Trần Bình Nam/Radio ĐLSN
Ngày 22.12.2011
Lời dẫn: Năm 2011, thế giới đã trải qua nhiều chuyển biến quan trọng về chính trị, kinh tế cũng như quân sự. Trùm khủng bố Bin Laden cũng như nhà độc tài Gadhafi đã bi tiêu diệt. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã rút hết quân đội ra khỏi Iraq và chuẩn bị rút luôn khỏi Afghanistan, đồng thời có dấu hiệu là Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á.
Để tạo cơ hội cho qúy thính giả nhìn lại tình hình thế giới trong năm qua, chúng tôi mời qúy vị theo dõi cuộc phỏng vấn ông Trần Bình Nam, một nhà bình luận đang được nhiều ngươi mến mộ.
Sơn Tây (ST) : Kính chào ông Trần Binh Nam. Bộ mặt thế giới trong năm 2011 hẳn có nhiếu nét đáng suy nghĩ và quan tâm. Xin ông chia sẻ đôi nét tổng quát về tình hình chung của thế giới năm 2011. Thế giới có an bình thịnh vượng hơn không?
Trần Bình Nam (TBN): Kính chào ký giả Sơn Tây của đài ĐLSN.
Một cách chung chung, về kinh tế thế giới năm 2011 không có gì khích lệ. Cuộc khủng hoảng tín dụng khởi phát cuối năm 2008 tại Hoa Kỳ kéo theo sự suy trầm kinh tế của thế giới đến nay vẫn chưa đi qua. Và các nhà kinh tế vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cuộc khủng hoảng đồng Euro sau 10 năm làm đồng tiền chung cho 17 nước Âu châu đang đe dọa sự tồn tại của đồng Euro và đe dọa chính cả sự tồn tại của Cộng đồng Châu Âu.
Về chính trị ba biến chuyển xẩy ra trong năm 2011 đáng quan tâm là (1) Nổ lực đòi dân chủ của nhân dân các nước Bắc Phi đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại Tunisia, Ai Cập và Lybia. (2) Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq sau 8 năm chiến đấu ở đó và (3) Hoa Kỳ trở lại Tây Thái Bình Dương trước áp lực bành trướng của Trung quốc.
Và hình như, "tôi nhấn mạnh ở hai chữ hình như" vào những tháng cuối năm 2011 này chính quyền Hà Nội bắt đầu làm hiện ra lập trường "đối kháng" với Trung quốc trong việc đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
ST: Một sự kiện đáng để ý là Hoa Kỳ đang triệt thoái quân đội ra khỏi Iraq và chuẩn bị rút lui khỏi Afghanistan. Theo ông, cuộc chiến Iraq có chính đáng không? Và bài học Iraq có giống bài học Việt Nam trước đây không?
TBN: Hãy làm một bản lược kê Hoa kỳ được mất gì trong cuộc chiến Iraq để tìm một câu trả lời cho câu hỏi của ông. Được: (1) Hoa Kỳ duy trì được một chính phủ thân Tây Phương tại Iraq. (2) Hoa Kỳ giữ an toàn không để kho dầu hỏa Trung đông rơi vào tay của khối thù nghịch. (3) Hoa Kỳ giảm thiểu hay triệt tiêu khả năng của một nguồn khủng bố.
Còn Hoa Kỳ mất những gì? (1) Hoa Kỳ đã tiêu tốn hơn 800 tỉ mỹ kim và nợ do chiến tranh gây ra sẽ phải trả dần là 4000 tỉ mỹ kim. (2) Hơn 4.400 binh sĩ tử trận, 32.000 binh sĩ bị thương. (3) Uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới giảm sút do tình trạng nhà tù tại Iraq và tra tấn tù nhân và lý do ngụy tạo để có thể mở chiến tranh.
Với hai bản danh sách "được, thua" trên thì câu trả lời cuộc chiến Iraq có chính đáng không tùy theo ưu tiên của mỗi người. Riêng tôi tôi thấy cái giá phải trả quá cao với những gì thu được.
Những cái được đó rất cần cho nền an ninh của Hoa Kỳ, nhưng có thể đạt được bằng một cách rẻ tiền và ít tổn phí nhân mạng hơn. Nói về tổn thất nhân mạng trong bản kê trên tôi chưa nói đến hơn 110 .000 người dân Iraq đã chết vì chiến tranh.
Còn so sánh với cuộc chiến Việt Nam thì tôi nghĩ hai cuộc chiến khác nhau về mục tiêu, kết quả cũng như tổn thất. Nhưng giới hạn của buổi phóng vấn này không cho chúng ta đi vào sâu hơn được .
ST: Hiện nay có những dấu hiệu chứng tỏ Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á. Theo ông, động lực nào thúc đẩy Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á? Sự trở lại của người Mỹ có giúp đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không?
TBN: Động lực Hoa Kỳ trở lại Tây Thái Bình Dương là sự tranh chấp thế siêu cường với Trung quốc. Nỗ lực của Trung quốc và được đẩy mạnh trong 10 năm qua là thay thế Hoa Kỳ như là một siêu cường trong thế kỷ 21, và họ đã chọn Biển Đông và vòng đai bao ngoài bao ngòai Đài Loan và Phi Luật Tân làm nơi xuất quân. Hoa Kỳ trở lại Tây Thái bình Dương để đón hay chận cuộc xuất quân của Trung quốc.
Quyết định chiến lược này của Hoa Kỳ chắc chắn ảnh hưởng đến thái độ của các nước trong vùng Đông Á . Sự thay đổi thái độ của chính quyền độc tài Miến Điện chúng ta đã thấy như cởi mở chính trị, thiết lập chế độ dân sự, trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, chấp nhận tư thế đối lập của bà Aung San suu Kyi ...
Riêng Việt Nam có nhân cơ hội này để nới bớt chính sách độc tài mở đường dân chủ hóa đất nước hay không còn tùy thuộc vào các bước đi của Trung quốc, của Hoa Kỳ, và sự khôn ngoan tính toán nhìn xa hay không biết nhìn xa của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội và sức mạnh của sự đòi hỏi của nhân dân. Theo tôi lúc này là lúc tốt nhất để dân chủ hóa đất nước để có đủ nội lực đáp ứng mối nguy từ phương Bắc.
ST: Hiện nay, mùa xuân Ả Rập đang là một hấp lực đối với các dân tộc còn bị kềm kẹp trong các chế độ độc tài chuyên chế. Theo ông, những diễn biến tại Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam có báo hiệu một mùa xuân Đông Nam Á không?
TBN: Thưa ông Sơn Tây, mùa Xuân A Rập nhìn có đẹp, nhưng màu lá xanh tươi của nó thì còn phải chờ. Các diễn biến dân chủ ở đó càng lúc càng phức tạp như chúng ta đang chứng kiến tại Ai Cập.
Và tôi không tin mùa Xuân A Rập có ảnh hưởng gì đến những diễn biến tại Myanmar, Việt Nam hay Trung Quốc. Sẽ không có mùa Xuân Á châu như chúng ta hiểu nghĩa nhóm chữ "Mùa Xuân A Rập"
Sự chọn con đường dân chủ cởi mở tại Miến Điện và nếu có chính sách cởi mở gì tại Việt Nam là do sức ép của Trung quốc và sự trở lại của Hoa Kỳ.
Còn Trung quốc thì họ đã có con đường đi của họ.
ST: Vào cuối năm có 2 cái chết thế giới quan tâm. Bên trời Tây là Vaclav Havel & bên trời Đông là Kim Chính Nhật. Ông có cảm tưởng thế nào về hai cái chết đó?
TBN: Hai cái chết của hai nhân vật một bên trời Tây, một bên trời Đông thật khác xa nhau như mặt trăng và mặt trời. Bên Tây Vaclav Havel của Tiệp Khắc là một người yêu thương đồng bào và nhân lọai. Ông lãnh đạo thành công công cuộc cách mạng nhung" năm 1989 cởi bỏ chế độ độc tài cộng sản nặng nề ra khỏi lưng của nhân dân Tiệp Khắc và trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc không cộng sản . Châm ngôn tranh đấu của cuộc đời làm chính trị của ông là "Sự thật và tình thương sẽ thắng sự dối trá và hận thù". Nhân dân hai nước Tiệp và Slovakia và toàn thế giới thương tiếc ông.
Bên trời Đông, Kim Chính Nhật Chủ Tịch Bắc Hàn chết hôm Thứ Bảy tại Bình Nhưỡng làm. Cái chết của ông ta mang lại nhiều lo âu cho thế giới hơn là tiếc thương. Cái đập vào mắt của thế giới là những cảnh khóc sướt mướt không có nước mắt của nhân dân Bắc Hàn ngoài đường phố, của viên chức lớn và các tướng lãnh trước quan tài của ông. Người ta tự hỏi cái gì có thể làm cho cả một nước 24 triệu dân sợ hải và giả dối một cách xuống cấp đến như vậy.
Về tình hình chung thế giới lo âu mặc dù người kế vị là Kim Yong Un đã được chuẩn bị và được phong hàm đại tướng, nhưng chưa quá tuổi 30 và Bắc hàn là một nước có vũ khí nguyên tử và từng dùng vũ khí đó đe dọa thế giới. Tuy nhiên thế giới cũng không tỏ vẻ hoãng hốt, ngoại trù quân đội Nam Hàn, và 30.000 binh sĩ Hoa Kỳ đóng dọc biên giới Nam Bắc Hàn đă.t trong tình trạng báo động. Hoa Kỳ tin rằng bộ máy lãnh đạo của đang Cộng sản Bắc Hàn với sự cố vấn của Trung quốc sẽ không để cho có gì đáng tiếc xẩy trong thời gian chuyển tiếp quyền hành. Nhưng cái chết của Kim Chính Nhật sẽ làm cho bộ mặt của Bắc Hàn thay đổi, và thay đổi như thế nào có thể sẽ lệ thuộc nhiều vào thái độ của Trung quốc muốn vùng Đông Á ổn định hay dùng Bắc Hàn để làm con bài trao đổi với thế giới Tây Phương.
.
.
.
No comments:
Post a Comment