Saturday, December 10, 2011

RA MẮT SÁCH "ĐI MỸ" của NHÀ VĂN TRẦN YÊN HÒA (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt
Thursday, December 08, 2011 5:55:51

WESTMINSTER (NV) - Chiều Chủ Nhật tuần này, 11 Tháng Mười Hai, nhà văn Trần Yên Hòa sẽ ra mắt truyện dài “Ði Mỹ” tại hội trường Việt Herald, trên đường Moran, Westminster.

Chuyện “Ði Mỹ” của những người tù cải tạo, sau hàng chục năm trời trong “đáy địa ngục” như cuốn sách của Tạ Tỵ viết, là cả một biến cố lớn tưởng như không bao giờ có sau cuộc đổi đời 30 Tháng Tư, 1975 đối với quân cán chính VNCH. Biết bao nhiêu hoàn cảnh dở khóc dở cười cũng như biết bao nhiêu gian truân, khổ nhục đã đến với người cựu tù cải tạo, từ khi còn là những tin đồn cho tới khi có lệnh nhận đơn từ quận lên đến Nguyễn Du qua Nguyễn Trãi, ở Hàng Bài, Hà Nội,... kéo dài cả chục năm trời.

“Ði Mỹ” với nhà văn Trần Yên Hòa là một số góc cạnh của những cựu tù cải tạo trong biến cố này. Gần 300 trang sách, tác giả nhũn nhặn gửi độc giả trước khi vào chuyện: “Chuyện dài đi Mỹ thì có cả trăm hình vạn trạng. Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Ở đây tôi chỉ ghi lại một vài chuyện nhỏ trong muôn hình vạn trạng kia thôi. Dĩ nhiên là hư cấu.”

Hư cấu ở đây vì tác giả dùng hình thức tiểu thuyết để viết về một sự kiện lịch sử diễn ra trong cuộc sống của người dân Việt sau cuộc đổi đời trắng thành đen mà đen thành trắng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam kể cả Bắc lẫn Nam. Thực ra sự hư cấu đó hoàn toàn dựa trên thực tế, trên cuộc đời của những người có thật mà phần lớn còn sống tại hải ngoại. Thực tế vì “biến cố” ấy đã làm xao động cả một xã hội tưởng như đã chìm khuất trong “đáy địa ngục.”

Không phải chuyện “Ði Mỹ” chỉ liên quan đến người cựu tù mà nó còn liên quan đến hầu khắp mọi người mọi giới, mọi tôn giáo, mọi thành phần kể cả những thành phần đang là đảng viên của đảng đang cầm quyền.

“Ði Mỹ” trước hết là đổi đời cho người cựu tù, kế đến là vợ con họ, là thân quyến họ, là những người yêu, hôn phu, hôn thê của lớp con cái, là những cán bộ từ khóm phường qua quận huyện lên đến thành phố sang Nguyễn Du (nơi tập trung đơn xin đi Mỹ để chuyển lên Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội) và song song là Nguyễn Trãi (nơi các cán bộ ngoại vụ làm dịch vụ, tức làm tiền cho xuất cảnh), là những người môi giới nhà cửa đất đai, v.v...

Hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH sau 30 Tháng Tư, 1975 bị nhà cầm quyền cộng sản lùa vào tù hết, từ gian manh lập lờ qua hai cái Thông Cáo Học Tập Cải Tạo cho đến bắt bớ vô tội vạ những người có ít nhiều dính đến chế độ cũ, thậm chí có người không liên quan gì đến chế độ cũ nhưng bị bọn “cách mạng 30 Tháng Tư” vu oan cũng phải lên đường “học tập!” Chỉ có một số rất ít là được về sớm trước ba năm do là “gia đình cách mạng” hay do chạy được đúng chỗ... Còn lại phần lớn đều có trung bình từ năm đến bẩy năm tù cải tạo. Một số không nhỏ bóc tới hơn 10 cuốn lịch mà nếu không có được sự can thiệp của Hoa Kỳ thì có lẽ còn “mút chỉ” nữa.

Với số lượng ấy, sự thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cho đi định cư tại Mỹ quả đã là biến cố lớn làm rung chuyển cuộc sống của hầu hết mọi người đang phải sống trong vô vọng.

Nhắc lại chuyện cũ, nhà văn Trần Yên Hòa không phải muốn khơi sâu nỗi hận thù mà như ông viết trong lời “Mở” của cuốn sách rằng, “Ngày Ấy với Hôm Nay đã lâu lắm rồi. Ngày ấy là những ngày, những tháng, những năm của thế kỷ trước. Nói thì lâu lắc lắm vậy, nhưng thật ra, cũng chỉ mười chín, hai mươi năm thôi. Hôm nay, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi vẫn thấy lòng mình có một nỗi chua xót, đắng cay, bàng hoàng, xúc động.”

Ðọc đến đây, chắc hẳn có không ít những người cựu tù, có người đã xênh xang áo mão trở về, nhớ về những ngày, những tháng những năm ấy. Có những chuyện khóc cười muôn vẻ. Như một cựu tù khi trở về thấy mình tay không thật sự, không vợ, không con, không nhà không cửa, không một đồng xu dính túi đành phải làm bất cứ một nghề hèn mạt nào để có được miếng ăn, bỗng có tin “đi Mỹ” thì được ngay một “mệnh phụ” thời đại tiếp rước về làm chồng, sắm cho xe Cub Dream II “để anh đi chạy giấy tờ cùng em.”

Nhưng bỗng nhiên chuyện ra đi khựng lại vì nhà nước giở trò đòi hơn thiệt với Hoa Kỳ nên việc ra đi của cựu tù phải hoãn lại. Chuyện hoãn lại trong chế độ Cộng Sản được hiểu là khó thể có lại nên “mệnh phụ” một sớm một chiều đổi ý, đòi lại chiếc xe và nhẹ nhàng mời anh ra khỏi nhà!!!

Ðó là một chuyện dở khóc dở cười có thật. Một chuyện khác, khi tin ra đi của người tù cải tạo được chính thức thi hành, một người tù thất lạc mất hai con trên đường di tản trên Tỉnh Lộ 7 bỗng được một gia đình cán bộ cấp thành phố làm thân, gửi gấm hai con của ông cho nhập hộ khẩu của người tù cải tạo này, mọi chuyện giấy tờ ông ta lo hết kể cả 10 cây vàng cho người tù làm vốn khi tới xứ người.

Còn không biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười với người cựu tù cải tạo khi được Mỹ nhận cho định cư. Có người đã nắm được giấy xuất cảnh từ Bộ Nội Vụ gửi về, ấy thế mà vẫn chưa đi được chỉ vì nhất định không nhận công tác của một cơ quan thuộc cơ quan bảo vệ chính trị thành phố gửi gấm hay người cựu tù nhất định không làm giấy hiến dâng căn nhà 3 tầng bị nhà nước tịch thu từ “ngày trình diện.”

Ðúng như tác giả Trần Yên Hòa viết: “Mỗi người, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, một trường hợp,” không ai giống ai, khóc cười đủ mọi vẻ mà trong suốt lịch sử dân tộc Việt Nam có lẽ chưa bao giờ diễn ra như thế.

Ấy là bởi vì, sau 30 Tháng Tư, 1975 thì “cái cột đèn mà biết đi thì nó cũng đi” nên già trẻ lớn bé được nếm mùi cộng sản vài năm rồi mới khao khát chuyện ra đi như thế. Niềm khao khát ấy không chỉ là người dân từng sống trong thời VNCH mà cả người dân miền Bắc đã phải chịu đựng trong chế độ Cộng Sản trước đó hàng mấy chục năm trời. Cái lạ là ngay cả những đảng viên cao cấp trong đảng, trong chính quyền cũng khao khát cho con cái được ra đi.

Trần Yên Hòa ra mắt sách “Ði Mỹ,” ông đã không chỉ viết tiểu thuyết để đọc chơi thay vì xênh xang áo mão về làng mà Trần Yên Hòa đã viết sử, viết về một giai đoạn lịch sử dân tộc bằng chính cuộc sống của dân tộc.
Quý bạn đọc muốn có “Ði Mỹ” xin liên lạc: (714) 360-7356 hay email: tran hao47@yahoo.com. Giá mỗi cuốn $20.

––
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

.
.
.

No comments: