Sơn Trung, thông tín viên RFA, Campuchia
2015-07-21
2015-07-21
Ngày 19 tháng 7 vừa
qua, hàng ngàn người Campuchia do Đảng Cứu Quốc dẫn đầu đã đến khu vực biên giới
giữa Campuchia và Việt Nam ở cột mốc 203. Photo Son Trung, RFA
Hôm 19 tháng 7 vừa qua, vài ngàn người dân Campuchia
dưới sự dẫn đầu của Đảng Cứu Quốc đã đến khu vực biên giới giữa Campuchia và Việt
Nam. Địa điểm đoàn người đến là cột mốc số 203, nơi mà vào tháng trước từng xảy
ra một cuộc xô xát giữa người dân hai nước.
Đây được xem là đợt đến vùng biên giới có quy mô lớn
nhất từ trước đến nay với sự tham dự của hơn hai ngàn người gồm các tu sĩ,
thanh niên, sinh viên, và các tầng lớp nhân dân Campuchia do các nghị sĩ thuộc
đảng Cứu Quốc dẫn đầu. Tuy nhiên vớì lý do an ninh và để tránh xảy ra xung đột
như vừa qua, lực lượng chức năng của Campuchia chỉ cho phép 100 người, bao gồm
đại đại diện báo chí và một số người tham gia được tiếp cận gần cột mốc số 203.
Trong khi đó số người còn lại bị lực lượng mặc thường phục cầm gậy chắn không
cho đi đến gần đường biên giới.
Xô
xát ngày 28 tháng 6 diễn ra trên phần đất Campuchia
Theo ban tổ chức thì mục đích của chuyến đi lần này
là để kiểm tra việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia có làm cho
Campuchia mất đất hay không và xác định vị trí xảy ra cuộc xô xát hồi ngày 28
tháng 6 mà đảng Cứu Quốc cho là hành vi bạo lực của người Việt lên nghị sĩ của
Campuchia.
Ông Real Camerin nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc, người
bị thương trong đợt đụng độ hồi ngày 28 tháng 6 khẳng định với báo giới rằng
nhóm của ông đã bị người dân Việt Nam hành hung trong lãnh thổ của Campuchia vì
địa điểm xảy ra cuộc đụng độ vừa qua ngay tại vị trí trước hàng rào lực lượng mặc
thường phục cầm gậy, tức là cách cột mốc số 203 khoảng 500 mét. Ông Real
Camerin tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, thực sự thì người Việt đã
đánh chúng ta ngay trên lãnh thổ của chúng ta”.
Theo ông Seang Peng Sae, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoáng
sản và Công nghiệp của Campuchia, người từng tham gia vẽ bản đồ Campuchia trước
năm 1975 thì cột mốc có đặc điểm như cột mốc 203 là cột mốc quốc tế chính thức,
đánh dấu lãnh thổ giữa các quốc gia. Ông Seang Peng Sae: “Sau khi có
Hiệp ước công nhận giữa hai quốc gia thì cột mốc biên giới sẽ được cắm và nó là
vật phân chia lãnh thổ của hai quốc gia, đất đai ở một bên của cột mốc sẽ thuộc
quốc gia này và bên còn lại thuộc quốc gia kia. Không bao giờ có chuyện một quốc
gia quản lý cả hai bên cột mốc biên giới cả”.
Về cáo buộc người Việt vượt qua biên giới và hành
hung người Campuchia, Nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc cho biết họ sẽ thông qua Chủ
tịch Hạ viện yêu cầu Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia triệu tập Đại sứ
Việt Nam để buộc phía Việt Nam làm sáng tỏ vấn đề này. Ông Um Sam An,
nghị sĩ có mặt trong hai đợt được nói là đi kiểm tra biên giới cho biết: “Chúng
tôi đã viết thư gửi cho ông Hor Namhong để triệu tập Đại sứ Việt Nam tại
Campuchia để làm sáng tỏ vấn đề và cảnh cáo họ về vấn đề bạo lực này nhưng vẫn
chưa biết bên Chính phủ đã làm đến đâu. Chúng ta đang theo dõi và sẽ có những
hành động tiếp theo nếu bên Việt Nam không đáp ứng yêu cầu này”.
Lãnh
thổ Việt Nam bao trùm nghĩa địa người Campuchia
Trong đợt đến biên giới lần này, các nghị sĩ của đảng
Cứu Quốc đã khẳng định rằng đường biên giới hiện tại lấn sâu vào lãnh thổ của
Campuchia. Nghị sĩ Nuth Rumdoul cho biết các chuyên gia về biên giới tháp tùng
đoàn khẳng định cột mốc số 203 đã lấn sâu vào lãnh thổ của Campuchia, tuy nhiên
diện tích đất Campuchia bị mất là bao nhiêu thì vẫn chưa xác định cụ thể được.
Theo người dân ở ấp Thlok Thmey, xã Thnaot, huyện
Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng thì đây là xóm mới của họ, còn xóm cũ hiện đã năm
trong đất của Việt Nam và hiện tại vẫn còn nhiều ngôi mộ của người Campuchia
năm trong lãnh thổ của Việt Nam. Bà Seoung Phearum, một người dân gần đường
biên giới hiện tại cho biết: “Cha tôi sống ở Gò Thlok, ông bà, tổ tiên của
tôi cũng ở đó. Người thời trước ở đó, chết đi chôn cất ở đó, khu đó có hằng
trăm tháp cốt của tổ tiên, ngay tại nơi mà người Việt cắm cờ (bên phía lãnh thổ
Việt Nam), họ không cho chúng ta vào”.
Về vấn đề này, ông Lê Anh Thúy, Giám đốc Sở Ngoại vụ
tỉnh Long An cũng khẳng định rằng có một tháp cốt của người Campuchia ở biên giới,
thuộc lãnh thổ Việt Nam do trước năm 1975 thân nhân của tháp cốt này mượn đất
gò của người Việt để xây tháp tránh ngập nước. Ông Lê Anh Thúy nói: “Cái
đó thuộc phần đất của Việt Nam, ngày xưa có một hộ của Campuchia mượn phần đất
đó, nghe nói là để tro cốt vậy thôi chứ không có mộ. Đó là đất của người Việt
Nam”.
Bà Seoung Phearum cho biết phía Việt Nam đã nhiều lần
yêu cầu các gia đình Campuchia có mộ thân nhân tọa lạc tại vị trí nay thuộc
lãnh thổ Việt Nam phải bốc mộ ngay và phía Việt Nam sẽ hỗ trợ với bất kỳ giá
nào. Bà Seoung Phearum nói “Bên Việt Nam cho mình phải dời mộ ngay,
bao nhiêu tiền thì họ cũng trả hết, nhưng mà tôi không dời mộ đâu, dù có cho
vàng tôi cũng không dời mộ. Trước khi chết, ông bà chúng đã nguyền rủa không
cho xê dịch mộ ông bà. Đó là đất của người Khmer và mộ người Khmer phải ở đó. Nếu
chúng tôi dời mộ chắc chắn sẽ bị nguyền rủa và không thể sống yên ổn được”.
Thời gian gần đây, chính phủ hai nước Việt Nam và
Campuchia liên tục đưa ra những thông cáo có nội dung khác nhau liên quan đến
việc giải quyết các vấn đề về biên giới đơn cử như hồi 16 tháng 7 vừa qua người
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết tất cả các công
trình Việt Nam xây dựng ở khu vực biên giới trong thời gian qua đều được tiến
hành trong phần đất hiện tại đang do phía Việt Nam quản lý hoàn toàn trái ngược
với Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra trước
đó, vào ngày 10 tháng 7 rằng ông Nguyễn Xuân Sơn, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Việt
Nam hứa sẽ lấp 3 trong số 8 ao mương nước do đào trên lãnh thổ của Kampuchea
cũng như cho dừng ngay việc xây dựng đường vành đai ở tỉnh Long An giáp với tỉnh
Svay Rieng và đồn quân sự tại tỉnh An Giang giáp với tỉnh Kandal.
Sơn
Trung tường trình từ Campuchia
No comments:
Post a Comment