09.07.2015
Nhà hoạt động Huỳnh
Thục Vy, phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam
Một tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước báo cáo
các vi phạm nữ quyền, phản biện phúc trình của chính phủ Việt Nam tại buổi kiểm
điểm định kỳ của Liên hiệp quốc về quyền phụ nữ.
Uỷ ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ
nữ (CEDAW) của Liên hiệp quốc ngày mai (10/7) sẽ xem xét phúc trình của Việt
Nam tại khoá họp lần thứ 61 diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.
Việt Nam là một trong số 189 nước thành viên ký kết
Công ước CEDAW, và theo thông lệ phải nộp các báo cáo định kỳ trước Ủy ban gồm
23 chuyên gia độc lập, trình bày chính sách thực thi Công ước này.
Các vấn đề được mang ra thảo luận gồm có những bước
phát triển luật lệ ủng hộ bình đẳng giới, các biện pháp đối phó với việc nạo
phá thai vì phân biệt giới tính, sự phân biệt đối với nữ giới trong xã hội, tỷ
lệ phụ nữ tham gia công tác quyết định chính trị còn thấp, tình trạng bạo hành
nữ giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nạn buôn người, tỷ lệ tử vong cao ở các
sản phụ miền núi và sắc tộc thiểu số, các bước bảo vệ phụ nữ bị nhiễm HIV bị xã
hội kỳ thị và chính sách công bằng bình đẳng với nữ giới trong lao động.
Ngoài ghi nhận phần báo cáo của phái
đoàn do chính phủ Việt Nam cử sang và nêu các câu hỏi chất vấn, Ủy ban cũng lắng
nghe phần trình bày của các tổ chức NGO ngoài quốc doanh. Trong số này có Hội
Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự mới thành lập từ năm
2013 không được nhà nước công nhận.
Phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam, nhà
hoạt động Huỳnh Thục Vy, là người tham gia soạn thảo báo cáo của Hội đệ
trình lên Liên hiệp quốc.
Cô cho biết nội dung bản phúc trình phản biện với báo cáo từ các tổ chức do nhà nước bảo trợ:
"Bạo lực của
công an chống lại phụ nữ, các trường hợp tù nhân lương tâm và các nữ dân oan đều
có ghi rõ trong báo cáo. Trong đó cũng liệt kê danh sách các 19 nữ tù nhân
lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù của cộng sản Việt Nam."
Đại diện Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam cho biết
thêm về các kiến nghị nêu lên trong báo cáo:
"Có hai khuyến
nghị đáng chú ý. Một là yêu cầu nhà nước Việt Nam bãi bỏ các điều luật vi phạm
nhân quyền, đặc biệt là vi phạm quyền phụ nữ đối với các phụ nữ đấu tranh cho
nhân quyền, như điều 88 hay 258. Thứ hai, về nghị định 42 quy định việc thành lập
Hội. Họ dùng nghị định này để giới hạn việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự
độc lập, gây cản trở rất nhiều cho việc thực hiện Công ước CEDAW. Hội Phụ nữ
Nhân quyền Việt Nam bị phân biệt đối xử, không được thành lập một cách hợp
pháp, bị công an đàn áp, các thành viên của chúng tôi bị hăm dọa, bắt bớ, tù
đày, đánh đập rất nhiều trong thời gian qua kể từ khi chúng tôi thành lập vào
năm 2013."
Cô Vy nói dù không kỳ vọng những chế tài cụ thể từ
Liên hiệp quốc đối với các vi phạm nữ quyền qua buổi kiểm điểm định kỳ tại Ủy
ban CEDAW này, nhưng cô hy vọng cơ hội tham gia báo cáo về thực trạng nữ quyền
Việt Nam sẽ giúp mang lại những kết quả tích cực:
"Cung cấp
thông tin về những vi phạm lên Liên hiệp quốc là cách để chúng ta nói cho thế
giới biết về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Họ được báo cáo, họ sẽ hiểu rõ
hơn, họ sẽ hướng tới cách làm việc nhiều hơn với các tổ chức xã hội dân sự thật
sự ở Việt Nam thay vì là làm việc với các tổ chức quốc doanh ở Việt Nam.
Từ trước nay, tất cả các kênh liên lạc quốc tế, mọi sự viện trợ quốc tế thông
qua Liên hiệp quốc đều vào các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu của cộng sản
Việt Nam lập ra. Khi chúng tôi liên lạc với Liên hiệp quốc, trình bày với họ thực
trạng chúng tôi bị phân biệt đối xử như vậy, chúng tôi có được kênh thông tin kết
nối với họ trực tiếp. Tôi mong không chỉ Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam liên lạc
được với Liên hiệp quốc trực tiếp, mà tất cả các tổ chức xã hội dân sự độc lập
trong nước đều như vậy."
Sau khi lắng nghe báo cáo từ các bên, Ủy ban CEDAW sẽ
thông báo kết luận về tình hình nữ quyền Việt Nam vào ngày 27/7 tới đây.
No comments:
Post a Comment