổng lồ, tiêu phí rất nhiều tiền thuế của dân nhưng chủ yếu để đàn áp những tiếng
nói bất đồng hoặc để phục vụ cho việc bảo kê lợi ích của quan chức chính quyền…
- Quan hệ đồng minh: xa vời
Qua chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, có thể thấy
rằng một khi còn thể chế chính trị cộng sản độc tài, sự lệ thuộc của họ vào TQ
gần như tuyệt đối.
Dù nhà cầm quyền cộng sản VN đi đâu, làm gì, dù họ
có đặt chân tới vương quốc tự do nào, thì „con rắn Trung hoa“ trong tay áo họ vẫn
nhả nọc độc ngấm vào tim họ, sai khiến họ theo những tiêu chí quyền lợi của TQ.
Rất tiếc là quyền lợi này luôn đi ngược quyền lợi của đất nước VN.
Viết cho BBC, Tiến sĩ Vũ Tường, Phó Giáo sư, Đại học
Oregon nhận định:
„…Qua việc bày tỏ
thiện chí, chính quyền Obama có thể thuyết phục Bộ Chính trị chấp nhận viết vào
Hiệp định TPP một vài câu mơ hồ về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để Quốc Hội
Mỹ dễ chấp thuận hơn.
Washington cũng có
thể hy vọng công an Việt Nam thả một vài nhân vật đối kháng và giảm bớt việc bắt
bớ đàn áp trong một giai đoạn nào đó.
Có thể tiên đoán
Washington sẽ đạt được những mục tiêu khiêm tốn trên…
Thứ hai, vì sao Việt
Nam nhận lời?
Tại sao ông Trọng
(và trước đó là Nghị và Quang) nhận lời đi Washington?
Áp lực từ Trung Quốc
và đấu đá nội bộ là những lý do chủ yếu…“
Chuyên gia này cũng đã tiên đoán một cách thuyết phục
về xu hướng sắp tới :
„…Nhìn xa hơn chuyến
đi, những xu hướng căn bản của chính trị Việt Nam cho phép chúng tôi tiên đoán
ba điều sau đây:
Thứ nhất, Hiệp định
Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thông qua, nhưng kinh tế Việt
Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc nhiều hơn;
Thứ hai, chiến
tranh Việt-Trung sẽ không xảy ra dù Trung Quốc ngày càng lấn lướt;
Và thứ ba, lệnh cấm
vận vũ khí sát thương của Mỹ sẽ được giỡ bỏ phần lớn, nhưng quan hệ đồng minh
thực sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn xa vời“. “ (theo BBC – Toàn cảnh chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng.
7/7/2012)
Cũng có thể thấy sự đắc ý của TQ qua Hoàn Cầu Thời
báo của Trung Quốc ngày 8/7 trong bài xã luận về chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn
Phú Trọng.
“…Một số nhà
quan sát và trí thức Mỹ có thể muốn đưa Việt Nam vào trại của Mỹ để chống Trung
Quốc. Mục tiêu này dường như luôn hiển hiện, nhưng mãi mãi không làm được.
…Trung Quốc không cần
làm ầm lên trong khi Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ bình thường…
Cho đến nay, không
nước nào có lợi khi mời Mỹ vào can thiệp tranh chấp với Trung Quốc. Thực tế,
chuyện này sẽ chỉ thất bại.”
Xem đó để biết rằng, dù có những tín hiệu tốt hơn về
bang giao Việt – Mỹ, nhưng nước Mỹ và những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền
cùng cải cách thể chế ở VN sẽ hoàn toàn bị ngăn trở nếu chưa xóa bỏ được thể chế
cộng sản độc tài.
Bởi chế độ này chung một „dây rốn“ ăn vào „tử cung“
của nhà độc tài TQ.
Trong sự kiềm tỏa của „dây rốn“ đó, dẫu ông
Nguyễn Phú Trọng hay ai đó bỗng bất chợt ăn năn thì cũng đã bị trói tay.
Vẫn phải vững chí bền gan, Việt Nam ơi!
VTH
No comments:
Post a Comment