Friday, June 12, 2015

Cấm xuất cảnh tùy tiện và lý lẽ chầy cối của công an Việt Nam (Nguyễn Tường Thụy)





Mon, 06/08/2015 - 12:20 — nguyentuongthuy

Hồi 1: Cấm xuất cảnh, công an nói lệnh trên không biết
Trong vòng vây, Nguyễn Tường Trọng đuổi du côn.

Đêm 5/6/2015, vợ chồng tôi ra ga hàng không Nội Bài tiễn con trai là Nguyễn Tường Trọng đi Philippine trên chuyến bay 1 giờ ngày 6/5/2015.

Là người theo tiễn, sau khi con tôi qua cửa an ninh sân bay thì chúng tôi phải dừng lại quan sát từ bên ngoài của các bức chắn bằng kính trong suốt. Vào lúc 23 giờ 45 phút, đến lượt con tôi qua cửa công an sân bay. Mọi sự rắc rối bắt đầu từ đây.

Chúng tôi ở ngoài nhìn qua lớp cửa kính trong suốt, thấy công an quẹt hộ chiếu rất lâu. Lúc sau thì thấy 3 công an nữa tới.  Tôi bảo vợ: “Vậy là chúng nó chặn thằng Trọng nhà mình rồi”.

Một cậu công an đưa con tôi vào một phòng gần đấy. Sau đây là lời con tôi kể những gì xảy ra trong thời gian gọi là “mời” con tôi làm việc:

 “11h 45 đêm thì đến lượt tôi vào làm thủ tục xuất cảnh. Sau khi quét hộ chiếu khá lâu, một người khác có tên là Vũ Minh Tú, số hiệu 010-237 đến, đưa tôi vào phòng làm việc. Tú để tôi ngồi đó rồi cầm hộ chiếu lẫn vé máy bay của tôi đi, nói là cần xác minh lại một số vấn đề. Tôi rất suốt ruột vì chuyến bay đã gần kề. Tôi liên tục giục họ cần xác minh thì xác minh nhanh để tôi còn ra máy bay. Tôi nghĩ có xác minh cũng chẳng phát hiện ra điều gì ở tôi vì không có tiền án tiền sự, không buôn bán lừa đảo. Tôi cũng chưa tham gia một hoạt động nào về dân chủ, nhân quyền hay đả đảo Trung Cộng, những việc làm mà nhà cầm quyền không muốn.
Mãi đến 12h15’, một người tên là Trần Anh Tuấn,  số hiệu 009-421 vào cùng với Vũ Minh Tú, nói với tôi:
-Anh không được xuất cảnh hôm nay.
Tôi hỏi:
-Anh cho biết lý do và đề nghị trả lời tôi bằng văn bản.
Trần Anh Tuấn trả lời:
-Anh thông cảm. Tôi chỉ là người thừa lệnh. Tôi cũng không được biết lý do. Nếu anh cần thắc mắc thì lên hỏi ....
Tôi thực sự ngạc nhiên trước lối làm việc của bộ máy an ninh Việt Nam. Tôi bức xúc lên tiếng:
-Các anh không thể nói như thế được. Ai là người ra quyết định này? Tôi đồng ý là không phải lúc nào cũng có thể làm việc trực tiếp với người đã ra quyết định nhưng một khi làm việc với người dân, nhất là lại gây ra cản trở đến công việc, cuộc sống của họ, các anh cần nói rõ cho người ta biết họ sai ở đâu, vi phạm điều gì? Tôi không chấp nhận việc tôi bị hủy chuyến bay, gây thiệt hại cho tôi về tiền bạc, thời gian và đặc biệt là nhỡ việc của tôi. Tôi không biết mình sai ở chỗ nào, bị quy kết tội gì. Còn nếu không kết tội được tôi hoặc chưa có lệnh của toà án hay viện kiểm sát thì các anh không được quyền gây cản trở cho người dân như vậy.
Khi Vũ Minh Tú và Trần Văn Tuấn nghe tôi nói ngẩn người ra nhưng rồi lại một mực khẳng định:
-Tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên. Tôi không biết gì và anh nói với tôi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Tôi nghĩ thật mỉa mai cho cái cách làm việc hết sức ngang ngược, và cũng thương cho những người trẻ nhiệt huyết phải răm rắp tuân theo, làm theo những việc mà ngay cả bản thân mình cũng thấy vô lý. Chả lẽ kẻ nào đó ra lệnh giết hại chính đồng bào của mình, họ cũng răm rắp như vậy mà không cách nào kháng cự vì miếng cơm manh áo hay sao?
Biết không thể làm gì được hơn, tôi bảo:
-Tôi hiểu rồi. Tôi không phải trách các anh hay nói các anh. Tôi đang nói với tư cách của một công dân nói với chính quyền. Ở đây tôi chỉ được làm việc với các anh, đề nghị các anh phản ánh với cấp trên ý kiến của tôi. Đồng thời tôi đề nghị tất cả những gì xảy ra hôm nay phải ghi rõ ràng vào biên bản. Vấn đề anh nói anh không được biết lý do mà vẫn phải làm, anh cũng ghi vào đó cho tôi.
Hai đứa nhìn nhau lắc đầu từ chối. Trong khi đó bố mẹ tôi ở ngoài lòng như lửa đốt vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với đứa con của mình. Bố tôi yêu cầu được vào hỗ trợ cho tôi thì đều bị cự tuyệt.
Tôi bước ra cửa trông thấy bố mẹ đang nói gì với cửa an ninh phía ngoài có vẻ rất gay gắt. Tôi bảo tôi muốn ra nói với bố mẹ một câu cho bố mẹ tôi yên tâm thì bọn chúng nhất định không cho.
Bỗng dưng ở đâu một tên mặc thường phục, người sặc mùi rượu hiên ngang giữa hàng chục an ninh lao đến, trợn mắt nhìn tôi và quát phủ đầu:
-Vào trong.
Theo lệnh hắn, ba bốn tên xúm lại lôi tôi vào. Tôi giằng ra và nói:
-Trước hết phải xác định các anh mời hay là bắt, cưỡng bức tôi?
Một tên trong số đó trả lời:
-Tôi mời anh.
Tôi hỏi:
-Mời tức là tôi có quyền đồng ý hoặc không đồng ý đúng không?
Bọn chúng nói:
-Nhưng anh đang làm việc ở đây, anh phải làm việc xong mới được ra.
Sau đó chúng lại tiếp tục hùa nhau lôi tôi vào. Dù quá bức xúc trước cách mời của quái đản này nhưng vì thương bố mẹ tôi đang lo lắng, tôi cố vớt vát chút lẽ phải với bọn chúng:
-Vậy cho tôi ra nói với bố mẹ một vài câu rồi tôi vào làm việc tiếp. Tôi cần đi ra vì tôi không phạm tội quả tang cũng không có lệnh bắt hay tạm giữ. Nếu các anh động vào người tôi là các anh đã xâm phạm quyền tự do thân thể của tôi.
Mọi cố gắng của tôi đều vô ích khi 3 công an trẻ dưới sự chỉ huy của thằng say rượu lôi tôi vào phòng. Tôi cố sức vùng ra thì thằng say rượu trợn mắt:
-Mày thích à? Mày không vào thì còn gặp rắc rối thêm với tao.
Rồi chúng lôi mạnh, đóng sầm cửa lại. Tôi biết một khi đã trong vòng khống chế của chúng thì người dân có lý lẽ gì cũng vô ích. Tôi chợt nghĩ đến rất nhiều vụ người dân chết khó hiểu trong đồn công an. Nhìn lũ người đang hăng máu bởi tấm gương côn đồ của thằng say rượu, tôi ngồi xuống ghế và hỏi:
-Vậy bây giờ tôi làm việc với ai?
Thằng say rượu vẫn trợn mắt (hình như nó có thói quen luôn trợn mắt khi làm việc với dân):
-Làm việc với tôi.
Tôi nhìn vào đôi mắt trợn lên như lợn luộc của hắn, hỏi:
-Tôi cần biết anh là ai?
-Tôi tên là Hiếu
Tôi cười nhạt:
-Tôi cần biết họ tên đầy đủ của anh. Chức vụ của anh và đề nghị anh phải mặc đồng phục vào rồi hãy làm việc.
Tên Hiếu (giờ tôi đã biết tên) nghe tôi yêu cầu thế thì lui lại đẩy Tuấn lên. Tuấn hiểu ý liền bảo:
-Vậy tôi làm việc với anh.
Hắn đưa ra một tờ giấy mà trong mục lý do cấm xuất cảnh là “Theo yêu cầu của Công an Tp Hà Nội (PA88)
Tôi đọc xong dòng lý do mà vẫn không hiểu tại sao người ta có thể gọi đó là lý do được. Tôi đề nghị ghi thêm vào biên bản cả sự việc một thằng mặc thường phục cùng các anh xô đẩy tôi và cưỡng ép tôi vào đây nhưng không được chúng đồng ý. Trong quá trình làm việc tên Hiếu ngồi bên phải Tuấn thò sang chỉ trỏ gắt gỏng.
Tôi hỏi:
-Xin hỏi mấy người mặc sắc phục: Tại sao khi tôi đang làm việc với các anh lại ở đâu ra một tên không mặc sắc phục, không có quyền hạn trách nhiệm gì xen vào và trước đó còn xô đẩy cưỡng ép tôi vào đây. Mà tôi nói cho anh Hiếu biết, người anh nồng nặc mùi rượu đấy.
Tú lên tiếng:
-Anh nghĩ anh ấy không có quyền gì, liên quan gì nhưng thực ra có đấy.
Tên Hiếu cười khả ố:
-Anh có mang máy đo nồng độ cồn không? Tôi xô đẩy anh lúc nào?
Tôi nhìn xung quanh và nói:
-Mọi người ở đây đều nhìn thấy (tất nhiên lúc chúng xô đẩy ngoài cửa thì cả bố mẹ tôi và camera an ninh cũng thấy nên tôi nghĩ không ai dám trơ trẽn mà cãi).
Nhưng tôi đã nhầm. Cả 4 người đứa có mặt đều lắc đầu bảo: “ Không, tôi có thấy ai xô đẩy cưỡng bức anh đâu”.
Thấy mọi người có vẻ nể sợ tên Hiếu, tôi đoán hắn là cấp trên của mấy tên này, tôi chỉ còn biết thở dài:
-Các anh đều mặc bộ đồ chiến sĩ anh ninh mà để một người mặc thường phục với tư cách nhôm nhem vào đối xử với người dân như vậy trước mặt mình. Có lẽ nếu một thằng nào đó vào vào đâm chết tôi ở đây các anh cũng coi như không thấy gì sao? Tôi không đồng ý ký vì tôi không công nhận biên bản này chính xác. Nhưng các anh đã gây cản trở cho tôi các anh phải đưa ra lý do của các anh dù tôi công nhận hay không.
Tất cả im lặng. Tuấn đưa tôi một tờ biên bản bảo:
-Nếu anh không kí thì cầm lấy một tờ mang về.
Tên Hiếu giật ngay tờ giấy khi tên Tuấn còn chưa buông tay và nói:
-Không ký thì thôi, không cần đưa.
Sau đó bọn chúng bỏ đi. Còn lại Tú – người có thái độ hòa nhã nhất từ đầu buổi làm việc và cũng là người trẻ nhất, ít nói nhất trong bọn chúng nhìn tôi ái ngại. Tôi ôn tồn:
-Thực ra tôi không trách bản thân anh, tôi biết anh Hiếu (tức tên say rượu) là cấp trên của các anh. Bây giờ, chỉ có tôi với anh ở đây, tôi hỏi anh xem thái độ làm việc với người dân như thế có đúng không? Tôi cũng không hiểu tại sao một người phong cách, tư cách như thế lại là cấp trên của các anh nữa. Phải chăng chức vụ càng cao thì càng hung hăng mất dạy?
Tú xấu hồ im lặng...
Cuối cùng với sự phải đối dữ dội của tôi cùng bố mẹ trước cửa nhập cảnh bọn chúng cũng đồng ý đưa tôi tờ biên bản với điều kiện tôi phải ghi vào lý do không ký là do biên bản chưa đầy đủ. Sau đó chúng đi lấy hành lý trả cho tôi.
Tôi đi về mà ngổn ngang bức xúc trước những vấn đề không thể chấp nhận được trong hệ thống, trước thái độ và cung cách làm việc của công an, an ninh Việt Nam từ trên xuống dưới.
Qua cách làm việc của công an Việt Nam, tôi biết, tôi không hề nằm trong những trường hợp cấm xuất cảnh theo qui định. Thế nhưng tôi vẫn bị chặn không cho lên máy bay. Điều này chỉ có thể giải thích bằng lý do, tôi là con ông Nguyễn Tường Thụy. Thì ra, cái lối hành xử căn cứ vào lý lịch từng vùi dập bao nhiêu cuộc đời trong quá khứ, cho đến tận bây giờ nó vẫn sống dai dẳng ở Việt Nam.
Tôi càng hiểu tại sao trong nhiều năm nay, bố tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả khi bước trên con đường ông đã chọn”.

(Nguyễn Tường Thụy ghi)

***
Đây là lần đầu tiên, con tôi làm việc với công an nên tôi không khỏi lo lắng cháu thiếu kinh nghiệm trong cách ứng xử, đối phó trước đám an ninh đầy mưu mô thủ đoạn. Vì vậy, trong suốt thời gian con tôi bị giữ trong đồn, tôi luôn lớn tiếng yêu cầu được vào để hỗ trợ cho con tôi nhưng đều bị từ chối. Ở ngoài, chỉ cách chừng 20 mét, tôi nhìn rõ con tôi bị dẫn đi như thế nào, đưa vào phòng nào và bị xô đẩy ở đâu. Tuy nhiên, yêu cầu của tôi luôn luôn bị từ chối. Một cậu an ninh sân bay còn dọa gọi cảnh sát cơ động. Tôi liền thách thức cậu ta gọi thật nhiều cảnh sát cơ động đến đây. Tôi giục cậu ta mấy lần, biết không dọa được tôi, cậu ta lờ đi.

Đang làm việc thì con tôi chạy ra được. Cháu mách:
-Một thằng côn đồ sặc sụa mùi rượu là sếp của tụi ở đây đến sinh sự, đe dọa con. Nó kia kìa, bố.
Tôi nhìn theo hướng tay cháu chỉ, thấy nó mặc thường phục, áo trắng nhưng đã ngả sang màu cháo lòng. Tôi mới kịp rút máy ảnh ra thì nó lủi mất.

Tôi hỏi:
-Hộ chiếu đâu?
Cháu giơ ra:
-Chúng định giữ hộ chiếu của con, con giật lại được.
-Biên bản đâu?
-Con làm việc với người khác nhưng thằng say rượu nó giật lấy rồi bỏ đi.
Tôi bảo:
-Không được. Yêu cầu phải có văn bản xác nhận cấm con xuất cảnh để có căn cứ tố cáo, yêu cầu bồi thường sau này.

Con tôi lại vào. An ninh sân bay định không cho cháu vào nữa, bảo ra rồi thì thôi nhưng chúng tôi đấu tranh buộc chúng phải cho con tôi vào lấy biên bản như con tôi đã kể.
Không chấp nhận làm việc với du côn, nhưng cuối cùng con tôi buộc phải bỏ chuyến bay đêm hôm ấy.

Thật là:
Thích thì cấm, đắng cay chịu vậy
Đất trời này biết cậy nơi đâu
Thân lươn bao quản lấm đầu
Nhìn sang Bắc Mỹ, Âu Châu mà thèm.

Sau đó, chúng tôi làm việc với nơi phát ra lệnh dừng xuất cảnh cháu như thế nào, cuối cùng cháu có đi được không, xem hồi sau sẽ rõ.


*

Fri, 06/12/2015 - 14:10 — nguyentuongthuy

Hồi thứ 2: Cùn lý lẽ, công an đổ bừa cho bí mật quốc gia
Thấp thân phận, nạn nhân ngậm ngùi mất thêm tiền vé
Việc con tôi bị chặn không cho xuất cảnh không phải là trường hợp hiếm. Cho đến vụ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh sang Mỹ vào ngày 18/5/2015 thì có một danh sách (chưa đầy đủ) 73 người đã bị cấm xuất cảnh về lý do an ninh quốc gia. Như vậy có thể hiểu cháu Trọng là người thứ 72.

Có một điều lạ hơn trong trường hợp của con tôi là từ trước tới nay, cháu không tham gia một hoạt động xã hội nào ngoài việc đi học và làm ăn bình thường. Bạn bè tôi không biết đến cháu, chỉ nghe nói tôi có một thằng con trai còn công an chỉ biết đến tên cháu qua quản lý hộ khẩu. Như vậy, việc PA88 ra lệnh chặn con tôi xuất cảnh chỉ có thể giải thích bằng lý do vì nó là con tôi.

Vì vậy, gia đình tôi quyết tâm gặp cơ quan có trách nhiệm làm cho ra lẽ. Chúng tôi còn tính cả đến trường hợp kiện PA88 ra tòa - dù biết chắc không bao giờ được.
Trong vòng 15 ngày, chúng tôi đến PA88 liên tiếp 4 lần tất cả. Tôi để cháu đi một mình vì thấy cháu đủ khả năng để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy vậy, mẹ cháu vẫn đòi đi theo (dù chỉ được ngồi chầu rìa bên ngoài) vì ám ảnh bởi chuyện trong vòng 3 năm có hơn 226 người chết trong đồn công an.

Sau đây là lời kể của cháu Nguyễn Tường Trọng trong 3 buổi đầu đến PA88 :

“Tôi bị cấm xuất cảnh vào chuyến bay 1 h  ngày 5 rạng 6/5/2015 như đã kể ở kỳ trước. 
Căn cứ vào biên bản dừng xuất cảnh của công an sân bay Nội Bài, sáng ngày 7/5/2015, tôi đi cùng mẹ đến PA88 yêu cầu được trả lời rõ ràng. Tra cứu, tôi biết được PA88 ở số 87 Trần Hưng Đạo. Đó là Phòng An ninh xã hội thuộc Công an Hà Nội.

9h sáng ngày 7/5/2015 tôi có mặt ở 87 Trần Hưng Đạo.
Số 87 và 89 Trần Hưng Đạo ở sát nhau, có 3 cổng vào với 3 bốt cảnh vệ đứng gác (gọi là cổng số 1, 2, 3). Sau khi đưa tờ biên bản dừng xuất cảnh, người gác cổng số 1 chỉ sang số 2, số 2 chỉ sang số 3, số 3 lại chỉ về số 2, về cổng số 2 lại chỉ về số 1.  Sau khi đi một vòng trở lại cổng số 1 thì người gác ở cổng 1 tiếp tục chỉ sang cổng 2. Tôi thắc mắc:
-Cổng số 2 vừa chỉ quay lại đây.
Lúc này người gác tại cổng 1 gọi điện cho người gác ở cổng 2 rồi đọc lại biên bản lần nữa. Sau đó, họ chỉ vào phòng trực ban.
Trực phòng trực ban là Đào Duy Đạt. Sau khi đưa biên bản và trình bày lý do, Đào Duy Đạt gọi điện lên phòng trực ban PA88. Gần 10 phút sau một người tên Nguyễn Trọng Quang xuống. Quang cầm bản sao biên bảo dừng xuất cảnh rồi hẹn 10 phút nữa quay lại. Sau hơn 20 phút, anh xuống và hẹn 9h sáng 8/5/2015 đến làm việc tiếp.
Tôi yêu cầu ghi giấy hẹn. Quang nói:
-Không cần thiết. Anh cứ tin tưởng 1 lần. Hẹn hôm đó là chắc hôm đó.
Đào Duy Đạt xen vào:
-Đến cơ quan nhà nước thì cần gì giấy tờ. Nguyên tắc ở phòng trực ban là không ghi giấy tờ gì cả.
Nói qua lại một hồi thì Đạt đồng ý ghi vào sổ là hôm nay có nhận hẹn với tôi.

9h sáng ngày 8/5/2015
Hai người tên là Nguyễn Trường Giang và Đặng Văn Hải mà tôi được cho biết là người của PA88 tiếp tôi tại một phỏng nhỏ mượn của bên số 89 Trần Hưng Đạo. (Tuy nhiên, theo tường thuật của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi khi làm việc về việc trả lại hộ chiếu cho ông thì có Thiếu tá Nguyễn Trường Giang thuộc PA72, tức phòng Quản lý xuất nhập cảnh, không rõ trùng tên hay như thế nào - NTT chú)

Tôi đưa ra 3 vấn đề đề nghị được giải trình. Suốt buổi, tôi làm việc với Hải.
Tôi hỏi:
-Lý do dừng xuất cảnh tôi là gì?
-Vì lý do an ninh quốc gia
-Tôi đã làm gì tổn hại đến an ninh quốc gia?
-Không tiết lộ vì lý do an ninh quốc gia.
-Tôi không hỏi việc các anh điều tra cái gì. Tôi chỉ hỏi những gì liên quan đến tôi. Các anh cần nói cho tôi biết tôi đã làm gì sai phạm để tổn hại đến an ninh quốc gia? Việc liên quan đến tôi tôi cần được biết.
Anh ta nhắc lại điệp khúc:
-Chúng tôi không nói, vì lý do an ninh quốc gia
-Tại sao các anh không thông báo cho tôi biết tôi bị dừng xuất cảnh. Để đến lúc đặt vé máy bay, sắp xếp công việc ra sân bay rồi mới dừng tôi lại?
Vẫn giọng cùn:
-Vì lý do an ninh quốc gia nên không báo.
-Các anh nói vậy mà nghe được hay sao. Ừ thì lý do không tiết lộ, nhưng việc tôi bị dừng xuất cảnh trước sau tôi cũng biết. Tại sao các anh không báo trước mà để tôi phải mua vé máy bay, sắp xếp công việc rồi đến nơi mới biết mình bị cấm. Vậy thiệt hại gây ra không đáng có mà nguyên do từ các anh,  ai sẽ bồi thường?
-Tôi không báo trước vì lý do anh ninh quốc gia. Vé bay bay tự liên hệ với hãng, chúng tôi không chịu trách nhiệm.
-Các anh làm việc quá vô lý. Chả lẽ các anh vào nhà người dân, tịch thu hết tài sản đuổi cả gia đình họ ra ngoài đường. Rồi họ hỏi lý do, các anh nói vì an ninh quốc gia nên không nói thì người dân phải cắn răng chịu đựng hay sao? Các anh nếu không chỉ ra được tôi có tội gì thì thiệt hại gây ra các anh phải bồi thường chứ?
-An ninh quốc gia là trên hết. Chúng tôi không chịu trách nhiệm.
-Vây tôi bị dừng xuất cảnh đến bao giờ.
-Tạm thời đến ngày 13. Còn sau ngày 13 có thể dừng tiếp
-Các anh nói vậy thì tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Vậy yêu cầu các anh ghi biên bản buổi làm việc hôm nay. Làm việc tại cơ quan nhà nước thì phải có giấy trắng mực đen, biên bản đàng hoàng.
-Tôi không ghi, và tôi có quyền không tiếp anh. Anh muốn biên bản đi mà kiện người nào giữ các anh lại.
-Các anh làm việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, người dân thắc mắc các anh bảo có quyền không tiếp? Vậy nhiệm vụ của các anh là gì? Các anh làm việc kiểu gì mà không có biên bản. Làm việc kiểu đó thì thà ra quán trà đá vỉa hè nói chuyện. Chứ ngồi trong cơ quan nhà nước mà làm việc không giấy tờ thì sau này tôi lấy gì làm cơ sở để làm việc tiếp? Nơi giữ tôi là Đồn công an cửa khẩu sân bay Nội Bài. Họ đưa tôi biên bản ghi là bên phía PA88 các anh yêu cầu. Có gì thắc mắc thì lên đây hỏi. Lên đây các anh thừa nhận các anh ra lệnh nhưng lại đổ trách nhiệm cho người thi hành. Các anh đá qua đá lại cho nhau như vậy người dân biết kêu ai? Một lần nữa đề nghị các anh ghi các câu trả lời hôm nay vào văn bản. Còn tôi sẽ không bàn thêm về câu trả lời của các anh trong hôm nay nữa.
-Tôi không ghi. Tôi đã trả lời anh đầy đủ rồi. Anh bị dừng đến ngày 13 và sau ngày 13 có thể dừng tiếp.
- Anh không cần phải giải thích về sau là có thể dừng tiếp vì các anh nói ngay ngày mai tôi có thể đi rồi lại giữ tôi, tôi cũng chẳng làm gì được. Có giấy tờ căn cứ nào đâu. Tôi sẽ không coi đây là buổi làm việc. Yêu cầu các anh làm đúng pháp luật sớm trả lại quyền xuất cảnh để tôi có thể tiếp tục công việc của mình.

9h sáng ngày 13/5/2015
Sau khi vào phòng trực ban buổi hôm trước trình bày lý do vì hôm nay đã đến ngày hết hạn cấm xuất cảnh nên tôi cần gặp 2 người đã làm việc buổi hôm trước là Nguyễn Trường Giang và Đặng Văn Hải để làm rõ:
-Lệnh dừng xuất cảnh đã kết thúc chưa. Nếu kết thúc rồi thì yêu cầu cho tôi một văn bản đảm bảo để tôi tiếp tục công việc của mình để chắc chắn không bị bên an ninh cản trở.
-Nếu tiếp tục dừng xuất cảnh tôi thì cần phải có văn bản nêu lý do và thời hạn để tôi còn biết.
Trực ban hôm đó vẫn là Đào Duy Đạt gọi điện lên phòng làm việc PA88 nói rằng anh Nguyễn Tường Trọng cần gặp anh Nguyễn Trường Giang hoặc Đặng Văn Hải để làm rõ việc dừng xuất cảnh. Sau 2 lần gọi điện, Đạt thông báo lại với tôi rằng anh Giang không có ở đây còn anh Hải đã đi công tác (!?)
Tôi yêu cầu:
-Tôi cần gặp người có trách nhiệm của PA88 để làm rõ việc dừng xuất cảnh của tôi. Nếu không phải 2 người hôm trước đã làm việc thì bên PA88 cũng phải cử một người có trách nhiệm tại đó xuống trả lời.
Một lúc sau một người tên là Nguyễn Sĩ Mức xuống phòng trực ban rồi gọi lên phòng PA88 và nói anh Nguyễn Tường Trọng đang đợi và yêu cầu làm rõ mọi việc.
Sau cuộc gọi của Nguyễn Sĩ Mức, chừng 10 phút sau Đặng Văn Hải đi cùng một người mặc thường phục xưng tên là Tuân ở phòng PA88. Sau khi nghe yêu cầu của tôi thì anh này nói vẫn phải điều tra thêm nên tôi tiếp tục không thể xuất cảnh. Tôi yêu cầu cho tôi biết thời hạn, nếu không tôi không biết đường nào mà lo liệu công việc thi anh Tuân một mực từ chối. Anh ta chỉ nói là đang điều tra, cũng không chịu trả lời bằng văn bản.
Tôi trình bày lý do từ trước đến nay không làm gì sai trái. Anh Tuân lấy số điện thoại của tôi và cho số của mình rồi bảo sẽ hẹn làm việc vào một buổi nào đó. Kết cục sau 3 lần đến PA88, tôi vẫn nhận được một sự trả lời mơ hồ, không có câu trả lời chính thức nào”.

(Nguyễn Tường Thụy ghi)

***
Có lẽ bạn đọc nhận ra ngay cái lý lẽ chầy cối khi nói bừa rằng, vì lý do an ninh quốc gia nên không thể cho con tôi biết nó đã có hành vi gì. Hành vi của con tôi thế nào thì nó biết. Khi nó cũng biết thì còn gọi gì là bí mật quốc gia nữa mà phải giấu ngay với chính nó. Với kiểu trả lời này, người ta thường buông hai tiếng: bó tay.

Ngày 20/5/2015: Tôi đi với con đến PA88 sau khi cháu gọi điện hẹn với anh Tuân trước. Tiếp chúng tôi là anh Tuân và Đặng Văn Hải.

Tôi biết Tuân trong những lần có sự kiện ở Hà Nội như biểu tình, tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội hay như phiên xử Luật sư Lê Quốc Quân. Trong những lần gặp nhau, không thấy anh biểu hiện lời nói hay hành động nào vô lý, vô duyên như một số an ninh khác tôi thường gặp, ngược lại luôn tỏ ra tôn trọng tôi. Cái hàng rào ngăn cách giữa chúng tôi là công việc anh đang làm. Nếu không, có thể chúng tôi thành những người bạn tốt.

Đặng Văn Hải là người đã làm việc với con tôi như kể trên. Theo đó, lối làm việc của Hải rất khó chịu bởi những câu như “Chúng tôi có quyền không tiếp anh” và điệp khúc “Chúng tôi không thể nói, vì lý do an ninh quốc gia”, “An ninh quốc gia là trên hết”. Tuy vậy, thái độ của Hải hôm nay khác hẳn, vui vẻ và nhã nhặn.

Nội dung làm việc lần này không có gì phải tranh cãi qua lại. Anh Tuân bảo con tôi viết mấy chữ cam kết. Nội dung cũng chẳng có gì phải cân nhắc nhiều, chỉ có nội dung đáng chú ý một chút là “tôi không đi bằng tiền của tổ chức”. Tôi bảo, viết thế cũng không sao. Tổ chức nào mà cho tiền mày thì là tiền của mày rồi chứ không còn là tiền của họ nữa. Tổ chức nào mà cho tao, tao cũng nhận. Nói thế, chứ tôi không cho nó thì nó lấy đâu tiền mà mua vé.

Con tôi ngoằng mấy chữ xong, tôi cũng chẳng cần đọc lại, bảo nó đưa cho chú Tuân. Lại hỏi Tuân, cứ thế này mà đi à, không cần văn bản trả lời cái cam kết vừa rồi à? Tuân xua tay: “Thôi thôi, cứ biết thế” ra chiều bí mật lắm. Tôi vẫn không tha: “Thế PA88 “giúp” cháu tiền vé chứ?”. Tuân bảo: “Anh cứ lắm chuyện”.

Hỏi thế thôi, chứ tôi thừa biết an ninh có thâm niên không bao giờ họ sa vào những câu hỏi khó. Họ thoát rất nhanh ra khỏi tình thế có thể làm cho mình đuối lý.

Hôm sau tôi cho con tiền mua vé, dặn mua xong thì báo cho chú Tuân chuyến bay cụ thể. Lại nói chuyện mua vé. Giá vé tính bằng đô la Mỹ nhưng khi thanh toán, đại lý nhất định thu bằng tiền Việt theo qui định. Họ chỉ con tôi xuống đổi lấy tiền Việt cũng theo qui định của họ. Cuối cùng qua hai lần qui đổi, vẫn số tiền ghi tên giá vé phải bỏ thêm một khoản tiền nữa. Đúng là ở đất nước này, họ nghĩ ra đủ trò làm tiền.

Đêm 21/5, tôi tiễn con ra sân bay để bay vào chuyến 1 h ngày 22/5/2015. Cũng chẳng có giấy "thông hành" nào của PA88. Thủ tục ra máy bay suôn sẻ. Thậm chí cậu taxi quen còn trả lại 50 nghìn đồng vì không phải chờ đợi lâu. 

Thì ra, việc chặn, rồi lại thả, tất cả chỉ ở lệnh miệng. Tôi biết, anh Tuân không thể tự ý để con tôi đi được. Việc này không thể giải quyết theo ý cá nhân. Chúng tôi cũng không có gì phải cảm ơn về việc cuối cùng họ để cho con tôi xuất cảnh, vì ngoài việc gây rắc rối, họ chẳng cho chúng tôi cái gì. Ngược lại, PA88 còn phải cảm ơn chúng tôi là đằng khác vì chúng tôi đã không kiện họ ra tòa đòi bồi thường thiệt hại vì nhỡ việc, tiền đi lại, tiền vé máy bay bị mất thêm.
Ấy vậy mà điều đơn giản ấy, cũng có khối người nhầm lẫn.
Thật là:
Quyền con người tự do đi lại
Mà rắp tâm làm hại người ta
Ngồi trên pháp luật quốc gia
Lại còn chầy cối, cuốc ra cuốc vào.

12/6/2015
NTT

Phụ lục:

Danh sách 73 người bị chính quyền vô cớ cấm xuất cảnh (tính đến trường hợp Giáo sư Nguyễn Huệ Chi).
(Danh sách chưa đầy đủ)

Bùi Quang Viễn (Blogger Bùi Chát)
Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi)
Bùi Văn Tân (Pastor)
Dư Mạnh Tuấn
Đào Trang Loan
Đinh Nhật Uy
Đinh Hữu Thoại (Father)
Đinh Tủy (Pastor)
Nguyễn Mạnh Cường
Đinh Xuân Thi
Đỗ Anh Tuấn
Đổ Văn Thưởng
Hoàng Văn Dũng
Huỳnh Công Thuận
Huỳnh Ngọc Chênh
Huỳnh Trọng Hiếu
Lê Thị Yến
Lê Phúc Hiệp
Lê Quốc Quyết
Lê Quý Hữu (Pastor)
Lê Thị Công Nhân
Lê Thị Thúy Dung (Pastor)
Mai Thái Lĩnh
Ngô Thanh Tú
Nguyễn Chí Tuyến
Nguyễn Hồ Nhật Thành (Paulo Thành Nguyễn)
Nguyễn Hoàng Đức
Nguyễn Hoàng Vi (Blogger An Đổ Nguyễn)
Nguyễn Hồng Quang (Pastor)
Nguyễn Hữu Vinh
Nguyễn Lân Thắng
Nguyễn Ngọc Hiền
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm)
Nguyễn Nữ Phương Dung
Nguyễn Thành Tâm (Pastor)
Nguyễn Thành Thông
Dương Đại Triều Lâm
Nguyễn Thị Huyền Trang
Nguyễn Thị Kim Liên
Nguyễn Văn Đài
Nguyễn Văn Đề
Nguyễn Văn Phượng (Father)
Nguyễn Văn Thạnh
Nguyễn Văn Tráng
Nguyễn Việt Hưng
Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu)
Phạm Bá Hải
Phạm Chí Dũng
Phạm Đắc Đạt
Phạm Đình Nhẫn (Pastor)
Phạm Hồng Sơn
Phạm Minh Vũ
Phạm Trung Thành
Trần Đức Ái Linh (Pastor)
Trần Mai (Pastor)
Trương Thị Liễu (Pastor)
Lưu Văn Minh
Lê Đức Triết
Hà Thị Vân
Nguyễn Văn Tráng
Vũ Thị Quỳnh Giao
Lưu Trang Vũ
Nguyễn Công Thủ
Nguyễn Thị Nhung
Lê Anh Hùng
Lê Bá Huy Hùng
Nguyễn Tường Trọng
Trần Quảng Nam
Nguyễn Thị Thúy
Lê Ngọc Thanh (Father)
Huỳnh ngọc Tuấn
Huỳnh thục Vi
Nguyễn Huệ Chi







No comments: