Wednesday, July 8, 2015

Chứng khoán TQ vẫn rớt giá dù chính phủ có biện pháp can thiệp (VOA)





VOA
08.07.2015

Chính phủ Trung Quốc hôm nay công bố thêm các biện pháp để ngăn chặn tình trạng thị trường chứng khoán sụt giảm 30% trong mấy tuần vừa qua, nhưng quyết định này không có mấy tác động trong khi cơ quan điều hành chứng khoán cảnh báo về tình trạng “hoảng loạn.”

Khoảng một nửa trong số tất cả các công ty niêm yết trên hai thị trường chứng khoán Trung Quốc nay đều đăng ký ngưng giao dịch, đóng băng số cổ phiếu trị giá khoảng 1,4 ngàn tỷ. Thêm các công ty đang trải qua tình trạng cổ phiếu sụt giá 10% cũng đã tạm ngưng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Chính phủ đã ra lệnh các công ty được nhà nước hỗ trợ ngưng bán cổ phiếu, và kêu gọi các nhà quản trị và đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường.

Bất chấp quyết định nghiêm khắc này, Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải sụt 5,9% vào lúc đóng cửa – đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2007, sau khi sụt tới 8,2% trong ngày. Chỉ số Tổng hợp Thẩm Quyến, theo dõi tất cả các cổ phiếu hàng đầu trên thị trường đó, sụt 2,94% vào lúc đóng cửa. Các biện pháp đình chỉ giao dịch nhiều chứng khoán đã gây khó khăn cho việc đo lường có bao nhiêu nhà đầu tư đang tìm cách bán tống bán thào cổ phiếu, nhưng cơ quan điều hành chứng khoán Trung Quốc, vốn đã cam kết củng cố thị trường, hôm nay cảnh báo về tình trạng “bán một cách vô lý”.

Tại Hong Kong, nơi gần 800 công ty lục địa được niêm yết, chỉ số Hàng Sinh sụt 1.440 điểm với tỷ lệ sụt 5,84% vào lúc đóng cửa. Chỉ số Taiex, gồm tất cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Loan, sụt dưới 3% vào cuối ngày giao dịch.

Theo ông Francis Cheung, người đứng đầu về sách lược Hong Kong và  Trung Quốc của công ty CLSA Asia-Pacific Markets, “Vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc ngay lúc này là chỉ có người bán mà không có người mua.”

Ông nói, “Một điều rất chắc chắn là việc chính phủ mua sẽ leo thang cho đến khi họ thực sự ổn định thị trường. Tôi tin rằng chính phủ có sức mạnh để làm như thế. Vấn đề là chúng ta ổn định ở mức độ nào?

Hôm nay Trung Quốc cũng làm khó việc định giá hàng trước, trong khuôn khổ một chiến dịch giữ cho giá chứng khoán không tiếp tục rớt mặc dù các nhà phân tích cảnh báo về các hậu quả dài hạn.

Giáo sư tài chính Michael Petis của trường Đại học Bắc Kinh nói, “Mọi nỗ lực loại trừ tình trạng bất ổn đều kèm theo rủi ro sẽ có bất ổn trong tương lai.”

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong một thông cáo hôm nay, cho biết đang theo dõi sát các thị trường và sẽ đề phòng chống lại các rủi ro tài chính có tính chất hệ thống trong khu vực.

Một số nhà quan sát thị trường dự báo tình trạng rối loạn chứng khoán Trung Quốc có thể nổi lên thành một rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu lớn hơn so với vụ khủng hoảng khu vực sử dụng đồng euro.

Nhưng ông Leung của công ty CLSA ở Hong Kong nhận xét rằng các nhà đầu tư trong khu vực bán lẻ Trung Quốc vẫn còn an nhiên tự tại với những mức lời đáng kể trên thị trường chứng khoán trong thời gian tăng giá từ cuối năm ngoái cho đến giữa tháng trước.

Ông Leung nói với đài VOA: “Do đó tôi nghĩ tác động đối với nền kinh tế sẽ rất to lớn. Ngoại trừ ảnh hưởng tiêu cực đối với lòng tin của người tiêu thụ, tác động đối với sự tiêu thụ. Vì thế nó mang tính tiêu cực hơn về mặt tình cảm. Tôi không thấy nhiều rủi ro hệ thống ở thời điểm này.”

 Ông Roger Tan, tổng giám đốc Voyage Research ở Singapore, nêu ra rằng các thị trường Trung Quốc bị chi phối bỏi các nhà đầu tư cá nhân thiếu tinh tường, chiếm khoảng 85% giao dịch và hiện đang học một bài học đau đớn.

Ông Tan nói với đài VOA: “Nếu ta không xử lý rủi ro một cách thỏa đáng thì ta sẽ bị cháy. Và một số bọn họ đang bị cháy nặng, rất nặng. Và tôi còn nghe được nhiều câu chuyện nói rằng nhiều nhà đầu tư đã bị cháy rất nặng. Một nửa hay toàn bộ khoản tiền tiết kiệm của họ đã bị xóa sạch.”

Ông Tan giải thích rằng chính phủ Trung Quốc phải chia sẻ một phần trách nhiệm bởi lẽ họ đã khuyến khích những tay mơ này chơi trên các thị trường để thay cho các công cuộc làm ăn cho vay chui cắt cổ ở nước này.

Ông Tan nói: “Đó là lý do vì sao ta thấy một khối lượng lớn tiền mặt, một khoản lời khổng lồ đi vào các thị trường chứng khoán.”

Vụ sụp đổ thị trường Trung Quốc hôm nay đã gây lo ngại nghiêm trọng khắp châu Á, đã tập trung nhiều hơn trong tuần qua vào vụ khủng hoảng tài chính dang diễn tiến ở Hy Lạp.

Chỉ số cơ bản Nikkei của Nhật sụt gần 640 điểm và hạ 3,14% vào lúc đóng cửa – đó là mức sụt giá trong một ngày lớn nhất trừ hơn 1 năm nay. Các nhà phân tích nói cổ phiếu Nhật Bản cũng bị áp lực vào lúc đồng yen tăng giá so với đồng đôla Mỹ, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của nước này.

Chỉ số Kospi của Nam Triều Tiên sụt 1,18% vào cuối ngày giao dịch.

Các tình hình ở cả Hy Lạp lẫn Trung Quốc đang châm ngòi cho những bất định kinh tế, theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nam Triều Tiên.

Ông Choi Kyung-hwan nói: “Nam Triều Tiên đã có những biện pháp củng cố các cơ sở kinh tế của mình sau các tình hình khủng hoảng trước đây và nay ở thế vững vàng đối phó với các tình huống khẩn cấp.”

Chỉ số đầu tư của Australia S&P/ASX200 sụt 2%. Thị trường tại quốc gia giàu khoáng sản này cũng bị đặt dưới áp lực của một vụ sụp đổ thêm nữa về giá sản phẩm – nhất là quặng sắt – khiến đồng đôla Úc sụt xuống mức thấp nhất từ 6 năm nay so với đồng đôla Mỹ.

Tại Thái Lan, đồng baht cũng sụt xuống mức thấp nhất từ 6 năm nay so với đồng đôla Mỹ. Chỉ tệ Thái đã mất hơn 4% trị giá trong 3 tháng vừa qua trong khi các ngân khoản toàn cầu chuyển vào các trường chứng khoán và trái phiếu của vương quốc này.








No comments: