Blog Gocomay
Đăng ngày: 11:25 17-12-2011
"Trung Quốc sẽ là minh chủ để chúng ta thờ phượng" - Đó là lời của một người có tên là "nhà phê bình Nguyễn Hòa" viết commente phản hồi bài "Việt Nam – tỉnh thứ 24 của Trung Quốc?" trên blog Hiệu Minh (*), vào lúc 6:50 - 17/12/2011.
Không biết "nhà phê bình Nguyễn Hoà" này có đồng nhất với nhà phê bình Nguyễn Hoà thường viết bài cho Talawas trước kia và ANTG hiện hay không? Nhưng nghe giọng lưỡi, ta biết ngay đây chính là một xu hướng đang hiện hữu ngày càng rõ nét trong một bộ phận "trí ngủ" ở xứ ta. Chứ chắc gì chỉ là ý kiến của một cá nhân đơn lẻ nào.
Trong qúa khứ, có những trí thức ở tầm đỉnh cao mà Lê Tắc (Trắc), thời nhà Trần (là tiêu biểu), đã có tư duy "phò thịnh" đối với kẻ mạnh kiểu ấy, bất chấp phải bán rẻ tổ quốc và dân tộc mình.
Con người Lê Tắc, thấy có tài liệu chép rằng, y là hậu duệ của thứ sử Giao châu Nguyễn Phu thời Đông Tấn, sinh khoảng thập niên 60 TK 13. Tắc được cậu là Lê Bổng nuôi dưỡng nên đổi sang họ Lê. Từ nhỏ Lê Tắc đã tỏ ra là người thông minh, học giỏi. Lớn lên, Tắc được vào cung hầu hạ Trần Thái Tông, làm chức thị lang. Sau đó, Lê Tắc chuyển sang phục vụ dưới trướng Chương Hiến hầu Trần Kiện, con thứ Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Khi quân Nguyên Mông sang xâm lăng Đại Việt lần thứ hai (1285), Tắc đã cùng chủ đầu hàng quân Nguyên.
Trần Kiện và Lê Tắc theo Trần Ích Tắc phục vụ dưới quyền Thoát Hoan. Đầu mùa hè năm 1285, quân nhà Trần phản công đánh chiếm lại Thăng Long. Quân Nguyên bỏ chạy về nước. Trần Ích Tắc và Trần Kiện chạy theo Thoát Hoan lên biên giới. Trần Kiện bị tướng người Tày ở châu Ma Lục (Lạng Sơn) là Nguyễn Thế Lộc bắn tên độc, chết tại trận. Lê Tắc ôm xác chủ đi chôn cất ở biên giới rồi chạy theo Trần Ích Tắc cùng quân Nguyên về Trung Quốc.
Cuối năm 1287, quân Nguyên sang đánh Đại Việt lần thứ ba, Lê Tắc cũng theo sang. Đạo quân chủ lực của Thoát Hoan đi đường châu Tư Minh vượt qua biên giới, tiến vào Thăng Long. Tháng chạp năm đó, Lê Tắc cùng Lê An (cũng là tướng người Việt) mang 5000 quân hộ tống con Trần Ích Tắc là Trần Dục mới 9 tuổi kéo theo sau quân Nguyên, đúng đường Thoát Hoan đã đi. Lê Tắc lại bị sự phục kích của tướng người Tày là Nguyễn Thế Lộc tại cửa ải Nội Bàng. Lê Tắc dựa vào sông Lục Nam bày trận chống lại. Thế Lộc để chừa lại hướng bắc, vây 2 mặt đánh kẹp lại. Lê Tắc và Lê An không chống nổi, phải bồng Trần Dục theo hướng bắc để ngỏ chạy trở lại biên giới. Do sự tận trung của Lê Tắc với thiên triều, Nhà Nguyên cho Lê Tắc làm quan thị lang, sau đó về cư trú tại Hán Dương (nay là các quận Hán Dương và Thái Điện, thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc). Tại đây Tắc kết giao với nhiều đại sĩ phu Trung Hoa, hay ngao du sơn thủy, toàn tâm nghiên cứu điển tịch. Nhờ đó Lê Tắc đã hoàn thành An Nam chí lược, được cho là bộ Sử đầu tiên của VN ta. Nhưng dưới nhãn sử quan của người Trung Nguyên. Tắc mất khoảng thập niên 40 TK 14. (**)
Chuyện những trí thức "phản quốc" như Lê Tắc phải "ăn cây nào rào cây ấy" cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng "nhà phê bình Nguyễn Hoà" đang sống trên đất Việt, ăn cây trái xứ Việt mà phải tôn "Trung Quốc sẽ là minh chủ để... thờ phượng" thì thật không còn gì để nói nữa.
Giao lưu Việt – Trung : Láng giềng gần
Ảnh nguồn: http://vtv.vn/article/get/20h-1411-cau-truyen-hinh-viet--trung-lang-gieng-gan-0c4897b036.html
Việc Đài truyền hình quốc gia VTV do Tổng Minh (Trần Bình Minh) phụ trách phải giao lưu bằng vai phải lứa như "Láng giềng gần" với Đài truyền hình của tỉnh Quảng Tây trước thềm chuyến "Nam dụ" của "Thái tử đỏ" họ Tập (Tập Cận Bình), có lẽ Tổng Minh cũng không thể tự ý một mình mà quyết vụ này được. Bởi ai cũng thấy, để quyết một việc lớn như thế chắc chắn phải có chủ trương từ cấp cao hơn, Trần Bình Minh chỉ là người thừa hành. Một người có nhận thức trung bình cũng nhận thấy đây chính là một kiểu "diễn biến hoà bình" của người phương Bắc mà Hiệu Minh đã phải thốt lên:
"Thời nay dùng nhất Quảng (Quảng Tây - một tỉnh nghèo) và thêm VTV “tay trong” là đủ biến xứ mình thành một tỉnh của Trung Quốc, mà không cần tốn bất kỳ một viên đạn nào.....
Lỗi lầm ngoại giao ở tầm quốc tế này do dân trí thấp, do xem phim Tầu quá nhiều, hay do tâm, tầm văn hóa và hiểu biết lịch sử của những tác giả cầu truyền hình “Láng giềng gần” .
Xin bạn đọc phán xét hộ." (*)
Và nhà phê bình Nguyễn Hòa đã phán:
"Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ về mọi phương diện trong nay mai, bắt đầu từ kinh tế, đến quân sự. Bởi lẽ, với nền văn minh hơn 5 ngàn năm, Hoa Kỳ (hơn 200 năm) chỉ đáng gọi là… trẻ con; Hoa Kỳ chỉ có hơn 300 triệu dân, là số lẻ trong 1,3 tỷ dân của Trung Hoa… Hoa Kỳ đã hết thời, phương Tây đã và đang tàn lùi, thế kỷ 21 là thời kỳ của phương Đông, nơi Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Hoa sẽ thống trị thế giới, như quá khứ họ đã làm Thiên tử. Tốt hơn hết, Việt Nam nên nhìn xa trông rộng về viễn cảnh ấy, Trung Quốc sẽ là minh chủ để chúng ta thờ phượng. Đất nước nhược tiểu thì nên có “đại ca” mà dựa dẫm, và dựa vào Trung Quốc là tối ưu.
Người ta nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, người anh em gần Trung Quốc là tốt hơn hết. Hoa Kỳ ở xa, cứ nhìn Gruzia – đồng mình của Mỹ và phương Tây, bị Nga “xử” như thế nào, mà đồng minh có làm gì được đâu. Đó là tấm gương." (December 17, 2011 at 6:50 am)
Vậy có phải vì “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, mà biết bao người yêu nước nhiệt thành như blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải; luật sư Lê Công Định, luật sư-tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ; hai cô Nguyễn Thanh Nghiên và Bùi Thị Minh Hằng, những người đã có những tiếng nói hay việc làm trái với định hướng "láng giềng gần" mà đang phải chịu cảnh tù đày? Đó là chưa kể biết bao trí thức danh tiếng đã và đang bị "thất sủng" hay ngược đãi bởi họ quyết không chấp nhận quê hương đất nước thân yêu của mình trở thành quận huyện của chủ nghiã bành trướng bá quyền Đại Hán!
Hình : Nguyễn Hòa
Cách đây tròn 5 tháng, vào đúng ngày này (17/07/2011) trên VTV1, trong chương trình Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật (***), thấy có một nhà nghiên cứu (phê bình) văn hóa (NCVH) tên là Nguyễn Hoà lên tivi thao thao bất tuyệt rất nhiều lời lẽ hay ho.
Nào là sự "đứt gãy văn hóa". Nào là sự "khủng hoảng lựa chọn và niềm tin". Nào là những "chuẩn mực nguyên tắc chi phối nền văn hóa". Nào là sự "khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể - phát triển" trong nghiên cứu triết học. Nào là "chủ nghiã thực dụng tiểu nông". Nào là "không thể chia lại các quân bài đã chia". Mà phải "thay đổi cách chơi". Phải "thay đổi cách nhìn nhận"...
Trong cuộc trao đổi rất lâm ly với nữ MC Mỹ Linh xinh đẹp, nhà NCVH Nguyễn Hòa cảm kích nhắc tới nhà phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, từng bỏ ra 20 năm để viết cuốn "Văn minh vật chất của người Việt". Ở phần kết, nhà NCVH Nguyễn Hòa mong mỏi giới nghiên cứu, bất kể ở lĩnh vực văn hóa nào cũng tâm nguyện phải "bằng trí lực có được của mình... làm điều gì đó cho đất nước... cho tương lai con em chúng ta... cho cộng đồng... làm người trí thức cho dân tộc mình".
Nếu nhà nghiên cứu (phê bình văn hóa nào cũng làm được những điều (dù nhỏ bé) như thế chứ không phải những sản phẩm cụ thể như bộ phim Tàu nói tiếng Việt: "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" thì mừng qúa đi chứ. Nhược bằng đem thân "thất phu" (trí thức) cao qúi để "thờ phượng" lũ "dê chó" (chữ của Trần Quốc Tuấn) bất lương cướp nước, dù với bất cứ lời ngụy biện khéo léo tới mức nào cũng chỉ là đám "bán nước hại dân" như bè lũ Ích Tắc và Chiêu Thống... để vết nhơ ô danh tới muôn đời con cháu mai hậu mà thôi!
-------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment