Quỳnh Hương
Cập nhật: 16/12/2011
Cho đến nay đã có ít là 3 buổi thắp nến trên nước Úc để cầu nguyện cho Thái Hà, cho 15 thanh niên công giáo vừa bị bắt, và cho cả giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ vẫn là buổi đầu tiên tại Melbourne.
Giữa mưa gió ướt át của buổi chiều ngày 19 tháng 11 năm 2011 những ngọn nến đã thắp lên cùng Thái Hà trước tiền đình Quốc Hội Tiểu bang Victoria. Trước các vị dân biểu Úc cùng đông đảo đồng bào đến tham dự, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne đã bắt đầu bài phát biểu của ngài như sau: “Hôm nay, chúng ta, những người quan tâm đến tình hình đất nước và đặc biệt là tại Giáo Xứ Thái Hà, đến đây để bày tỏ sự liên đới của chúng ta với đồng bào quốc nội và nhất là những người đang tranh đấu cho tự do, công lý và những giá trị nhân bản đang bị một chính phủ độc tài đảng trị chà đạp coi thường. Nhân danh ban tổ chức, tôi xin chào đón và cảm ơn quý vị, Công Giáo cũng như không Công Giáo, các đoàn thể tổ chức, cũng như mọi người đến đây không những vì một Thái Hà hay một tôn giáo mà vì tương lai cho cả một dân tộc và vì tiền đồ cho cả một Tổ Quốc.”
Bài phát biểu của ngài đã đem đến niềm vui và nỗi xúc động cho nhiều người Việt Nam. Nhiều giáo dân đã bày tỏ niềm hân hoan vì cho rằng những lên tiếng từ các linh mục ở ngoại quốc vẫn còn rất giới hạn trước tình trạng đàn áp các giáo dân trong nước ngày càng gia tăng. Như mới đây, tại giáo phận Con Cuông nhà cầm quyền đã dùng loa, đá và cả hơi cay tấn công các linh mục, giáo dân đang dâng Thánh lễ, đọc kinh tại Nhà nguyện. Và lúc 2 giờ sáng ném bom vào nhà nguyện nổ sập một góc nhà. Tại xã Bình Lộc (thuộc giáo xứ Mỹ Lộc) chỉ vì giáo dân phản đối việc nhà nước lấn chiếm một con mương mà nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp họ một cách dã man. Hơn một chục người đã bị thương, 8 người phải nhập viện để cấp cứu, 3 người bị thương nặng! Những giáo dân đi chợ bị đánh đập, hàng quán của họ bị đập nát. Thêm vào đó, ban đêm nhà cửa họ bị ném đá, tinh thần họ bị khủng bố. Trong lá thư gởi từ giáo xứ Mỹ Lộc những câu cuối là lời than phẫn uất: “... giáo dân Mỹ Lộc vẫn cô đơn, vô vọng trong đau thương của máu và nước mắt”.
Đứng trước vấn nạn của các giáo xứ nói riêng và của đất nước nói chung, Thái Hà không là biệt lệ. Tuy nhiên Thái Hà đã đối mặt với bạo quyền Hà Nội một cách bình tĩnh, chấp nhận mọi hệ quả vì sự thật và công lý. Thái Hà đã không chỉ dâng thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho các giáo xứ, mà còn dâng lễ cầu nguyện cho những người yêu nước gặp nạn như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn ... dù họ có là con chiên của Chúa hay không. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đã nhắc đến cuộc đối đầu với bạo lực của những con người chỉ có tay không và lòng nhân ái tại Thái Hà như một biểu tượng của “chí khí anh dũng của dân tộc ta”. Và ngài còn cho rằng: “sau những biến cố ở Toà Khâm Sứ, Đồng Chiêm hay Cồn Dầu, Thái Hà là thành lũy cuối cùng của lòng kiên cường có tổ chức. Đối với một chính phủ độc tài, không gì đáng sợ cho họ hơn là ý chí bất khuất có tổ chức.”
Và như ngài nói: “Chúng ta hiểu tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại quyết tâm triệt hạ Thái Hà cho bằng được, họ đã dùng những thủ đoạn hạ cấp nhất để đạt mục tiêu đó. Ngày 3 tháng 11 mới đây, họ đã cho hơn 100 du đãng và côn đồ đến để nhục mạ, đe doạ tính mạng các linh mục, giáo dân. Sau đó những người này còn dùng búa lớn để đập phá khu vực thờ phượng linh thiêng. Thế mà, ở nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước còn “vừa ăn cướp vừa la làng” qua các phương tiện truyền thông của họ. Thử hỏi một tập đoàn lãnh đạo như thế thì sẽ đưa đất nước chúng ta đi về đâu? Thật trớ trêu, khi đất nước chúng ta đứng trước bao thử thách, từ thành thị đến thôn quê, từ Nam Quan tới mũi Cà Mâu, từ đất liền đến hải đảo, thì những người lãnh đạo lại đối xử với đồng bào một cách dã tâm như vậy.” Đức cha Long đã sót sa so sánh nghịch cảnh ấy như một con tầu lửa đang lao xuống vực thẳm mà người điểu khiển con tầu lại sách nhiễu hành khách thay vì cứu nguy cho cả tầu!
Chưa đầy một tháng sau đêm thắp nến cho Thái Hà, ngày mùng 2 tháng 12 người Việt khắp nơi đã rất tức giận và đau lòng khi nhìn thấy cảnh công an bắt bớ các linh mục, đánh đập tàn nhẫn các giáo dân Thái Hà giữa đường phố Hà Nội. Những thách thức dành cho Thái Hà không còn là những thách thức riêng của một giáo xứ, của một tôn giáo, bởi vì Thái Hà đang là một biểu tượng của những con người Việt Nam chấp nhận trả giá cho quê hương, cho đồng bào mình. Là người Việt Nam, công giáo hay không công giáo chúng ta biết ơn và hãnh diện vì Thái Hà. Đức cha Long đã bày tỏ tâm tình của ông: “ Tôi là giám mục Công Giáo, nhưng tôi vẫn mang dòng máu Việt Nam và không thể không thao thức trước một thực tế quá bi quan về hiện trạng đất nước. Nhưng con đường dẫn đến tương lai tươi sáng cho quê hương là con đuờng dài và chúng ta là những viên gạch lót đường.”
Đức Cha cũng nhắc lại lời bà Aung San Suu Kyi rằng bất cứ cuộc tranh đấu nào không thể rơi từ trời xuống hay một người nào đó ban cho ta, chính chúng ta phải tranh đấu lấy. Và Đức cha khẳng định rằng tranh đấu cho một tương lai tươi sáng cho Việt Nam là bổn phận và trách nhiệm của những người mang dòng máu Việt Nam. “Thiết nghĩ, đây cũng là cơ hội để người Việt chúng ta tại hải ngoại đồng tâm nhất trí với nhau trong cùng một mục đích chung, không phân biệt tôn giáo, khuynh hướng chính trị; không phân biệt Bắc, Trung hay Nam; thậm chí không phân biệt là công dân Úc hay còn là công dân Việt Nam. Mục đích chung đó là gì, là một Việt Nam tự do, công bằng, văn minh.”
Điều cuối, Đức cha kêu gọi rằng tổ quốc chúng ta đang lâm nguy, bóng đêm của sự độc tài gian ác đang bao phủ trên quê hương. Nhưng nếu chúng ta đều đồng lòng đốt lên một ngọn nến thì bóng đêm đó sẽ phải tan biến. Hãy cùng nhau tiếp sức cho Thái Hà “Khi hồi chuông Thái Hà vang lên, người giáo dân đã tới để cứu nguy cho giáo xứ. Hôm nay, chúng ta, những người con của Tổ Quốc ở hải ngoại hay ở trong nước cùng nghe tiếng chuông Thái Hà báo động tổ quốc lâm nguy. Chúng ta hãy cùng nhau giải cứu Việt Nam thân yêu đang đứng trước vực thẳm của sự băng hoại hoàn toàn. Tiếng chuông Thái Hà sẽ là tiếng chuông báo hiệu cái chết của chủ nghĩa cộng sản lỗi thời và sự quang phục của quê hương.”
Chắc chắn không chỉ Thái Hà mà còn rất nhiều người công giáo và không công giáo cũng đang lắng nghe nhịp tim của Đức cha, nhịp tim của một người Việt Nam đang đồng hành: “Đất nước Việt Nam muôn năm, dân tộc Việt Nam muôn năm”. Phải chăng chính vì niềm tin này, tiền nhân đã đổ bao công lao và xương máu để gìn giữ và gởi trao đất nước lại cho con dân Việt. Và trải bao can qua, không ít lần, niềm tin ấy đã được lập lại, được gởi lại cũng bằng chính câu nói ấy, như một lời nhắn nhủ cuối cùng.
Truyền thống đoàn kết đùm bọc lẫn nhau trong đức tin để đi qua những giai đoạn khó khăn là truyền thống và sức mạnh của người công giáo Việt Nam. Là một Phật tử, tôi cũng xin được cùng Đức cha Vinh Sơn Nguyễn văn Long thắp một ngọn nến cho Thái Hà; hiệp thông với tinh thần bất khuất của dân tộc Việt để sớm chấm dứt nghiệp dữ của những kẻ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau trên quê hương tôi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment