Phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt
Phan Thế Hải- Phạm Huyền (thực hiện)
Đăng ngày: 19:57 03-12-2011
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là tinh thần chính được đưa ra sau Hội nghịTW3. Theo đó gồm có các nội dung chính: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm làđầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệthống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về lĩnh vực này.
- Trong lĩnh vực tái cơ cấu, ý kiến cụ thể của ông như thế nào? Thứ nhất ta bàn về tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công?
- Tôi nói ở phần trước là để ngăn chặn những câu hỏi liên quan đến những nội dung cụ thể mà anh vừađặt ra. Lý do rất đơn giản, nếu nói với tư cách là một người làm khoa học chắc chắn tôi sẽ nói tiêu cực. Mà tôi không muốn đưa ra bất kỳ một dự báo tiêu cực nào về chuyện này. Bởi chúng ta phải luôn luôn ngẫm một điều là chúng ta gợi ý với Đảng và Nhà nước. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt thỏa mãn câu hỏi của anh nhưng phải có chất lượng gợi ý chứ không phải chỉ trích. Cái vừa rồi là tôi phân tích về mặt vĩ mô. Ba nội dung ấy tôi nghĩ rằng nó vô tình thể hiện một điều là cái gì liên quan đến nhà nước thì đều khủng hoảng và đều phải cải cách.
Cân đối vĩ mô được xác lập bởi nhà nước, cân đối vĩ mô không hề là sản phẩm của xã hội. Chúng ta từng đi tìm một sự cân đối và chúng ta tưởng nó là cân đối, bây giờ chúng ta không thấy nó cân đối thì chúng ta lại đi tìm một sự cân đối khác. Công việc bỏ cái cũ để tìm cái mới là công việc của nhà nước. Tức là vai trò của nhà nước trong việc tìm kiếm sự cân bằng vĩ mô của kinh tế và xã hội là sai trong giai đoạn trước. Cái này không phải là tôi nói mà anh Nguyễn Văn Bình nói trên Quốc hội. Tất cả những chính sách, tất cả những văn bản chúng ta có ra đời từ giai đoạn trước, giai đoạn mà chúng ta lấy phát triển chiều rộng là mục tiêu. Bây giờ chúng ta không lấy phát triển chiều rộng là mục tiêu nữa, nhưng lấy cái gì làm mục tiêu thì không rõ. Cho nên tôi nói lại là cải cách thứ nhất là cân đối vĩ mô một sản phẩm thuần túy nhà nước.
Nếu nói sau một nhiệm kỳ chúng ta mới xác lập lại cân đối vĩmô tức là chúng ta trì trệ, bởi vì cân đối vĩ mô diễn ra hàng ngày cùng với sựphát triển của cái thuật ngữ rất cổ mà chủ nghĩa Marx vẫn dùng là lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất quy định quan hệ sản xuất, cho nên lực lượng sản xuất thay đổi hàng ngày thì quan hệ sản xuất cũng thay đổi hàng ngày. Vậy chúng ta phải xác định sự cân đối vĩ mô hàng ngày. Sau 4 – 5 năm chúng ta mới xác định lại cân đối vĩ mô là chúng ta không hiểu cân đối vĩ mô là gì. Tất cả những điều tôi vừa phân tích đều căn cứ vào phát biểu của các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Sản phẩm đầu tiên do Nhà nước tạo ra đấy là cân đối vĩ mô. Sản phẩm thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cũng do nhà nước tạo ra và tạo ra một cách không thận trọng. Đấy là những con khủng long, những con vật khổng lồ về kinh tế và phải có thực phẩm cho nó. Nền kinh tế Việt Nam không cung cấp đủ thực phẩm cho các con khủng long kinh tế giống như các tậpđoàn, và vì thế đã tạo ra sự mất cân đối.
Doanh nghiệp nhà nước là một sản phẩm thuần túy nhà nước, nóđược sinh ra bởi khát vọng chủ quan của nhà nước. Xã hội được hưởng một phần từ các sản phẩm của nó, nhưng xã hội chịu đựng nó lớn hơn rất nhiều. Nhà nước muốn để cho các doanh nghiệp của mình đóng vai trò chủ đạo, vì thế cho nên cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng nào là chưa rõ. Doanh nghiệp nhà nước nó lấn chiếm, lấn át, bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực và rất nhiều mức độ của toàn bộ nền kinh tế. Bây giờ nhà nước rút bớt đi do áp lực của nợ công chứ không phải vì nhận thức ra sự mất cân đối vĩ mô giữa các lực lượng kinh tế nhà nước và toàn bộnăng lực của nền kinh tế Việt Nam. Vì không xác lập được một điểm hợp lý khách quan thì không thể có tiêu chuẩn cải cách được.
Chúng ta phân tích quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hai khía cạnh, khía cạnh thứ nhất là cái gì nhà nước không cần thì nhà nước bỏ ra. Ai dọn cái đống bỏ ra ấy hộ nhà nước? Và liệu cái nhà nước không cần và những giá trị mà nhà nước cần giữ có bị lẫn lộn không? Cải cách doanh nghiệp Nhà nước phải cải cách cả cách thức quản trị. Nhưng quản trị là hệ quả tự nhiên của thể chế. Mà thể chế kinh tế là hậu quả tự nhiên của thể chế chính trị.Vậy ở đây nhà nước định cải cách thể chế ở mức độ nào là chưa rõ. Bởi người ta không thể quản trị một cách tự nhiên, một cách lành mạnh được nếu như môi trường vĩ mô không lành mạnh. Môi trường vĩ mô là kết quả của sự cân bằng, của sự tìm kiếm các điểm hợp lý giữa chính trị, kinh tế và xã hội. Không có tiêu chuẩn hay không thông báo hoặc không công bố tiêu chuẩn về chuyện này. Cho nên tôi không tin lắm. Việc đầu tiên là cải cách cân đối vĩ mô là không rõ ràng thì không thể tạo ra được môi trường tốt cho việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Anh rút ra khỏi một số nhưng anh có tăng cường quy mô của khối doanh nghiệp nhà nước không? Và tại sao người ta lại nghĩ rằng trong đời sống cạnh tranh thì càng to càng tốt. Tôi lấy ví dụ như vấn đề cải cách ngân hàng. Tại sao lại phải có vốn 3000 tỷ thì mới đủ điều kiện hoạt động? Và tại sao lại lấy qui mô tài chính ban đầu để xem một ngân hàng có đáng tồn tại hay không? Một ngân hàng bé thì nó có diện hoạt động bé. Đánh giá ngân hàng là đánh giá chất lượng dịch vụ của nó và độ tin cậy của xã hội đối với nó. Chúng ta đã pháđộ tin cậy của các tổ chức kinh tế cơ sở bằng tiêu chuẩn quy mô, tức là phảiđại gia. Trên thế giới 80% những cơ sở kinh tế không gây điều tiếng nằm trong khu vực kinh tế vừa và nhỏ.
Con tắc kè nó sống đến bây giờ nhưng con khủng long chết lâu rồi. Nền kinh tế Việt Nam có phải là một nền kinh tế cần nhiều khủng long đến thế không? Cần khủng long hay không cần khủng long là kết quả của sự cân nhắc hoàn toàn có chất lượng vĩmô. Thậm chí nhiều nhà nước thông thái người ta còn kìm hãm bớt việc hình thành các con khủng long. Bởi con khủng long nó sẽ xơi hết thực phẩm của tất cả các bầy khác và nó làm mất đi tính đa dạng của đời sống tự nhiên, và trong trường hợp nền kinh tế là mất đi tính đa dạng của một nền kinh tế.
Tôi không nhìn thấy tiền đề và khuynh hướng được xác lập rõ ràng và không thấy có công cụ lý thuyết cho việc cải cách các xí nghiệp nhà nước. Nội dung thứ ba là cải cách hệ thống ngân hàng và tài chính. Qua phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tôi càng lo lắng, bởi vì người tham mưu trưởng số một trong lĩnh vực này của Thủ tướng Chính phủ không có tư tưởng trong tuyên bố với một trong những diễn đàn chính trị quan trọng nhất của đất nước là sinh hoạt Quốc hội. Cái này không thể trình bày rõ được, cái này không có thì giờ để trình bày, nhưng không trình bày ở đấy thì trình bày ở đâu? Tôi không thấy có bất kỳ tiền đề lý luận nào cho cuộc cải cách cơ cấu của thị trường tài chính.
Ba cuộc cải cách mà Hội nghị Trung ương III xác định là trọngđiểm ấy đều không được làm rõ ràng, ít nhất là cho đến phút này. Nếu hôm nay hay ngày mai Thủ tướng có thông báo gì đi nữa thì ý chí của Thủ tướng cũng phảiđược phản ánh thông qua những người giúp việc trực tiếp nhất và quan trọng nhất cho Thủ tướng là Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng kế hoạch Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đấy là bộ ba của nội các kinh tế. Chúng ta có nhiều nội các, nội các đối ngoại, nội các an ninh quốc phòng và nội các kinh tế. Nội các kinh tế của chúng ta thì cả ba nhân vật ấy đều không thể hiện bất kỳ thông điệp gì, dường như để vỗ về, để nói cho yên tâm các vị đại biểu Quốc hội. Vậy thì chúng ta tập hợp một Quốc hội như thế nào mà để cho những nhân vật chủ chốt của nội các kinh tế như vậy phải vỗ về cho yên tâm?
Tôi nói với anh như thế để nói rằng tôi sẽ không tiếp tục phân tích chuyện này. Bởi vì càng phân tích thì càng thấy dở, mà lúc này có thể do những bí mật nhà nước mà Thủ tướng không nói rõ, các Bộ trưởng không nói rõ, cho nên việc phán đoán những điều người ta không nói rõ là đoán mò nên tôi không muốn phân tích sâu thêm. Nhưng nếu chỉ có thế thì có nghĩa là sẽ không có gì.
- Có yếu tố lý luận mà người ta cũng phải bàn tán nhiều và đau đầu nhiều là các nhóm lợi ích. Theo anh bây giờ để kiểm soát nhóm lợi ích thì phải làm gì?
- Từ xưa đến nay tôi rất đả phá khái niệm nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích hiện nay được hình dung như một lực lượng Mafia nào đấy, những công ty nào đấy, những lực lượng nào đấy thao túng Nhà nước. Tôi cho rằng nhận định ấy sai. Cái tôi lo không phải cái ấy. Nhóm lợi ích là những con ruồi chen được vào gần vết thương của quản trị nhà nước và béo lên nhờ việc đó. Rút ruột tài sản, lấy đi đất đai, tài nguyên, họ không phải là những nhà kinh doanh dựa vào sáng tạo, cho nên ở họ tài sản hình thành chủ yếu lấy từ đâu đó chứ không phải tựtạo ra.
Tôi không tin có nhóm lợi ích theo nghĩa hiện nay nhiều ngườiđang nói. Có nhóm lợi ích nhưng theo nghĩa là sự chia rẽ hay sự mất đoàn kết ởtrong hệ thống chóp bu nào đó và mỗi một người tạo ra các nhóm của mình, và một trong những sức mạnh để tạo ra nhóm là sức mạnh kinh tế. Chính sự mất đoàn kết tạo ra nhóm lợi ích chứ không phải nhóm lợi ích tạo ra sự mất đoàn kết. Tất nhiên đó là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành nhóm lợi ích. Nhưng đến giai đoạn sau nữa, khi chúng ta tự do hóa hoàn toàn, dân sự hóa hoàn toàn đời sống kinh tế và chính trị thì có thể có các nhóm lợi ích độc lập với quyền lợi chính trị và thao túng quyền lực chính trị.
Ở đây chưa đến lúc các nhóm lợi ích dân sự thao túng đời sống chính trị. Nếu có nhóm lợi ích thật thì những ông chủ của các nhóm lợi ích sẽkhông lộ mặt ra. Càng ông chủ lớn bao nhiêu thì càng chui sâu, càng luồn sâu, càng kín đáo bấy nhiêu. Những hiện tượng khoe khoang tài sản, khoe khoang địa vị, khoe khoang quyền lực là kết quả của việc không có các nhóm lợi ích trên thực tế mà hình thành nhóm lợi ích kinh tế dựa trên những nhóm lợi ích có chất lượng chính trị. Không nghiên cứu được chuyện ấy thì không xây dựng đảng được. Bởi vì các nhóm lợi ích nó hình thành từ rễ chủ, mà rễ chủ nó mọc từ trên xuống.
Phan Thế Hải- Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.
No comments:
Post a Comment