Sunday, December 11, 2011

"TÁI CẤU TRÚC" LÀ THẾ NÀY ĐÂY ! (Lê Anh Hùng)



“Tái cấu trúc” là thế này đây!
Lê Anh Hùng
11/12/2011

Chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus, người làm việc cho Chương trình Việt Nam của Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp HCM, vừa có bài viết đăng trên trang mạng của tờ Financial Times (Anh) ngày 2/12/2011, đánh giá về nỗ lực tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam, trong đó ông đưa ra nhận định: “Những người khác nhau thì nhận thức về tái cấu trúc nền kinh tế theo những cách khác nhau. Cách diễn giải triệt để nhất – và là cách mà các nhà ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Hà Nội ủng hộ – dựa trên việc tái định nghĩa vai trò của nhà nước, chủ yếu thông qua hình thức bán các công ty nhà nước… Tái cấu trúc thực chất sẽ chỉ diễn ra khi những cân nhắc về kinh tế thế chỗ cho toan tính chính trị như là cơ sở để ngân hàng mở hầu bao của mình. Làm thế nào để đạt được sự thay đổi đó vẫn là vấn đề cơ bản của việc tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam.” [1]

Tại cuộc hội thảo về tái cơ cấu đầu tư do Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức hôm 27/10/2011, khi bàn về đổi mới tư duy để có thể tái cấu trúc nền kinh tế, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho hay, nhận thức của chính ông về kinh tế nhà nước đã khác so với hơn một năm trước. Đầu năm 2010, khi thảo luận về vị trí của kinh tế Nhà nước, ông còn cho rằng, nói kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn đúng. Thế nhưng, qua những chuyến đi khảo sát ở các nước, nhận thức của ông về vị trí của kinh tế Nhà nước đã khác. Còn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lại cho rằng, “Gốc gác của vấn đề là nhiều tư duy không ổn mà ta ít nhắc tới… Ở các nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính nhà nước, không ai đi làm kinh tế cả.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang phải trả giá cho những bất cập trong khâu phân vai giữa nhà nước và tư nhân trên phương diện kinh tế: Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% nguồn vốn ODA. Được bảo hộ lớn và ưu đãi nhiều, thế nhưng, khu vực này chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, khu vực này dựa vào vay nợ lớn để đầu tư. Không kể 9 tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa có số liệu, con số nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 54,2% GDP, TS Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ Tài chính và Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn lại thống kê của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước. [2]

Ông Vũ Khoan thẳng thắn nhận định: “Một khi tư duy không thay đổi, chúng ta sẽ chứng kiến kế hoạch mà Chính phủ đang trình, Quốc hội đang bàn sẽ không thể thay đổi được… Sẽ chẳng có tái cấu trúc đâu.” [3]

Và đây là câu trả lời “đanh thép” của Thủ tướng dành cho những nhận định và “băn khoăn” kể trên, cũng như cho những ai vẫn còn tỏ ra ngây thơ khi cố ngồi chờ một cuộc “tái cấu trúc nền kinh tế” từ phía Chính phủ Việt Nam, trong cuộc Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 diễn ra ngày 8/12/2011 tại Hà Nội:
Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.

… Vai trò của DNNN không phải chỉ là kiếm tiền. Nhiều DNNN phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành để bảo đảm kiềm chế lạm phát, vì thế không thể coi đó là làm ăn kém hiệu quả. “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Phải làm rõ điều này. Nếu các tập đoàn đầu tư ngoài ngành mà lỗ thì phải tách riêng để xử lý nghiêm, nhưng lỗ mà do mục tiêu bình ổn giá thì phải đánh giá công bằng để nhân dân, xã hội hiểu. Xăng dầu cũng vậy”, Thủ tướng nói.

… Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ”, Thủ tướng nói. [4]

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “Việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới phải bảo đảm 2 mục tiêu: Thứ nhất, DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước can thiệp thị trường, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội…” [5]

Ở đây, thiết nghĩ cần phải nói rõ thêm một “ý” của Thủ tướng: Nếu không có doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô như cách mà Chính phủ Việt Nam vẫn “điều tiết và ổn định vĩ mô” suốt bao năm qua, với mức độ lạm phát đứng đầu Châu Á và đứng thứ hai trên thế giới. [6]

Bất kể là điều đó xuất phát từ động cơ hay từ “tư duy” đích thực của người phát ngôn, phương án “tái cấu trúc” cả con người xem ra vẫn là giải pháp vô cùng cần thiết cho đất nước trong lúc này./.

Quảng Trị, 9/12/2011
L. A. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:
[3] Theo báo Vietnamnet ngày 29/10/2011: Nhà nước có dám bỏ kinh doanh? (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-10-28-nha-nuoc-co-dam-bo-kinh-doanh-)
[4] Báo Vietnamnet ngày 9/12/2011: Thủ tướng: Vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/51894/thu-tuong–vu-vinashin–toi-khong-ra-quyet-dinh-nao-sai.html).
[5] Chương trình thời sự VTV 19h ngày 8/12/2011.
[6] Theo báo Thanh Niên ngày 26/10/2011: Việt Nam sẽ nằm trong top 4 nước lạm phát cao của thế giới (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111026/viet-nam-se-nam-trong-top-4-nuoc-lam-phat-cao-cua-the-gioi.aspx).

.
.
.

No comments: