Thứ Tư, ngày 08 tháng 7 năm 2015
ĐẠO LUẬT CẢI TỔ BẢO HIỂM Y TẾ
(ACA)
Lời giới thiệu:Đạo Luật Cải Tổ Bảo Hiểm Y Tế, thường được viết
tắt là Affordable Care Act (ACA) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2010 và
sau đó được ký ban hành bởi Tổng thống Obama. Nhưng nó được coi như chính thức
bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014. Dù đã bị chống đối gay gắt và tranh cãi kịch
liệt ngay từ lúc ban đầu, nhưng nó có khả năng trở thành vĩnh viễn và ảnh hưởng
tích cực đến sinh hoạt của người dân Mỹ từ đây về sau, tương tự như ảnh hưởng tốt
đẹp của các đạo luật về An Sinh Xã Hội (Social Security) hoặc Chăm Sóc Người
Già (Medicare).
Cột mục này được mở ra với các bài viết trong nhiều kỳ nhằm giúp độc giả có được những thông tin đầy đủ và chính xác để hiểu rõ hơn về một đề tài khá phức tạp khiến nhiều người hoang mang hoặc nản chí không có thì giờ tìm hiểu, trong bối cảnh nó vẫn còn được diễn giải một cách tuỳ tiện hoặc bóp méo do bởi những hậu ý chính trị khác nhau.
Cột mục này được mở ra với các bài viết trong nhiều kỳ nhằm giúp độc giả có được những thông tin đầy đủ và chính xác để hiểu rõ hơn về một đề tài khá phức tạp khiến nhiều người hoang mang hoặc nản chí không có thì giờ tìm hiểu, trong bối cảnh nó vẫn còn được diễn giải một cách tuỳ tiện hoặc bóp méo do bởi những hậu ý chính trị khác nhau.
----------------
Tại sao các chính trị gia phe Cộng Hoà vẫn có những lời
lẽ cay cú khi thua cuộc?
Lịch sử có những trớ trêu mà
những người trong cuộc có lẽ cũng không ngờ sẽ xảy đến cho mình. Vào mùa hè năm
2005, sau khi Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện William Rehnquist qua đời, Tổng thống
Bush Con đã bất ngờ chọn người thay thế là một thứ “tân binh” (rookie)
là thẩm phán John Roberts thay vì lựa chọn 1 trong số 8 vị còn lại có nhiều
thâm niên và kinh nghiệm hơn.
Với quan điểm bảo thủ rõ rệt
nên trước đó, ông Roberts đã được lựa chọn từ thời TT Bush Bố vào năm 1992 để bổ
nhiệm vào Toà Kháng Án Liên Bang tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhưng sự việc không
công vì không đủ thời gian để Thượng Viện bỏ phiếu. Sau đó, ông quay sang hành
nghề cố vấn luật pháp trong một tổ hợp tư nhân trong gần 10 năm cho đến khi được
TT Bush Con bổ nhiệm lần nữa chỉ sau vài tháng nhậm chức vào năm 2001. Nhưng
Thượng Viện vào lúc đó do phe Dân Chủ kiểm soát nên việc này cũng không thành.
Hai năm sau, khi phe Cộng
Hoà giành được thắng lợi tại Thượng Viện vào đầu năm 2003 thì ông Roberts mới
được đa số bỏ phiếu để trở thành thẩm phán toà kháng án tại vùng thủ đô D.C. Đến
năm 2005, TT Bush Con lại còn “thăng quan tiến chức” cho ông để bổ nhiệm
lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, dự định là để thay thế cho bà Sandra Day O’Connor
đang muốn nghỉ hưu. Nào ngờ, Chủ tịch TCPV lúc ấy là ông William Rehnquist đột
nhiên qua đời vào tháng 9/2005 nên ông Bush rút lại quyết định này, và thay vào
đó là lựa chọn ông John Roberts để trám chỗ chức vụ tân chủ tịch toà án tối cao
này.
Với thành tích bảo thủ kiên
trì lâu năm và đã nhiều lần bị các nghị sĩ phe Dân Chủ chống đối trong những lần
bổ nhiệm trước đó, người ta không ngạc nhiên nhiều khi thấy trong số 44 nghị sĩ
Dân Chủ lúc bấy giờ, có 22 người đã bỏ phiếu chống đối. Tuy kết quả sau cùng có
78 nghị sĩ ủng hộ và 22 nghị sĩ chống đối, nhưng nó được coi như là một tỉ lệ
được chuẩn thuận rất thấp trong lịch sử của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. (Từ đó trở
đi, tỉ lệ được chuẩn thuận các thẩm phán TCPV cũng rất thấp do không khí căng
thẳng và trả đũa qua lại của các nghị sĩ ở Thượng Viện do tinh thần bè phái giữa
hai phe Dân Chủ và Cộng Hoà).
Và trong số những người bỏ
phiếu không đồng ý bổ nhiệm thẩm phán John Roberts, có một vị nghị sĩ non trẻ
cũng thuộc loại “tân binh” vì mới được đắc cử trước đó chưa đầy 1 năm,
đó là ông Barack Obama, một tên tuổi mới nổi tại tiểu bang Illinois. Điều này
cũng đúng với nhận định của nhiều vị nghị sĩ phe Dân Chủ vì trong thời gian
qua, ông Roberts đã bỏ phiếu cùng với nhiều vị đồng viện phe bảo thủ (do các tổng
thống Cộng Hoà bổ nhiệm) trong nhiều phán quyết quan trọng theo chiều hướng thuận
lợi cho phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà.
Vận mệnh lại đẩy đưa ông
Barack Obama gặp nhiều may mắn để đắc cử tổng thống một cách vinh quang vào cuối
năm 2008 và sau đó còn được tái đắc cử vẻ vang vào năm 2012 mặc dù ông là vị tổng
thống gặp sự chống đối dữ dội và gay gắt nhất từ phe Cộng Hoà trong lịch sử hơn
200 năm lập quốc của xứ sở này, hậu quả của một tinh thần kỳ thị sắc tộc vẫn
còn in sâu trong tâm tưởng của nhiều người Mỹ trắng, vốn không thể nào chấp nhận
hình ảnh một người da đen, gốc con cháu của dân nô lệ trước đây, lại có thể
nghiễm nhiên ngồi lên chức vụ nguyên thủ quốc gia.
Nhưng mấy ai ngờ là gần một
thập niên sau đó, ông Obama lại gặp một vị cứu tinh đắc lực và hữu hiệu nhất
trong số những chính trị gia bảo thủ, và lại chính là người mà ông Obama đã từng
bỏ phiếu không ưng thuận trước đây.
Vào ngày thứ Năm 25/06 vừa
qua, vị chủ tịch thứ 17 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là ông John Roberts lại một
lần nữa ra tay giúp đỡ cho đạo luật về bảo hiểm sức khoẻ nổi tiếng của TT Obama
để trở thành như một đạo luật có hiệu lực vĩnh viễn từ nay trên toàn đất nước
Hoa Kỳ. Với quyết định lần này, cũng gần tương tự như quyết định 3 năm trước
đây, có thể nói là ông Roberts đã giúp cho ông Obama có thể an tâm và vui sướng
khi biết rằng thành quả lớn nhất của ông trong lãnh vực đối nội sẽ không hề bị
đánh phá hay huỷ hoại sau khi ông rời khỏi Toà Bạch Ốc.
Thật ra đúng ba năm trước
đây, với phán quyết thuận lợi của ông John Roberts, người ta tưởng chừng
như phe chống đối đạo luật cải tổ bảo hiểm y tế ACA (Affordable Care Act,
mà dân chúng thường quen gọi là Obamacare) sẽ không còn hung hăng
phản đối nữa để đành chấp nhận trò chơi dân chủ, tức là phải chấp nhận kết quả
hiển nhiên là đạo luật này hoàn toàn hợp hiến, được thông qua bởi đa số dân biểu
và nghị sĩ của Quốc Hội Mỹ vào năm 2010.
Lá phiếu của ông Roberts vào
lúc đó rất quan trọng nhưng cũng gây kinh ngạc cho mọi người, đồng thời cũng
khiến cho khối người bảo thủ căm giận bầm gan tím ruột bởi vì ông là 1 trong 5
vị thẩm phán thuộc phe bảo thủ được bổ nhiệm bởi các vị tổng thống thuộc đảng Cộng
Hoà. Quyết định của ông được xem như là một hành động “phản phúc” đối với phe bảo
thủ khi ông ngả theo phe cấp tiến để đồng ý với 4 vị thẩm phán còn lại và đưa đến
phán quyết đa số khít khao 5/4 thuận lợi cho Đạo Luật Cải Tổ Bảo Hiểm Sức Khoẻ.
Nó đã giúp cho chính quyền Obama được thở phào nhẹ nhõm và hàng chục triệu người
dân trên nước Mỹ bắt đầu được hưởng phúc lợi dân sinh rất cần thiết tại quốc
gia rất tốn kém về chi phí y tế này.
Tuy vậy, phe bảo thủ và đảng
Cộng Hoà vẫn còn cay cú và tìm đủ mọi khe hỡ của luật pháp để mong dẹp bỏ đạo
luật này, bất chấp mọi hậu quả nghiêm trọng và tai hại cho sự an nguy và phúc lợi
của hàng chục triệu người trên nước Mỹ lần đầu tiên có thể tìm được một cảm
giác thoải mái và nhẹ nhõm khi biết rằng mình có thể có được bảo hiểm sức khoẻ
khá dễ dàng và với chi phí vừa phải (do đó mới có chữ “affordable” trong
đạo luật này).
Từ khi đạo luật bảo hiểm y tế
ACA được bàn thảo cho đến khi được thông qua tại Quốc Hội, phe chống đối bên đảng
Cộng Hoà đã không ngừng nghỉ trong đủ mọi kế hoạch đánh phá với ý đồ triệt hạ bất
cứ thành quả tích cực hoặc khả quan nào của chính quyền Obama, mà không cần
đoái hoài gì đến quyền lợi chung của quốc gia, cũng như quyền lợi thiết thực của
đại đa số những người nghèo vốn là thành phần cần có bảo hiểm sức khoẻ. Điều
này giải thích vì sao mà phe Cộng Hoà ở Hạ Viện đã bỏ phiếu tổng cộng hơn 50 lần
từ năm 2011 đến nay để đòi huỷ bỏ đạo luật này dù biết rằng đó là điều phi lý
và bất khả thi, ít ra là cho tới đầu năm 2017 khi ông Obama vẫn còn ngồi ở ghế
tổng thống.
Sau khi không triệt hạ được
đối thủ ở cả ba mặt chính trị, chiến lược và chiến thuật, phe chống đối đã
không ngần ngại tìm đủ mọi ngõ ngách hoặc khe hỡ trong đạo luật để mong tiếp tục
gây khốn đốn, hoặc ít ra là cũng quậy phá tiếp để mong thoả mãn ý muốn của một
số thành phần cử tri bảo thủ cực hữu, trong lúc đại đa số người dân trong nước
thì thờ ơ vì không biết rõ những ích lợi lâu dài của nó.
Sau cùng, một trong những
đòn phép khá ngoạn mục để mong đốn ngã đạo luật bảo hiểm y tế là vụ kiện cáo
mang tên King versus Burwell mà phe chống đối yêu cầu TCPV phân xử. Thật
ra đây cũng chỉ là 1 trong số nhiều đơn kiện khác nhau nhưng cùng nội dung của
nhiều cá nhân riêng rẽ chống lại đạo luật này. Thoạt đầu nó mang tên là King
versus Sebelius, vì đây là tên của bà tổng trưởng Bộ Y Tế Hoa Kỳ. Về sau
này, bà Kathleen Sebelius được thay thế bởi bà Sylvia Burwell nên vụ kiện cũng
được đổi tên theo cho thích hợp.
SƠ LƯỢC VỤ KIỆN
Muốn hiểu rõ nội vụ, tưởng
cũng nên biết là theo truyền thống tại Hoa Kỳ, việc mua bán bảo hiểm là do
chính quyền tiểu bang kiểm soát và ấn định một số những tiêu chuẩn. Theo đạo luật
ACA, người dân mua bảo hiểm y tế qua các văn phòng lập hồ sơ bán bảo hiểm (gọi
là marketplace hay heathcare exchange) sẽ được
chính phủ liên bang trợ giúp một phần chi phí. Nhưng việc thực thi đạo luật bảo
hiểm ACA khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ rắc rối và mất nhiều thời
gian nên những tiểu bang phe bảo thủ không hứng thú trong việc lập ra những văn
phòng marketplaces như vậy. Do đó, chính quyền Obama cũng phải
xắn tay lên để mở các chi nhánh markeplaces tại những tiểu bang mà
chính quyền lười biếng trốn tránh trách nhiệm, không giúp người dân làm hồ sơ
mua bảo hiểm y tế.
Nhưng nguyên đơn của vụ kiện là ông David King và những người chống đối đạo
luật bảo hiểm thì lại cắc cớ lập luận rằng chữ nghĩa được ghi rõ trong văn bản
của đạo luật ACA viết rằng chính phủ liên bang chỉ trợ cấp cho những người mua
bảo hiểm tại những nơi mà tiểu bang đứng ra mở cơ sở bán bảo hiểm mà thôi (exchanges
established by the state). Do đó, theo họ thì tại những tiểu bang không có
mở thị trường bán bảo hiểm, chính quyền liên bang không được quyền trợ cấp tiền
bạc cho người dân đi mua bảo hiểm.
Trong vai trò luật sư biện hộ
cho chính quyền Obama, Tổng Chưởng Lý Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ là ông Donald Verrilli
nói rằng đó là thứ lập luận “tào lao, bá láp”, bởi vì ai cũng biết là khi thông
qua đạo luật ACA, Quốc Hội muốn giúp cho mọi người dân trên toàn nước Mỹ muốn
mua bảo hiểm y tế đều có quyền được hưởng trợ cấp miễn là họ có mức thu nhập thấp.
Và do đó, cho dù là tại những tiểu bang không thèm lập ra những cơ sở marketplaces để
lo cho dân, chính quyền liên bang cũng phải tự gánh vác trách nhiệm này và lập
ra một thị trường liên bang để giúp làm hồ sơ, cũng như sẵn sàng trợ cấp cho
người dân nếu như họ đủ tiêu chuẩn.
Vì thế nên dù là phe chống đối
(thuộc cánh bảo thủ và đảng Cộng Hoà) tại nhiều tiểu bang đã trốn tránh trách
nhiệm không thèm mở các thị trường tại địa phương để lo hồ sơ mua bán bảo hiểm
cho người dân, giờ đây họ lại còn muốn cho chính quyền liên bang không nên tiếp
tục trợ cấp cho dân chúng khi mua bảo hiểm trên các thị trường liên bang do
chính quyền Obama đứng ra đảm đương. Trong một chừng mực nào đó, người ta có
quyền phê phán hành động của các tiểu bang bảo thủ chống đối chẳng khác gì hành
động quỉ quyệt của kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Thật ra thì nếu như TCPV có
xử thuận lợi cho phe chống đối thì nó cũng không ảnh hưởng đến cư dân tại những
tiểu bang đã đứng ra thiết lập những thị trường để bán bảo hiểm y tế như
California, New York, Kentucky v.v. Người dân mua bảo hiểm tại những nơi này vẫn
tiếp tục được hưởng tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang tuỳ theo mức thu nhập của
gia đình họ. Nhưng tại những tiểu bang khác (có đến 34 tiểu bang) không lập ra
những thị trường mà để chính quyền liên bang làm giúp, thì người dân tại đây sẽ
bị cúp tiền viện trợ, và phần lớn sẽ bị buộc ngưng mua bảo hiểm vì sẽ không còn
đủ khả năng.
Đạo luật ACA từ đó sẽ không
còn mang đúng ý nghĩa “Affordable” nữa bởi vì giá cả bảo hiểm sẽ tăng vọt
lên trở lại như trước đây, làm gì có cái giá gọi là “vừa phải” để cho đại đa số
người dân có thể mua được. Hậu quả dây chuyền là hàng triệu người dân nghèo sẽ
không còn đủ sức để mua bảo hiểm y tế, khiến cho các hãng bảo hiểm phải tăng
cao mức bảo-hiểm-phí cho những người còn lại, và cuối cùng là chi phí về bảo hiểm
sức khoẻ cũng gia tăng mạnh mẽ, ảnh hưởng tồi tệ lan rộng đến mọi người, kể cả
những người đang có bảo hiểm mà không cần đến số tiền trợ cấp.
Những hành động chống đối kiểu
phá hoại, cùng với những lập luận vô trách nhiệm giống kiểu “gái đĩ già mồm”
này, trớ trêu thay, lại được những ông toà bảo thủ chịu đồng ý lắng nghe, và do
đó mới dẫn đến cuộc tranh luận sau cùng tại toà án tối cao, với phán quyết được
chờ đợi từ 3 tháng qua.
PHÁN QUYẾT ĐƯỢC CHỜ ĐỢI
Dựa theo những tranh luận sơ
khởi trong các buổi vấn đáp qua lại tại TCPV hồi tháng 3 vừa qua, nhiều người
nghĩ rằng việc phán quyết thuận lợi cho phe chống đối là điều cũng có thể xảy
ra, dẫu rằng điều này có thể dẫn đến một sự xáo trộn to lớn trong tâm lý và đời
sống của hàng chục triệu dân bỗng nhiên một sớm một chiều mất đi cơ hội có bảo
hiểm sức khoẻ.
Thật ra, không phải chỉ có
những người dân nghèo đã hồi hộp chờ đợi phán quyết này, mà ngay cả nhiều chính
trị gia cầm quyền theo phe bảo thủ tại 34 tiểu bang chống đối cũng lo sợ trước
viễn tượng gọi là “thành công” của họ nếu như TCPV đồng ý với phe chống đối. Đó
là vì họ không biết sẽ phải đối phó ra sao với sự bất mãn của khối cả chục triệu
người dân bị mất bảo hiểm này, sẽ phản ứng ra sao khi có cơ hội trong cuộc bỏ
phiếu vào năm 2016 sắp tới.
Có lẽ dự đoán trước những
khó khăn xáo trộn to lớn không lường được sẽ xảy ra nếu như phán quyết bất lợi
cho đạo luật ACA có thể xảy đến, nhiều vị thống đốc tại các tiểu bang không có
thị trường Marketplace đã vội vàng lên tiếng trấn an trước. Một số nói rằng nếu
như chuyện đó xảy ra, thì họ sẽ tìm cách trì hoãn, tức là không lập tức ngưng
việc trợ cấp tiền của chính phủ liên bang, hoặc là chính quyền tiểu bang sẽ tìm
cách thiết lập một hình thức giống như thị trường Marketplace để
người dân tiếp tục được hưởng trợ cấp khi mua bảo hiểm.
Một chi tiết đáng chú ý là
trong số 34 vị nghị sĩ sẽ phải ra tái tranh cử vào cuối năm 2016, có đến 24 vị
thuộc phe Cộng Hoà, và phần lớn nằm trong số những tiểu bang không có thị trường
Marketplace. Do đó, nếu như người dân tại những nơi này bỗng dưng bị mất tiền
trợ cấp và bị mất bảo hiểm y tế, nhiều phần là họ sẽ siêng năng đến thùng phiếu
để bày tỏ sự tức giận của họ đối với các nghị sĩ này cũng như đối với các vị thống
đốc tại các tiểu bang đó. Ngay cả trước khi có vụ ồn ào về vụ kiện cáo hiện
nay, nhiều chuyên gia đã cho rằng việc phe Cộng Hoà có thể giữ lại được đa số
sau cuộc bầu cử năm 2016 đã là khó vì đây là năm có bầu cử tổng thống nên sẽ có
nhiều khối cử tri thuận lợi với phe Dân Chủ đến thùng phiếu hơn là trong những
kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nay nếu như xảy ra biến động bị cúp tiền trợ cấp để
mua bảo hiểm, nhiều phần là đa số các vị nghị sĩ và thống đốc tại nhiều tiểu
bang này khó lòng được tái đắc cử.
Chính vì thế mà người ta mới
nhận thấy thái độ “vừa đánh vừa run” vừa qua của các chính khách phe Cộng
Hoà trước viễn ảnh TCPV có thể phán quyết thuận lợi cho phe chống đối.
Nhưng mọi người đã thở phào
nhẹ nhõm với phán quyết của TCPV vào ngày 25/6 vừa qua, nhất là với các vị lãnh
tụ tại quốc hội cũng như nhiều vị thống đốc tại các tiểu bang phe Cộng Hoà vì họ
không phải lo sợ chạy đi tìm những biện pháp “chữa cháy” tạm thời để cứu giúp
cho những người mua bảo hiểm bỗng dưng bị mất tiền trợ cấp.
Trong phán quyết lần này, Chủ tịch TCPV John Roberts đã có thêm sự đồng ý
của một thẩm phán khác trong khối bảo thủ cũng “xé rào” để gia nhập với 4 vị thẩm
phán còn lại để đi đến kết quả 6/3, phủ nhận lời kháng cáo của nguyên đơn trong
vụ kiện là David King. Đó là thẩm phán Anthony Kennedy, đã hiệp nhất cùng với 4
vị thẩm phán còn lại theo khuynh hướng cấp tiến gồm có Stephen Breyer và các bà
Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor và Elena Kagan.
Đại diện cho phe đa số, ông
John Roberts đã viết trong phán quyết rằng “Quốc Hội thông qua đạo luật ACA
là để cải thiện các thị trường bán bảo hiểm, chứ không nhằm mục đích huỷ diệt
nó. Thành ra, dù phải làm bằng bất cứ cách nào, chúng ta phải suy diễn đạo luật
này theo đúng tinh thần đầu tiên (tức là cải thiện) và phải tránh tình trạng thứ
nhì (tức là huỷ diệt).”
Ngoài ra, ông Roberts cũng
cho thấy sự khiêm cung của ông khi nhìn nhận rằng vai trò của các quan toà là
không nên lạm dụng quyền hành để vượt qua quyền hạn của các ngành khác trong
chính quyền khi viết thêm rằng “Chúng ta (các thẩm phán) không phải là những
người được dân chúng chọn lựa, và chúng ta cũng không phải chịu trách nhiệm về
chính trị đối với họ.” Do đó, chỉ có ngành lập pháp mới là cơ quan tối cao
nhất để soạn thảo các đạo luật. Và TCPV “không nên suy diễn cách thực hiện
các đạo luật để có thể dẫn đến những hậu quả tai hại mà Quốc Hội rõ ràng không
muốn thấy xảy ra”.
Dĩ nhiên, không phải tất cả
những người bảo thủ đều đồng ý với những nhận định của hai thẩm phán Kennedy và
Roberts. Đặc biệt là tất cả các chính trị gia đang nhấp nhỏm trong cuộc vận động
tranh cử sơ bộ hiện nay trong đảng Cộng Hoà đều đã nhanh chóng lên tiếng chống
đối mạnh mẽ, với đối tượng nhắm đến là thành phần cử tri trung kiên với lập truờng
bảo thủ, nhất quyết không ủng hộ hoặc là phải đả phá tất cả những chương trình
nào liên hệ đến cái tên Obama, cho dù nó có là những thành quả đem lại phúc lợi
cho đất nước cũng như hàng chục triệu người dân trong nước.
Ngoài mặt, nhiều vị vẫn lớn
tiếng chỉ trích mạnh mẽ phán quyết này, cũng như cứ “hung hăng con bọ xít”
đòi huỷ bỏ đạo luật Obamacare, thật ra là chỉ để lấy lòng một cách mị dân, rẻ
tiền, vô liêm sỉ và trâng tráo, vì biết chắc rằng những đối tượng họ nhắm đến sẵn
sàng nghe theo những lời chỉ trích này.
Chẳng hạn như ông Marco
Rubio, nghị sĩ liên bang tại Florida: “Tôi không đồng ý với phán quyết
và cho rằng các thẩm phán lại sai lầm lần nữa khi tìm cách áp đặt Obamacare lên
đầu dân chúng Mỹ. Đây là 1 đạo luật xấu có hậu quả tiêu cực cho quốc gia và
hàng triệu người dân Mỹ. Tôi vẫn kiên quyết đòi hỏi việc huỷ bỏ đạo luật này và
thay thế nó.”
Tương tự như vậy, ông Jeb
Bush, thường được đánh giá là có lập trường ôn hoà hơn, cũng viết: “Tôi
rất thất vọng trước phán quyết của vụ án Burwell này, nhưng đây chưa phải là kết
quả chấm dứt cuộc chiến chống lại Obamacare.”
Hai ông cựu thống đốc Rick
Perry (của Texas) hoặc đương kim thống đốc Scott Walker (của
Wisconsin) cũng lên tiếng chống đối và xác nhận sự kiên quyết của mình trong việc
đòi huỷ bỏ đạo luật Obamacare. Ông Walker này còn đưa ra những nhận định hết sức
hàm hồ khi cho rằng đạo luật này đã khiến cho “nhiều người lao động phải mất
việc, mất bảo hiểm và không thể chịu nổi việc tăng giá bảo hiểm”.
Ông nghị sĩ Rand Paul,
một khuôn mặt được ưa thích bởi phe Tea Party cực đoan, cũng phê phán rằng “phán
quyết này đã làm đảo lộn luật pháp và sự hiểu biết thông thường. Nếu là tổng thống,
nhiệm vụ đầu tiên của tôi là huỷ bỏ đạo luật Obamacare, và đề nghị những biện
pháp thực tế để giải quyết hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta.”
Trang mạng Twitter cũng còn
ghi nhận thêm những lời lẽ chống đối của các ứng viên khác trong đảng Cộng Hoà
như bà Carly Fiorina, cựu thống đốc George Pataki của New York, cựu
nghị sĩ Rick Santorum, đương kim thống đốc Bobby Jindal của
Louisiana và thống đốc Chris Christie của New Jersey.
Nhưng trơ trẽn nhất có lẽ là
trường hợp của ông nghị sĩ liên bang Ted Cruz, đại diện cho tiểu bang
Texas. Sau phán quyết mới nhất của TCPV, ông Cruz đã nhanh chóng lên mạng lưới
Twitter để bầy tỏ sự chống đối của mình: “Tôi vẫn kiên trì trong chủ trương
dẹp bỏ hoàn toàn đạo luật Obamacare. Và trong năm 2017, chúng ta sẽ thực hiện
đúng như vậy.”
Điều này cũng chẳng có gì ngạc
nhiên khi người ta biết rằng, trong 1 lần đăng đàn ở Thượng Viện để làm một màn
filibuster kéo dài 21 tiếng đồng hồ vào hồi tháng 10 năm ngoái, ông Ted Cruz đã
đưa ra những lời cảnh báo nghiêm trọng như vậy. Lúc đó, ông Cruz đã mạnh miệng
phát biểu: “Nếu như quý vị không tin rằng Obamacare là yếu tố giết chết công
ăn việc làm nhiều nhất ở nước Mỹ thì quý vị chỉ cần nhìn vào các dữ kiện. Hết
báo cáo này đến báo cáo khác đều cho thấy rằng các chủ nhân đã tìm cách giới hạn
số giờ làm việc của nhân viên dưới 30 tiếng đồng hồ mỗi tuần bởi vì họ muốn
tránh né phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên.”
Nhưng điều trớ trêu và cũng
nực cười, đáng chê trách cho ông nghị sĩ đạo-đức-giả này là chính ông ta đã lợi
dụng cơ hội để mua bảo hiểm y tế với giá rẻ theo đạo luật của Obamacare hồi
tháng 3 vừa qua khi bà vợ Heidi của ông phải tạm thời xin nghỉ việc ở công ty
Goldman Sachs trong một thời gian ngắn để giúp ông chồng đi vận động tranh cử
hiện nay.
Ý NGHĨA CỦA PHÁN QUYẾT LẦN NÀY
Trước những lời lẽ hung hăng
chống đối như vậy, nhiều người tự hỏi rằng nếu như phe Cộng Hoà thắng cử vào cuối
năm 2016, liệu một vị tân tổng thống trong đảng Cộng Hoà trong số những nhân vật
nêu trên sẽ thực sự tiến hành công cuộc huỷ bỏ đạo luật bảo hiểm y tế ACA hay
không. Và quan trọng hơn nữa, là liệu xác suất thành công của nỗ lực này có thực
sự đến mức khả thi hay không? Bởi vì trong thực tế, có nhiều điều các chính trị
gia thường hay hô hào, hoặc làm ra vẻ tiến hành các bước đi tới, nhưng thực chất
là chỉ để nhằm qua mắt khối dân chúng thiếu hiểu biết sâu sắc để thấy rằng những
điều đó không có tính khả thi chút nào.
Nhưng trong một bài viết
đăng trên diễn đàn Business Insider đề ngày 27/6 vừa qua, nhà
báo Brett LoGiurato đã cho rằng phán quyết mới nhất của TCPV không phải chỉ đem
lại một thắng lợi nhất thời cho chính quyền Obama cũng như những người ủng hộ đạo
luật ACA (khi đồng ý cho phép chính quyền liên bang tiếp tục tài trợ cho nhiều
gia đình có lợi tức thấp được mua bảo hiểm sức khoẻ).
Phán quyết này có ảnh hưởng
sâu đậm hơn nữa khi xác định rằng đạo luật ACA đã trở thành đạo luật hiện hành
trên cả nước (the law of the land), và không có một tổng thống tương lai
nào của đảng Cộng Hoà có thể tìm ra những sơ hở để có thể đảo lộn hay thay thế
những điều khoản chính yếu của nó qua những sắc lệnh hành pháp.
Lý do là vì vào năm 2011, Tổng
Nha Thuế Vụ Liên Bang (IRS) đưa ra quy luật diễn giải một phần của đạo luật ACA
rằng chính quyền liên bang có thể cung cấp tiền trợ cấp để mua bảo hiểm dưới dạng
tiền thuế (tax credits). Và đó cũng là lý do để phía chống đối nộp đơn
kiện cáo để lật ngược lối suy diễn này.
Nhưng trong phán quyết mới
nhất vừa qua, TCPV xác định rằng không có cơ quan nào của chính quyền liên bang
có quyền suy diễn cách thức áp dụng đạo luật này, mà chính là Quốc Hội Mỹ đã
nói rõ như vậy trong bản văn của đạo luật ACA rằng mọi người dân trên toàn quốc
đều có quyền được hưởng tiền trợ cấp khi mua bảo hiểm sức khoẻ.
Điều này có nghĩa là TCPV đã
bác bỏ lập luận của cơ quan IRS khi diễn giải về đạo luật ACA liên quan đến việc
trợ cấp, nhưng đồng thời lại xác nhận rằng chính đạo luật ACA tự nó đã quy định
việc trợ cấp này rồi. Như vậy tất cả những cơ quan khác trong chính quyền, cũng
như bất cứ vị tổng thống nào trong tương lai cũng không có thẩm quyền để suy diễn
theo chiều hướng của mình và tìm cách thay đổi lề lối điều hành của đạo luật
này. Chỉ trừ khi Quốc Hội Hoa Kỳ trong tương lai tự mình sẽ phải biểu quyết một
đạo luật mới để thay thế đạo luật ACA.
Nhưng viễn tượng này cũng
khó có thể xảy ra, dù rằng người ta đã và đang nghe nhiều lời hô hào chống đối
mạnh mẽ từ các chính trị gia bảo thủ phe Cộng Hoà.Trong thực tế, mọi người đều
biết rằng các chính trị gia bảo thủ có thể mạnh mẽ lên tiếng chống đối đạo luật
bởi vì họ có thể tìm ra rất nhiều những sơ hở của đạo luật. Thế nhưng ngay cả
trong nội bộ của đảng Cộng Hoà, cho đến nay họ vẫn chưa đưa ra được 1 giải pháp
nào gọi là kết hợp cho lập trường chung của họ, nói gì đến việc đưa ra dự luật
để bàn thảo và biểu quyết. Lý do đơn giản là bất cứ dự luật nào đưa ra cũng có
nhiều điều dễ bị chỉ trích, cho nên thói quen của mọi người xưa này vẫn là
thích chỉ trích (cho sướng miệng) hơn là xây dựng (vì phải vất vả làm việc mà
còn dễ bị chống đối).
Hơn nữa, trong thực tế, một
khi đạo luật bảo hiểm y tế được áp dụng với số lượng người dân được mua bảo hiểm
với giá vừa phải, dần dần sự chống đối sẽ giảm thiểu, nhất là khi mọi người bắt
đầu nhận ra những giá trị thiết thực và cụ thể của đạo luật này, trái với những
điều tuyên truyền mà nhiều người vẫn còn lầm tin vì rơi vào cơn mê hồn trận tấn
công vũ bão những thành quả của chính quyền Obama từ nhiều năm qua.
Từ trước tới nay, tuy có lên
tiếng chống đối gắt gao đến đâu, người ta chỉ thực sự phản ứng mạnh mẽ và cụ thể
nhất mỗi khi họ bị tước mất những gì đang sở hữu. Tuy nhiều người vì không biết
hoặc a dua theo để lên tiếng bài bác hoặc chỉ trích về đạo luật ACA, nhưng
trong thực tế họ vẫn ngửa tay nhận hưởng ân huệ từ nó, như đã được trình bày
trước đây trong cột mục này dựa theo một bài phân tích trên tạp chí Time hồi đầu
năm 2014 với tựa đề “Hate Obama, Love Obamacare”. (Hoặc như trường
hợp đạo đức giả của ông nghị sĩ Ted Cruz ở Texas tìm cách mua bảo hiểm
Obamacare dù hay thích nổ là đòi dẹp bỏ nó). Nhưng một khi người dân đã được
mua bảo hiểm y tế với giá vừa phải (và còn được hưởng tiền trợ cấp) thì họ sẽ
không dễ dàng ngồi yên nếu như bỗng dưng nhà nước cướp đi quyền lợi thiết thực
này của họ.
TUẤN MINH
Houston, Texas ngày
29/06/2015
No comments:
Post a Comment