Tue, 07/21/2015 - 09:07 — Kami
Qua theo dõi các thông tin của truyền thông nhà nước
về sự vắng mặt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thì dễ dàng nhận
ra rằng phía nhà nước Việt nam đang bằng mọi cách để trấn an cho dư luận hiểu rằng
đây là một việc hoàn toàn bình thường đối với một cán bộ cao cấp và họ không
tin này xuất hiện.
Trước đây đã nhiều lần những người có trách nhiệm của
nhà nước Việt nam từng xác nhận với báo chí rằng, ông Thanh đã được các bác sĩ
Pháp phẫu thuật để cắt bỏ một khối u lành tính và sẽ trở về Việt nam trong một
ngày gần đây. Điều này cũng phù hợp với thông tin từ nhà báo Huy Đức, một nhà
báo vốn có mối quan hệ với các quan chức trong chính quyền Việt nam, khi viết
trên trang facebook cá nhân của mình khẳng định rằng "Phùng tướng
quân về đã gần một tuần, bệnh không nguy kịch như đồn đại, để thiên hạ thôi
thêu dệt tốt nhất là nên tạo tình huống xuất hiện ít phút trên truyền
hình".
Sử dụng
truyền thông quốc tế để tạo dư luận
Việc các hãng truyền thông lớn của quốc tế đưa tin về
lãnh đạo Việt nam không phải là chuyện lạ, họ hoàn toàn có khả năng tìm hiểu và
đưa các tin tức mà dư luận quan tâm. Như việc ngày 9/7/2015 vừa qua, trên
website BBC tiếng
Việt, một lần nữa cho biết rằng: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam
Phùng Quang Thanh "đã được cho ra viện" sau ca phẫu thuật u phổi. Tuy
nhiên ông Thanh "vẫn tiếp tục ở lại Pháp để đợi được kiểm tra". Thông
tin trên được Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe
Trung ương nói với BBC ngày 9/7." cũng là chuyện bình thường.
Vì thế, cũng chẳng lạ là vào ngày 19/7/2015, hãng
thông tấn Đức DPA đưa tin từ Hà nội cho hay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng
Quang Thanh đã từ trần tại bệnh viện Georges Pompidou (Pháp) ngày Chủ Nhật
19/7/2015, theo đó bản tường trình cho hay nguồn tin tức được cung cấp bởi "Một
nguồn tin quân sự tại Hà nội cho DPA biết, nhưng không muốn nêu tên vì không được
quyền tiết lộ cho báo chí.".
Hình chụp tin Tướng
Phùng Quang Thanh đã chết của Hãng tin DPA
Sáng ngày thứ Hai 20/7/2015, trước thông tin của
Hãng tin DPA đưa tin cho rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chết
tại Paris, truyền thông Việt nam đã đồng loạt có phản ứng nhanh chóng để bác bỏ
và cho rằng đó là một tin đồn ác ý hoàn toàn không có cơ sở. Thậm chí báo
Tuổi Trẻ đã khẳng định thẳng thừng rằng "Cuối tháng 7-2015, đại tướng
Phùng Quang Thanh sẽ về nước".
Một câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao
tin này lại xuất hiện vào lúc này và chỉ từ một hãng truyền thông quốc tế thuộc
loại có uy tín? Vì sao đây là một tin rất quan trọng, xảy ra ở Pháp
mà truyền thông tại Pháp hoàn toàn im lặng?". Điều đó cho thấy, rất có
thể "...nguồn tin quân sự tại Hà nội cho DPA biết, nhưng không muốn
nêu tên vì không được quyền tiết lộ cho báo chí." khi cung cấp
tin này đã chủ ý bẫy phóng viên của DPA để cố ý tạo thành một tin tức
quan trọng. Và cũng có thể do sai sót của DPA khi quá tin tưởng vào người xác
nhận tin này - nhân chứng tin cậy của DPA làm trong bệnh viện Pháp Georges
Pompidou. Tuy vậy khả năng sau là rất nhỏ, khó có thể xảy ra.
Như vậy phải chăng đây là một âm mưu của lực lượng
quân đội còn trung thành với Tướng Phùng Quang Thanh, do không nắm được truyền
thông của nhà nước, nên đã buộc phải sử dụng các kênh truyền thông nước ngoài để
tạo tin tức?
Hãng
tin DPA thay tin song không cải chính
Đáng chú ý nhất là theo
báo Một thế giới vào lúc 12:37 ngày 20/07/2015 cho biết "PV
Báo điện tử Một Thế Giới đã liên lạc với Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng
tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN. Qua điện thoại, Tướng Tuấn khẳng định:
"Thông tin về Bộ trưởng Phùng Quang Thanh qua đời mà DPA đưa là sai và họ
đã vừa điện thoại cho tôi để hỏi lại". Tướng Tuấn cho hay, họ phía DPA đã
xác nhận lại thông tin và nói họ thông tin không đúng thì DPA sẽ cải chính... Đồng
thời về việc Bộ Quốc phòng có ý kiến với hãng thông tấn DPA hay không, Tướng Tuấn
cho hay: "Với những thông tin thất thiệt, không chính thống thì Bộ Quốc
phòng sẽ không có trả lời. Ai hỏi thì sẽ trả lời.".
Và vào lúc 15:30 giờ Hà nội, bản tin cũ ngày
19/7/2015 của Hãng tin DPA có nguồn từ Hà nội đã được thay thế bằng bản tin với
nguồn từ Bangkok, với tựa đề "Việt Nam bác bỏ báo cáo về cái chết của Bộ
trưởng Quốc phòng". Theo đó bản tin của DPA đã cho biết rằng Trung tướng
Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nói với DPA rằng: "Tôi
đã nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua và ông (Thanh - TG) sẽ trở về Việt Nam
vào cuối tháng này.". (Xem hình)
Bài báo mới được
DPA thay cho bài báo đưa tin về cái chết của Tướng Phùng Quang Thanh
Từ việc này có ý kiến cho là Hãng tin DPA hoàn toàn
không chắc chắn về cái tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chết
tại Pháp ngày 19/7/2015? Cái đó có đúng hay không và nên hiểu như thế nào?
Trước hết cần phải hiểu, trong một môi trường báo chí
đúng nghĩa, lành mạnh và trung thực thì điều quan trọng nhất của một nhà báo là
phải tuân thủ chặt chẽ đạo đức hành nghề, đó là phải đưa tin trung thực, có đầy
đủ các cơ sở để khẳng định tin đưa ra là xác thực. Đồng thời, về nguyên tắc đưa
tin của một hãng thống tấn chuyên nghiệp, thì ngoài việc phải có đầy đủ các bằng
chứng xác tín và đủ điều kiện để đảm bảo độ tin cậy của tin tức họ mà sẽ đưa ra
thì còn cần phải có những nguồn tin khác để kiểm chứng và đối chiếu. Các bắng
chứng nói ở đây có thể là băng ghi âm, hình ảnh hoặc một tài liệu có đầy đủ cơ
sở tin cậy do nguồn tin khả tín cung cấp.
Trong trường hợp này, chắc chắc phóng viên của Hãng
tin DPA phải có trong tay các bằng chứng xác thực do một nhân vật thân cận với
DPA thuộc một cơ quan quân sự ở Hà nội cung cấp cho họ như đã được nêu trong bản
tin và nguồn kiểm chứng của họ cũng là một nhân vật được cho là tin cậy làm
trong bệnh viện Pháp Georges Pompidou cung cấp (tạm gọi là nhân vật X). Điều đó
cho thấy việc văn phòng tại Bangkok của Hãng tin DPA đã cho rút bản tin cũ và
thay thế vào đó bằng một bản tin mới, thay vì đăng một bản tin hoàn toàn mới,
nghĩa là cho dù nội dung bản tin giờ đã thay đổi, đường truyền vẫn là đường
truyền cũ, (xem
tại đây) là dấu hiệu cho thấy họ đã chấp nhận một bước lùi trong việc tranh
cãi sự xác thực của tin này do họ đưa ra, vì họ cũng không muốn văn phòng của
DPA tại Hà nội có thể bị gây khó dễ. Nhưng không có nghĩa là họ bác bỏ hay cải
chính tin họ đã đưa ra trước đấy liên quan đến cái chết của Đại tướng Phùng
Quang Thanh. Như lời của nhân vật X nói
với phóng viên Thụy My của RFI Việt ngữ khi khẳng định rằng "Chúng
tôi tạm thời chấp nhận thiệt thòi, và thời gian sẽ chứng minh là ai đúng. Rồi
cũng phải đưa về thôi. Không lâu lắm đâu cô ạ. Cũng xin nói thêm là chưa bao giờ
chúng tôi cảm thấy căng thẳng như ngày hôm nay."
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao truyền
thông nhà nước đã phản ứng rất quyết liệt và phủ nhận trước tin Đại tướng Phùng
Quang Thanh đã chết do Hãng tin DPA đưa ra?
Sự
phân hóa trong nội bộ lãnh đạo quân đội
Qua những miêu tả của DPA trong các bản tin thứ nhất
và thứ hai cho thấy, tin cho rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chết ngày
19/7/2015 là do "Một nguồn tin quân sự tại Hà nội cho DPA biết,
nhưng không muốn nêu tên vì không được quyền tiết lộ cho báo chí.". Điều
đó chứng tỏ cho thấy trong nội bộ ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng tại thời điểm
này đã có hai xu hướng hoàn toàn khác nhau, trong vấn đề liên quan đến tính mạng
của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Đó là một xu hướng (của phe trung thành với tướng
Thanh và thân Trung quốc) cố gắng tìm cách biến sự vắng mặt đầy bí ẩn của tướng
Phùng Quang Thanh trong hơn một tháng vừa qua trở thành một tin được đưa từ một
hãng tin có uy tín như DPA nhằm đánh động dư luận và cũng có thể nhằm mục đích
lôi kéo các phần tử trung thành. Và tất nhiên điều đó sẽ là một điều bất lợi đối
với phe đang kiểm soát Bộ Quốc phòng vào thời điểm hiện tại, cũng là phe đang nắm
giữ truyền thông của nhà nước. Như ta đã thấy trên báo chí chính thống vừa qua
là phản bác và khẳng định ông Phùng Quang Thanh vẫn khỏe và sắp về Việt nam vào
cuối tháng này.
Việc đưa các thông tin được khẳng
định từ trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên tư lệnh
quân khu 4, một nhân vật chống Trung quốc khét tiếng mà ai cũng biết và là người
tự nhận là thủ trưởng cũ của Đại tướng Phùng Quang Thanh để chứng tỏ việc tướng
Thanh vẫn "khỏe" đã khẳng định cho thấy điều đó. Hãy nghe trung tướng
Nguyễn Quốc Thước nói gì ngày hôm qua 20/7/2015: "Đúng 15h kém 10,
tôi đã trực tiếp gọi điện sang Pháp, nói chuyện với thư ký của anh Thanh, lúc
đó anh Thanh cũng ngồi bên. Thư ký cho biết, sức khỏe anh Thanh ổn định, mỗi
ngày dành đến 3-4 tiếng để đi bộ và tập phục hồi. Tôi cực lực phản đối những
thông tin thất thiệt về sức khỏe anh Thanh. Đó không chỉ là những thông
tin bịa đặt trắng trợn mà còn muốn làm chia rẽ chúng ta.". Vấn
đề là ở chỗ đó (dòng gạch chân), đây là điều hết sức nhạy cảm và nếu không được
xử lý khéo léo trong lúc này thì rất có thể xảy ra khả năng xung đột ngay giữa
các bộ phận bên trong lực lượng vũ trang Việt nam lúc này
Sự vắng mặt đầy bí ẩn của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Phùng Quang Thanh là một vấn đề cực kỳ quan trọng, nhất là tại thời điểm
có rất nhiều động thái cho thấy Việt nam có thể bị kéo vào một cuộc chiến xung
đột với các quốc gia láng giềng. Trong lúc nội bộ ban lãnh đạo quân đội đang có
sự mâu thuẫn và phân hóa rõ rệt. Với một bên là các tướng lĩnh chỉ huy ở cấp
các quân đoàn, quân khu đa phần đều là thuộc hạ tin tưởng của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Phùng Quang Thanh và một bên là thành phần lãnh đạo Bộ Quốc phòng mới
đang cố gắng thâu tóm quyền lực trong giới quân sự một cách nhanh nhất. Điều
này chắc chắn có liên quan đến việc điều chuyển một số vị trí lãnh đạo chủ chốt,
kể cả việc di chuyển các thiết bị khí tài quân sự cộng với các chuyến thăm và
làm việc của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ từ trung tuần tháng 7/2015 vừa qua.
Kết
Thực ra việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang
Thanh đã chết hay chưa chết vào lúc này cũng có giá trị như nhau, bởi sự nghiệp
chính trị của ông Thanh đã chính thức chấm dứt kể từ khi nhà nước Việt nam công
bố ông đã đi điều trị bệnh phổi ở Pháp. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là người
ta đang tìm cách hợp lý hóa sự vắng mặt đầy bí ẩn này để yên lòng ba quân mà
thôi. Nó cũng như việc Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu Quân đội nhân
dân Việt Nam nói với DPA rằng: "Tôi đã nói chuyện với anh ấy ngày
hôm qua và ông (Thanh - TG) sẽ trở về Việt Nam vào cuối tháng này." là
điều sẽ khó có thể thể xảy ra, song để bịt tin thì người ta vẫn cứ nói.
Để cho dư luận làm quen với các nguồn tin khác nhau
trước tin Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chết, cũng là cách kéo dài thời gian để
thử phản ứng của dư luận, cũng như việc chấn chỉnh và nắm chắc quân đội hơn
cũng là một khả năng có thể. Đặc biệt là dư luận trong quân đội trước khi đưa
tin một cách chính thức về sự ra đi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang
Thanh của truyền thông nhà nước. Song nếu như để trấn an dư luận một cách hiệu
quả và thuyết phục nhất, thì có lẽ người ta chỉ cần công bố hình ảnh mới nhất của
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh với một nhân vật có uy tín nào đó.
Nhưng việc cho thấy truyền thông nhà nước đã không đi theo hướng này, thì càng
chứng tỏ sự biến mất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh rất có thể
như dư luận đồn đoán cho rằng ông đã bị bắt giữ hoặc đào thoát sang Trung quốc
bấy lâu nay là có cơ sở.
Qua phản ứng của dư luận xã hội về cái chết của Đại
tướng Phùng Quang Thanh mà số đông là người ta vui mừng và mong tin đó là sự thật
cho thấy uy tín của người đứng đầu quân đội đã quá mất uy tín, lý do chính có lẽ
không ngoài việc tướng Phùng Quang Thanh có xu hướng quá thân Trung quốc. Điều
này chắc chắn có liên quan đến mức độ uy tín của đảng CSVN đối với dân chúng
vào thời điểm hiện nay.
Ngày 21/7/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment