Tuesday, June 9, 2015

Chuyến thăm của Modi và các tồn tại trong quan hệ Trung – Ấn (Brahma Chellaney - Project Syndicate)





Brahma Chellaney, “Modi in China“, Project Syndicate, 18/05/2015.
Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Phạm Thị Thoa
Posted on 09/06/2015 by The Observer

Trung Quốc và Ấn Độ có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp, với đặc trưng là những tranh chấp nhức nhối, mất lòng tin sâu sắc và sự do dự về hợp tác chính trị đến từ cả hai phía. Sự bùng nổ thương mại song phương, vốn còn xa mới có thể giúp khép lại những rạn nứt cũ,  luôn song hành cùng sự gia tăng các cuộc đụng độ biên giới, căng thẳng quân sự và cạnh tranh địa chính trị, cũng như những bất đồng về các vấn đề ven sông và trên biển.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã tìm cách thay đổi mối quan hệ của nước mình với Trung Quốc, lập luận rằng triển vọng của Châu Á “trong một phạm vi nào đó” sẽ xoay quanh những điều mà hai quốc gia có tổng số dân chiếm 1/3 dân số thế giới này “tự mình đạt được” và “cùng nhau thực hiện”. Tuy nhiên, chuyến thăm vừa mới kết thúc của ông Modi tới Trung Quốc đã chỉ ra rằng những vấn đề gây chia rẽ hai “người khổng lồ về dân số” này vẫn còn rất lớn.

Chắc chắn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón ông Modi rất trọng thị. Khi ông Modi tới Tây An – một trong bốn cố đô của Trung Quốc, nơi cũng là quê hương của Chủ tịch Tập Cận Bình – ông Tập đã đích thân đưa ông Modi tới thăm Tháp Đại Nhạn. (Ông Modi sau đó đã khoe về tình bạn “một cộng một” với ông Tập). Khi đến Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chụp một bức ảnh “tự sướng” với ông Modi bên ngoài đền Thiên Đàn.

Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đã không nhượng bộ trước bất kỳ một vấn đề thực chất nào, không phải do ông Modi thiếu nỗ lực. Dù đã đổi sang chiến thuật thực dụng và hòa giải, Thủ tướng Modi yêu cầu Trung Quốc “cân nhắc lại cách tiếp cận” của nước này đối với một số vấn đề đang ngăn cản đôi bên hiện thực hóa “toàn bộ tiềm năng” đã bị (phía Trung Quốc) bỏ qua.

Về cuộc thảo luận xoay quanh tranh chấp tại đường biên giới chạy dài theo dãy Himalaya hiện nay, khi bóng gió về hàng loạt cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc kể từ năm 2006, Thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định “bóng đen bất ổn” đang bao trùm lên khu vực biên giới, bởi “đường biên giới theo sự kiểm soát trên thực tế”, do Trung Quốc đơn phương vạch ra sau khi đánh bại Ấn Độ trong trận chiến do Bắc Kinh tự khơi mào vào năm 1962, chưa từng được hai bên cùng làm rõ. Ông Modi đã đề xuất nối lại quá trình làm rõ đường biên giới kiểm soát trên thực tế này nhưng không đem lại kết quả.

Trên thực tế, nguyên nhân khiến tình trạng mập mờ này tiếp diễn chính là vì vào năm 2002, sau hơn hai thập kỷ đàm phán, Trung Quốc đã phá bỏ lời hứa trao đổi bản đồ của hai khu vực tranh chấp chính – bang Arunachal Pradesh (có diện tích khoảng bằng nước Áo) và bang Aksai Chin (diện tích xấp xỉ Thụy Sĩ)  – cùng các vùng lân cận, nằm ở hai đầu của dãy Himalaya. Bốn năm sau, Trung Quốc khôi phục lại yêu sách vốn đã ngủ yên từ lâu đối với bang Arunachal Pradesh, và kể từ đó nước này đã nhiều lần vi phạm đường biên giới với Ấn Độ. Bắc Kinh cũng từng nổi giận đùng đùng sau chuyến thăm của ông Modi tới Arunachal Pradesh vào tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, với tâm huyết xây dựng một mối quan hệ song phương, ông Modi trong chuyến thăm Trung Quốc đã cho phép khách du lịch Trung Quốc được phép nhận thị thực điện tử sau khi đã tới Ấn Độ. Động thái này khiến Ngoại trưởng Ấn Độ ngỡ ngàng bởi trước đó không lâu bà đã phát biểu với giới truyền thông rằng không có một quyết định nào như vậy được đưa ra. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã ca ngợi động thái của Thủ tướng Modi là một “món quà”, và đây quả là một mô tả chính xác, bởi Trung Quốc đã không có động thái đáp lễ nào cả. Trái lại, Trung Quốc đang muốn làm suy yếu chủ quyền của Ấn Đô bằng cách cấp thị thực rời (stapled visas)[1] cho người dân của bang Arunachal Pradesh.

Không những thế, Trung Quốc – nước bá chủ về nguồn nước của khu vực nhờ sáp nhập vùng giàu tài nguyên nước Tây Tạng –  đã từ chối ký kết thỏa thuận bán số liệu thủy văn của những dòng sông xuyên biên giới với Ấn Độ trong cả năm, mà chỉ bán vào mùa mưa lũ. Không chỉ từ chối xây dựng một hiệp ước chia sẻ nguồn nước với bất cứ quốc gia láng giềng nào, Trung Quốc thậm chí còn không chia sẻ cả các số liệu về dòng chảy trên thượng nguồn của các dòng sông xuyên biên giới.

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc bày tỏ một thái độ  bề trên không thể nhầm lẫn trong các tuyên bố. Tuyên bố chung Trung – Ấn được công bố khi chuyến thăm của Thủ tướng Modi kết thúc viết: Trung Quốc “ghi nhận nguyện vọng của Ấn Độ” muốn tham gia vào Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group), đồng thời “thấu hiểu và ủng hộ nguyện vọng được đóng vai trò quan trọng hơn trong Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, của Ấn Độ”. Hiện Trung Quốc là cường quốc duy nhất không ủng hộ đề xuất của Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Kết quả hợp tác kinh tế trong chuyến thăm của ông Modi cũng bất bình đẳng tương tự. Nhiều thỏa thuận của ông Modi với các lãnh đạo kinh doanh ở Thượng Hải –trị giá khoảng 22 tỉ USD – đi kèm với điều kiện các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cấp vốn cho các công ty Ấn Độ để mua thiết bị Trung Quốc. Điều này làm xấu thêm tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ của New Delhi với Bắc Kinh, trong khi hầu như chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao nguồn đầu tư ít ỏi của Trung Quốc vào Ấn Độ, vốn tương đương khoảng 1% trong tổng thặng dư thương mại song phương hàng năm của Trung Quốc – và khoản thặng dư này đã tăng 1/3 kể từ khi ông Modi lên nắm quyền và hiện nay đang đạt mức 50 tỉ USD.

Quả thật, Trung Quốc và Ấn Độ có một trong những mối quan hệ thương mại chênh lệch nhất trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ gấp hơn 5 lần so với nhập khẩu của nước này từ Ấn Độ. Hơn thế nữa, Trung Quốc chủ yếu mua nguyên liệu thô từ Ấn Độ, trong khi bán ngược lại những mặt hàng hầu hết có giá trị tăng thêm. Trong bối cảnh Ấn Độ hầu như không nỗ lực ngăn chặn sự lan tràn của hàng hóa giá rẻ Trung Quốc vào thị trường nội địa, bất chấp chiến dịch “sản xuất tại Ấn Độ” đang được tuyên truyền rộng rãi của ông Modi, hiện vị thế của Trung Quốc trong vai trò nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất cho Ấn Độ có vẻ như vẫn được bảo toàn.

Trung Quốc đã rất thành thạo trong việc sử dụng thâm nhập ngoại thương và thương mại để củng cố ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia khác. Với trường hợp của Ấn Độ, Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh của mình trên cương vị một nhà cung cấp chính các thiết bị năng lượng, viễn thông và thành phần dược phẩm, chưa kể là chủ nợ của những công ty đang gặp vấn đề tài chính của Ấn Độ, để hạn chế những lựa chọn của quốc gia này. Với việc chấp nhận duy trì sự bóp méo thương mại mà từ đó Trung Quốc được hưởng lợi, và thực tế là gia tăng, Ấn Độ thực sự là đang tài trợ cho chiến lược này.

Mặc cho cố gắng tạo ra một cú xoay chuyển tích cực trong chuyến viếng thăm Trung Quốc gần đây, nổi bật nhất là 24 thỏa thuận chủ yếu mang tính tượng trưng đã được ký kết, ông Modi cũng không thể xóa mờ các thực tế chiến lược nghiệt ngã đang ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Nếu không có một cách tiếp cận mới, mối quan hệ Trung – Ấn tất sẽ tiếp tục trải qua mất cân bằng và bất đồng nghiêm trọng.

Brahma Chellaney, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Dehli, là tác giả của cuốn Asian Juggernaut, Asia’s New Battleground  Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

—————–

[1] Thị thực rời là thị thực được đóng vào một tờ giấy đính kèm vào hộ chiếu chứ không phải ngay trên hộ chiếu. Khi khách xuất cảnh khỏi đất nước, tờ giấy sẽ được gỡ ra, không để lại dấu vết nào về chuyến thăm của khách trong hộ chiếu của họ. Trong trường hợp này, điều này hàm ý rằng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với Anurachal Pradesh và người dân ở đây (NBT).








No comments: