Saturday, December 24, 2011

VÔ THẦN LÀ PHẢN KHOA HỌC (Ngô Nhân Dụng)




Nếu các đảng chính trị ở Mỹ cũng có một Ban Tuyên Huấn chắc họ sẽ phải đưa ra một chỉ thị, yêu cầu các đảng viên từ nay mỗi lần muốn chỉ trích ông tổng thống thuộc đảng đối lập với mình thì phải tính toán kỹ, nhắm vào đích rất thận trọng.

Chớ có ai chọn lầm mục tiêu như một vị đại biểu tiểu bang Wisconsin. Dân Biểu Jim Sensenbrenner đang bị cả nước chế nhạo sau khi phải viết thư xin lỗi bà Michelle Obama về những lời chỉ trích nhắm vào phía đằng sau của bà.

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có một Ban Tuyên Huấn và họ lúc nào cũng nói những chuyện nghiêm túc. Chẳng hạn, ban tuyên huấn đảng Cộng Sản Trung Quốc mới ban huấn thị khẳng định “chủ nghĩa cộng sản tuyệt đối đặt trên căn bản vô thần!” Mục đích là cảnh cáo các đảng viên khỏi đi lạc đường lối. Ðây là một đề tài vô cùng quan trọng. Chủ trương Vô Thần rất nặng ký trong tư tưởng của Karl Marx và Mao Trạch Ðông, có trọng lượng ngang với lý thuyết nói chủ nghĩa tư bản sắp bị tiêu diệt. Hai lập trường kiên cố này chắc chắn to lớn hơn những thứ ở đằng sau vị đệ nhất phu nhân nước Mỹ mà Dân Biểu Sensenbrenner chê là quá tải.

Gần đây, đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn chống chủ nghĩa tư bản nữa. Trước hết, họ cho phép các đảng viên kinh doanh kiếm lời mặc dù phải sử dụng sức lao động của người lao động, trả tiền công càng rẻ càng có lợi. Sau đó, họ bắt đầu thu nhận các nhà tư bản vào làm đảng viên. Tình trạng hai lập trường nặng ký nhất đã bị cắt nghiến một bên khiến cho tư tưởng Mao Chủ Tịch bị “chao đảo,” mất cân bằng; có thể còn mất cả mỹ thuật nữa. Cho nên đảng Cộng Sản Trung Quốc phải củng cố cho phần còn lại, kiên quyết bảo vệ chủ thuyết vô thần. Ðây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng cho sự sống còn của đảng; còn những chuyện như Cộng Sản Việt Nam cho trẻ em phất cờ Trung Cộng năm sao hay sáu sao, chẳng đáng quan tâm.

Tạp chí Cầu Thực (Tìm Sự Thật), cơ quan lý thuyết chính thức của Cộng Sản Trung Quốc mới nhắc nhở 80 triệu đảng viên cộng sản về chủ trương vô thần của đảng, trước ngày lễ Giáng Sinh năm 2011, bằng một huấn thị nghiêm trọng do ông Châu Duy Quần (Zhu Weiqun) chấp bút. Trong bài báo này, ông Quần ra lệnh các đảng viên cộng sản tuyệt đối không được tin vào một tôn giáo nào cả.

Châu Duy Quần là một ủy viên ban chấp hành trung ương đảng, lại là một người phụ trách điều khiển Mặt Trận Thống Nhất, tổ chức ngoại vi để kiểm soát các đoàn thể, hội hè, trong đó có cả các tổ chức tôn giáo được đảng cộng sản công nhận (Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam được chế ra theo mẫu này). Ông Quần viết: “Trong đảng ta đã xuất hiện những lời kêu gọi hãy ngưng không cấm các đảng viên có tôn giáo, biện luận những lợi ích của tôn giáo cho các đảng viên và còn dám tố giác rằng lệnh cấp đảng viên có đạo là vi phạm hiến pháp.” Cho nên ông Quần xác định: “Thực ra, lập trường của đảng ta kiên quyết cấm đảng viên không được tin vào tôn giáo vẫn trước sau như một không hề thay đổi một ly nào cả.”

Nên chú ý đến chi tiết này: Châu Duy Quần không phải chỉ nhắc nhở các đảng viên không được theo, hay không được hành trì một tôn giáo nào; ông ta còn quyết liệt hơn, bắt các đảng viên không được tin vào tôn giáo. Nghĩa là đảng kiểm soát hành vi, sinh hoạt, của các đảng viên chưa đủ. Phải kiểm soát từ trong cái đầu của người ta nữa.
Nhưng làm sao đem còng số 8 đặt vào trong cái đầu của mấy trăm triệu con người? Ðó là một ảo tưởng. Ai đi đến nước Tàu bây giờ đều thấy các đền miếu chật ních những người đến thắp hương khấn vái. Một lần tôi cùng anh chị em Hồng Gia (người Việt Nam và người Nga) đã tới ngôi đền trên núi La Phù San, nơi phái Hồng Gia tin rằng vị sư tổ sáng lập môn phái ở Việt Nam đã tới học võ công từ nhỏ. Ngôi đền Ðạo Gia, phát nguyên của phái võ, bây giờ không còn ai luyện tập nữa, nhưng tín đồ thập phương thì tới đông không có chỗ chen chân, khói hương mù mịt hơn Lăng Ông nhiều lần.

Người Trung Hoa hiện nay vẫn còn tin tưởng nhiệt thành vào các tôn giáo, nếu không bị cấm đoán. Họ vẫn giữ các niềm tin cổ truyền, cùng nhiều phong tục, tập quán do tín ngưỡng tạo ra. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), một ấn phẩm chị em với tạp chí Cầu Thực, đã tường thuật về tục lệ “cưới vợ cho người chết” ở tỉnh Thiểm Tây.

Trong huyện Hoành San thuộc thành phố Du Lâm, cách Tây An 500 cây số về phía Bắc, dân chúng vẫn tin tưởng rằng trong cõi âm nếu một người đàn ông, hoặc con trai trên 12 tuổi, chết lúc còn chưa có vợ thì vong hồn sẽ về quấy nhiễu các người còn sống trong gia đình. Phải tìm hài cốt của một phụ nữ để chôn gần, sau khi đã làm lễ cưới cho hai linh hồn. Có những ông bà mai chuyên đi mai mối cho người chết; hiện có 30 người, họ cũng so đôi tuổi để xem có xung khắc với nhau không, y như đám cưới người sống. Khi một cô gái chưa chồng sắp qua đời, nhiều người đã tới xin cưới cho một người đàn ông đã chết mà chưa lập gia đình. Ngay trong bệnh viện, người ta mặc cả, ai trả giá cao nhất sẽ được đưa thi hài cô gái về chôn. Có người đem những bộ hài cốt được giới thiệu là của các cô gái đi bán, cho ai trả giá cao nhất (Global Times, số báo ra ngày 9 tháng 3 năm 2011, có đăng hình một ông “lái” mặc “áo vét,” ngồi chồm hổm đằng sau 6 bộ hài cốt đựng trong bao ni lông, để ngỏ cho người ta nhìn thấy mấy bộ xương sọ). Giá hài cốt các cô đã tăng vọt trong mười năm qua. Mấy năm trước đây giá một bộ hài cốt phụ nữ chỉ khoảng 200 đồng nguyên, nay đã tăng lên thành 130,000 đồng nguyên (một đô la Mỹ đổi khoảng 6 nguyên rưỡi). Nguyên do vì “lạm phát” sau khi nhiều người trong huyện Hoành San làm ăn khá giả nhờ kinh doanh khai thác than đá. Tất nhiên, có các tay ăn trộm hài cốt phụ nữ, đi khai quật trộm trong nghĩa địa. Có tay bị bắt trong lúc đem bán các bộ xương phi pháp.

Ðấy là một chuyện thực ở trong nước Trung Hoa bây giờ. Người ta vẫn còn giữ những niềm tin cổ truyền, có thể coi là dị đoan. Tục lệ này có ở tỉnh Thiểm Tây từ 2,500 năm nay, đã lan đi xa, thịnh hành nhất vào đời Ðường (618-908). Nhưng trong bài báo Global Times đó có một câu nếu ban Tuyên Huấn đảng Cộng Sản Trung Quốc đọc chắc họ phải lo lắng. Ðó là lời tuyên bố của một đảng viên cộng sản năm nay 71 tuổi. Là một nhà nghiên cứu về phong tục địa phương, ông nói: “Sau khi đã sống bao nhiêu năm rồi, tôi hoàn toàn tin là có thần thánh và có ma quỷ!” Không những thế, ông quả quyết: “Tư tưởng Vô Thần là phản khoa học!”

Nói như vậy là dựng ngược xác chết các ông Karl Marx, Mao Trạch Ðông, treo hai bàn chân lên trên, dộng cái đầu xuống đất!

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn dậy các đảng viên rằng chủ nghĩa xã hội vô thần của họ mới là “khoa học,” tất cả các lý thuyết xã hội khác đều bị gọi là “không tưởng”. Bây giờ thì chính một đảng viên cộng sản đã tuyên bố: “Vô thần là phản khoa học!”

Khi các cán bộ Tuyên Giáo cộng sản đi tuyên truyền cho chủ nghĩa vô thần, coi nó là một lý thuyết khoa học, thì chính họ không biết thế nào là khoa học. Chính các ông Karl Marx, Mao Trạch Ðông cũng chẳng biết căn bản phương pháp khoa học là thế nào. Giữa thế kỷ 20, Karl Popper mới trình bày tính chất thiết yếu của việc nghiên cứu khoa học. Từ đó tới nay, người ta biết: Một lời phát biểu chỉ có thể mang tính chất khoa học nếu có thể đem ra kiểm chứng với ý định tìm cách phủ nhận, bác bỏ.

Yếu tính của khoa học là tính khả dĩ phản bác (falsifiability) chứ không phải là tính khả dĩ xác nhận (verifiability). Thuyết Tương Ðối của Einstein hiện vẫn đang bị đem thử thách với các cuộc thí nghiệm mới. Tất cả các “định luật” mà Karl Marx đưa ra đều là những xác quyết không cho người ta cơ hội phản bác. Cho nên không thể gọi là khoa học được. Thí dụ, một lý thuyết, “Tất cả chỉ là vật chất, ngoài vật chất không có gì khác” không thể là một giả thuyết khoa học. Vì không thể nào đem thí nghiệm xem nó có sai hay không!

Karl Popper đã qua đời năm 1994, thọ 92 tuổi. Hồi trẻ ông đã từng theo cộng sản, tin vào mấy lý thuyết của Karl Marx. Nhưng năm 18 tuổi thì ông bắt đầu nghi ngờ, rồi dần dần thấy nó rõ ràng phản khoa học. Người đảng viên cộng sản Trung Hoa ở huyện Hoành San, tỉnh Thiểm Tây, ông Wu Juliang chắc không biết Karl Popper, mà chắc cũng chẳng nhớ ông Karl Marx đã dậy cái gì! Ông già 71 tuổi này chỉ căn cứ vào kinh nghiệm sống và trực giác của mình. Ðể thấy rằng không thể nào tin tưởng vào một lý thuyết phủ nhận tất cả, chỉ công nhận những vật chất thấy trước mắt là có thật mà thôi. Những giác quan của chúng ta, dù có được các dụng cụ tối tân hỗ trợ, cũng không thể nào biết tất cả mọi thứ được. Những người theo thuyết vô thần quả quyết họ biết tất cả, và biết tất cả chỉ là vật chất vô hồn. Chính đó là một thái độ phản khoa học.

Ban Tuyên Huấn đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm một công việc vô ích khi lên lớp cấm các đảng viên không được tin vào tôn giáo nào cả. Họ sẽ làm khổ, bắt các đảng viên phải tìm cách giấu diếm, che đậy tôn giáo của họ, để khỏi bị phê bình kiểm thảo. Bây giờ đảng đã cho phép các đảng viên làm tư bản, tự do bóc lột sức lao động của các đồng chí vô sản. Tại sao đảng lại khó khăn bắt các đảng viên phải từ chối hay là che giấu niềm tin? Mà đó là niềm tin vào điều thiện, niềm tin vào cõi thiêng liêng, tin vào khả năng hướng thượng của con người; tại sao phải cấm?
Ðó là chủ trương chính trị ở một xứ độc tài. Các lãnh tụ muốn toàn dân phải nhắm mắt theo ý họ, bắt dân tin những điều vô nghĩa. Thà rằng cứ làm chính trị theo lối ông Jim Sensenbrenner ở Wisconsin còn hơn. Ông này vốn mập mạp, nghe bà Michelle Obama đi tới đâu cũng khuyên các học sinh nên ăn uống điều độ cho khỏi mập; ông tự nhìn xuống bụng mình chắc phải động lòng. Vì vậy mà ông mới nói, “Bà ơi, bà thử quay lại nhìn cái đằng sau bà coi, có thấy nó cũng phì nhiêu quá cỡ hay không?”

Ít nhất một lời phát biểu như vậy có thể đem ra thử thách bằng quan sát, bằng thí nghiệm; khác hẳn lý thuyết vô thần của đảng Cộng Sản. Mà nó lại giúp dân Mỹ có dịp giải trí, tha hồ ngắm nghía, đem bàn tán suốt ba ngày cuối tuần không chán; nó không quặt quẹo khô khan như lý thuyết của Mao hay Marx.
.
.
.

No comments: