Tuesday, December 6, 2011

VÌ SAO TUYÊN BỐ CHỦ QUYỀN CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG NHANH CHÓNG RƠI VÀO IM LẶNG ? (Trần Kinh Nghị)



Trần Kinh Nghị
Thứ ba, ngày 06 tháng mười hai năm 2011

Nội dung trả chất vấn trước Quốc hội hôm 25/11/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một ý nghĩa rất đặc biệt. Theo thông lệ quốc tế, đó không chỉ đơn thuần là một cuộc trả lời chất vấn trong nội bộ Quốc hội Viẹt Nam mà còn là môt tuyên bố chính thức về chủ quyền biển đảo của quốc gia Việt Nam có đầy đủ giá trị pháp lý quốc tế.

Bằng những ngôn từ rõ ràng, không tránh né, Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước từ vịnh Bắc bộ đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời nêu rõ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam.

Nói về Hoàng Sa, Thủ tướng đã viện dẫn các mốc lịch sử cụ thể để khẳng định quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế:

"Chúng ta làm chủ thực sự Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình";

"Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này";

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển";

Cũng tương tự khi nói về Trường Sa:

"Năm 1975 hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta";

"Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này";

Bạn có thể nghe nguyên văn toàn bộ nội dung tại đây:


Tuy hầu hết nội dung trên ít nhiều đã được đề cập trong sách báo, kể cả “sách trắng”, và trong một số dịp đàm phán, nhưng chưa bao giờ được nói ra một cách chính thức, đầy đủ, dứt khoát bởi người đứng đầu Chính phủ như lần này. Khác với những phát biểu có thể nói là rời rạc, đầy ý tứ "tế nhị"...của các vị lãnh đạo trước đây, lần này Thủ tưởng đã không tránh né với những danh từ cụ thể, chứng cứ cụ thể và lập trường rõ ràng . Riêng với Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974 nhưng khăng khăng không chấp nhận đàm phán, thì lời tuyên bố chính thức của Thủ tướng có một ý nghĩa đặc biệt hơn. Tóm lại, có thể nói Thủ tướng với tư cách một người đứng đầu quốc gia Việt Nam đã gửi ra thế giới một thông điệp rõ ràng về lập trường của dân tộc Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Do đó nó rất cần được phổ biến rộng rãi cả trong nước và quốc tế.

Với tất cả những đặc điểm nêu trên, tuyên bố của Thủ tướng ngay từ đầu đã được công luận hoan nghênh với những bình luận rất tích cực cùng với một số “hiến kế”: làm thế nào để “đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”. Điều này cho thấy, bất chấp tâm trạng bất bình trước thực trạng kinh tế-xã hội không mấy khả quan gần đây, công luận vẫn hoan nghênh Thủ tướng khi đưa ra tuyên bố về chủ quyền biển đảo một cách minh bạch rõ ràng trước Quốc hội. Và điều này đã kịp thời giúp làm yên lòng công chúng vốn đang "bức xúc" trước tình trạng thiếu vắng sự giải thích công khai, minh bạch từ phía Lãnh đạo đất nước liên quan đến những vấn đề mà họ rất quan tâm.

Tuy nhiên, cũng đồng thời thấy xuất hiện những ý kiến “trái chiều” trong công luận. Có ý kiến cho đó là “lời nói không đi đôi với việc làm”; có ý kiến cho là Thủ tướng nói thế nhưng “có ăn thua gì đâu!”…; cũng có ý kiến nghi ngờ đó là cử chỉ đã được “thỏa thuận ngầm” với Bắc Kinh..., nên phía họ có cần phản ứng gì đâu!, v.v…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đồng nhất trong cách hiểu vấn đề như nói trên. Nhưng nguyên nhân chính là do thiếu sự hưởng ứng kịp thời cần thiết từ phía các cơ quan chức năng, thậm chí còn để diển ra một vài động thái “khó hiểu” trong cách xử lý một số trường hợp người biểu tình “ủng hộ luật biểu tình” sau khi nghe Thủ tướng khẳng định “cần có luật biểu tình”... Phải chăng đây vẫn là do tình trạng “thiếu nhất quán giữa các ngành, các cấp” vốn dĩ là một căn bệnh trầm kha trong cách điều hành đất nước?. Hay đó là dụng ý từ một bộ phận của bộ máy chính quyền?

Cần có thêm thời gian để giải đáp đầy đủ hơn về những nguyên nhân. Tuy nhiên, dù sao điều đáng tiếc đã xảy ra. Đáng lẽ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo, rất cần phát huy lời tuyên bố chủ quyền của Thủ tướng để “lấy lại” tinh thần đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vốn đã bị “xói mòn” trong thời gian qua. Nhưng đã không có những hoạt động hưởng ứng (follow-up) thích hợp từ phía các cơ quan chức năng nhà nước. Nhân dân lại một lần nữa cảm thấy không được thông báo rõ ràng, minh bạch và sinh ra hoài nghi là lẽ đương nhiên. Hậu quả là, một sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa như vậy đã nhanh chóng rơi vào im lặng hoặc bị lãng quên, thậm chí có thể diễn biến theo một hướng tiêu cực ./.


.
.
.

No comments: