Wednesday, July 15, 2015

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 'gửi tham luận' tăng cường phối hợp giữa quân đội, công an (Hoàng Trần - Danlambao)






Mặc dù đang phải ‘chữa bệnh ở Pháp’, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh được nói đã gửi bài tham luận đến buổi ‘hội thảo khoa học’ về việc tăng cường phối hợp giữa công an và quân đội diễn ra sáng 14/7/2015, tại Hà Nội.

Buổi hội thảo có sự tham dự của bộ trưởng CA Trần Đại Quang cùng các thứ trưởng Đặng Văn Hiếu, Bùi Quang Bền. 

Về phía quân đội có sự xuất hiện của thượng tướng Nguyễn Thành Cung - thứ trưởng bộ quốc phòng, thượng tướng Mai Quang Phấn - phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, trung tướng Bế Xuân Trường - phó tổng tham mưu trưởng quân đội.

Công an, quân đội 'tăng cường phối hợp'

Phát biểu khai mạc hội thảo, bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh vai trò ‘không thể thiếu’ về sự ‘đoàn kết, phối hợp’ của hai lực lượng công an và quân đội.

Trên thực tế, sau khi chiến tranh kết thúc, giữa hai lực lượng vũ trang này đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt về quyền lực.

Vai trò của bộ quốc phòng đã không còn được coi trọng, trong khi thế lực của bộ công an ngày càng được gia tăng với nhiều ưu đãi về quyền lợi kinh tế lẫn chính trị.

Tại một số địa phương, đã xảy ra những cuộc xung đột bạo lực giữa các nhóm công an và quân đội. 

Những mâu thuẫn này này thường bị đảng cộng sản giấu nhẹm vì đây đều là 2 lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ chế độ.

Đáng chú ý, buổi hội thảo diễn ra trong bối cảnh đang có những thay đổi về nhân sự cấp cao trong bộ quốc phòng. 

Ngược lại, thế lực của các phe nhóm an ninh do bộ trưởng Trần Đại Quang cầm đầu vẫn cho thấy sự lấn át hơn hẳn.   

Đại tướng Phùng Quang Thanh ‘gửi tham luận’

Các cuộc chạy đua quyền lực trong giới chóp bu Ba Đình đã chuyển sang giai đoạn nước rút, đích đến sẽ là chiếc ghế uỷ viên bộ chính trị còn đang bỏ trống của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Tướng Thanh hoàn toàn không xuất hiện từ hôm 19/6/2015 đến nay, được đảng cộng sản giải thích là đang ‘chữa bệnh ở Pháp’.

Giữa lúc tình hình tại Biển Đông và biên giới Tây Nam đang trở nên nóng bỏng, sự ‘vắng mặt’ liên tiếp trong 3 tuần cũng là dấu chấm hết cho sinh mạng chính trị của tướng Thanh.

Ảnh chụp bài viết "Sát cánh cả trong thời chiến và thời bình" đăng trên báo Quân đội Nhân dân, đoạn nói về bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. 

Dù vậy, bằng một ý chí tại vị sắt đá, tướng Thanh vẫn lỳ lợm bám ghế khi gián tiếp ‘xuất hiện’ tại buổi hội thảo hôm 14/7/2015 bằng việc gửi bài ‘tham luận’. 
  
“Hội thảo đã nhận được 49 bản tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài LLVT, trong đó có tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, bản tin trên báo Quân đội Nhân Dân viết.

Trong tình trạng bệnh tật nguy kịch, liệu tướng Thanh có đủ tỉnh táo để viết hẳn một bài ‘tham luận’ gửi đến buổi ‘hội thảo khoa học’ chăng?

Cũng theo tờ báo quân đội, “Đã có 10 bản tham luận được trình bày tại hội thảo”. Tuy nhiên, toàn bộ bài tường thuật cho thấy buổi hội thảo không hề đả động gì đến bài tham luận của vị đương kim bộ trưởng quốc phòng.

Chi tiết này cũng đã gián tiếp xác nhận việc đại tướng Phùng Quang Thanh chính thức bị cho ra rìa. Điều này chắc cũng không cần bàn cãi thêm.

Bàn tay Nguyễn Tấn Dũng 

Câu hỏi được đặt ra: Ai hưởng lợi nhất trong việc loại bỏ quyền lực của Phùng Quang Thanh?

Nhân vật hưởng lợi nhất chính là thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng - ứng cử viên vượt trội trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng bí thư đảng CSVN vào năm 2016. 

Trở thành tổng bí thư đồng nghĩa luôn với việc giữ chức bí thư quân uỷ trung ương - một cơ quan đầy quyền lực giữ vai trò thể chế hoá sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với quân đội.

Kể từ khi làm thủ tướng vào năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng đã nắm giữ ngành an ninh trong suốt 2 nhiệm kỳ. Nếu nắm thêm được quân đội, Nguyễn Tấn Dũng có thể trở thành một tổng bí thư quyền lực nhất trong lịch sử chế độ CSVN, thậm chí có thể hơn hẳn so với người tiền nhiệm Lê Duẩn.

Kịch bản này sẽ còn phải tuỳ thuộc vào chuyến đi Việt Nam của uỷ viên bộ chính trị Trung Cộng Trương Cao Lệ sắp tới. Nhiều khả năng, kết quả sẽ là một sự thoả hiệp giữa những phe thân Tàu với nhau.

Với một kẻ cơ hội và tham nhũng như Nguyễn Tấn Dũng, thân Tàu hay thân Mỹ không quan trọng bằng ‘thân tiền’. 

Vì tiền, ông ta có thể sẵn sàng bán Tây Nguyên cho Tàu vào khai tác bauxite. Vì quyền, ông ta nhắm mắt làm ngơ cho cấp dưới là phó thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải lộng hành.

Dưới 2 nhiệm kỳ thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, người Tàu đã và đang đồn trú ở hàng chục công trình trọng điểm quốc gia, có vị trí chiến lược về quốc phòng quan trọng. Một khi nắm được cả quân đội, Nguyễn Tấn Dũng nếu bán được cả đất nước Việt Nam thì chắc chắn ông ta cũng sẽ bán nốt.

Do đó, những thay đổi hoặc chuyển biến trong nội bộ CSVN chỉ có hại, chứ không hề mang lại bất cứ lợi ích nào cho người dân Việt Nam. 

Hãy luôn cảnh giác trước ý định của những người tự xưng ‘trí thức’ luôn kêu gào ‘thoát Trung’, nhưng lại phò Dũng. 

Muốn ‘thoát Trung, giải pháp duy nhất của chúng ta là lật đổ chế độ cộng sản độc tải để xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và cường thịnh.  









No comments: