Trọng Thành - RFI
Đăng ngày 08-07-2015
Hôm
nay 08/07/2015, theo AFP, chứng khoán Thượng Hải tiếp tục rớt giá thêm gần 6%,
cho dù chính quyền Trung Quốc và các công ty môi giới chứng khoán có nhiều biện
pháp khẩn cấp. Chỉ trong vòng ba tuần, các sàn chứng khoán Trung Quốc đã bị mất
giá tổng cộng hơn 3.200 tỷ đô la, tương đương với hơn 10 lần GDP của Hy Lạp năm
ngoái.
Ngay từ giữa ngày, chỉ số chứng khoán Thượng Hải sụt
3,89%. Chỉ số này tiếp tục rới dài cho đến cuối ngày với gần 6% (3.507,19 điểm),
có lúc lên đến hơn 8,20%. Chứng khoán Thẩm Quyến cũng sụt giá 2,50% (1.884,45
điểm).
Người phát ngôn của Cơ quan quốc gia quản lý các thị
trường tài chính, Deng Ge, thừa nhận : « Nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư và việc
bán ồ ạt chứng khoán một cách phi lý đã gây ra một áp lực mạnh lên nguồn tiền mặt
của các sàn chứng khoán ». Các chỉ số chứng khoán tiếp tục sụt mạnh hôm nay cho
thấy nỗi lo sợ chưa ngừng lại, cho dù chính quyền đã có một loạt biện pháp.
Nhà môi giới tài chính Zheng Ge, của công ty Wanda
Futures, dự đoán : « sự khủng hoảng của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng dây
chuyền đến các thị trường tài chính khác, gây tâm trạng hoảng loạn ». Và lượng
tín dụng sẽ tiếp tục giảm do không khí hoài nghi bao trùm.
Bắc
Kinh hứa sẽ bơm đủ tiền
Bắc Kinh hứa sẽ cấp « đầy đủ tiền mặt » cho các cơ sở
môi giới tài chính để bảo đảm hoạt động cấp tín dụng cho các nhà đầu tư diễn ra
bình thường. Tuy nhiên, các biện pháp được đưa ra hồi cuối tuần và trước đó dường
như không mang lại kết quả. Hiện tại, hơn 1.300 doanh nghiệp niêm yết đã ngưng
giao dịch, để ngăn chặn chứng khoán sụt giá hơn nữa, như vậy, khoảng 40% số chứng
khoán niêm yết bị tê liệt. Việc một số lượng lớn doanh nghiệp đình chỉ hoạt động
càng khiến số lượng tiền mặt dự trữ giảm xuống.
Đại đa số các nhà đầu tư vào chứng khoán là các cá
nhân, họ thường a dua theo phong trào và vay tiền qua các dịch vụ cấp tín dụng
của các cơ sở môi giới, gọi là « giao dịch ký quỹ » (margin trading). Chính
phong trào này đã thúc đẩy chứng khoán tăng vọt trong năm vừa qua.
Họ
cướp tiền của chúng tôi!
Phóng viên AFP tại Thượng Hải đã trực tiếp chứng kiến
cảnh hàng chục người ở lứa tuổi 70, đang căng thẳng và bất mãn theo dõi diễn biến
của giá cổ phiếu trên màn hình tại một phòng giao dịch chứng khoán. Một người
trong số họ tâm sự đã mất số tiền tương đương một triệu đô la, cùng rất nhiều ảo
tưởng. Ông Gu Yongbiao nói : « Các doanh nghiệp và các định chế đã cướp hết tiền
của chúng tôi. Chính chúng tôi, những người đầu tư cá nhân, đã lấy hết tiền của
mình để trả cho họ ! ». Người nói chuyện với AFP cho biết ông chơi chứng khoán từ
20 năm nay, sau khi rời khỏi một doanh nghiệp Nhà nước. Người đàn ông này cho
biết thêm, ở Thượng Hải, hầu như gia đình nào cũng có một người đầu tư vào chứng
khoán.
Báo mạng Pháp Capital ngày hôm qua (bài « Le
grand n’importe quoi de la Bourse chinose »), đưa ra con số hàng chục
triệu người Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán. Kể từ 2014, hơn 170 triệu tài
khoản mới đã được mở, trong đó chỉ riêng trong tháng 5/2015, tức là trước khi
chứng khoán rớt giá, có gần 20 triệu tài khoản mới.
Theo quan điểm của rất nhiều người, chính quyền
Trung Quốc buộc phải can thiệp mạnh hơn để chấm dứt làn sóng rút vốn, và để
tránh bất bình tăng vọt trong dân chúng.
Một
số giải đáp của phóng viên kinh tế AFP
Để hiểu thêm vì sao chứng khoán Trung Quốc rớt giá mạnh,
sau đây là một số giải thích của phóng viên kinh tế của AFP Albee Zhang.
Vì
sao chứng khoán Trung Quốc lại tăng vọt ?
Chứng khoán Trung Quốc bắt đầu tăng từ cuối năm
2014, đúng vào lúc tỷ lệ tăng trưởng toàn năm của Trung Quốc thấp nhất kể từ 24
năm nay. Sự phục hồi chứng khoán của Trung Quốc được tiếp sức bởi quyết định của
Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 21/11/2014 hạ thấp lãi suất chỉ đạo, lần đầu
tiên kể từ ba năm nay. Song song vào đó, là việc khai trương một sàn giao dịch
kết nối, cho phép các nhà đầu tư quốc tế - thông qua Hồng Kông – có thể mua được
các chứng khoán tại Thượng Hải, và ngược lại, người Trung Quốc có thể mua được
các cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông.
Sang năm 2015, tình hình tiếp tục tươi sáng, chỉ số
Thượng Hải vượt quá ngưỡng 5.000 vào đầu tháng 6/2015, nhờ ở « thành công » của
hệ thống huy động vốn qua các công ty môi giới chứng khoán, gọi là « giao dịch
ký quỹ », một hệ thống cho phép tạo ra nhiều lợi nhuận, nhưng cũng dễ gây thất
thoát. Chỉ số chứng khoán đạt đỉnh ngày 12/06, cao hơn 150% so với cách đó một
năm.
Tại
sao chứng khoán bị rớt ?
Vào thời điểm chứng khoán đạt đỉnh, định chế quản lý
chứng khoán Trung Quốc CSRC tuyên bố muốn giới hạn các hoạt động cho các cá
nhân vay tiền nói trên để đầu tư vào chứng khoán. Ngày hôm sau, cơ quan này đồng
thời cấm cả việc giao dịch với các quỹ cho vay, hoạt động bên ngoài hệ thống
nói trên.
Vào lúc các thị trường mở cửa trở lại, các nhà đầu
tư, lo ngại vì những giới hạn này, bắt đầu thoái vốn, và kể từ đó làn sóng rút
vốn trở nên không kiểm soát được, với kết quả là chứng khoán Thượng Hải mất giá
hơn 30% trong ba tuần. Vốn bị rút mạnh, vì các nhà đầu tư cần tiền để trả các
khoản vay « giao dịch ký quỹ ».
Chính
quyền đã có những biện pháp nào để hỗ trợ thị trường ?
Chỉ số Thượng Hải sụt 7,4% ngày 26/06. Ngày tiếp
theo, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ hạ thấp lãi suất chỉ đạo và
giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Cơ quan quản lý chứng khoán quốc
gia Trung Quốc CSRC đồng thời quyết định giảm nhẹ các quy định giới hạn các hoạt
động « giao dịch ký quỹ », cũng như cho phép giảm các chi phí giao dịch chứng
khoán.
Không lâu sau đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố một
kế hoạch đưa lên sàn chứng khoán một loạt các quỹ hưu trí, và việc nhiều định
chế đầu tư quan trọng của Nhà nước mua các chứng khoán trên thị trường.
Cuối cùng, để tránh xu thế mất giá, CSRC cũng quyết
định giảm số lượng và quy mô của các niêm yết mới, thậm chí còn tạm thời dừng hẳn
hoạt động này.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cấp
tiền mặt cho China Securities Finance Corp, một tổ chức của nhà nước hoạt động
trong lĩnh vực « giao dịch ký quỹ », trong khi đó 21 tổ chức môi giới tài chính
(lớn nhất) thì cho biết sẽ đầu tư ít nhất 120 tỷ yuan (19,3 tỷ đô la) vào chứng
khoán.
Sắp
tới điều gì sẽ xảy ra ?
Không ai thực sự biết được, còn thị trường thì rất
biến động. Các nhà đầu tư, do áp lực buộc phải bán, sẽ phải hạ giá xuống nữa,
cũng có thể những người nhân cơ hội này để mua vào. Trả lời AFP, nhà phân tích
Zhang Qi, thuộc Tập đoàn chứng khoán Hải Thông (Haitong Securities), nhận xét :
« Niềm tin của các nhà đầu tư vào các thị trường bị tan vỡ, khó mà nói rằng thị
trường sẽ bình ổn trở lại, và sẽ hồi phục từ đợt rớt giá này ». Tuy nhiên, người
này hy vọng chỉ số Thượng Hải có thể vọt trở lại ở mức 4.000 điểm trong tháng tới.
Đâu
là những hệ quả có thể của hiện tượng này ?
Một số nhà phân tích cho rằng sự rớt giá mạnh của thị
trường chứng khoán có thể gây hại cho kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ
hai thế giới, có thể dẫn đến các rối loạn xã hội, cho dù Nhà nước độc đảng này
đang kiểm soát được đối lập. Theo một số đánh giá khác, cơn sốt chứng khoán có
thể thêm vào một nửa điểm cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý một, tuy
nhiên sự thay đổi vừa rồi có thể có một tác động ngược trở lại với mức độ tiêu
cực lớn hơn thế nhiều. Theo đánh giá của ANZ Bangking Group (tức tập đoàn ngân
hàng Úc – New Zearland Australia and New Zealand Banking Group Limited), « sự
suy yếu của thị trường chứng khoán cho thấy những lo ngại về các nguy cơ mang
tính hệ thống ».
***
AFP ngày 05/07/2015 cho biết, cách đây ít hôm, Ngân
hàng Thế giới vừa thông báo xóa bỏ một đoạn trong báo cáo về kinh tế Trung Quốc.
Có người cho rằng đây là một hình thức tự kiểm duyệt. Đoạn văn có nội dung bị
xóa bỏ nói trên lên án mạnh mẽ sự mờ ám trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc.
Theo một số nhà quan sát, nguồn tín dụng chủ yếu
thúc đẩy bong bóng chứng khoán nói trên là các khoản cho vay hết sức dễ dãi và
không được kiểm soát tại « thị trường tín dụng không chính thức », với lãi suất
có lúc lên đến 17%./năm. Reuters (ngày 03/07) ghi nhận, việc không có quy chế
kiểm soát khiến việc ước tính quy mô của thị trường này là rất khó.
Theo một số người am hiểu, thị trường hết sức lớn
này cho phép mang lại nhiều khoản lợi nhuận khổng lồ, khi cho vay chứng khoán với
lãi suất cao. Thị trường tín dụng phi chính thức này đặc biệt có sự tham gia của
các ngân hàng thương mại lớn nhất nước, tất cả đều là của Nhà nước, nhiều ngân
hàng có quy mô nhỏ hơn, cho đến vô số các công ty chứng khoán « tư nhân ».
No comments:
Post a Comment