Tuesday, June 9, 2015

Thúc đẩy Trung Quốc phải chơi theo quy tắc (David Brown - Asia Sentinel)





David Brown  -  Asia Sentinel
Người dịch: Huỳnh Phan
Posted by admin on June 8th, 2015

Hy vọng có màn đấu khẩu ồn ào giữa Mỹ và Trung Quốc, các phóng viên đổ xô đến để đưa tin về Đối thoại Shangri-La năm 2015. Bị thúc bách phải đưa mọi thứ cô đọng trong một vài đoạn văn ngắn để lý giải tình hình Biển Đông, các nhà báo có khuynh hướng thổi phồng vở diễn này.

Những điều dạo đầu (việc đã công bố rộng khắp về máy bay Mỹ bay bên trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc, sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, những nhận xét khá đối đầu ở Bắc Kinh và Honolulu) dường như hứa hẹn sẽ có nhiều màn đấu khẩu nảy lửa ở hội nghị chiến lược hàng đầu của Đông Á.

Tuy nhiên, có lẽ được tĩnh trí bởi điều mà tờ Independent của Anh gọi là “tiềm năng xảy ra tai ương” sờ thấy, lúc này các nhận xét của người tham gia năm nay mang tính lịch sự hơn những năm trước. Ash Carter, giáo sư Đại học Harvard giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ tháng Hai, đã cố sức giải thích lý do tại sao Mỹ không thích công cuộc Trung Quốc tìm cách biến vùng biển kín lớn nhất thế giới  thành vùng biển của riêng mình. Carter không đối đầu mà chỉ đưa ra các sự kiện. Ông nhấn mạnh rằng việc bơm cát vào các rạn đá ngầm để làm thành các đảo nhân tạo không tạo ra các quyền chủ quyền đối với vùng đất đó hoặc vùng biển lân cận.

Carter triển khai các giải thích tốt nhất chưa từng đưa ra vì sao Hoa Kỳ lại can dự lại, và sẽ vẫn can dự vào khu vực này. Đặc biệt, đó không phải là vì sức mạnh hay vết thương quá khứ làm nên lẽ phải: bây giờ Trung Quốc không thể đòi hỏi những quyền mà họ chưa bao giờ thực hiện ngay cả trong quá khứ thiên triều của họ, cũng không thể dẹp sang một bên khuôn khổ pháp lý do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dựng lên.

Carter nói: “Tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao, không phải qua xâm lấn hay đe dọa. Tất cả các nước phải có quyền tự do đi lại trên biển và trên không để cho giao thương toàn cầu không bị cản trở. Và tất cả các quốc gia cần có thể đưa ra lựa chọn riêng mình về an ninh và kinh tế mà không bị cưỡng ép”.

“Đây là quyền của mọi quốc gia, không phải là các khái niệm trừu tượng, và cũng không thể lệ thuộc vào ý tưởng bất chợt của bất kỳ một quốc gia nào. Chúng không phải là đặc quyền để được cấp hoặc thu hồi bởi bất kỳ nước nào…”

Các chuyên gia tại chỗ báo lại rằng Đô đốc Sun Jianguo (Tôn Kiến Quốc) và các đại diện của Trung Quốc khác đã sẵn sàng khai chiến, nhưng có vẻ như đã được bị tướt vũ khí bởi thảo luận thực tế đơn giản của Carter về cách “quân sự hóa các thể địa lý tranh chấp” là một lựa chọn thật sự tệ hại so với sự thương lượng về quyền lãnh thổ và sự tiến triển của một “kiến trúc khu vực mà ở đó mọi nước đều đi lên và mọi người đều thắng.”

Bịa đặt Lịch sử

Khi những người đứng đầu quốc phòng của hai chục quốc gia họp tại Singapore, xã luận trên khắp thế giới phương Tây than thở rằng tình trạng của một nhúm rạn san hô, đá và đảo nhỏ có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc, Mỹ, và đối tác các dạng của Mỹ tại khu vực. Họ lo lắng là đúng. Đáng chú ý, tờ New York Times, Independent, Guardian, London Times, Sydney Morning Herald cùng các báo khác có xu hướng xem vấn đề này như là kết quả của việc vươn quá xa của một “Trung Quốc đang trỗi dậy.” Đó là một sự thay đổi tốt đẹp so với xu hướng trong những năm vừa qua khẳng định rằng tất cả các bên tranh chấp Biển Đông đều có lỗi như nhau, hay tệ hơn, yêu sách ‘chủ quyền không thể tranh cãi’ của Trung Quốc là dựa trên sự kiện có thật.

Các bài bình luận vẫn còn có năng lượng trong các nước dân chủ. Nếu nó đã thực sự dứt khoát nghiêng theo hướng chống lại Bắc Kinh thì phải đánh giá cao sự đóng góp của Bill Hayton của BBC, vì quyển “Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á” và bài viết khác đã đánh đổ điều khẳng định của Trung Quốc rằng họ cai quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời xa xưa.

Lập luận lịch sử, cũng có thể là thú vị như đối với những chuyên gia và cũng thuận tiện đối với những người muốn tránh đối đầu, thật ra chẳng liên quan đến việc phân xử các yêu sách đòi kiểm soát một khu vực đại dương rộng 3.500.000 km². Công Ước Luật Biển mà Trung Quốc và hầu hết các quốc gia khác đã tham gia (còn Thượng viện Mỹ cho đến nay chưa phê chuẩn vì những lý do có nguồn gốc ẩn khuất từ chính trị nội bộ, nhưng dù vậy Washington vẫn tôn trọng), cung cấp khuôn mẫu duy nhất có thể sử dụng được để giải quyết các yêu sách chồng lấn.

Con đường ngoại giao cho việc tháo gỡ cuộc đối đầu leo thang có thể bắt đầu bất cứ khi nào Trung Quốc thấy ra những gì họ nghĩ thật sự chỉ của riêng họ. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong nhiều năm đã thúc ép Bắc Kinh ‘làm rõ yêu sách của mình.’ Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc phải giải thích ‘đường chín vạch’ vẽ trên các bản đồ được xuất bản gần đây của Trung Quốc. Có phải Bắc Kinh đang khẳng định rằng họ sở hữu tất cả các đảo đá, rạn san hô và các thể địa lý khác bao hàm bên trong các dấu vạch này hay có thể chỉ một số trong đó? Ngoài ra, nếu không là toàn bộ vùng biển bên trong đường chín vạch, Trung Quốc đòi vùng biển nào xung quanh những thể địa lý được cho là của mình?

Nhiệt tình yêu nước

Một khi đã khởi động tốt, thương lượng ngoại giao có thể không những là một việc làm lâu năm cho các chuyên gia mà cũng cho ra lý do để hạ bớt căng thẳng quân sự. Việc kích động đàm phán đa phương là phần khó, đặc biệt là vì người Trung Quốc yêu nước đang đặt nặng lòng tin vào ý tưởng rằng Trung Quốc xưa nay đã sở hữu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
‘Nam Hải của chúng ta’ đã trở thành một lời kêu gọi cho những người yêu nước đắm chìm trong những giấc mơ trả thù cho ‘thế kỷ quốc sỉ’ do một số nước ngoài áp đặt lên Trung Quốc. Bất chấp rằng đó không phải là Biển Nam của Trung Quốc mà là một vùng biển chung mà không một nước nào thực thi chủ quyền đáng kể đối với nó mãi cho đến thế kỷ thứ 19 – và sau đó chính những người đi biển Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã dựng các bia chủ quyền của vương quốc trên vài chục đảo nhỏ.

Những người yêu nước Trung Quốc biết rằng xưa kia triều đình của nhiều nước ngoài đã dâng cống vật cho Thiên Tử (Hoàng đế Trung Quốc), trong số đó có những vị vua khác nhau của các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines. Người dân bình thường thấy vấn đề được giải quyết theo hướng đó, trừ phi Bắc Kinh giải thích cho họ vì sao trong thế kỷ 21 tất cả các quốc gia đều được lợi hơn khi giải quyết các quan hệ theo những quy tắc đã được đồng ý chung.

Lẽ thường có thể là một dải biển cho một chế độ đang củng cố quyền cai trị  Trung Quốc bằng cách khẳng định quyền bá chủ trên vùng biển từ Nam Hong Kong tới Singapore. Cũng thế, kể từ năm 2009, Bắc Kinh đã có nhiều lượt hành động thành công vượt mức. Họ đã làm quần đảo Hoàng Sa sạch bóng ngư dân Việt Nam và thiết lập thủ phủ Nam Hải của họ ở đó; họ đã đẩy ngư dân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough; họ đã quấy rối công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Việt Nam; và bây giờ là bằng mọi giá bơm cát lên các rạn đá để tạo ra các đảo nhân tạo mang đầy tiềm năng chiến lược.

Xuống lưng cọp?

Có một nhịp điệu đã trở thành quen thuộc. Mỗi mùa hè Trung Quốc làm một điều tàn tệ nào đó, đo lường phản ứng quốc tế, và sau đó lùi lại một chút. Chồng lên trên việc triển khai giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình, chiến dịch xây đảo năm nay đã được cho thấy là quá mức đến ngay cả những chuyên gia thân Trung Quốc không thể chịu đựng được. Gần như không đáng ngạc nhiên rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang ngày càng đồng thanh hát cùng một bài ca, rằng Philippines vui vẻ đón chào tàu chiến Mỹ trở lại Vịnh Subic, và rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đang đều đặn hướng tới liên kết chặt chẽ dựa trên lợi ích chiến lược bổ sung nhau.
Theo một bài nghiên cứu của Viện Brookings thì Bắc Kinh “tin rằng các vụ ầm ĩ trong tranh chấp ở… Biển Đông phản ánh chiến lược cơ bản của Mỹ là khuyến khích những nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, hành động vượt mức giới hạn với hy vọng là các phản ứng của Trung Quốc sẽ dẫn những nước này – và ASEAN – trở nên đoàn kết và phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ”.

Nếu thế thì Bắc Kinh đã hiểu sai. Không có bàn tay vô hình nào của Mỹ khuấy động ở đây. Chính xác mà nói thì chính việc Trung Quốc không ngừng theo đuổi bá quyền đã thúc đẩy các nước khác tụ tập với nhau. Cũng chính xác mà nói chính Trung Quốc có thể làm giảm đi căng thẳng bằng cách nêu rõ những mục tiêu hợp lý. Khi họ chưa làm như vậy, những người khác do thận trọng phải giả định điều tồi tệ nhất.

Chỉ một vài năm trước đây, một số nhà phân tích phương Tây khẳng định rằng chính quyền trung ương Trung Quốc đã bị các diễn viên kém kỷ luật cấp dưới, như liên minh của các ngư dân, các công ty dầu khí, những kẻ nhiệt tình trong hải quân và chính quyền các tỉnh phía Nam Trung Quốc, lôi kéo đến lập trường cương quyết đới với vấn đề Biển Đông. Bây giờ không còn ai tin điều đó nữa. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đều được một nhóm nhỏ chóp bu do chính TBT/ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì xét duyệt. Ít ra một phần vì có lợi chính trị trong nước, họ đã cho phép những cuộc đối đầu trên Biển Đông thành vấn đề biểu tượng hóa về “Trung Quốc đang trỗi dậy” và tham vọng của cường quốc châu Á mới nầy. Bây giờcó lý do gì để hỏi, đã lỡ cưỡi lưng cọp, liệu Tập Cận Bình và bộ sậu có thể tìm cách nào để thoát xuống mà không phải mất mặt quá nhiều không.

Họ nên thoát ra bây giờ. Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đang bị đe dọa bởi việc vươn quá xa ở quần đảo Trường Sa. Ash Carter đã đưa ra một lựa chọn khác tại cuộc họp Shangri-La: chia sẻ một cách hợp lý và tôn trọng những cơ hội để các nước Châu Á-Thái Bình Dương “cùng đi lên, cùng phát triển thịnh vượng và cùng thành công”. Hoa Kỳ nghiêm chỉnh về điều này. Mặc dù với sự tin cậy có suy giảm, Washington vẫn khao khát quan hệ đối tác Mỹ-Trung có hiệu quả trong quản lý các vấn đề trong khu vực và toàn cầu rất đa dạng như khủng bố, biến đổi khí hậu, buôn người, không cướp biển và phòng ngừa phổ biến hạt nhân.
Ngay trước cuộc họp Shangri-la, Tổng Thống Đài Loan, Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu) đã đưa ra một đề nghị. Đài Loan là một bên tranh chấp, đang kiểm soát Itu Aba (Ba Bình), đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, từ năm 1956. “Mặc dù chủ quyền không thể phân chia nhưng tài nguyên thì có thể chia sẻ,” Mã Anh Cửu nói.  Tổng Thống Đài Loan minh họa quan điểm của mình qua việc đề cập đến một thoả thuận đã tạo điều kiện cho phép ngư dân Đài Loan và Nhật Bản đánh cá mà không có va chạm trong lãnh hải được tạo ra từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài. Tại thời điểm căng thẳng này, đề nghị của Mã Anh Cửu cần được xem xét nhiều hơn.






No comments: