Monday, July 6, 2015

Đạt Lai Lạt Ma mừng sinh nhật lần thứ 80 với hội nghị về lòng từ bi tại Quận Cam (Vien Dong Daily)





05/07/2015

Đức Đạt Lai Lạt Ma (Getty Images)

Đạt Lai Lạt Ma mừng sinh nhật 80 với hội nghị về từ bi tại Quận Cam

WESTMINSTER - Một đại tiệc dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân dịp ngài mừng sinh nhật lần thứ 80 được bắt đầu từ ngày Chủ Nhật và kéo dài đến ngày thứ Ba, và mọi người đều được mời tham dự tiệc này.

Vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày về lòng từ bi toàn cầu tại Quận Cam. Hội nghị bắt đầu từ ngày Chủ Nhật ở thành phố Anaheim, và trong hai ngày sau đó tại trường đại học University of California, Irvine.

Sinh nhật thực sự của Đức Đạt Lai Lạt Ma là vào ngày thứ Hai, 6 tháng Bảy, 2015.

Hàng ngàn người sẽ tham dự những buổi thuyết pháp của ngài về lòng từ bi, về giới lãnh đạo trẻ, và tình trạng khí hậu biến đổi.

Ban tổ chức đã đặt làm một chiếc bánh sinh nhật cao 8 bộ, tức là cao 2.4 mét, dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chiếc bánh này có phủ lớp kem màu nâu và vàng.

Tiệc sinh nhật đầu tiên sẽ diễn ra ở sân vận động Honda Center tại Anaheim, và sau đó là Hội Nghị Thượng Đỉnh Từ Bi Toàn Cầu tại trường đại học UC Irvine, từ ngày 5 tới ngày 7 tháng Bảy. 

Trong chuyến thăm California lần này, Đức Đạt Lai Lạt Ma chú trọng đến các giá trị nhân bản, tức là đạo đức thế tục, trở về với các giá trị nhân bản bất kể tôn giáo.

Trong những cuộc phỏng vấn trước khi đến Quận Cam năm nay, vị lãnh đạo tôn giáo đã vui vẻ nói về về các giá trị, các mục tiêu và các cam kết mà ngài trân quý.

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của “nền đạo đức thế tục,” và vai trò mà nền đạo đức ấy có thể đóng, trong việc góp phần hướng tới một cá nhân, gia đình, đất nước hạnh phúc hơn, và mở rộng ra, một thế giới hạnh phúc hơn.

Ngài nói rằng nền đạo đức thế tục là một cách tiếp cận với các giá trị nội tâm, mà không dựa vào khái niệm Thượng Đế hoặc truyền thống tôn giáo. Ngài gọi đó là phương pháp thích hợp cho 7 tỷ người đang sống trên trái đất. Trong số đó có 1 tỷ người không quý trọng bất kỳ loại hình thức nào của truyền thống tôn giáo hay tâm linh.

Ngài nói, “Đạo đức thế tục không có nghĩa là không tôn trọng hoặc xa cách với tôn giáo. Nền đạo đức ấy có nghĩa là tôn trọng mọi tôn giáo và tôn trọng những người không tin đạo. Những người này rất quan yếu trong thế giới ngày nay.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng các giá trị, như tình yêu, lòng từ bi, thiện tâm và sự tha thứ, không phải là những giá trị tôn giáo, mà là những giá trị nhân bản.

Việc lơ là với những giá trị này sẽ ngăn chặn không cho thế giới có được một nơi chốn của hòa bình và sự hiểu biết.

Đạo đức thế tục bắt nguồn từ những khám phá khoa học, kinh nghiệm thông thường, và cảm thức bình thường. Nền đạo đức ấy có thể được tích hợp một cách suôn sẻ vào trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, theo ngài nói. Chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo thiếu mất những giá trị nhân bản, và tạo ra một môi trường thù địch của tình trạng chúng ta đối địch với họ, loại bỏ lòng khoan dung và niềm hy vọng mong có hòa bình. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy.

Ngài nói, “Thế giới phải trở thành một đại gia đình nhân loại. Không có cách lựa chọn nào khác. Chúng ta không thể cứ vẫn thờ ơ. Chúng ta phải làm nỗ lực mới, với lối suy nghĩ mới và tầm viễn kiến mới. Chúng ta là những con người đã tạo ra vấn đề này, những khác biệt này. Trách nhiệm của chúng ta là phải sửa đổi điều đó.” 

Ngài đã đích thân thực hiện ba điều cam kết quan trọng: “Một là thăng tiến các giá trị nhân bản cho 7 tỷ người. Hai là cổ vũ sự hòa hợp tôn giáo. Ba là việc bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng. Đó là một nền văn hóa của hòa bình, phi bạo lực, và từ bi. Bảo tồn một nền văn hóa thuộc loại ấy chắc chắn là việc đáng làm.”

Hội Nghị Thượng Đỉnh Từ Bi Toàn Cầu tại UC Irvine được dự đoán sẽ có sự hiện diện của các nhân vật từng đoạt giải Nobel như ngài, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia, mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hợp tác hoặc đã chia sẻ những giá trị chung.

Một số cuộc thảo luận sẽ bàn về lòng từ bi giác ngộ, những tác động của khí hậu biến đổi, và tầm quan trọng của giáo dục trong việc thúc đẩy các giá trị nhân bản phổ quát.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được biết đến vì ngài có khả năng kết nối với mọi người như nhau, từ những bậc vương giả và những người nổi tiếng, cho tới những người dân dã bình thường. Ngài nói rằng ngài có thể làm được việc kết nối đó là nhờ ngài đối xử với mọi người giống như nhau.

Ngài nói, “Tôi xem mình là một con người, chứ không phải là một người Tây Tạng, một Phật tử, một người Á Châu, một tu sĩ, hay là Đạt Lai Lạt Ma. Khi tôi trình bày mình như là một con người, thay vì là một người đặc biệt, thì việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn nhiều.”

*







No comments: