Thursday, July 23, 2015

Giở mặt vì tiền (Người Buôn Gió)



Thứ Năm, ngày 23 tháng 7 năm 2015
Ngân hàng thế giới World Bank vừa công bố con số bất ngờ của nợ công Việt Nam: 110 tỉ USD, tức tương đương với 2,35 triệu tỷ đồng, vượt xa số liệu 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính từng đưa ra đầu năm 2014. Nếu tính vui, chia số nợ này trên đầu của 90,7 triệu dân của Việt Nam, thì mỗi công dân đang gánh khoảng trên 1.200 USD nợ công, tương đương hơn nửa năm thu nhập trung bình đầu người. 
Con số nợ cộng trên bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nếu xét về tỷ lệ tương đối so với GDP (186,2 tỷ USD), thì nợ công theo tính toán của ngân hàng thế giới WB đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014. Mặc dù Bộ tài chính đã có phản hồi xoa dịu quần chúng rằng mức nợ công vẫn nằm trong phạm vi an toàn dưới 65%, song chi phí trả nợ gia tăng và thâm hụt chi tiêu ngân sách đang làm tình hình tài khóa rơi vào thế bị động và mất cân đối nghiêm trọng. 
Nợ công của Việt Nam có thể vẫn ở mức cho phép, song khả năng sử dụng đồng vốn vay vào phát triển kinh tế có sinh lời hay không, và thời gian sinh lời là bao lâu mới là điều đáng nói.  Đáng sợ nhất là với sự quản lý chồng chéo trong cách chỉ đạo kinh tế vì bộ máy cồng kềnh giữa Đảng và chính phủ. Ví dụ như chính phủ có bộ kế hoạch đầu tư thì bên Đảng cũng có ban kinh tế trung ương. Chưa kể đến trình độ yếu kém của nhân sự và sự đấu đá hại nhau, tham nhũng, quan liêu....
Nhiều tập đoàn nhà nước đã làm bay hơi số tiền vay về không thể nào lấy lại như Vinashin, những công trình bất ngờ đòi phải tăng tiền đầu tư gấp 70% so với dự toán ban đầu như đường sắt trên cao tại Hà Nội , hoặc la liệt trên khắp đất nước những công trình đang xây bỏ dở, không biết bao giờ mới hoàn thành.
Tất cả những điều này nói lên sự đe doạ khả năng trả nợ trong tương lai. 
Việt Nam đang phát hành trái phiếu chính phủ 1 tỷ usd. Số tiền bán trái phiếu này chắc để nhằm mục đích đáo nợ hoặc trả lãi những khoản gấp gáp. Nếu ở lần trái phiếu phát hành trước lãi suất là 4,8 % một năm, thì lần sau đã lên tới 6,75% , lần kế đây đã đến mức 7,9 % một năm. 
Vay lãi cao lần sau để đập trả chỗ vay lần trước cho thấy Việt Nam đang lâm vào thảm cảnh.
Trong tương lai tới đây các nguồn thu của chính phủ Việt Nam sẽ càng hạn chế bởi lộ trình giảm thuế cho các doanh nghiệp và giảm thuế nhập khẩu theo các thoả thuận quốc tế. Các nguồn tài nguyên cạn kiện, cùng với bội chi ngân sách. Hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đã được xoá nợ thuế trước kia, nhưng mới đây con số của bộ tài chính nêu rõ đến 600 doanh nghiệp nhà nước nợ thuế, đứng đầu là tổng công ty Sông Đà Thăng Long nợ 375 tỷ đồng.
 Đẩy nhanh cổ phần hoá có nghĩa là bán tài sản, quyền kiểm soát tài sản doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài thu tiền về để trả nợ vay nước ngoài và nuôi bộ máy hành chính công .  Đó là cách sau cùng để có tiền khi đã bán sạch tài nguyên, cho thuê sạch hết đất đai, xuất khẩu lao động. Nhưng việc bán cổ phần cũng không hề dễ dàng, những người mua họ cần một chính sách kinh tế bền vững , một nền chính trị có tư cách đảm bảo cho đồng vốn họ đầu tư. Việc như vậy không dễ gì làm ngay được trong một vài năm bởi quan điểm chính trị của ĐCSVN.
 Trung Quốc không nằm trong những nước cho Việt Nam vay ODA. Trung Quốc cũng không nằm trong tốp 10 những nước đầu tư trưc tiếp vào Việt Nam ( FDI ). Tổng số tiền TQ đầu tư trực tiếpvào Việt Nam trong 20 năm qua chỉ chiếm 4 % so với 92 nước đầu tư vào Việt Nam. Năm 2010 chỉ có 364 triệu usd, chiếm 1 % tổng số FDI ở Việt Nam.
 Nhưng bằng cách cho vay tín dụng xuất khẩu, hoặc mô hình cho vay nhưng đòi kiểm soát dự án, đòi hỏi lựa chọn nhà thầu thi công Trung Quốc, thậm chí còn sửa thiết kế để phù hợp với trình độ và thiết bị nhà thầu Trung Quốc. Tệ đến mức những thiết bị này bàn giao mà chất lượng sản phẩm không hề theo quy chuẩn quốc tế nào, có khi chỉ ngẫu hứng in tại nơi bàn giao, nhưng áp lực của TQ khiến việc nghiệm thu được trôi chảy. 
Việt Nam thành một nơi để Trung Quốc đổ đi những thiết bị lạc hậu và giải quyết công việc cho người lao động Trung Quốc. Đặc biệt là những dự án huỷ hoại môi trường như nhiệt điện, thuỷ điện, khai thác quặng được Trung Quốc tập trung chú trọng tiếp cập các chủ dự án đia phương đề nghị cho vay và kiểm soát dự án rất nhiều.
Không trông đợi vào người bạn tốt 14 chữ vàng, mặc dù người bạn ấy muốn quan hệ tốt đẹp, muốn thể chế cộng sản Việt Nam đứng vững, nhưng lại không muốn chi tiền một cách đường hoàng, đẹp đẽ để tạo cho Việt Nam có nền kinh tế mạnh. 
Có thể vì nhiều nguyên nhân, nền kinh tế TQ gặp khó khăn và TQ không muốn Việt Nam phát triển mạnh.
Không có tiền thì không giữ được chế độ, hết tiền, nợ be bét, trước mắt cần tiền sống, sau này cần tiền trả nợ. Chẳng còn lối thoát nào khác, chế độ cộng sản Việt Nam tính đường quay sang chơi với Hoa Kỳ để mong hỗ trợ tài chính và được tham gia hiệp định TPP tiếp sức cho nền kinh tế què quặt bởi những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước gây ra.
Chẳng phải sự quay ngoắt với TQ là do nhận thức tiến bộ nào thúc đẩy đảng CSVN. Việc giở mặt quay ngoắt sang chơi với Hoa Kỳ, tất cả là do thiếu tiền mà thôi. Việt Nam không cần đến TQ nữa, khi mà Hoa Kỳ và phương Tây đưa ra điều kiện nhẹ nhàng là thay đổi nhân quyền, kinh tế thị trường mà khỏi phải xoá bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Trước những yêu cầu như thế, với thói gian manh, láu cá, CSVN tin rằng họ có thể trì hoãn hoặc tạo những thứ giả tạo để đối phó qua ngày.
Hy vọng với ngạn ngữ Việt Nam có câu '' gần mực thì đen, gần đèn thì rạng ''.  Hợp tác với Hoa Kỳ về lâu dài sẽ thúc đẩy Việt Nam có sự thay đổi, tiến bộ thực sự từ nhân thức.
Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 14:33 

No comments: