Đức Tâm - RFI
Đăng ngày 04-06-2015
Nhân
Hội nghị Thế giới về khí đốt lần thứ 26, được tổ chức tại Paris, từ 01 đến
05/06/2015, sáu tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi thiết
lập cơ chế giá khí carbone – giá phải trả khi phát thải khí CO2 gây hiệu ứng
nhà kính.
Đề nghị này được đưa ra nhân danh chống biến đổi khí
hậu, nhưng đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn dầu khí bởi vì hiện
nay, khí đốt đang ở thế yếu và bị than đá cạnh tranh quyết liệt.
Các tập đoàn đưa ra lời kêu gọi lập giá carbone là
Total, BG Group, BP, Eni, Royal Dutch Shell và Statoil và lãnh đạo của những
doanh nghiệp này, đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố bảo vệ việc dùng khí đốt
thay cho than đá.
Tổng Giám đốc tập đoàn Shell đã kêu gọi chính phủ
các nước không khuyến khích dùng than đá. Trong khi đó, Tổng Đại diện tập đoàn
năng lượng Pháp Engie (trước là GDF Suez) nhấn mạnh cần phải thay thế than đá bằng
khí đốt.
Vài ngày trước khi có Hội nghị Thế giới về khí đốt ở
Paris, ông Jérôme Ferrier, Chủ tịch Liên minh Quốc tế về khí đốt giải thích với
AFP : « Hiện nay, chúng tôi rất buồn khi thấy năng lượng than đá mà người
ta đã nghĩ rằng đó là năng lượng của thế kỷ trước, bây giờ lại được ồ ạt sử dụng
tại một số nước Châu Âu ».
Bởi vì than đá cạnh tranh trực tiếp, được sử dụng
nhiều và rộng rãi hơn trong việc sản xuất điện. Trong khi đó, tại Châu Âu, từ
hai năm nay, giá khí đốt, nhìn chung, cao hơn gấp ba lần giá than đá. Theo nhận
xét của bà Nathalie Desbrousses, thuộc văn phòng nghiên cứu tư vấn về năng lượng
Enerdata. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai nguồn năng lượng này, các
nhà sản xuất điện vẫn dựa vào than đá nhiều hơn là dự tính.
Tại Châu Âu, trong những tháng qua, nhiều nhà máy
nhiệt điện dùng khí đốt đã phải đóng cửa vì kém cạnh tranh so với nhà máy nhiệt
điện dùng than đá và giá điện trên thị trường lại xuống thấp.
Năm ngoái, nhu cầu về khí đốt của Châu Âu đã giảm mạnh,
11%, một mặt do thời tiết không quá rét, mặt khác giá của khí đốt vẫn tương đối
ổn định trong nhiều năm trước đó.
Do Hoa Kỳ có nguồn khí đốt dồi dào, trong đó có khí
phiến đá, các tập đoàn khai thác khí đốt Châu Âu phải tìm kiếm thị trường khác,
đặc biệt là Châu Á, nơi vẫn dùng rất nhiều than đá.
Hơn nữa, so với khí đốt, thì nguồn dự trữ than đá có
ở nhiều nơi trên thế giới, không bị tác động bởi các yếu tố chiến lược-ngoại
giao, đòi hỏi ít đầu tư về hạ tầng cơ sở để có thể khai thác và chuyên chở.
Khi kêu gọi thiết lập cơ chế giá khí carbon tương đối
cao, áp dụng trên thế giới, các tập đoàn khí đốt Châu Âu muốn bắn một mũi tên
trúng hai mục tiêu : Vừa thể hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi
khí hậu, vừa muốn thấy giá than đá phải được điều chỉnh so với giá khí đốt.
Bởi vì than đá là năng lượng hóa thạch phát thải CO2
nhiều nhất. Theo văn phòng Enerdata, đốt một tấn than đá thì phát thải ra 3,5 tấn
CO2, còn đối với khí đốt là 2,3 tấn CO2 và dầu lửa là 2,7 tấn.
Bà Lili Fuhr, chuyên gia về khí hậu, thuộc hiệp hội
Đức Heinrich-Boll, bình luận : « Đương nhiên, các công ty dầu khí chỉ
làm việc này để phát triển việc dùng khí đốt, họ không hề muốn từ bỏ dùng các
nhiên liệu hóa thạch và khai thác điểm yếu của than đá ».
---------------------
Đức Tâm - RFI
Đăng ngày 04-06-2015
Trong
hai ngày, Chủ nhật, 07/06 và thứ Hai, 08/06/2015, tại lâu đài Elmau, miền nam
nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel chủ trì cuộc họp nhóm 7 nước công nghiệp phát
triển – G7 (bao gồm Đức, Pháp, Ý, Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản) và chủ đề trọng
tâm là hồ sơ khí hậu. Lãnh đạo Đức muốn có những bước tiến đột phá trong lĩnh vực
này. Thế nhưng, mong muốn của bà Merkel không có sức thuyết phục, bởi vì Đức
đang dùng rất nhiều than đá và bản thân Thủ tướng Merkel cũng lưỡng lự trong việc
giảm hoặc từ bỏ sử dụng loại nhiên liệu này.
Bà Barbara Hendricks, Bộ trưởng Môi trường Đức, thuộc
phe Xã hội Dân chủ, đã tóm tắt sự mâu thuẫn này như sau : « Một nguời
chỉ đáng tin cậy khi bản thân người đó thực hiện được mục tiêu mà chính họ đề
ra ».
Ông Tobias Munchmeyer, chuyên gia về năng lượng
nguyên tử thuộc tổ chức Greenpeace Đức nói với AFP rằng trừ phi có sự thay đổi
vào giờ phút chót, bà Merkel tham dự G7 trong thế yếu do cuộc tranh luận về việc
dùng than đá tại Đức. Thủ tướng Đức rất khó thuyết phục các nước như Canada, Nhật
Bản là cần phải có các mục tiêu tham vọng chống biến đổi khí hậu, chừng nào bà
không giải quyết được vấn đề của chính nước Đức.
Bà Merkel, từng là Bộ trưởng Môi trường, đã được ca
ngợi là một « Thủ tướng khí hậu », do các nỗ lực của bà trong lĩnh
vực chống biến đổi khí hậu nhân dịp Đức làm Chủ tịch G7 năm 2007. Thủ tướng Đức
muốn củng cố danh hiệu này qua việc thuyết phục các đối tác trong G7 đưa ra những
cam kết giảm phát thải khí CO2, trước khi có Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Khí hậu,
được tổ chức tại Paris, vào cuối năm nay 2015. Mặt khác, từ ngày 01 đến
11/06/2015, đại diện của gần 200 nước đang họp tại Bonn để chuẩn bị cho Hội nghị
Paris.
Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, nước Đức đã tỏ rõ
quyết tâm đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chính sách năng lượng.
Berlin đề ra kế hoạch từ bỏ năng lượng hạt nhân, từ nay đến năm 2022 và phát
triển các loại năng lượng tái tạo. Bà Merkel sẵn sàng đảm nhiệm vai trò là người
cổ vũ mạnh mẽ nhất cho « tiến trình chuyển tiếp về năng lượng »,
sau khi thay đổi lập trường do thảm họa Fukushima, và chủ trương một chính sách
đã được các tổ chức bảo vệ môi trường và đảng môi sinh kêu gọi từ lâu.
Thế nhưng, chính phủ của Thủ tướng Merkel vẫn chưa
giải quyết được vấn đề thay thế than đá, nguồn nhiên liệu hàng đầu sản xuất tới
45% tổng sản lượng điện của nước Đức.
Để đạt được mục tiêu mà nước Đức đề ra là từ nay đến
2020, giảm phát thải 40% lượng CO2 so với năm 1990, Bộ Môi trường và Bộ Năng lượng
Đức muốn đánh thuế các chủ sở hữu những trung tâm nhiệt điện dùng than, nhất là
những cơ sở đã quá cũ, phát thải nhiều CO2. Qua đó, làm giảm lợi nhuận của việc
dùng than đá để sản xuất điện và cuối cùng những nhà máy cũ kỹ này phải đóng cửa.
Các công ty sản xuất điện, khai thác than và chính
giới các vùng của Đức đã kháng cự lại, nêu lên mối đe dọa sa thải hàng ngàn
nhân công.
Nước Đức cũng khai thác than đá, loại than nâu
(lignite), nhiên liệu gây ô nhiễm nặng nề. Ngành công nghiệp này sử dụng hơn 30
000 lao động và là trụ cột kinh tế, xã hội của các vùng Ruhr, phía tây, Lusace,
phía đông bắc gần biên giới Ba Lan, những nơi không có triển vọng chuyển đổi
sang ngành nghề khác. Đây là lý do chính khiến Thủ tướng Đức rất đắn đo khi đề
cập đến việc thay thế dùng than đá. Cơ quan quản lý Môi trường Liên bang cho rằng
sẽ có khoảng 5 000 người bị mất việc làm nếu từ bỏ khai thác than đá, trong khi
đó giới công đoàn nêu ra con số 100 000.
Để thực hiện được mục tiêu giảm phát thải 40%, mà
tránh đụng chạm tới ngành than, Bộ Môi trường Đức đưa ra kế hoạch buộc các lĩnh
vực khác phải giảm mạnh phát thải khí CO2. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi
trường tỏ ra nghi ngờ về giải pháp đối phó này.
Cho đến lúc này, Thủ tướng Merkel chưa lên tiếng do ở
trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, đa số trong đảng bảo thủ của bà
chống lại việc đánh thuế các nhà máy nhiệt điện, vào lúc các tập đoàn năng lượng
Đức, kể cả tập đoàn RWE, số một Châu Âu về sản xuất than, đang thua lỗ liên tiếp.
Mặt khác, nếu không hành động, uy tín của bà sẽ bị sứt mẻ và bà phải hứng chịu
sức ép của phong trào chống dùng than đá.
Chủ nhật 31/05 vừa qua, tổ chức Greenpeace đã tổ chức
biểu tình ở nhiều nơi trên nước Đức, để phản đối dùng than đá, với biểu ngữ «
Thủ tướng khí hậu hay Thủ tướng than đá ».
Dùng nhiều than đá vì rẻ và cơ chế quản lý trao đổi
quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bị trục trặc, lượng phát thải khí CO2
của Đức đã tăng trong những năm gần đây.
Đại diện tổ chức Greenpeace hy vọng là từ nay đến Chủ
nhật, Thủ tướng Merkel sẽ đưa ra một tín hiệu ủng hộ việc đánh thuế dùng than
đá và qua đó, sẽ tạo ra được những phản ứng tích cực trong cuộc họp của G7.
No comments:
Post a Comment