Thursday, December 15, 2011

VÌ SAO NÔNG DÂN TRUNG QUỐC NỔI LOẠN ? (BBC)




Michael Bristow
BBC News, Trung Quốc
Cập nhật: 13:37 GMT - thứ năm, 15 tháng 12, 2011

Cuộc biểu tình ở một ngôi làng tỉnh Quảng Đông đã tạo ra các dòng tin lớn toàn thế giới, nhưng những vấn đề căn bản của cuộc tranh chấp thật phổ biến.

Mỗi năm, Trung Quốc gặp hàng chục ngàn “sự kiện quần chúng” – danh từ mà chính phủ sử dụng để mô tả các vụ lộn xộn, biểu tình và đình công.
Nhiều vụ liên quan quyền sử dụng đất. Người dân làng thường tố cáo quan chức lấy đất mà không đền bù hợp lý.
Nhưng tham nhũng trong chính quyền địa phương – một vấn đề mà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc sẵn sàng thừa nhận – chỉ là một phần vấn đề.
Luật bất động sản của Trung Quốc cũng có vẻ gây ra xung đột vì luật tước đoạt quyền của người nông dân được kiểm soát vùng đất canh tác.
Nếu xảy ra bất đồng, dễ dàng có những cuộc biểu tình giận dữ do dân làng tổ chức vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác.
Đụng độ giữa người dân và giới chức tại làng Ô Khảm vì quyền sử dụng đất là một tranh chấp phổ biến.
Một số người tin rằng vấn đề chính là sở hữu đất đai của tư nhân không được thừa nhận ở Trung Quốc.
Eva Pils, giảng dạy ở Chinese University of Hong Kong, nói việc này khiến chính quyền địa phương có quá nhiều quyền hành.
“Điều này có thể dẫn tới tham nhũng và lạm dụng quyền lực”, bà Pils nói.
Một vấn đề nữa là mức bồi thường cho nông dân thì dựa trên số tiền mà một nông dân kiếm được từ đất – chứ không phải từ giá trị cao hơn khi giới chức bán đất.
Bà Pils nói một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính dân làng có khi chỉ được 5% giá trị đất khi bồi thường.
Các kinh tế gia ước đoán số tiền từ việc bán đất có thể chiếm đến một phần ba ngân sách địa phương.
Một số chính quyền địa phương, như ở Thành Đô, đã bắt đầu chương trình cho nông dân thêm quyền pháp lý đối với đất canh tác.
Nông dân sẽ hưởng lợi nếu đất của họ bị thu để phát triển.
Bộ đất đai của Trung Quốc tin rằng điều này là một phần quan trọng cho việc bảo vệ quyền của nông dân.
Theo Tân Hoa Xã, bộ này phát hiện 37,000 trường hợp sử dụng đất sai mục đích trong chín tháng đầu năm nay.
Nhưng vì sao rất nhiều tranh chấp đất đai lại dẫn tới xung đột với chính quyền?
Câu trả lời có thể nằm ở quyết tâm duy trì ổn định xã hội bằng cách đàn áp bất kỳ ai có thể đe dọa.
Đảng Cộng sản tin rằng đây là công cụ then chốt để duy trì quyền lực.
Yu Jianrong, một nhà nghiên cứu nông thôn hàng đầu, nói trong nhiều trường hợp, điều này có nghĩa là “biểu lộ bình thường của ý chí dân chúng bị gọi là hành vi phi pháp”.
Những nông dân than vãn về việc mất đất thường chẳng được chính quyền, tòa án hay công an thương sót và đôi khi còn bị tố cáo là gây rối.
Trong những hoàn cảnh như vậy, dễ hiểu là những tranh cãi nhỏ vì đất có thể nhanh chóng trở thành mất kiểm soát.
Không rõ thực tế có bao nhiêu “sự kiện quần chúng” xảy ra ở Trung Quốc mỗi năm vì chính phủ miễn cưỡng khi phải công bố số liệu.
Một phúc trình của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc năm nay dẫn ra số liệu tối đa 60,000 vụ một năm, nhưng đó chỉ là số liệu từ 1993 đến 2003.
Nhiều học giả khác của Trung Quốc cho rằng năm ngoái có khi có đến 180,000 vụ.
Dù con số thực là bao nhiêu, rõ ràng việc chính phủ không muốn công bố chứng tỏ số lượng hẳn phải cao ngất ngưởng.


BBC
Cập nhật: 07:11 GMT - thứ năm, 15 tháng 12, 2011

Căng thẳng vẫn đang diễn ra giữa dân làng và chính quyền ở một làng của tỉnh Quảng Đông.
Một phóng viên BBC ở Ô Khảm nói hôm nay dân làng lại có một cuộc tuần hành và cả công an lẫn dân làng cùng lập các chốt gác quanh ngôi làng.
Truyền thông địa phương nói thị trưởng tạm quyền của thành phố Sán Vĩ nói việc lấy đất sẽ tạm dừng, nhưng những ai gây rối sẽ bị trừng phạt.
Ông này cũng hứa điều tra các viên chức vi phạm.
Cuộc biểu tình phản đối về đất đai tại ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông đã bùng lên trong tuần này sau việc một người dân thiệt mạng tại đồn công an.
Hàng trăm dân làng nay đang đối đầu với lực lượng an ninh.
Các con đường vào làng bị chặn và cảnh sát được trang bị vũ khí canh gác ở các cửa ngõ vào bên trong.

Chặn internet
Người sử dụng internet Trung Quốc nói đã không thể tìm kiếm thông tin về cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, ở trên mạng.
Cộng đồng trên Sina Weibo, một mạng kết nối xã hội tương tự mạng Twitter, nói khi tìm thông tin với từ khóa 'Ô Khảm' thì không thu được kết quả gì.
Một số người nhận được thông báo: "Theo các quy định luật pháp và chính sách hiện hành, kết quả tìm kiếm theo từ Ô Khảm không được hiển thị".
Dân làng Ô Khảm cáo buộc quan chức tham nhũng đã thông đồng với các công ty địa ốc để lấy đất của dân mà không bồi thường.
Sự bất mãn biến thành đối đầu hồi tháng Chín, nhưng sau đó tình hình có vẻ dịu đi.
Tuy nhiên cái chết của một người dân trong tuần này đã khơi dậy lại làn sóng biểu tình.
Thông tin mà người dân tung lên mạng Sina Weibo nhanh chóng bị gỡ bỏ, và nay không thể tìm kiếm thông tin với các từ khóa như làng Ô Khảm, huyện Sán Vĩ hay Ḷôc Phong.
Ông Tiết Cẩm Ba, người được cho là đại diện cho dân làng để thương lượng với chính quyền, bị công an bắt và chết trong đồn.
Ông Tiết bị bắt hồi tuần trước với cáo buộc ông bị nghi phạm tội liên quan tới đợt biểu tình hồi tháng Chín.
Hôm thứ Hai, ba ngày sau khi ông bị bắt, chính quyền thông báo ông Tiết đột tử.
Nhà chức trách thị xã Lộc Phong, phụ trách làng Ô Khảm, nói ông bị bệnh tim chết chứ không phải vì nguyên nhân nào khác.
Tuy vậy có tin đồn ông bị cảnh sát đánh chết.
Mỗi năm hàng nghìn cuộc biểu tình vì đất đai xảy ra tại Trung Quốc, nhưng cuộc bao động tại Ô Khảm xem ra thuộc loại lớn và kéo dài hơn cả.

BBC
Cập nhật: 12:02 GMT - thứ tư, 14 tháng 12, 2011

Một cuộc đối đầu không lui bước giữa dân làng và giới chức vẫn đang tiếp diễn tại một xã ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Cảnh sát đã chặn các con phố dẫn tới làng Ô Khảm. Dân địa phương đang tìm cách không để cảnh sát vào bên trong.
Cuộc tranh cãi quanh chuyện đất đai của làng bị giới chức địa phương thu hồi đã âm ỉ từ lâu nay.
Mấy hôm trước, một làn sóng biểu tình mới đã nổ ra sau khi một người dân làng bị chết trong lúc đang bị cảnh sát tạm giữ.
Hiện không mấy dễ dàng lấy được thông tin về những gì đang xảy ra bên trong khu vực. Một quan chức địa phương lên tiếng bác bỏ chuyện đang có vấn đề tại nơi này.
Tuy nhiên, có vẻ như người dân làng đã tiến hành một loạt các vụ biểu tình trong những ngày gần đây, với sự tham gia của hàng trăm người.
Một đoạn video quay cảnh biểu tình rồi được tải lên mạng internet cho thấy những người biểu tình giận dữ hô vang các câu như "Giết hết quan chức tham nhũng".
Một người đàn ông nói với BBC: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tới cùng."
Theo phóng viên của báo Anh, tờ Daily Telegraph lẻn được vào làng, người dân đem biểu ngữ và hô các khẩu hiệu đòi quan chức trả nợ máu (Huyết trái, huyết hoàn).
Phóng viên Mark Moore cho hay mọi quan chức chính quyền xã và công an đã bỏ chạy khỏi khu làng.

"Canh gác khu làng"
Cuộc tranh cãi với giới chức có nguồn gốc sâu xa. Người dân làng nói giới chức địa phương từ lâu nay đã thu đất và không trả tiền bồi thường thỏa đáng.
Để bày tỏ thái độ tức giận, họ đã biểu tình hồi tháng Chín.
Trong cuộc biểu tình đó, họ đã đập tan bức tường được xây quanh khu đất bị thu hồi để phát triển dự án, và xông vào lục soát các văn phòng chính quyền.
Vụ bạo động mới nhất bùng lên từ vụ Tiết Cẩm Ba, một người dân làng và là người đại diện của làng, chết trong lúc bị bắt giữ.
Chính quyền đã tạm giam ông cùng một nhóm những người khác hồi tuần trước và nói ông là một nghi phạm hình sự bị bắt giữ do có liên quan tới các vụ biểu tình hồi tháng Chín.
Hôm thứ Hai, giới chức tuyên bố ông đã chết do "ốm bệnh đột ngột" vào ngày thứ ba kể từ khi bị bắt giam.
Chính quyền thành phố Lộc Phong đơn vị hành chính cấp trên của Ô Khảm, nói rằng ông đã được đưa tới bệnh viện nhưng các bác sỹ không cứu chữa nổi.
Trong một tuyên bố, chính quyền nói ông chết sau khi có vấn đề về bệnh tim và "các nguyên do khác tạm thời đã bị loại trừ".
Một bản phúc trình chính thức về cái chết của ông đã bác bỏ các gợi ý theo đó nói ông Tiết đã bị "cảnh sát đánh đập tới chết", Tân Hoa Xã đưa tin.
Nhóm xét nghiệm của nhà nước nói họ đã không tìm thấy "bất kỳ vết thương nghiêm trọng nào" trên cơ thể người chết, trừ một số vết bầm dập trên cổ tay và đầu gối.
Một chuyên gia tham gia viết bản phúc trình nói: "Chúng tôi chỉ thấy còng tay đã để lại dấu vết trên cổ tay của ông ấy, và đầu gối bị bầm tím nhẹ khi ông ấy quỳ xuống."
Tuy nhiên, dân làng vẫn đặt câu hỏi về nguyên nhân cái chết, và muốn được trả xác, điều mà họ nói là chính quyền địa phương khước từ.
Con rể của người quá cố, anh Cao, cũng là người làng, nói: "Chẳng có văn bản pháp luật nào nói ông ấy không được về nhà."
Anh nói những người biểu tình sẽ không lui bước.
Anh nói: "Dân làng đã canh gác khu làng và chặn không cho cảnh sát vào trong."
Trịnh Nhạn Hùng, bí thư đảng ủy huyện Sán Vĩ, đã kêu gọi chấm dứt biểu tình trong một bài báo của Tân Hoa Xã.
Ông nói: "Chính quyền sẽ nỗ lực xử lý toàn bộ các vấn đề liên quan và hy vọng rằng ngôi làng sẽ không làm dấy lên những cuộc bạo động thêm nữa."
Các cuộc xung đột liên quan tới đất đai không phải là điều hiếm hoi ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Được biết mỗi năm thường xảy ra hàng chục ngàn vụ như vậy.
Nhưng vụ tranh cãi mới nhất này có vẻ như là vụ lớn hơn so với các vụ khác, với mức độ cũng chăng thẳng hơn. Người dân địa phương nay tỏ thái độ sẵn sàng đương đầu với giới chức.


BBC

Cuộc biểu tình ở Ô Khảm kéo dài nhiều tháng nay
Người sử dụng internet Trung Quốc nói đã không thể tìm kiếm thông tin về cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, ở trên mạng.
Cộng đồng trên Sina Weibo, một mạng kết nối xã hội tương tự mạng Twitter, nói khi tìm thông tin với từ khóa ‘Ô Khảm’ thì không thu được kết quả gì.
Một số người nhận được thông báo: “Theo các quy định luật pháp và chính sách hiện hành, kết quả tìm kiếm theo từ Ô Khảm không được hiển thị”.
Cuộc biểu tình phản đối về đất đai tại ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông đã bùng lên trong tuần này sau việc một người dân thiệt mạng tại đồn công an.
Hàng trăm dân làng nay đang đối đầu với lực lượng an ninh.
Các con đường vào làng bị chặn và cảnh sát được trang bị vũ khí canh gác ở các cửa ngõ vào bên trong.

Tham nhũng đất đai
Dân làng Ô Khảm cáo buộc quan chức tham nhũng đã thông đồng với các công ty địa ốc để lấy đất của dân mà không bồi thường.
Sự bất mãn biến thành đối đầu hồi tháng Chín, nhưng sau đó tình hình có vẻ dịu đi.
Tuy nhiên cái chết của một người dân trong tuần này đã khơi dậy lại làn sóng biểu tình.
Thông tin mà người dân tung lên mạng Sina Weibo nhanh chóng bị gỡ bỏ, và nay không thể tìm kiếm thông tin với các từ khóa như làng Ô Khảm, huyện Sán Vĩ hay ôc Phong.
Ông Tiết Cẩm Ba, người được cho là đại diện cho dân làng để thương lượng với chính quyền, bị công an bắt và chết trong đồn.
Ông Tiết bị bắt hồi tuần trước với cáo buộc ông bị nghi phạm tội liên quan tới đợt biểu tình hồi tháng Chín.
Hôm thứ Hai, ba ngày sau khi ông bị bắt, chính quyền thông báo ông Tiết đột tử.
Nhà chức trách thị xã Lộc Phong, phụ trách làng Ô Khảm, nói ông bị bệnh tim chết chứ không phải vì nguyên nhân nào khác.
Tuy vậy có tin đồn ông bị cảnh sát đánh chết.
Mỗi năm hàng nghìn cuộc biểu tình vì đất đai xảy ra tại Trung Quốc, nhưng cuộc bao động tại Ô Khảm xem ra thuộc loại lớn và kéo dài hơn cả.


.
.
.

No comments: