13.12.2011
Những chính sách phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với việc huấn luyện và sử dụng nhân lực. Hay hơn thế nữa, là những điều kiện để phát triển và tận dụng hữu hiệu những tài năng và trí tuệ xuất sắc của đất nước. Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chiến lược này càng trở thành cần thiết và phải là một mục tiêu lâu dài. Nhưng rất tiếc, nguồn trí tuệ Việt dường như chưa được đối đãi đúng mực và cho họ những cơ hội để được làm việc đúng với khả năng mình. Một sự lãng phí “tài nguyên” trong hàng loạt sự lãng phí khác tại VN hiện nay.
--------------------------
Chừng đôi năm trước, khi thị trường chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rôm rả, có lần T. gởi email, hỏi tôi dăm chuyện về chứng khoán. T. là một bác sĩ trẻ dưới tuổi 40, có tài, đang là một bác sĩ trưởng khoa tại một bịnh viện trung tâm ngay Sài Gòn. T. khá giỏi vì đã tu nghiệp nhiều năm về chuyên môn tim mạch sau khi tốt nghiệp bác sĩ. Lại bỏ thời gian học thêm bằng cử nhân Anh văn khi đang học bác sĩ, nên T. trở thành một bác sĩ sáng giá; những khi có những đoàn bác sĩ chuyên môn từ nước ngoài sang huấn luyện hay làm việc tại các bịnh viện Sài Gòn, cần bác sĩ VN đón tiếp hay phiên dịch cho các cuộc huấn luyện chuyên môn. Các bịnh viện tỉnh lỵ thỉnh thoảng vẫn hay mời T. về thuyết trình hay huấn luyện thêm cho các bác sĩ của họ. Năm rồi T. cũng đi dự một hội nghị tim mạch toàn thế giới được tổ chức tại Ấn Độ. Nói chung T. là một mẫu trí thức trẻ, có tài của VN hiện nay. Nhưng nhắc chuyện chứng khoán, trước khi kể dăm điều về T., cũng có lý do của nó. Tôi vẫn nhớ T. bảo rằng, sao xã hội ngày nay có lắm kẻ phất lên quá nhanh và bất ngờ. Lắm khi những “đại gia” này nọ trên “sàn chứng khoán” chỉ là một loại “cha căng chú kiết” nào đó, ở một tỉnh lỵ cao nguyên, bỗng dưng trở thành một “đại gia” ngành gỗ rồi sang địa ốc, chứng khoán, đầu tư … Họ trở thành những “Chủ tịch” các tập đoàn bạc tỉ, sắm sửa những chiếc xe hơi hay du thuyền bạc triệu đô la, mà ắt rằng những phép tính ra những con số này, họ không thể nào biết đến, huống hồ tạo dựng nên. Nó làm những người trí thức như T. phân vân, hoang mang. Thậm chí cảm thấy lạc lõng khi vất vả với công việc của mình giữa dòng chảy của đời sống phô bày sự xa hoa cực độ của một số người nào đó. Dù rằng nghề nghiệp chuyên môn như T. rất cần thiết cho những xã hội như VN hiện nay, nhưng họ vẫn không đủ sống và cũng chẳng có vẻ gì được “ưu đãi”. T. muốn thử thời vận bằng cách “nhảy” vào chứng khoán như những người khác, với số tiền dành dụm từ bao năm nay.
Kỳ về nước lần rồi, T. có đến thăm tôi đôi lần. Đụng ngày Rằm, cả hai anh em sang Chùa gần nhà ăn cơm chay, anh em lại có dịp trò chuyện với nhau. T. là con gái của dì tôi, vai em. Ăn mặc giản dị, nhỏ nhẹ và bình dân, thật khó nghĩ một cô gái trẻ vậy lại là một bác sĩ tim mạch, một trưởng khoa tài giỏi. Ngày nghỉ, nhưng điện thoại lại reng liên tục. Bịnh viện ở đâu cũng là nơi làm việc 24 giờ suốt năm. Y tá hay các bác sĩ trực gọi, ắt gọi trò chuyện liên quan công việc. Ngưng điện thoại, T. lại quay lại câu chuyện dỡ dang cùng tôi. Công việc bận rộn không dứt, lại phải hay đi công vụ, những ngày nghỉ cũng phải trả lời điện thoại. Ngần ấy công việc và trách nhiệm, T. đang lãnh mức lương chưa đến bốn triệu đồng VN, tức chưa đến 200 đô. Mỗi ngày, T. dành thêm vài tiếng đồng hồ sau giờ làm việc để khám bịnh tại phòng mạch tư mở ngay nhà mình, kiếm thêm ít thu nhập. Cùng với thu nhập của chồng là một kỹ sư, B. lo cho hai con nhỏ tạm đủ, dù sự tiêu xài phải dè dặt. Giá như đó là tình hình chung của xã hội, có thể không làm T. ưu tư. Nhưng sự chênh lệch quá xa giữa những người trí thức như T. và một giới làm ra tiền và tiêu xài đầy hoang phí giữa đất Sài Gòn, đã làm T. suy nghĩ nhiều khi tiếp tục nghề nghiệp bác sĩ của mình. Rất may là T. không đủ can đảm để phiêu lưu vào trò chơi chứng khoán, hay một phần do lời khuyên của tôi nên tránh xa việc nhảy vào một thị trường chứng khoán quái lạ nhất thế giới, khi những người giao dịch có thể mua bán cổ phiếu bằng tiền mặt… ngay quán cà phê (!?). Bằng không, số tiền dành dụm ấy ắt cũng đã không còn. T. bảo tôi, nếu muốn, cô có thể bỏ nghề để nhảy sang làm những đại diện cho các hãng dược phẩm như dăm người bạn của mình và thu nhập có thể cao gấp hàng chục lần mức lương đang lãnh. Nhưng T. chưa bao giờ nghĩ đến điều đó vì không muốn bỏ đi bao nhiêu kinh nghiệm của mình. Giá T. quyết định sẽ đi theo con đường như vậy khi muốn kiếm tiền, liệu có phải đó là một sự hoang phí của xã hội VN khi mất đi một bác sĩ có tài như T., phải mất bao nhiêu năm tháng học hành và kinh nghiệm hành nghề mới có được như vậy. Và trên thực tế, đã xảy ra không ít những trường hợp những bác sĩ trẻ không cưỡng nổi sự cám dỗ của đồng tiền hay chống chọi lại sự bất công thu nhập trong xã hội. Hãy xem thử một giới “trình dược”, những đại diện bán thuốc cho các hãng dược phẩm nội địa hay nước ngoài hiện nay tại VN, hầu hết là các bác sĩ trẻ bỏ nghề.
Câu chuyện của D. là câu chuyện khác về một trí thức thức trẻ trong lãnh vực kỹ thuật. D. trạc tuổi T., cũng là người em họ, anh em chú bác với tôi. D. ra trường Cao học về kỹ thuật tại VN, được giữ lại trường giảng dạy. Nhận được học bổng tu nghiệp Tiến sĩ từ một đại học bên Anh, D. ký giấy tờ cam kết cùng trường sẽ trở về VN sau khi hoàn tất chương trình Tiến sĩ vì trường hứa tài trợ thêm một ít chi phí trong thời gian theo học tại Anh. Những sinh viên nước ngoài theo học ban Tiến sĩ tại Anh được phép mang theo gia đình, nên D. mang vợ cùng con nhỏ sang Anh du học. Sau bốn năm, D. trở về nước với học vị Tiến sĩ, trong khi người vợ hoàn tất chương trình Cao học Kinh Tế cũng từ trường đại học Anh. Chúng tôi hay trò chuyện “chit chat” qua YM từ ngày D. còn trong nước cho đến khi D sang Anh, thỉnh thoảng vẫn trao đổi nhau những nhìn nhận về các vấn đề xã hội tại VN. Nhưng những lần gặp mặt vừa rồi với tôi, D. bộc lộ hẳn thái độ với công việc và những chính sách đại học “phản khoa học” mà D. đang đối diện. Có lẽ vì hiện trạng giáo dục và đại học đầy sa sút tại VN như chúng tôi đã nhắc đến trong bài bút ký đôi kỳ trước; nhưng cũng có thể sau khi nhận được sự giáo dục đầy khai phóng và tiến bộ của phương Tây, D. nhận ra nhiều điều hơn. Về nước, nhận một chân giáo sư tại Sài Gòn, bên cạnh công việc giảng dạy và hướng dẫn luận án cho sinh viên, D. phải kiêm nhiệm thêm các công việc hành chánh, quản lý sinh viên và các thứ linh tinh trong phân khoa. D. bảo rằng ngần ấy thứ đã chiếm hết thời giờ của mình, không còn thời gian để tiếp tục đeo đuổi những nghiên cứu của mình hay trau dồi thêm các kiến thức chuyên môn luôn thay đổi. Mà giá như có muốn bỏ công sức thêm để nghiên cứu trong lãnh vực chuyên môn thì cũng không phải là chuyện đơn giản. Sau hàng loạt các thủ tục hành chính, người giáo sư phải viết bản cam kết rằng nghiên cứu của mình phải … thành công (!?) để được cấp một ngân quỹ nghiên cứu tối đa là 20 triệu đồng VN, tức 1,000 đô. Số tiền nhỏ hàng chục triệu lần tiền bỏ ra để làm một bộ phim lai căng Trung Hoa “mừng đại lễ Thăng Long” bị người dân trong nước phản ứng. Nếu việc nghiên cứu không thành công thì người nghiên cứu sẽ bị “kiểm điểm”, bị phạt và bồi hoàn số ngân quỹ kia. Không hơn kém chuyện thương mại. Lấy ai đủ can đảm và nhiệt huyết để theo đuổi những việc như vậy. Hơn thế nữa, D. bảo rằng trong một môi trường đại học lẽ ra phải đầy tính khai phóng và học thuật, việc bè phái và tạo những ảnh hưởng quyền lực lại đầy rẫy. Những trí thức trẻ từ phương Tây trở về bị coi là “lạc điệu” trong nhịp bung xung này. Với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng khi phải ráng lên giảng đường nhiều lớp, hàng ngày D. chạy xe honda hàng chục cây số mịt mù khói bụi với hàng tiếng đồng hồ kẹt xe để đi dạy. D. bảo tôi rằng có thể D. phải tính đến những con đường khác hơn, thay vì để khả năng mình bị mai một trong một môi trường như vậy. Tất nhiên một trí thức trẻ hấp thụ nền giáo dục phương Tây như D. không thể trở thành một “thợ dạy” như vậy về lâu dài.
Để bạn có thể nhìn rõ hơn thực cảnh của những trí thức trẻ tại VN hiện nay, tôi có thể kể thêm cùng bạn một trường hợp khác nữa. V., một thanh niên Đà Nẵng đầy ý chí va` cầu tiến, cũng là vai em trong gia đình. V. ra trường đại học với hai tấm bằng về Thương mại và Anh ngữ. Làm gia sư kiêm hướng dẫn viên du lịch từ khi còn là sinh viên, V. có máu thương mại khi vừa dạy kèm, vừa thành lập một nhóm “Gia sư” riêng để cung cấp những người dạy kèm cho các gia đình có con nhỏ. Vừa ra trường, V. cùng bạn bè thành lập ngay một công ty du lịch, chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nội địa và nước ngoài đến Đà Nẵng. Công việc ban đầu xem ra có vẻ thú vị nhưng đầy vất vả, khi ngược xuôi lo từng những điều nhỏ nhặt nhất và đưa đón các đoàn khách du lịch. Không có vốn liếng nhiều khi thành lập công ty, V. xoay trở nhờ vào tài tổ chức của mình. Xe du lịch đã có các công ty cho thuê xe, khách sạn đã có sẵn đó, chỉ cần nhận khách, sắp xếp tổ chức và hướng dẫn cho du khách đi thăm các nơi trong vùng. V. kiêm nhiệm từ công việc đặt phòng khách sạn cho khách, liên lạc hãng xe, đặt nhà hàng cho khách, đến việc tự mình hướng dẫn du khách đi chơi. Trẻ trung, lanh lợi, giỏi tiếng Anh, lại là người lớn lên từ nhỏ tại Đà Nẵng nên biết nhiều về vùng đất và văn hoá tại đây, L. chiếm được nhiều cảm tình từ các du khách nước ngoài khi họ giới thiệu những khách khác đến với công ty của V.. Sự thu nhập có khá hơn những người như T. và D. bên trên, nhưng chung quy cũng chỉ là tiền hoa hồng cho các xe mướn hay khách sạn, nhà hàng cùng tiền công, tiền tip cho những chuyến hướng dẫn khách. Tôi nhìn ở V. như một thanh niên năng động, có khả năng và óc tổ chức, có thể đạt đến những thành công lớn hơn nếu có cơ hội. Vì hiện nay, những người hay công ty như V. vẫn chỉ là những hạng “cá kèo” trước những tập đoàn “quốc doanh” hay các nhóm người có dây mơ rễ má với chính quyền, đang thu tóm kỹ nghệ du lịch hốt bạc khi có trong tay bạc tỉ, nắm giữ từ các công ty xe du lịch, các khu nghỉ mát, các khách sạn đắt tiền … những thứ cần thiết cho du khách. Giá như cơ hội đồng đều thì sự thành công của V. trong tương lai không là điều ngạc nhiên. Rất tiếc là điều này còn nhoà nhạt lắm hiện nay.
Còn vài câu chuyện tương tự như vậy, nhưng ngần ấy ắt cũng đủ cho bạn đôi điều về một giới khác trong xã hội VN qua loạt bút ký này. Dù là câu chuyện của dăm trí thức mà tôi có dịp trò chuyện và hiểu sâu hơn về đời sống, suy nghĩ của họ do những thân tình trong gia tộc, nhưng đó cũng là hình ảnh chung của một lớp không nhỏ những trí thức trẻ tại VN hiện nay. Họ là lớp người trẻ có khả năng và đầy năng động, chưa bị đánh mất mình trong áp lực đồng tiền của xã hội VN, dù thu nhập chỉ ở mức rất khiêm cung so với khả năng. Họ vẫn còn đeo đuổi những công việc hay nghề nghiệp chuyên môn đã được huấn luyện và rất cần thiết trong những xã hội đang phát triển như VN. Chỉ tiếc rằng họ không có nhiều cơ hội, hay ít ra là được đối xử xứng đáng để làm hết sức mình. Một Ngô Bảo Châu được tung hô, được nhà cầm quyền và báo chí VN ôm vào mình như là công sức của VN sau khi giành được giải thưởng toán học Fields danh giá, chẳng che giấu được bản chất của vấn đề mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Không có sự huấn luyện và môi trường thuận lợi từ các đại học Pháp và Mỹ, thành tựu kia vẫn còn là ẩn số. Chính Ngô Bảo Châu đã khá rạch ròi khi nhập quốc tịch Pháp, ngay khi anh nghĩ rằng có nhiều cơ hội sẽ được giải Fields, chỉ vài tháng trước khi giải công bố. Và anh cũng thẳng thắn nhận xét rằng, dù cho một nền giáo dục còn nhiều điều tụt hậu, yếu kém, vẫn còn những tài năng Việt đang lặng lẽ làm việc. Nhận xét này khá xác đáng, khi còn đó rất nhiều những tài năng và trí tuệ Việt trong nước đang chờ những cơ hội hay cần được đối xử công bằng hơn để giúp VN khỏi tụt hậu quá xa so với thế giới. Hoặc giả họ sẽ vụt sáng nếu có được môi trường tốt hơn. Quả là một sự phí phạm tột cùng khi lãng phí những tài năng ấy.
Đinh Yên Thảo
Bài đã đăng của Đinh Yên Thảo
Về đâu những trí tuệ Việt?- 13.12.2011
Giáo dục Việt Nam - Con đường ngã bảy- 07.12.2011
Tây trên đất Việt- 25.10.2011
Tây Đô: Đêm nguyệt thực trên giòng sông Hậu- 22.09.2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment