HÃY NÓI CÁI NGƯỜI TA THÍCH NGHE, ĐỪNG CHỈ NÓI CÁI MÌNH QUAN TÂM
Ở Việt Nam, có nhiều lúc rất mệt mỏi, nhưng hoàn
toàn không phải do chuyện gì xuất phát từ chính mình. Chẳng hạn, đó là khi
chúng ta nhận được những tin nhắn FB từ một ai đó - thường là các bạn trẻ -
than rằng họ bày tỏ chính kiến, rồi họ bị người thân, bạn bè xa lánh, cô lập, bị
trường học / cơ quan nhắc nhở, và nặng nề nhất là bị công an địa phương hăm dọa,
quấy rối.
Sự mệt mỏi chuyển thành lo sợ khi họ kêu muốn chết,
muốn tự sát, vì không thể sống trong tình trạng cô đơn, tuyệt vọng vậy được, và
cũng vì muốn thức tỉnh mọi người khác.
Không phải là bác sĩ, không có kiến thức về tâm lý học,
đã không ít lần chúng tôi phải hốt hoảng nhắn tin, gọi điện điên loạn để ngăn một
bạn trẻ làm điều dại dột, hoặc phải hộc tốc phóng xe máy đến gặp họ, năn nỉ, dỗ
dành, an ủi, rồi... tìm cách đưa họ vào bệnh viện.
* * *
Tôi đã xem Facebook của những bạn trẻ như thế, và thật
sự thấy thương khi họ viết những status rất mạnh mẽ chỉ trích chính quyền (có
nhiều chỗ còn viết sai chính tả), hoặc share lại status của các blogger hoạt động
dân chủ, và ở dưới, thể nào cũng có comment. Tiếc là comment hưởng ứng họ thì
ít, comment khuyên nhủ, trách móc, thậm chí chửi bới họ, thì nhiều. Nhẹ nhàng
nhất cũng là những comment kiểu như “dạo này làm sao thế?”, “bình tĩnh lại đi”,
“cẩn thận đấy”, “đi quá xa rồi đấy”...
Giữa một cộng đồng như thế, họ cô đơn, tuyệt vọng là
phải. Chưa kể kè kè bên họ còn là trường học/ cơ quan, tổ dân phố, công an địa
phương... những đối tượng thay vì khuyến khích thì lại vùi dập họ, chà đạp lên
những điều mà họ tin tưởng là tốt đẹp nhất.
Nhưng vấn đề dường như cũng xuất phát một phần nhỏ từ
họ, từ sự nôn nóng muốn “khai dân trí” của họ.
Tôi đã chứng kiến nhiều người như vậy. Thật sự họ đầy
nhiệt tình và rất có thiện tâm. Họ muốn làm những người khác cũng hiểu về tự
do-dân chủ, cũng biết đến “tội ác cộng sản”, đến sự tàn bạo của công an và sự
tham nhũng, thối nát, độc tài của chính quyền. Ở đâu, gặp ai, vào bất kỳ lúc
nào, họ cũng sẵn sàng nói cả tiếng đồng hồ, mạnh mẽ và sôi nổi, về những cái
đó. Trên mạng cũng vậy, họ viết rất nhiều status chính trị, và khi nhận được
các comment khuyên nhủ, răn dạy hay chửi bới, họ lại bỏ thời gian trả lời rất
dài dòng, lằng nhằng. Nhiều khi cuộc tranh luận kéo dài tới vài chục comment chỉ
để cả hai bên đều điên tiết vì đối phương.
Ở Việt Nam cũng như trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ,
tôi đã từng chứng kiến nhiều người như thế. Họ nhiệt tình, tâm huyết. Nhưng khổ
thay, cách “tuyên truyền” xấn xổ, ồ ạt, tranh thủ mọi lúc mọi nơi của họ, thay
vì làm người xung quanh thay đổi, lại chỉ khiến các cử tọa bất đắc dĩ phản ứng
ngược: Người ta sốt ruột, khó chịu, rồi thì bực bội, hoặc ít nhất cũng ngạc
nhiên vì phải nghe một chủ đề chẳng liên quan gì.
Quá mong muốn “khai dân trí” và “tuyên truyền, vận động”,
họ đã bỏ quên một trong các nguyên tắc căn bản khi muốn hùng biện: HÃY NÓI CÁI
NGƯỜI TA THÍCH NGHE, ĐỪNG CHỈ NÓI CÁI MÌNH QUAN TÂM.
* * *
Tôi viết những điều này, rất giống như đang dạy đời,
nhưng tôi vẫn đành phải viết vì biết đâu, nếu may mắn mà những gì tôi nói đủ
thuyết phục thì chúng tôi sẽ ít phải mệt mỏi và lo sợ vì những bạn trẻ đang tuyệt
vọng và muốn làm điều dại dột.
Các bạn trẻ thân mến ơi!
1.Cuộc sống là quý giá, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện
tử tự. Nếu bạn muốn cộng đồng/ xã hội/ đất nước thay đổi, thì càng phải sống để
góp phần làm cho nó thay đổi. Nhất là đừng bao giờ ảo tưởng rằng cái chết của bạn
sẽ thức tỉnh mọi người.
2.“Dục tốc bất đạt”, Hà Nội không vội được đâu (và cả
Việt Nam đều thế). Khai dân trí, truyền bá các kiến thức về dân chủ, nhân quyền,
khoa học chính trị... lĩnh vực gì cũng tốt, nhưng bạn đừng làm việc đó một cách
mạnh mẽ, hăng hái, xấn xổ quá, người ta sợ.
Muốn truyền bá kiến thức, bạn phải nắm rất vững nó
và nhất là bạn phải thực hành nó trước. Nếu bạn tin chắc dân chủ-tự do là các
giá trị tốt cần phổ cập, bạn hãy “thị phạm” nó cho mọi người xem. Hãy để mọi
người thấy rằng từ khi quan tâm đến chính trị, bạn bỗng trở nên tốt hơn, lương
thiện hơn và giỏi hơn, tóm lại là tích cực hơn, chứ bạn không phải là một kẻ
gàn dở, bất mãn, tệ hơn nữa là hằn học, thù hận.
3. Bạn không nhất thiết phải bày tỏ chính kiến mạnh
mẽ trên mạng hay share những nội dung do các blogger chính trị viết (tất nhiên,
nếu bạn share status này thì tôi rất cảm ơn grin emoticon ,
nhưng nếu không cũng không sao). Đừng lo mọi người xung quanh chậm tiến; chắc
chắn họ sẽ chịu ảnh hưởng của bạn và sẽ thay đổi theo hướng tích cực, nếu bạn đủ
tích cực.
4. Và cuối cùng, dù sao đi nữa, khi bạn đi trước cộng
đồng và/hoặc nghĩ khác số đông thì cảm giác đơn độc là không tránh khỏi, nhưng
đó là cái giá phải trả cho sự “khác với đa số”. Đa số dân Việt Nam không quan
tâm đến chính trị, triết học, di truyền học, nhạc giao hưởng, v.v. cho nên hãy
tin là chẳng riêng bạn, các triết gia/ nhà khoa học/ nghệ sĩ... cũng cô đơn cả.
Chỉ có cái khác giữa họ và bạn là họ không bị an ninh sách nhiễu, nhưng suy cho
cùng thì ngay cả việc đó cũng chỉ là một chuyện nhỏ trong cuộc đời này.
No comments:
Post a Comment