Tuesday, June 2, 2015

Quyền lực Mỹ suy giảm và mối đe dọa Trung Quốc nổi lên (Matei Dobrovie - ET Romania)





Matei Dobrovie - ET Romania 
2 Tháng Sáu , 2015

Tại một hội nghị do Học viện Ngoại giao Romania (IDR) tổ chức, Giáo sư người Mỹ Christopher Layne đã đàm luận về việc thế lực kinh tế và địa chính trị dịch chuyển như thế nào từ khu vực Âu – Mỹ sang châu Á. Ông lập luận rằng Mỹ sẽ không thể bảo vệ được nữa vai trò bá chủ toàn cầu, và sẽ phải hạn chế các cam kết của họ và chấp nhận Trung Quốc. Vị chuyên gia này còn cảnh báo rằng trong trường hợp ngược lại, một cuộc chiến tranh Mỹ – Trung có thể nổ ra ở vùng biển Nam Trung Quốc (tên gọi quốc tế của Biển Đông).

Ông Christopher Layne, Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Bush về Chính Phủ và Dịch vụ Công (thuộc Đại học Tổng hợp Texas A & M), nhận định rằng “Mỹ là quốc gia nợ nần nhiều nhất tại thời điểm này. Ngày nay, người Mỹ tiêu thụ quá nhiều và tiết kiệm lại quá ít, và cán cân thanh toán thâm hụt rất lớn”. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nhu cầu về bảo trợ xã hội và chăm sóc y tế sẽ bùng nổ sau năm 2020 khi thế hệ trẻ em sinh ra với số lượng lớn ở thập ni 60 bước vào tuổi nghỉ hưu.

Tổng thống Obama đã yêu cầu châu Âu đừng trông đợi nhiều vào việc Mỹ sẽ mua sản phẩm của họ hoặc Mỹ sẽ là người cho vay cuối cùng bởi vì nước này đang là con nợ lớn nhất của nền kinh tế thế giới nên không còn có thể đóng vai trò này.

Ngoài những vấn đề kinh tế, Mỹ sẽ không thể giữ được mọi ưu thế quân sự trên thế giới bởi vì “điều đó không thể duy trì được mà không có một nền kinh tế mạnh”. “Chi tiêu quốc phòng của Mỹ từng chiếm một nửa của thế giới, nhưng hiện tại Mỹ chỉ còn chiếm 38%. Đó là một sụt giảm lớn và sẽ còn tồi tệ hơn”, ông Layne phát biểu. Washington đã thống trị Tây Âu, Châu Á và Trung Đông, nhưng bây giờ phải đưa ra quyết định khó khăn: nên hiện diện ở khu vực nào, chi tiêu cho quân đội là bao nhiêu.

Vị Giáo sư của Đại học Texas tin rằng nền tảng của quyền bá chủ của Mỹ (còn được gọi là Hòa bình kiểu Mỹ hay Pax Americana) là do Mỹ nắm giữ hai phần ba trữ lượng vàng thế giới trong năm 1945 và sự độc quyền về vũ khí hạt nhân, những điều hiện nay đang bị phá hoại. Hơn nữa, Mỹ đã bị mất quyền lực mềm trong sức hấp dẫn từ mô hình của họ, cùng lúc với sự bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế.

Sự nổi lên của Trung Quốc

Theo giáo sư Layne, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành bá chủ thế giới vì “đã vượt qua việc là nước xuất khẩu hàng đầu và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương, theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế”.

Mặt khác, Bắc Kinh hiện đang đe dọa uy quyền của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực năng động nhất của thế giới về kinh tế. “Các nước ASEAN đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về tương lai kinh tế của họ, nhưng họ cũng lo sợ cho an ninh của mình, và vì thế họ tìm cách đối trọng với Mỹ. Nhưng Trung Quốc coi khu vực này là sân sau của mình và muốn trở thành bá chủ khu vực. Không thể cùng lúc có hai bá quyền trong cùng một khu vực ảnh hưởng vào cùng một thời điểm, trừ khi một cuộc chiến tranh nổ ra giữa họ”, Giáo sư người Mỹ giải thích. Ông tin rằng nếu Mỹ cố gắng ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực thì Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ và là đối thủ nguy hiểm hơn vì chủ nghĩa dân tộc sẽ phát triển trong nội bộ Trung Quốc. Vị chuyên gia khuyến cáo Mỹ nên cố gắng chấp nhận Trung Quốc và các tuyên bố yêu sách của cường quốc này.

Christopher Layne cũng nhắc tới nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một hệ thống song song các tổ chức quốc tế để cạnh tranh và hạ thấp các tổ chức như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, những tổ chức đảm bảo uy quyền của Mỹ trên thế giới. Ông đưa ra ví dụ về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xướng và là nước góp vốn nhiều nhất, một số đồng minh thân cận của Mỹ đã tham gia bất chấp áp lực của Mỹ như: Anh, Úc, Hàn Quốc. Ngoài ra, ông cũng nhắc tới Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được hình thành như là một đối trọng với NATO.

Mối đe dọa từ Nga suy giảm

Đổi lại, ông Gabriela Marin Thornton, Giáo sư của Đại học Texas cũng cho rằng Nga là một cường quốc đang trượt dốc do dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, và đã thất bại trong việc hiện đại hóa và Nga còn có vấn đề lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Moscow đã thành công trong việc gây khó khăn cho Mỹ, vì cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành một thách thức đối với trật tự tự do của phương Tây do người Mỹ xây dựng ở giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh, “một trật tự dựa trên nền dân chủ, nhà nước pháp quyền và thị trường tự do”.

Các chuyên gia tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc làm phức tạp phương trình này. Giống như Mỹ vào cuối thế kỷ 19, Trung Quốc tìm cách để trở thành một cường quốc bá chủ trong khu vực của riêng mình và Nga giúp cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Moscow đang bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh tế trong nước nên chuyển hướng sang châu Á để bán tài nguyên thiên nhiên nhằm có được các khoản vay và tìm kiếm các thỏa thuận quân sự mới. Trong tháng 5 năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận về việc Nga cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD cho Trung Quốc. Thương mại của Nga với Trung Quốc sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong năm nay, từ 90 tỷ USD trong năm 2014. Trung Quốc cần nhiều tài nguyên và nguyên liệu mà Nga nắm giữ, trong khi Nga cần thị trường, đầu tư nước ngoài và tiền. Hơn nữa, hai nước có một điểm chung là họ muốn loại bỏ sự thống trị toàn cầu của Mỹ: Trung Quốc không muốn Mỹ hiện diện ở Biển Đông, và Nga không muốn châu Âu và Mỹ gây nguy hiểm cho cái gọi là “phạm vi ảnh hưởng”, tức là không gian hậu Xô viết.

Trong bối cảnh ấy, Gabriela Marin lập luận rằng Bắc Kinh có thể chống lại sức mạnh của Mỹ sớm hơn nhiều, nếu mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu với Nga không được cải thiện. “Người Trung Quốc nói rằng thế giới đơn cực đã kết thúc và Mỹ thì nợ nần, còn họ thì có tiền. Trung Quốc đang cố gắng và thành công trong việc tạo ra một trật tự thế giới mới “, chuyên gia này kết luận.

Đối với Ukraine, Marin Thornton cho rằng “sẽ tốt hơn nếu Ukraine là một quốc gia trung lập như Thụy Sỹ, nhưng Ukraine không đủ khả năng làm như vậy. 40% dân số Ukraine tự nhận mình khi là người Nga, khi là Ukraine”. Đối với Romania, nước này nằm trong một tình huống rất nhạy cảm nếu nổ ra cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga.








No comments: