Tom Bartlett và Karin Fischer
“The Chronicle of Higher Education”, số ra ngày 3/11/2011
Đỗ Thu Hương dịch
10:58-12/12/2011
Người Trung Quốc lâu nay vẫn coi cơ hội du học Mỹ là điều đáng mơ ước và đó là lý do khiến số sinh viên Trung Quốc du học Mỹ tăng lên gấp ba chỉ trong vòng ba năm nay, trở thành nhóm sinh viên quốc tế đông nhất ở Mỹ.
Phần đông số sinh viên Trung Quốc đến từ các gia đình khá giả và có điều kiện để trả học phí toàn phần, điều mà các trường ĐH Mỹ đang mong như hạn gặp mưa trong tình cảnh bị cắt giảm ngân sách những năm gần đây. Thoáng nhìn thì tưởng đây là điều có lợi cho cả hai phía - các trường ĐH Mỹ cũng như các sinh viên Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này không hề đơn giản.
Để tăng thêm tính quốc tế hóa, các trường ĐH Mỹ đã mở rộng tuyển sinh ở Trung Quốc nơi mà sự cạnh tranh vào ĐH trở nên khốc liệt và cũng là nơi ngành công nghiệp tư vấn du học tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu luôn nóng hổi của những sinh viên muốn một suất du học sang Mỹ. Các trường ĐH Mỹ cho rằng họ bắt đầu nhận thấy số lượng các hồ sơ giả mạo có chiều hướng tăng, có nhiều bài tự luận xin học được các công ty tư vấn du học viết hộ, hoặc chứng chỉ điểm tiếng Anh không thật sự phản ánh khả năng giao tiếp của sinh viên. Các trường ĐH Mỹ đứng trước một thị trường lớn như Trung Quốc đang lúng túng khi phải tìm cách phân biệt hồ sơ của những ứng viên thực sự giỏi và những bộ hồ sơ tốt một cách giả tạo.
Vai trò của các công ty tư vấn du học
Theo một nghiên cứu mới đây của ĐH Iowa đăng trên Tạp chí Tuyển sinh ĐH (Journal of College Admission), phần lớn các sinh viên Trung Quốc khi nộp đơn vào ĐH Mỹ đã nhờ đến các các công ty môi giới hoặc các công ty tư vấn du học trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Để viết hộ bài luận xin học, có sinh viên đã phải trả 4.000 USD, chưa kể khoản 3.300 USD bồi dưỡng luyện các bài thi chuẩn hóa.
Từ cách đây nhiều thập kỷ khi đồng USD còn bị cấm lưu hành ở Trung Quốc, các công ty tư vấn du học ở đây đã biết cách chuyển tiền sang Mỹ để đóng học phí và do đó có công đáng kể đưa rất nhiều thế hệ sinh viên Trung Quốc sang Mỹ học. Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng các công ty tư vấn du học Trung Quốc cung cấp một loại dịch vụ quan trọng là hướng dẫn sinh viên trong quá trình nộp hồ sơ vào ĐH Mỹ và quá trình này thực sự mới mẻ ở Trung Quốc. Mới mẻ vì hồ sơ tuyển sinh vào ĐH Mỹ bao giờ cũng bằng tiếng Anh, và các sinh viên Trung Quốc thường bị loại vì không có ý thức tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hoặc không biết cách viết các bài tự luận. Bênh cạnh đó, việc xin thư giới thiệu của giáo viên tư vấn (¹) ở một trường trung học phổ thông là bất cập ở Trung Quốc, một đất nước mà chỉ có vài trường có chức danh này. Rất nhiều người Trung Quốc còn thiếu thông tin tới mức ngộ nhận rằng danh sách xếp hạng các trường ĐH được đăng tải trên U.S. News và World Report là thông tin chính thống được Chính phủ ban hành.
Trong khi một số công ty tư vấn chuẩn bị hồ sơ một cách trung thực, thì nhiều nơi khác có những hành vi gian lận. Một người lãnh đạo ở một trường phổ thông ở Bắc Kinh cho biết một vài các công ty tư vấn đã bắt chước phom mẫu văn bản của trường để in ra bảng điểm giả và viết những thư giới thiệu giả mạo mà nhà trường đã tình cờ phát hiện ra khi một phụ huynh gọi điện đến than phiền là công ty tư vấn bắt họ phải trả phí cho các giấy tờ chứng thực do trường cấp. James E. Lewis, giám đốc bộ phận tuyển sinh quốc tế của ĐH Kansas có lần cũng nhận được một tập hồ sơ tuyển sinh ĐH rõ ràng là được gửi đến từ cùng một công ty tư vấn du học với các hóa đơn và lệ phí từ một ngân hàng hệt như nhau trong khi các sinh viên ở các vùng xa hẳn nhau. Ông cho biết ba trong số năm bảng điểm trong các bộ hồ sơ giống hệt như nhau.
Năm ngoái công ty tư vấn Zinch China chuyên giúp các trường ĐH & CĐ Mỹ tìm hiểu về Trung Quốc đã đăng tải một báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với 250 học sinh trung học chuẩn bị du học Mỹ, phụ huynh của các học sinh này và khoảng một chục các công ty tư vấn du học. Báo cáo này tổng kết trong số các hồ sơ của sinh viên Trung Quốc nộp cho các trường ĐH Mỹ, 90% có thư giới thiệu mạo danh, 70% có người viết hộ bài tự luận, 50% gian dối với bảng điểm, và 10% liệt kê những giải thưởng và danh hiệu mà học sinh đó chưa hề nhận. Báo cáo này tiên đoán “xu hướng làm giả các hồ sơ” sẽ có thể ngày càng tệ hơn nữa vì ngày càng có nhiều sinh viên sang Mỹ.
Học chỉ để thi
Học sinh Trung Quốc dành rất nhiều thời gian trong những năm trung học để luyện thi gao kao, một kỳ thi duy nhất để vào được các trường ĐH Trung Quốc ngày nay đã quá tải. Vì thế chẳng có gì lạ khi những học sinh Trung Quốc dự định đi du học ở Mỹ dành nhiều tháng trời nhồi nhét chuẩn bị cho các kỳ thi như SAT hay TOEFL.
Một người quản lý tuyển sinh ở ĐH Iowa đã chia sẻ bà đã từng thấy có những sinh viên Trung Quốc có điểm TOEFL tăng thêm 30 hoặc 40 điểm (tổng điểm thi tối đa của một kỳ thi TOEFL là 120) chỉ sau một kỳ nghỉ hè nhưng trình độ tiếng Anh thì không hề chuyển biến. “Các sinh viên này chỉ ôn luyện để qua được kỳ thi, chứ không phải học tiếng Anh thực sự”. Bà cũng thường xuyên phải liên hệ với cơ quan tổ chức kỳ thi, Educational Testing Services (ETS) (²) để kiểm tra những bài thi đáng nghi ngờ.
Vào kỳ nhập học mùa thu năm nay tại ĐH Kansas, có vài sinh viên Trung Quốc có ảnh thẻ không hề giống với ảnh họ chụp khi làm bài thi TOEFL mới vài tháng trước. ETS cho biết họ sẽ làm một vài biện pháp phòng ngừa khác như thu thập mẫu chữ viết tay để giảm nguy cơ sinh viên thuê người khác vào làm tiếp thay họ sau mỗi phần thi. Điều lệ của ETS là kết quả thi sẽ bị hủy nếu có tìm ra gian dối nhưng ETS cũng không cho biết chuyện này có thường xuyên xảy ra không và đã xảy ra ở đâu. ĐH Kansas cũng không giải thích về các biện pháp kỷ luật nhưng nhà trường đã thành lập cả một hội đồng soạn thảo ra các chính sách nhằm đối phó với gian lận trong thi TOEFL. Giám đốc Ban Tuyển sinh Quốc tế, ông Lewis nói: “rất khó khi ngồi ở Mỹ và phải phán đoán bài thi nào đến từ Trung Quốc là gian dối”.
Không tôn trọng tác quyền, và không nhập gia tùy tục
Tại chương trình giới thiệu định hướng đầu năm học tháng 9 vừa qua ở ĐH Delaware – Newark, ông Scott Stevens, Giám đốc Viện Anh ngữ của trường đã nói bóng gió với các sinh viên mà phần đông là sinh viên Trung Quốc “Các bạn là những sinh viên rất thông minh. Hãy dùng trí tuệ của bản thân mình khi phải viết các bài luận”.
Ông Stevens hiểu rất rõ những thách thức mà ĐH Delaware đang gặp phải sau khi số sinh viên Trung Quốc từ lúc chỉ có vài sinh viên tăng lên vài trăm như bây giờ. Có sinh viên đã học tủ thuộc lòng cả đến bốn dẫn luận trong Wikipedia để sau đó chỉ việc chép lại tùy thuộc vào đề thi nào gặp phải trên lớp – một nỗ lực đầy ấn tượng nhưng mục đích hoàn toàn sai lệch, vi phạm vào quyền sở hữu trí tuệ, một khái niệm cơ bản ở Mỹ.
Tương tự như sự không hiểu biết về tác quyền, thói quen không nhập gia tùy tục là một thuộc tính văn hóa khác. “Chúng ta ai cũng biết người Trung Quốc được nuôi dưỡng lớn lên với những tuyên truyền không đẹp cho lắm về nước Mỹ. Cho nên họ chỉ tin những người Trung Quốc ở quanh mình, họ không tin chúng tôi”, ông Stevens nhận xét.
Thay vì dễ dãi sống chung với một nhóm sinh viên Mỹ nào đó, sinh viên Trung Quốc năm thứ nhất một mặt vẫn trả tiền thuê phòng ký túc xá, mặt khác lại chung tiền đi thuê nhà ở bên ngoài, một sự xâm phạm điều lệ trường, ông Steven cho biết. Và hiếm khi họ tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường. Họ cũng thường thay đổi đăng ký lớp để được học chung cùng nhau, thay vì nghe theo sự phân công của các giáo viên cố vấn.
Jennifer Gregan-Paxton, trưởng cố vấn sinh viên bậc đại học khoa kinh doanh của trường cho biết, bà thấy sinh viên Trung Quốc học tập rất chăm và cũng rất khéo. Họ thường xuyên tặng bà và các giáo viên khác những món quà nhỏ. Có ngày bà nhận được tới ba món quà từ các sinh viên, một chiếc quạt, một vòng đeo cổ, và một khăn quàng lụa tơ tằm. Tuy nhiên, bà cũng nhận xét rằng các sinh viên Trung Quốc thường học chung với nhau, vì từng cá nhân sinh viên Trung Quốc khi tách ra bước vào một tập thể lạ nào đó, thì không phải khi nào họ cũng được chào đón nồng hậu.
Học chỉ vì điểm
Mặc dù khác biệt về phương pháp học nhưng điểm số của các sinh viên Trung Quốc ở ĐH Delaware không kém hơn các sinh viên khác. Một phần là vì sinh viên Trung Quốc thường rất khá trong những kỹ năng tính toán và điều này giúp họ học giỏi các chương trình học sử dụng nhiều kiến thức như kinh doanh và kỹ thuật - hai ngành được nhiều sinh viên Trung Quốc theo học nhất, trong đó ngành kỹ thuật không yêu cầu nhiều về khả năng tiếng Anh. Trên thực tế, thành tích học của sinh viên Trung Quốc không phải là tệ, một số đã được nhận vào những trường ĐH hàng đầu ở Mỹ, ví dụ như ĐH Havard có 40 sinh viên Trung Quốc năm học 2010-2011.
Tuy nhiên, nhiều giáo sư đã phải thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp với sinh viên Trung Quốc. Ví dụ như có thầy giáo phải yêu cầu toàn bộ sinh viên để sách lên trước lớp trong giờ thi để tránh quay cóp, một việc mà vị giáo viên này chưa bao giờ làm trong hai thập kỷ làm công tác giảng dạy ở Mỹ. Việc tích cực tham gia thảo luận trên lớp không còn được thưởng quá nhiều điểm nữa và các sinh viên chỉ phải làm một bài thuyết trình trên lớp thay vì hai hoặc ba như trước đây do khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của sinh viên Trung Quốc quá hạn chế.
Damon Ma, một sinh viên Trung Quốc từng học ở một trường chuyên ngữ của Trung Quốc, lẽ ra phải có trình độ tiếng Anh khá tốt, nhưng anh này cho biết: “Ở Trung Quốc cái gì cũng quay cóp được. Thế nên người ta có thể làm một bài luận 25 trang chỉ mất có 2 tiếng mà vẫn được điểm A”. Anh này cũng cho biết, khi mới học trường mới ở Mỹ đã chọn học môn đầu tiên ở trường là giới thiệu về Lịch sử Trung Quốc. “Nhưng sau vài tuần mà tôi vẫn chật vật vì rào cản ngôn ngữ, chỉ hiểu được khoảng 70% bài giảng, và không thể nào hiểu tất cả các chi tiết và các từ vựng.”
Rất nhiều sinh viên khi bắt đầu nhập học tại ĐH Delaware đã nghĩ chỉ học chương trình dự bị tiếng Anh trong khoảng vài tháng, nhưng thay vì đó họ đã học cả năm và phải trả 2.850 USD cho mỗi khóa học tiếng Anh kéo dài trong 8 tuần. Edison Ding, một sinh viên Trung Quốc nhớ lại trước khi sang Mỹ đã trả cho công ty tư vấn du học khoảng 3.000 USD để công ty này giúp anh chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến chứng chỉ tiếng Anh như điền hộ đơn và viết hộ bài luận xin học. Nhưng bây giờ anh cũng không nhớ nổi bài luận mà họ viết hộ về chủ đề gì nữa. Khoảng 5% sinh viên không qua được kỳ thi sát hạch và phải trở về Trung Quốc sau thời gian học dự bị tiếng Anh tại Mỹ.
Thị trường mang tính đích ngắm của các đại học Mỹ
Hiệu trưởng ĐH Delaware Patrick T. Harker phản đối quan điểm cho rằng trường mình tuyển sinh viên Trung Quốc vào vì tiền. “Các sinh viên Mỹ từ bang New Jersey được tuyển vào trường cũng mất tiền đấy chứ”, ông nói. “Điều quan trọng chúng tôi thực sự hướng đến ở đây là đa dạng hóa thành phần xuất xứ của sinh viên”. Nhưng đa số sinh viên quốc tế ở Delaware là sinh viên Trung Quốc. Đây là một sự thiên lệch, theo quan điểm của Louis L. Hirsh, giám tuyển của trường. Ông nói Delaware muốn thay đổi điều này, và sẽ nỗ lực đem cơ hội đến với các sinh viên Trung Đông và Nam Mỹ.
Tuy nhiên với những trường muốn nhanh chóng tìm kiếm cơ hội ở thị trường toàn cầu, điểm đến có sức hút nhất chính là Trung Quốc. Trường Oklahoma Christian, năm 2007 từng chỉ có một sinh viên quốc tế duy nhất, nhưng đến năm nay có 250 sinh viên quốc tế trong đó tới một phần tư là sinh viên Trung Quốc. ĐH Ohio năm nay nhận khoảng 2.900 hồ sơ từ sinh viên Trung Quốc cho bậc ĐH. ĐH Mount Holyoke cũng có cả một lớp sinh viên năm thứ nhất chỉ toàn là sinh viên Trung Quốc. Chỉ tính riêng ở một triển lãm giáo dục mùa thu này ở Bắc Kinh do một trường đại học Mỹ đứng ra tổ chức mà đã có đến 30.000 người đến tìm hiểu.
Thị trường lớn và mới nào cũng khó đoán định. Trong khi một số ĐH Mỹ có quan hệ đối tác lâu đời với nhiều trường ĐH Trung Quốc và giữ liên lạc với nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp, phần lớn các trường ĐH Mỹ đều không biết gì về hệ thống các trường phổ thông trung học ở Trung Quốc. Trước kia khi số sinh viên Trung Quốc giỏi ra nước ngoài học còn ít thì các trường ĐH Mỹ đã rất dễ dàng tập trung vào một số ít các trường phổ thông nổi tiếng. Nhưng ngày nay các giáo viên tuyển sinh ĐH Mỹ phải làm quen với hàng ngàn các trường phổ thông khác nhau ở Trung Quốc. Và điều đó là một khó khăn đặc biệt cho những người làm công tác tuyển sinh khi họ chỉ có thể đến tìm hiểu ở Trung Quốc một đến hai lần mỗi năm.
Một số ĐH như Delaware thậm chí đã thuê cả các công ty tư vấn du học để giúp họ tuyển sinh ở các thị trường nước ngoài (điều này bị cấm làm trong nội địa nước Mỹ) và điều này gây ra những tranh luận trong nội bộ Ban Tư vấn Tuyển sinh ĐH Quốc gia Hoa Kỳ(³) vì người ta cho rằng mặc dù các công ty tư vấn đại diện và giúp quảng bá để các ĐH Mỹ thu hút nhiều hồ sơ xin học, nhưng không có gì đảm bảo là các công ty này biết rõ xuất xứ của từng hồ sơ cũng như độ chính xác của từng lớp hay từng bảng điểm. Đối với những người đang làm công việc tuyển sinh này, ai cũng lo ngại vì ĐH Mỹ đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc mà chưa thật sự hiểu thấu đáo về thị trường này.
Không lâu trước đây, Tom Melcher, một chuyên gia giám tuyển của Zinch China, được liên lạc tới bởi một hiệu trưởng một trường đại học lớn ở Mỹ, người đề nghị ông này tìm giúp 250 sinh viên từ Trung Quốc. Khi hỏi tại sao, vị hiệu trưởng này cho biết là do ngân sách quá eo hẹp nên nhà trường cần tăng nguồn thu bằng việc tăng số sinh viên phải trả học phí toàn phần, mà ở Trung Quốc thì không thiếu những sinh viên như vậy.
Đỗ Thu Hương dịch với sự cho phép từ “The Chronicle of Higher Education”, số ra ngày 3/11/2011
---------------
(¹) Chú thích của người dịch: Ở các trường phổ thông Mỹ từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học, mỗi trường thường có một người phụ trách việc tư vấn học sinh bao gồm: tư vấn học thuật, tư vấn nghề nghiệp, tư vấn lựa chọn trường ĐH/CĐ phù hợp và có thể cả tư vấn những thế mạnh hoặc tư chất cá nhân.
(²) ETS - Tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ chuyên cung cấp các dịch vụ thi chuẩn hóa
(³) The National Association for College Admission Counseling
.
.
.
No comments:
Post a Comment