Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Người Lao Động
01/06/2015 22:02
Một
cơn bão chiến lược đang hình thành ở trung tâm biển Đông, bắt nguồn từ việc
Trung Quốc cấp tập bồi đắp 7 đảo nhân tạo mà họ cưỡng chiếm trái phép ở Trường
Sa, xây dựng thành các tổ hợp quân sự và các cứ điểm án ngữ những con đường biển
quốc tế ngang qua biển Đông ; còn Mỹ đã bắt đầu phản ứng mạnh bằng những tuyên
bố cứng rắn và hành động cũng không kém phần quyết liệt.
Trung Quốc nỗ lực biến việc xây dựng đảo thành
"sự đã rồi" và Mỹ tăng sức ép lên Trung Quốc. Cuộc chiến cân não giữa
Mỹ và Trung Quốc đã "phả" vào không khí các phiên họp của Đối thoại
Shangri-La 2015 tổ chức tại Singapore trong ba ngày qua (từ 29 đến 31/5).
Những kiểu diễn đàn như Shangri-La không thay đổi hiện
thực nhưng phản ánh sâu sắc hiện thực và góp phần tập hợp dư luận quốc tế. Từ
ba năm qua, Trung Quốc luôn ở thế phòng ngự tại các cuộc đối thoại Shangri-La.
Năm nay, họ vẫn phòng ngự. Không khí chung của đối thoại thể hiện sự lo ngại của
cộng đồng quốc tế trước các hành động bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông và
những hệ quả tất yếu mang tính tiêu cực đối với hòa bình, ổn định, an ninh tại
biển Đông cũng như ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong phiên họp thứ tư của cuộc đối thoại an ninh quốc
phòng Châu Á này, phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng
Quân Giải phóng (PLA), trưởng đoàn Trung Quốc - gây chú ý nhiều nhất song ông
Tôn dành phần lớn thời gian giới thiệu các thành tựu của Trung Quốc đóng góp
trên các lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng. Dù thừa nhận "biển Đông trở
thành vấn đề nóng tại đối thoại Shangri-La" nhưng ông Tôn lại cho rằng
không có gì phải lo ngại, vì vậy "không nên làm cho nó trở thành vấn đề lớn"
trong khi thế giới còn bao nhiêu vấn đề an ninh phải quan tâm giải quyết (!).
Ông cũng khẳng định biển Đông "hoàn toàn hòa bình, ổn định",
"không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải"... Được dành 10 phút để
trả lời các câu hỏi của cử tọa song Đô đốc Tôn đã không trả lời thẳng vào các
câu hỏi. Phiên tranh luận đã trở thành cuộc đối thoại một chiều !
Việc đoàn Trung Quốc né tránh thảo luận về trật tự
khu vực cũng dễ hiểu. Một kiểu trật tự an ninh có hiệu quả đối với Châu Á sẽ
khác xa với một kiểu trật tự an ninh Châu Âu, dựa vào NATO làm trụ cột. Ở Châu
Á, như phần lớn đại biểu tham dự đối thoại đã nhấn mạnh, từ những đặc thù lịch
sử và địa - chính trị, một cơ cấu an ninh sẽ dựa trên sự gặp gỡ giữa lợi ích của
các quốc gia, các cơ chế hiện hữu như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, vai trò nòng
cốt của ASEAN trong các cơ chế khu vực..., đồng thời cần dựa trên sự tôn trọng
luật pháp và thông lệ quốc tế, cùng chia sẻ trách nhiệm giữa các nước và nỗ lực
giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Những hành động leo thang
bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông đang làm cho các nước liên quan xích lại
gần nhau, tạo nên một liên minh lợi ích lỏng lẻo - một kiểu tập hợp lực lượng
mang tính phòng ngừa, khi lợi ích của các quốc gia bị đe dọa khẩn cấp thì nó sẽ
được thúc đẩy lên thành những hình thức liên kết cao hơn, chặt chẽ hơn.
Sự trỗi dậy mang tính thách thức của Trung Quốc đang
đe dọa sự tồn tại của trật tự cũ. Trung Quốc đang đưa ra các sáng kiến để bào
mòn trật tự cũ, len vào những khoảng trống quyền lực để mở rộng ảnh hưởng, phân
chia khu vực ảnh hưởng tại khu vực đại chu biên (Châu Á - Châu Phi - Châu Âu)
mà không gây xung đột quân sự với Mỹ. Tại biển Đông, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng
trống quyền lực nước lớn, sự chập chững trong lập trường của không ít quốc gia
liên quan để mở rộng quyền kiểm soát thực tế. Họ khẩn trương xây dựng các cơ sở
hậu cần, sân bay trên các đảo nhân tạo, thay đổi nguyên trạng tại biển Đông nhằm
đặt trước sự đã rồi. Mỹ và Trung Quốc có 90 cơ chế đối thoại nhưng đã không tạo
ra sự tin cậy chiến lược.
Không khí thảo luận tại Đối thoại Shangri-La với những
phát biểu quan trọng của 10 bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho thấy không ai muốn làm
mất lòng Trung Quốc, đối địch với Trung Quốc. Nhưng ai cũng mong muốn Trung Quốc
hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, tôn trọng luật lệ quốc tế, nói đi đôi
với làm.
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Trường (từ Singapore)
No comments:
Post a Comment