Friday, June 12, 2015

Giới trẻ VN tin tưởng 'báo ngoài luồng' hơn truyền thông nhà nước (Người Việt)





Người Việt
Friday, June 12, 2015 5:41:23 PM

WASHINGTON (NV) .- Giới trẻ tại Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các tin tức họ đọc “ngoài luồng” trên internet hơn là tin vào các tin tức chính thống do guồng máy tuyên truyền của nhà nước phổ biến.

Cơ quan quản trị các hệ thống truyền thanh công lập BBG (Broadcasting Board of Governors) của chính phủ Hoa Kỳ phối hợp với viện nghiên cứu Gallup đi đến kết luận như vậy khi công bố các dữ kiện mà họ thu thập được qua các cuộc thăm dò dư luận tại Việt Nam, công bố hôm 10 tháng 6, 2015.

Khi được hỏi hãy kể tên ba cơ quan truyền thông mà quý vị coi là các nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhất, có đến 3/4 hay 74.1% những người tại Việt Nam từ 35 tuổi trở lên kể tên đài truyền hình quốc gia VTV là một, trong khi chưa tới phân nửa (tức 48.6%) những người từ 15 tuổi đến 34 tuổi xác nhận như vậy.

Nhiều phần các người trẻ tuổi tại Việt Nam nêu tên các nguồn tin trên internet mà theo cuộc nghiên cứu trên, báo mạng 24h, báo Dân Trí Online, và mạng xã hội Facebook toàn cầu, phổ biến nhất đối với họ.

“Trong khi máy truyền hình thì gần như ở đâu cũng thấy có, tuy nhiên sự sử dụng truyền thanh và truyền hình để theo dõi tin tức không thay đổi mấy, thành phần các người Việt Nam thành niên sử dụng internet hàng tuần hay thường xuyên hơn, mỗi ngày một gia tăng, từ 26.3% năm 2012 lên đến 38.8% thời gian hiện nay.” Bà Betsy Henderson, Giám đốc Nghiên cứu, Huấn luyện và Lượng giá của hệ thống đài phát thanh Á Châu Tự Do cho hay như thế.

Theo bà giải thích, số người tại Việt Nam làm chủ các máy điện thoại di động đã gia tăng 10% từ năm 2012 đến nay. Bà nói sự gia tăng số lượng điện thoại di động thông minh là yếu tố chính yếu giúp gia tăng người sử dụng internet tại Việt Nam.

Theo cuộc nghiên cứu trên, điện thoại di động đã trở thành phương tiện chính yếu để vào internet tại Việt Nam mà 8 trong số 10 người vào internet hàng tuần nói họ vào từ máy điện thoại di động trong 7 ngày vừa qua.

Ngược lại với khuynh hướng vừa kể, ít hơn phân nửa (hay 45.5%) những người được thăm dò cho biết họ dùng máy điện toán để bàn (desktop computer) để vào internet, trong khi chỉ có khoảng một phần tư (hay 26.5%) sử dụng máy điện toán xách tay (laptop computer) để vào internet.

Mặc dù nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ các cơ quan truyền thông và những ai chia xẻ thông tin “ngoài luồng” khó tránh khỏi rắc rối với công an khi bị “điểm mặt”, cuộc khảo cứu trên cho rằng người dân tại Việt Nam là những người vô cùng mong muốn đủ loại thông tin. 
Hầu như 9 trong 10 người trưởng thành (hay 88%) cho biết họ truy cập một loại thông tin nào đó ít nhất là hàng ngày trong khi hầu hết (hay 96%) cho hay họ làm như thế hàng tuần. Không có sự khác biệt bao nhiêu giữa những lớp người có trình độ học vấn khác nhau hay tuổi tác khác nhau về kết quả vừa kể.

Tuy có những hạn chế thông tin như tại Trung Quốc, người tại Việt Nam vẫn có thể vào các mạng Google và Facebook mà cuộc nghiên cứu nói rằng một phần tư những người trưởng thành và phần lớn những người ở độ tuổi 15-24 tuổi truy cập thường xuyên hàng tuần.

Hầu hết các người Việt Nam đều cảm thấy thoải mái với ý tưởng là các tổ chức truyền thông nên cổ võ cho lợi ích của quốc gia. Có 92.1% nói đồng ý mạnh mẽ hay phần nào đồng ý là hệ thống truyền thông Việt Nam nên trình bày đất nước cũng như con người Việt Nam theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, đa số (58.2%) tin rằng các blogs cá nhân đáng tin cậy hơn các thông tin chính thống của nhà nước. Điều này ngầm cho hiểu dân chúng (nhất là các người trẻ tuổi và những người có trình độ học vấn cao hơn) không tin tưởng sự thông tin trung thực và khách quan của các cơ quan truyền thông chính thống của nhà cầm quyền.

Tại Hội nghị Trung ương 10 tổ chức hồi đầu năm, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN loan báo tiếp tục chính sách độc tài đảng trị về thông tin truyền thông là  “không cho tư nhân sở hữu báo chí”, “không để lợi ích nhóm chi phối báo chí”, và “phát triển báo chí đi đôi với quản lý” dù hiến pháp viết rành rẽ là người dân có quyền tự do báo chí, thông tin. (TN)

---------------------------------
BBC
12 tháng 6 2015

Đa số người dân Việt Nam tin tưởng các trang blog cá nhân hơn truyền hình nhà nước, theo kết quả thăm dò do hãng khảo sát quốc tế Gallup phối hợp thực hiện với cơ quan Quản trị Phát Thanh (BBG) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.000 người Việt Nam độ tuổi từ 15 trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến 13/3 năm nay.
88% số người được khảo sát nói họ xem tin tức mỗi ngày, trong khi 96,8% nói họ theo dõi tin tức ít nhất một tuần.
Tuy nhiên, 58,2% người dân Việt Nam từ các độ tuổi cho rằng blog cá nhân "đáng tin" hơn truyền thông nhà nước.
"Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng vào truyền thông nhà nước, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi được giáo dục tốt hơn", báo cáo nhận định.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ 48,6% người Việt độ tuổi 15-34 xem các kênh truyền hình nhà nước như VTV, trong khi tỷ lệ này là 74,1% ở những người độ tuổi trên 35.
Điện thoại di động đang trở thành công cụ tiếp cận internet chính tại Việt Nam, báo cáo cho biết.
Theo đó, hơn 80% cư dân mạng nói họ sử dụng điện thoại để truy cập mạng trong một tuần qua.
Chỉ 45,5% nói họ lên mạng bằng máy tính bàn và 26,5% nói họ dùng máy tính xách tay.
Các dịch vụ mạng xã hội cũng đứng đầu trong số những dịch vụ thịnh hành nhất trên máy tính lẫn thiết bị di động.
72,8% người Việt Nam độ tuổi 15-24 nói họ truy cập Facebook trong một tuần qua. Theo sau đó là YouTube, với tỷ lệ 59,7% và Google, 71,3%.

Quan tâm tình hình Biển Đông

Biển Đông hiện là vấn đề được giới trẻ trong nước quan tâm nhất, kết quả khảo sát cho thấy.
Cụ thể, 17,3% người Việt Nam độ tuổi từ 15-24 cho rằng Biển Đông là vấn đề nghiêm trọng nhất Việt Nam đang đối mặt hiện nay. Tỷ lệ này là 19,4% ở độ tuổi từ 25-34.
Đáng chú ý là hơn 60% số người dưới 35 tuổi cho rằng phương Tây nên giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
32,9% trong nhóm tuổi này cũng cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là không tốt cho các quốc gia châu Á.
9,6% trong nhóm tuổi này cho rằng vấn đề môi trường là vấn đề nghiêm trọng nhất.
Các vấn đề như tội phạm, chất lượng giáo dục và thất nghiệp cũng được quan tâm, với tỷ lệ lần lượt là 9,6%, 9,2% và 8,1%.
Chỉ 1,1% người Việt từ 24 tuổi trở xuống quan tâm đến vấn đề tham nhũng, bằng 1/3 so với độ tuổi từ 35 trở lên.
Hơn 72% giới trẻ dưới 35 tuổi cho rằng truyền thông Việt Nam nên nói về Việt Nam cũng như người Việt Nam một cách tích cực.
37,7% giới trẻ trong độ tuổi từ 15-24 cho rằng truyền thông nước ngoài không thể đưa tin về tình hình tại Việt Nam một cách chính xác. Tỷ lệ này là 45,1% ở độ tuổi từ 24-25 tuổi.




No comments: