Epoch Times Staff
20 Tháng Sáu , 2015
Bức vẽ “Chân dung các nàng thơ ở ngôi đền Apollo” của Richard Samuel.
(Public Domain/Wikimedia Commons)
Trong thế giới ngày
nay, thật khó tin nếu có một quốc gia nào đó sẵn sàng tiêu tốn hàng triệu đô la
Mỹ để đầu tư vào các họa sĩ đang thất nghiệp với hi vọng các sáng tác của họ sẽ
mang lại lợi ích cho quốc gia.
Thật ngạc nhiên khi
nước Mỹ chính là quốc gia làm cái việc khó tin đó ngay trong thời kỳ cao trào của
cuộc Đại Suy thoái. Gần đây người ta cũng bàn luận nhiều về “giá trị nhân văn”
và từng loại hình nghệ thuật sáng tạo nói riêng.
Trong cuộc Đại Suy
thoái vào những năm 1930, Harry Hopkins lúc đó là người đứng đầu của Cơ quan Xúc tiến Việc làm (WPA), chịu trách nhiệm về Dự án Nghệ thuật Liên bang (FAP) – một
trong những chương trình Canh tân (New Deal) Văn hóa, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng:
“mục đích của toàn bộ dự án này là … đưa 3.500.000 người đang hưởng trợ cấp [thất
nghiệp] trở lại làm việc”.
Nghệ thuật vốn luôn
luôn và sẽ tiếp tục là nơi chứa đựng những chân giá trị của con người. Ở nước Mỹ
những năm 1930, các nghệ sĩ và công việc sáng tạo của họ được đánh giá là các
tài sản văn hóa quan trọng. Đây là định nghĩa có tính mở rộng về nghệ thuật và
giá trị của nghệ thuật, định nghĩa này cho chúng ta một cơ hội để đánh giá lại
cách chúng ta nhìn nhận về giá trị văn hóa.
Bức pa-nô “Đời sống Tri thức (Life of Contemplation)”, được vẽ bằng dầu
trên khung vải, của họa sĩ Carl W. Peters (1897-1980). Viện Wilson Foundation,
khu vực trường học thành phố Rochester (Nguồn: Bộ sưu tập mỹ thuật, Cơ quan Dịch
vụ Trung Ương Mỹ/WPA, Dự án nghệ thuật Liên bang, 1935-1943)
Vì sao chúng ta cần đến giá trị nhân văn
Là một học giả về
văn hóa thị giác của Mỹ từng viết nhiều về những năm 1930, tôi cho rằng
đây là thời điểm quan trọng để nhìn lại thời kì đó khi mà chúng ta đang suy
nghĩ về ích lợi của nghệ thuật và giá trị nhân văn trong cuộc sống nước Mỹ
đương đại.
Ý tưởng đưa nghệ
thuật trở thành một hình thức lao động quan trọng và có thể kiếm sống được,
và rằng sự hiểu biết về lịch sử sẽ có tính quyết định tới cách nhìn nhận của
chúng ta về hiện tại, là điều mà tôi (tác giả bài viết) đang đau đáu hàng ngày
với tư cách là một trưởng khoa nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật.
Các sinh viên thường
băn khoăn với tôi là họ không biết mình có thể làm gì với tấm bằng lịch sử nghệ
thuật hoặc tấm bằng nghệ thuật studio. Và cha mẹ của họ không ủng hộ việc họ
theo đuổi con đường nghệ thuật.
Tiếp bước Michael S
Roth, hiệu trưởng của Đại học Wesleyan và tác giả của cuốn sách “Những điều
không có trong trường đại học: Tại sao tự do giáo dục là điều quan trọng”, tôi
cũng cho rằng nghệ thuật có tác dụng dạy cho sinh viên cách suy nghĩ sáng tạo.
Roth cho rằng chúng ta cần cái gì đó lớn hơn cái tư duy phản biện hiện có để đạt
được thành công. Ông viết: “Việc tôn sùng tính hoài nghi lên thành một biểu
hiện của trí thông minh chính là một nguyên nhân khiến nguồn lực văn hóa của
chúng ta suy kiệt.”
Vì vậy, ông nhấn mạnh
tầm quan trọng của lao động sáng tạo được phản ánh qua sự kiên định, sự nghị lực
và quan trọng hơn, khả năng miệt mài làm việc, lao động trong lĩnh vực văn học,
nghệ thuật và khoa học.
Và đó là lý do tại
sao tôi đề xuất rằng trong hoàn cảnh ngày nay khi các giá trị nhân văn ngày
càng phai nhạt, chúng ta cần phải tái định hình lại quan điểm của chúng ta về
các nhân tố cấu thành nên chân giá trị và nên nhìn trở lại thời điểm những năm
1930, thời điểm mà nghệ thuật và các nghệ sĩ thực sự là những nhân tố quan trọng
cho lực lượng lao động toàn nước Mỹ.
Bức pa-nô “Đời sống Lao động (Life of Contemplation)”, được vẽ bằng dầu
trên khung vải, của họa sĩ Carl W. Peters (1897-1980). Viện Wilson Foundation,
khu vực trường học thành phố Rochester (Nguồn: Bộ sưu tập mỹ thuật, Cơ quan Dịch
vụ Trung Ương Mỹ/WPA, Dự án nghệ thuật Liên bang, 1935-1943)
Sự hợp tác thông qua nghệ thuật
Nhìn lại những
thành tựu đã đạt được là điều rất quan trọng. Trong 8 năm tồn tại, FAP tạo ra
hơn 5000 việc làm và tài trợ hơn 225.000 tác phẩm nghệ thuật. Công lao này một
phần thuộc về họa sĩ George Biddle, khi ông đã viết thư cho người bạn lâu năm
Franklin D. Roosevelt để khuyến khích vị Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ tham khảo
Chương trình Vẽ Tranh tường của Mexico, một chương trình được Biddle cho là
“trường quốc gia về tranh tường lớn nhất kể từ thời Phục Hưng.”
Sự hợp tác giữa
chính phủ Mexico và các họa sĩ trong Dự án của họ có tính tham khảo rất quan trọng,
khởi nguồn cho ý tưởng về các dự án văn hóa WPA của nước Mỹ. Cả Biddle, Hopkins
và Roosevelt đều thấy những liên hệ rất chặt chẽ giữa một quốc gia dân chủ mạnh
mẽ và nền nghệ thuật của nó. Họ tin rằng lao động nghệ thuật là một cách giúp
công dân đất nước họ phát triển mạnh mẽ hơn.
Thật vậy, Biddle đã
chủ trương đưa các nghệ sĩ vào trong chương trình cứu trợ quốc gia vì ông cho rằng
đối với việc xây dựng đất nước các nghệ sĩ cũng là những người lao động hữu ích
như “những người nông dân hay người thợ nề”.
Đối với các chương
trình Canh Tân, nghệ thuật và các giá trị nhân văn – hội họa, điêu khắc, âm nhạc,
sân khấu và văn học – không chỉ là một hình thức lao động kiếm sống, mà chúng
còn là chìa khóa mở ra thành công trong quá khứ, hiện tại và tương lai của nước
Mỹ.
Nhiều tác phẩm tạo
ra từ dự án FAP đã trực tiếp chỉ ra mối quan hệ giữa lao động chân tay và trí
óc.
Mối quan hệ này được
biểu hiện qua hai bức tranh tường công cộng cỡ lớn (pa-nô) thuộc chương trình
FAP, gần đây hai pa-nô này đã được phục hồi và hiện tại được đặt ở trong phòng
giải lao của Học viện Wilson Commencement ở Rochester, New York.
Cuộc sống của giáo dục và khám phá
Năm 1937, nghệ sĩ địa
phương vùng Rochester, Carl Peters đã vẽ một sê-ri gồm hai bức pa-nô lớn cho
ngôi trường trung học Madison (ngôi trường nay đã không còn). Một bức tên là Đời
sống Lao động (the Life of Action), và tiếp nối nó là bức pa-nô mang tên Đời sống
Tri thức (the Life of Comtemplation).
Lấy cảm hứng từ một
kiệt tác bất hủ trong thời kì Phục hưng của Michelangelo, Peters đã chuyển từ lối
vẽ với khung vẽ cỡ nhỏ truyền thống của ông (ông nguyên là thợ vẽ tranh phong cảnh
địa phương) sang vẽ tranh theo chủ đề về sự cân bằng cần thiết giữa làm việc và
suy nghĩ.
Có vẻ như Peters đã
thể hiện thành công những chủ đề cổ điển này thông qua ngôn ngữ thị giác để nhấn
mạnh những hình ảnh của sự phát triển có được nhờ học tập và lao động.
Bức pa-nô đầu tiên,
Đời sống Lao động, mô tả một quang cảnh đô thị thường thấy đang trong quá trình
xây dựng. Trong hoạt cảnh toàn đàn ông này, Peters vẽ một nhóm người lao động –
từ lao động phổ thông đến lao động có kĩ năng, bao gồm cả lao động thủ công và
công nghiệp – tất cả đang cùng nhau tích cực xây dựng thành phố phía sau họ
thông qua công việc đòi hỏi nhiều sức lực của mình.
Ở giữa pa-nô là một
người kiến trúc sư. Anh ta mặc một bộ com-lê và đeo cà vạt, anh này đang thảo
luận kế hoạch của mình với mọi người; anh ta cầm một khổ giấy trắng lớn, trên
đó thể hiện tất cả các phương án xây dựng có thể xảy ra trong tương lai.
Trong bức pa-nô thứ
hai, Đời sống Tri thức, Peters nhấn mạnh giáo dục và sự tìm tòi như là những
chìa khóa mở ra một cuộc sống cân bằng. Ở góc dưới của pa-nô, một người phụ nữ
ngồi quay lưng với mô hình địa cầu với hai bàn tay mở ra, như thể đang đỡ một
cuốn sách.
Nhưng cuốn sách thực
sự của cô ấy lại nằm ở phía sau lưng của cô và có thể nhìn rõ trên trang sách
có dòng chữ “máu của tuổi trẻ chảy tự do và sẽ thử thách hi vọng của nó, trên bảng
màu lốm đốm – một bức vẽ còn chưa rõ ràng…”, hình ảnh và dòng chữ gợi ý rằng cuốn
sách mà cô sẽ đọc vẫn chưa được viết. Bên phải cô gái này là một phụ nữ
khác đang ngồi đọc một cuốn sách thực sự. Tương tự như trong bức pa-nô Đời sống
Lao động, bức pa-nô này cũng vẽ một kiến trúc sư, anh này quay lưng lại với người
xem bức tranh, đứng đối diện với hai trẻ nhỏ và người phụ nữ đang đọc sách.
Gần vị kiến trúc sư là một người đàn ông tay cầm một cốc thủy tinh và ống nghiệm, cà vạt đeo bên trong chiếc áo chuyên dụng trong phòng thí nghiệm, thực hiện một số thí nghiệm khoa học. Ngoài ra, còn có một người phụ nữ đang đứng, có lẽ là một giáo viên, cô đang cầm một cuốn sách và dẫn dắt một cuộc thảo luận.
Đằng sau cô giáo
viên này, những câu truyện trong sách của cô có vẻ như đang quay trở lại với
cuộc sống hiện thực: một kỵ sỹ mặc áo giáp cưỡi một con ngựa trắng (Peters cho
biết kỵ sỹ này là Joan of Arc) đang tham chiến ở phía trước của một lâu đài thời
trung cổ. Liền kề hình kỵ sỹ là hình ảnh con tàu Columbus đang di chuyển hướng
tới “Tân Thế Giới” trong lúc đó một người Châu Mỹ bản địa đang bí mật theo dõi
từ xa.
Bằng sự kết nối rõ
ràng từ quá khứ tới hiện tại, Peters đã diễn hóa tri thức và kết quả tất yếu của
nó trong giáo dục và sáng tạo thành một quá trình sống động. Như vậy tri thức
(trong đó có trí tưởng tượng nghệ thuật) cũng trở thành một hình thức lao động tương
tự như các hình thức lao động khác trong bức pa-nô Đời sống Lao động.
Giá trị của nghệ thuật với tư cách là một
loại hình lao động
Toàn bộ các tác phẩm
này mang lại cái nhìn tổng thể về thời kỳ Canh Tân: giáo viên, người lao động,
kiến trúc sư, sinh viên. Các tác phẩm này đã đưa các nghệ sĩ như Peters vào vị
trí những người lao động văn hóa quan trọng.
Chúng bao trùm các
hệ tư tưởng của cuộc Canh Tân dưới dạng trực quan và gợi ý rằng lao động nghệ
thuật và tri thức là dạng lao động mang lại giá trị, đóng vai trò như những cây
cầu và các tòa nhà chọc trời trong công cuộc xây dựng đất nước.
Khi chúng ta xem lại
những tác phẩm này trong thế kỷ 21, sẽ rất dễ dẫn đến phê bình các nghệ sĩ vì
đã bỏ qua những người lao động da màu và chỉ thể hiện lịch sử qua chân dung những
người da trắng.
Nhưng tôi sẽ nói rằng,
chúng ta nên nhìn vào giá trị tương lai của nó như đã từng ghi dấu trong một thời
điểm quan trọng trong lịch sử – một trong những thời điểm mà nghệ thuật được
coi là một dạng lao động có giá trị – và học cách sử dụng những loại hình nghệ
thuật này trong thời đại ngày nay.
Ngày nay chúng ta
làm việc dựa nhiều vào truyền thông. Chúng ta sử dụng các phương tiện truyền
thông để xem, tìm kiếm thông tin, dịch ngoại ngữ và thậm chí lấy trộm
thông tin. Chúng là những công cụ của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, là các
nghệ sĩ và các nhà sử học nghệ thuật, chúng tôi cũng sử dụng những công cụ này
để nghiên cứu và tìm hiểu quá khứ.
Chúng tôi sử dụng
phương tiện truyền thông mới để hiểu phương tiện truyền thông cũ và để hiểu thế
giới xung quanh chúng ta.
Tiếp bước Peters và
các đồng nghiệp của ông ở cơ quan WPA, chúng ta cần phải tìm kiếm một sự cân bằng
mới giữa hành động và suy nghĩ.
Trong thời điểm hiện
tại của chúng ta, điều này phải được thực hiện thông qua những đòi hỏi về tính
nhân văn và công việc sáng tạo.
A Joan Saab là Phó Giáo sư Các vấn đề văn hóa, thị giác và
lịch sử nghệ thuật tại Đại học Rochester. Bài viết nguyên gốc được công bố
trên The Conversation. Đọc bài viết gốc tại đây.
No comments:
Post a Comment