Monday, July 13, 2015

Biển Đông : Manila tìm biện pháp tạm ngăn Trung Quốc xây đảo (Đức Tâm - RFI)





Đức Tâm  -  RFI
Đăng ngày 12-07-2015 

Chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu và đề nghị áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc tuyên bố có thẩm quyền xem xét vụ kiện Trung Quốc.

Từ La Haye trở về, sau khi tham dự cuộc điều trần lần thứ nhất của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima, ngày hôm qua, 11/07/2015, đã tuyên bố : Nếu Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Manila kiện Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, thì chính phủ Philipines sẽ xem xét khả năng đề nghị tư pháp quốc tế cho áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang có tranh chấp.
Hiện nay, nhóm chuyên gia pháp lý của Philippines đang nghiên cứu khả năng này.

Ông Antonia Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, giải thích : Điều 290 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép thực hiện khả năng này. Theo đó, nếu một vụ tranh chấp được đệ trình lên tòa có thẩm quyền xét xử theo đúng thủ tục, tòa án có thể đưa ra mọi biện pháp bảo đảm tạm thời được coi là phù hợp với hoàn cảnh, để bảo vệ các quyền riêng của từng bên tranh chấp hoặc để ngăn không cho môi trường của biển bị những tổn thất nghiêm trọng, trong khi chờ quyết định cuối cùng của tòa án.

Năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này.
Ngày 07/07 vừa qua, Tòa án đã tổ chức cuộc điều trần lần thứ nhất để phía Philippines trình bày các lập luận và đưa ra các tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn – mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò – là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines, việc Tòa án Trọng tài Thường trực đồng ý tiếp tục tổ chức cuộc điều trần lần thứ hai vào ngày 13/07/2015 là một tín hiệu tốt và chứng tỏ là Tòa án rất quan tâm, muốn tìm hiểu thêm lập trường của Philippines trong vụ kiện này.

----------------------------------

Đăng ngày 12-07-2015

Theo báo Philippine Star, cư dân mạng Philippines đã ra kiến nghị yêu cầu bộ phận phụ trách bản đồ của tập đoàn tin học Google xóa bỏ tên gọi Trung Quốc ghi trên đảo san hô Scarborough hiện đang có tranh chấp, mà Philippines gọi là Panatag (hoặc Bajo de Masinlóc), ở Biển Đông (Manila gọi là biển Tây Philippines).

Kiến nghị được đăng tại địa chỉ Change.org viết, bộ phận phụ trách bản đồ của Google (Google Map), đã coi đảo san hô, nằm ở ngoài khơi Zambales như là một phần của quần đảo Trung Sa-Zhongsha Trung Quốc (tên quốc tế Macclesfield Bank). Khu vực này bao gồm nhiều bãi đá chìm và đảo san hô là nơi tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước, kể cả Philippines. Trong khi đó, đảo san hô Panatag nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Theo bản kiến nghị, các đòi hỏi lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc dựa theo bản đồ 9 đoạn là bất hợp pháp và đang tạo ra căng thẳng giữa các nước.

Chỉ riêng ngày hôm qua, đã có hơn 400 người ký kiến nghị.

Khi kêu gọi Google Map xóa bỏ tên Trung Quốc ghi trên đảo san hô Scarborough, cư dân mạng Philippines đề nghị áp dụng giải pháp trung lập, dùng tên gọi quốc tế là Scarborough thay cho tên gọi của Philippines là Panatag hoặc tên gọi của Trung Quốc là Hoàng Nham đảo.

Một cư dân mạng nhấn mạnh, việc dùng tên sau như vậy cổ vũ các hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu như Trung Quốc tiếp tục đưa ra các đòi hỏi phi pháp.

Một người khác viết : « Hỡi tập đoàn Google, các vị không phải là Liên Hiệp Quốc, không phải là Trung Quốc, chẳng phải là Philippines. Các vị không có quyền phân bổ độc đoán đất đai của các nước có chủ quyền cho những quốc gia khác ».






No comments: