Friday, July 10, 2015

BRICS : Tham vọng Nga-Trung về một trật tự thế giới mới gặp cản lực (Mai Vân - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO 10-7-2015 :
Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày 10-07-2015 

Báo Le Monde ngày 10/07/2015 nhận định : Thị trường chứng khoán Trung Quốc trong cơn điêu đứng và nền kinh tế Nga trong tình trạng suy thoái vì cấm vận, đang cản trở tham vọng của Matxcơva và Bắc Kinh muốn hình thành một trật tự thế giới mới, chống lại trật tự hiện thời của phương Tây.

Hiện trạng kinh tế Nga-Trung cản trở ý đồ thay đổi trật tự thế giới
Trong bài viết mang tựa đề « Tại Ufa, trật tự thế giới đối nghịch của Putin », Le Monde đã dùng nhóm từ contre-ordre mondial, phản trật tự thế giới , hay trật tự thế giới đối nghịch, để chỉ trật tự thế giới mới mà Nga và Trung Quốc muốn hình thành thông qua khối BRICS, tập hợp 5 nước gọi là đang vươn lên : Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ngoài lãnh đạo 5 nước BRICS, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này ở Ufa, thủ đô nước Cộng hòa Bachkortostan, thuộc Liên bang Nga, còn có đại diện các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan? Kyrgyzstan, và ba nước « quan sát viên » Iran, Afghanistan và Pakistan.

Theo Le Monde, Nga và Trung Quốc chia sẻ cùng một mục tiêu là ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây bằng cách dựng nên một trật tự thế giới mới dựa trên các nước mới nổi, trong đó Matxcơva và Bắc Kinh, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giữ vai trò lãnh đạo. Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Oulioukaïev không úp mở : «Khối BRICS chiếm gần 30% GDP toàn cầu cho nên phải có vai trò chính trị phù hợp với sức mạnh kinh tế ».

Công cụ phát huy sức mạnh chính là Ngân hàng của khối BRICS, được khai trương ngay trước khi mở ra thượng đỉnh Ufa. Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về mục tiêu chống trật tự tài chánh hiện hành rất rõ : « Điều rất quan trọng là các quốc gia BRICS phải bảo vệ chống lại các cuộc khủng hoảng và nỗ lực của những kẻ điều hành các hệ thống tài chính toàn cầu, đang lợi dụng ảnh hưởng của họ cho những mục tiêu chính trị ». Về phần mình, Trung Quốc cũng cho thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á để cạnh tranh với FMI/IMF và Ngân hàng Thế giới, hiện đã chiêu dụ được hơn 50 quốc gia.

Tuy nhiên, theo Le Monde, giá dầu giảm sụt và các biện pháp trừng phạt quốc tế đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng suy thoái, và mới đây là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã khiến Trung Quốc « mất đi » hơn 3.000 tỷ đô la vốn, đang đe dọa tham vọng của Matxcơva và Bắc Kinh. Tổng thống Putin đã cố trấn an, nhưng theo Le Monde, tình trạng không mấy sáng sủa kể trên còn có một hậu quả khác : Cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh, hai đầu tầu của khối BRICS, đều không thể lợi dụng các khó khăn mà khu vực đồng euro đang phải đối mặt do cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Dẫu sao thì đối với một chuyên gia phân tích Nga trên một nhật báo thân chính quyền «BRICS là một trong những dấu hiệu cho thấy sự hình thành của một thế giới mới không bị phương Tây chi phối ». Vấn đề, theo chuyên gia này là « Thế giới mới đó sẽ ra sao, không ai có thể nói bây giờ ».

Ấn Độ muốn mở đường tiến vào Trung Á
Cũng về cuộc họp thượng đỉnh Brics, Le Monde chú ý đến chiến lược của Thủ tướng Ấn qua tựa đề : « Modi muốn mở cho Ấn Độ con đường vào Trung Á ».Tác giả bài báo nhận thấy là Thượng đỉnh BRICS tại Ufa tạo một cơ hội mới cho Thủ tướng Modi để ông khẳng định chỗ đứng, đưa đất nước trở lại chính trường quốc tế.

Bài báo nhắc lại là từ thứ Hai đầu tuần, ông Modi đã bắt đầu vòng công du ở các nước Trung Á, và phần hai sẽ kéo đến tuần sau. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn đến Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kirgystan, Tajikistan. Theo Le Monde lãnh đạo Ấn Độ rất chú ý tới những nước Trung Á nhưng chưa có nỗ lực cụ thể. Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và 5 nước Trung Á này chỉ là 1,4 tỷ đô la/năm trong lúc trao đổi của Trung Quốc lại gần 50 tỷ đô la.
Với vòng công du thực hiện từ đầu tuần, rõ ràng theo Le Monde, ông Modi không muốn để Trung Quốc một mình tung hoành ở các nước giàu tài nguyên này. Le Monde trích giới quan sát nhận thấy không khác ở Châu Phi, Ấn Độ đang áp dụng ở vùng Trung Á này chính sách cạnh tranh với Trung Quốc.

Hy Lạp sẽ được cứu ?
Hy Lạp cũng rất được quan tâm hôm nay. Tối qua Thủ tướng Hy Lạp đã đưa ra các đề nghị cải tổ như Châu Âu yêu cầu. Nếu như nói trên, Les Echos nhận thấy Athens nhượng bộ để chiêu dụ chủ nợ, thì đối với Le Monde, Thủ tướng Tsipras tăng tốc để tránh ‘Grexit’, tựa ở trang quốc tế. Tờ báo nhận thấy là Thủ tướng Hy Lạp có thể ép được Quốc hội chấp nhận những đề nghị đau đớn.

Le Figaro trên trang nhất đăng kết quả câu hỏi mà tờ báo đưa ra là có mở ra trưng cầu dân ý ở Pháp về việc giúp đõ cho Hy Lạp hay không : 70% trả lời là "nên" hỏi ý dân. Le Figaro ở trang trong cũng đánh giá : « Tsipras nhượng bộ », nhưng lại nhìn thấy Thủ tướng Đức bị sức ép. Tờ báo giải thích sức ép này là để bà Merkel chấp nhận cứu Athens vì Thủ tướng Đức đến giờ vẫn tỏ ra cứng rắn.

Báo Les Echos một mặt công nhận là Thủ tướng Hy Lạp đã nỗ lực rất lớn và đang chạy nước rút : Chính phủ của ông đã làm việc đến giờ phút chót trên chương trình cải tổ mà các chủ nợ đòi hỏi trước sáng nay, nhưng tờ báo cũng nhìn thấy là cuộc chạy marathon để cứu vãn Hy Lạp trước cuộc họp thượng đỉnh vùng đồng euro dự kiến vào Chủ nhật, khá gian nan, nhất là còn phải thuyết phục Pháp, Đức hậu thuẫn cùng một số nước không muốn giúp gì thêm nữa.

Có nên bỏ không gian tự do đi lại Schengen ?
Báo Le Figaro, qua một cuộc thăm dò dư luận mà viện Ifop thực hiện, đã tìm hiểu quan điểm của người Pháp trước làn sóng thuyền nhân cặp bến Châu Âu. Trước câu hỏi "thuận" hay "không" cho việc bãi bỏ hiệp ước Shengen về quyền tự do đi lại và tái lập kiểm tra ở biên giới thì đa số ở Pháp, Anh, Hà lan, Đức... đều tán đồng việc bãi bỏ Schengen. Thế nhưng ở Pháp, tỷ lệ thuận cao hơn cả các nước láng giềng Đức, Anh, Hà Lan..

Trong bài xã luận tựa đề « Điều cấm kỵ của Châu Âu », tờ báo nhìn thấy tình trạng Châu Âu quả là không ổn. Nhìn khủng hoảng Hy Lạp, rồi đến vấn đề thuyền nhân, nhập cư, tờ báo nhận thấy là Châu Âu phải xét lại cách vận hành vùng đồng euro và cũng phải suy xét lại chính sách nhập cư, di dân của cả Liên Hiệp. Đối với Le Figaro, không phải chỉ vấn đề quota đón nhận của từng nước, mà xem xét lại các thỏa thuận Shengen, một điều mà tờ báo cho là cấm kỵ đối với các chính phủ.

Le Figaro cổ vũ là nên lắng nghe dư luận. Đối với tờ báo thì nên làm ở các biên giới trên bộ những gì đang làm ở các sân bay : Tự do đi lại cho các công dân Châu Âu, nhưng kiểm tra các người khác. Đó là cách, theo Le Figaro, để làm nản lòng những người mơ ước đất ‘vàng’ phía Bắc Địa Trung Hải. Một biện pháp khác mà tờ báo cũng cổ vũ là đặt điều kiện với các quốc gia xuất phát thuyền nhân, trong các chương trình trợ giúp phát triển. 

Trang nhất báo Pháp
Chủ đề được các báo Pháp hôm nay 10/07/2015 dành cho tít lớn trang nhất khá tản mạn : Trong lúc nhật báo Công giáo La Croix theo gót chân Đức Giáo Hoàng đến viếng một nhà tù quá tải ở Bolivia, thì Le Figaro chú ý đến Châu Âu, và ghi nhận trong hàng tựa : « Di dân : người Châu Âu muốn xóa bỏ (không gian tự do đi lại) Schengen ». Tờ báo chú thích là theo cuộc thăm dò Ifop-Le Figaro thì 7 người Pháp trên 10 muốn tái lập chế độ kiểm tra ở biên giới.

Báo Libération thì giới thiệu ngay trang nhất số đặc biệt « Libé của các nhà nhiếp ảnh », phát hành nhân Cuộc Gặp gỡ Nhiếp ảnh ở Arles và nêu các sự kiện thời sự qua ảnh chụp.
Nhưng có hai chủ đề mà các báo không bỏ qua là thị trường chứng khoán Trung Quốc suy sụp gây lo ngại không ít, cho dù đã vươn lên lại đuợc từ hôm qua, và dĩ nhiên là hồ sơ nợ công của Hy Lạp, mà Les Echos trong hàng tít đầu đã nhận thấy là « Athens nhượng bộ để chiêu dụ các chủ nợ ». Tờ báo kinh tế nêu lại một số đề nghị của Hy Lạp như tăng thuế vận tải hàng hải, hay buộc các đảo (du lịch) phải chịu thuế nặng hơn v.v...

Le Monde gộp tác động của hai hồ sơ trên trong hàng tựa trang nhất : « Sự sụp đổ chứng khoán (Krach) ở Trung Quốc và khủng hoảng Hy Lạp đe dọa sự vực dậy kinh tế Châu Âu ». Đối với Le Monde, tác hại từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã cộng hưởng với việc Trung Quốc năm nay chỉ tăng trưởng 6,8 %, thấp hơn dự báo, kèm theo một cuộc khủng hoảng địa ốc nghiêm trọng, một cơn « địa chấn » đe dọa kinh tế Đức.

Nhưng có một tác động khác của tình trạng thị trưòng chứng khoán Trung Quốc suy sụp mà Le Monde chú ý ở trang Quốc tế : Đó là sự kiện này nó cùng với tình trạng kinh tế Nga suy thoái đã đè nặng lên cuộc họp thượng đỉnh nhóm BRICS mà Nga tổ chức ở Ufa.








No comments: