Sunday, December 18, 2011

ĐỌC SÁCH CHUYỆN LÀNG NGÀY ẤY CỦA VÕ VĂN TRỰC [6/6] - (Mọt Sách)



Mọt Sách
Sunday, December 18, 2011

Xây dựng nhà thờ đại tôn

Thời gian như nước chảy mây trôi; những “cơn điên” của lịch sử rồi cũng qua đi - nông dân và địa chủ, quốc gia và cộng sản, dân đen và cán

Và tới một ngày đại biểu của hai trào lưu đối nghịch cách mạng và phản cách mạng cũng phải trình diện trước bàn thờ lịch sử: bác Chắt Kế, đại biểu cách mạng và ông hàn Hạp, tri huyện cũ, đại biểu phản cách mạng.

Bác Chắt Kế đã từng giữ vị trí cao trong Đảng và Nhà nước: Ủy viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban kháng chiến tỉnh, trường ban thanh tra tỉnh ủy”, ấy thế mà “ngày nghỉ hưu, bác Chắt Kế đi xe đạp về làng báo tin cho con cháu biết từ nay bác đã được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Thế thôi, thật đơn giản. Bác sống trong gian nhà gianh nhỏ bé như những lão nông khác. Nghĩ đến quá trình hoạt động của bác, tỉnh trích ra một số tiền giao cho xã xây lại ngôi nhà to hơn nhà cũ một ít...”

Nhưng ông hàn Hạp, tri huyện cũ về hưu lại hoàn toàn toàn khác:
Ngày về hưu, ông hàn Hạp được bà con họ hàng ra tận đường quốc lộ khiêng giùm hàng chục hòm của cải và tiền bạc. Ông xây một tòa thành rộng chừng hơn nửa mẫu ruộng, trong vòng thành được dựng lên ba dẫy nhà ngói. Thành lởm chởm mảnh chai, cổng ngăn uy nghi. Một bầy chó giữ nhà. Chẳng mấy ai lai vãng vào đó...”

Cảnh về hưu của hai con người “đối nghịch” hoàn toàn khác nhau, người cộng sản thì tay trắng, chẳng có ma nào ra đón, nghèo cả vật chất lẫn tình cảm của người dân; ông phong kiến về hưu thì của cải đầy đường, dân tình đổ ra đường đi đón, mang vác giúp.

Hai hình ảnh quả thật có độ tương phản quá cao. Ngụ ý của tác giả về nhân quả kể đã rõ, gieo nhân nào gặt quả đó. Tuy nhiên đó là chuyện ngày xưa, cái cảnh về hưu của người cộng sản như bác Chắt Kế đã lùi quá xa vào dĩ vãng.

Những Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy ngày nay khi “hạ cánh an toàn” chắc chắn đã sửa soạn xong cho mình một gia tài mà ngày xưa một quan đại thần dẫu có ăn của đút cả đời cũng chẳng với tới.
“Một mo cơm nắm, một quả cà và một tấm lòng cộng sản...”, bác Chắt Kế có lẽ là người sống đúng theo chuẩn mực này, không tiện nghi hưởng thụ:
Chiều chiều, bác Chắt Kế đeo kính, chống gậy, dạo chơi trên đường làng, rẽ vào các gia đình thăm hỏi và trò chuyện. Chiều nào cũng vậy, chiều này qua chiều khác... tẻ nhạt...”

Lúc này bác Chắt Kế mới có dịp nhìn lại những gì mà những người cộng sản như bác đã mang lại cho làng xóm:
So với thời trai trẻ, rời quê hương, dấn thân vào con đường cách mạng, làng xóm bây giờ vẫn nghèo như thế, vẫn lụt lội mất mùa, vẫn chạy vạy giữa ngày ba tháng tám, vẫn có người đi ăn xin. Phong cảnh lại tiêu điều hơn trước: đình chùa phá sạch, cây cổ thụ bị triệt hạ, các nhà thờ họ cũng bị dỡ bán. Hội tuồng hội chèo tiêu tan, các ngày hội truyền thống bị phế bỏ...”

Làm cách mạng là để dân giàu nước mạnh chứ gây cho làng thôn tiêu điều xác xơ như vậy thì làm cách mạng làm gì? Ấy vậy mà tuyệt nhiên không thấy bác Chắt Kế có đôi chút ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình đã gây ra cho xóm làng. Lạ thay sự “cắn rứt lương tâm” dường như hoàn toàn xa lạ với những người như bác Chắt Kế. Đứng trước thảm trạng do chính mình đã gây ra cho xóm làng, bác ta chỉ thấy... thất vọng! Rồi thôi!

Khi nằm trong xà lim tối tăm, khi sống dưới nanh vuốt giặc hung dữ, lòng bác cháy bùng lên nỗi khao khát một cuộc sống huy hoàng; mà hiện tại, được tự do đứng giữa đất rộng trời cao tràn ngập ánh sáng, nỗi khao khát ấy lại tắt ngấm trong lòng bác...”

Tại sao nằm trong ngục tù thì vẫn nóng bỏng khát vọng tới khi được tự do giữa trời đất bác lại tắt ngấm nỗi khát sống? Đó là vì mặc dầu đã hết gông xiềng, trở về với đời thường nhưng bác Chắt Kế đã về hưu, chẳng còn nạt nộ, quát tháo, chỉ đạo, lãnh đạo được ai. Những người cộng sản như bác Chắt Kế, quyền lực là máu là thịt, một khi mất nó, khác nào cây khô mất nước, thì dù có đang sống cũng như là chết rồi. Phải chăng đó là tâm trạng chung của thế hệ “lão thành cách mạng” đã về nghỉ hưu như bác, dĩ nhiên trừ một số ít, rất ít có thể đếm trên đầu ngón tay, họ đã và đang còn muốn khơi bùng dậy ngọn lửa của tự do, muốn sống một đời đáng sống.

Nhiều hôm, bác thích đi chơi một mình vào lúc hoàng hôn. Một mình, một gậy, một tâm trạng... Chính cây phượng trước cửa nhà thờ, bác đã treo ngọn cờ khởi nghĩa rồi kéo đoàn người biểu tình đi cắm cờ khắp các làng khác trong huyện. Cũng từ ngày ấy, từ cây phượng này, từ ngôi nhà thờ đại tôn này, khởi sự cho bao nhiêu biến động trong làng: những cuộc đời tối tăm được hồ hởi nhận ánh sáng rồi lại đành phải quay về nhận một thứ bóng tối khác không kém phần ê ẩm và dai dẳng...”

Cái thứ bóng tối khác không kém phần ê ẩm và dai dẳng này chính là sự toàn trị của Đảng áp đặt lên đầu lên cổ người dân. Nhà văn Võ Văn Trực quả thật rất can đảm vạch trần và nói thẳng ra cái vòng luẩn quẩn này: “cứ tưởng cách mạng sẽ giải phóng con người ra khỏi chỗ tối tăm ngờ đâu lại đẩy họ vào nơi còn tăm tối kinh hoàng hơn” - đó cũng là cái vòng luẩn quẩn của người cộng sản như Chắt Kế:
Hơn nửa đời vào sinh ra tử, kiên nhẫn, dũng cảm, phá phách, sáng tạo, mong đem lại cho dân làng và cho dân tộc một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng rồi lại quẩn quanh trở về với điểm cũ, điểm xuất phát mà cái điểm ấy cũng không còn nguyên vẹn nữa. Chua chát vô chừng...”

Đây là một lời tổng kết ngắn gọn và đúng nhất về cuộc đời người cách mạng, mọi hy sinh, nỗ lực của họ rốt cuộc đã mang lại cái gì cho dân làng, cho đất nước, cho quê hương, dân tộc?

Cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” là 15 triệu mạng người, cái giá phải trả cho cái gọi là “độc lập” hiện nay là sự băng hoại toàn diện về đạo đức, sự đảo lộn mọi chuẩn mực, là sự phân hóa xã hội theo hai cực giàu nghèo và động lực của nó chính là sự ăn cắp, tham nhũng. “Chua chát vô chừng...”

Tiếc thay cái nỗi chua chát này mới chỉ có một mình bác Chắt Kế và một thiểu số rất ít những người đã đi làm cách mạng nhận ra. Còn tuyệt đại đa số những người khác thì cho đến nay vẫn còn giương giương tự đắc, vẫn còn ngộ nhận vai trò cứu tinh dân tộc của mình, ngày này qua ngày khác vẫn vơ vào mình mọi thành tích, mọi đức tính tốt đẹp, vẫn tự ca ngợi mình không ngưng không nghỉ, không tiếc ngôn từ, huênh hoang không còn biết đâu là giới hạn.

Cả cuộc đời đi làm cách mạng, “bác Chắt Kế là người triệt phá đến cùng mọi điều bác cho là ‘mê tín dị đoan’, bây giờ hầu như bác cũng muốn chứng nghiệm lại...”

Vừa như muốn “chứng nghiệm lại” vừa như muốn tạ lỗi với tổ tiên, bác Chắt Kế tích cực vận động bà con trong làng xây lại nhà thờ đại tôn. Ngày xưa thì phá đi, nay xây lại, nhà còn xây được chứ bao nhiêu bia đá và tượng thờ “đức tổ Triệu Cơ và những người giúp tổ dựng nghiệp đều đã bị đập phá tan tành từ mấy năm trước. Cái thì bị đem nung vôi. Cái thì đem bắc cầu. Cái thì kê làm đá tảng...”.

Nhà thờ xây xong, không bia không tượng, “các cụ tổ chức rước tổ mới buồn tẻ làm sao. Không chiêng, không trống. Không lọng, không quạt. Chỉ có bác Chắt Kế với bốn cụ già, một thanh niên cầm bài vị, một thanh niên cầm bát hương đi sau cùng là tôi...”

Đám rước tổ bây giờ làm ai cũng nuối tiếc cảnh hội hè linh đình ngày xưa, nhưng không ai nỡ nói ra mồm. “Lúc này ngán ngẩm quá. Mọi rường mối đã đứt bung. Mọi quan hệ họ hàng ruột thịt bị rạn nứt. Mọi dòng họ bị ly tán. Khó mà phục hồi lại được. Chỉ nói một điều đơn giản, mười tám nhà thờ họ trong làng đã dỡ bán sạch sành sanh, không còn nơi để con cháu sum họp, để hương khói thờ phụng...”

Những di sản của tổ tiên để lại cho con cháu là như vậy đó, phá đi thì rất dễ, xây lại mới khó và có khi mất đi rồi không bao giờ còn xây lại được nữa...

Thăm nghĩa địa

Theo tác giả, nghĩa địa đối với người Việt Nam là:
“Tất cả những gì linh thiêng nhất của quê hương bản quán, tất cả những gì thuộc về hương sử, tất cả những gì tự ngàn xưa mà ta có thể chắt lọc được để rồi ủ vào tâm hồn ta cái tinh chất nhất của bản thể, vậy mà trong cái nghĩa địa của làng quê, mộ tổ tiên không còn nữa, mộ cha thì ‘đã hòa chung vào hàng trăm bộ hài cốt khác từ mười năm trước’, còn mẹ “sau khi đoạn tang, làm lễ cải táng cho mẹ, mẹ phải chịu số kiếp nằm vào cái huyệt chôn chung; gia đình chôn xuống một cọc tre rất sâu bên mộ để làm dấu, kẻ vô lại nào đó đã nhổ mất cọc và bây giờ khó xác định vị trí ngôi mộ của mẹ”.

Là người con tha hương ra Hà Nội sinh sống, tác giả không khỏi canh cánh bên lòng về mồ mả ông cha, nhất là “ở Hà Nội, vợ tôi đi xem tử vi cho con trai, nói với tôi rằng: “Thằng con của chị mất mộ ông bà, nếu không tìm lại được e có điều không may cho gia đình chị và gia đình cháu sau này”.

Chính vì vậy, chín năm sau ngày mẹ mất, tác giả đã trở về quê thăm nghĩa địa. Trước hết ông tâm sự “tôi sợ lên nghĩa địa ban ngày, không nhìn thấy ngôi mộ cụ thể thì đau lòng lắm. Chẳng thà lên ban đêm, nhập nhòa với đất với cỏ, còn đỡ bớt tủi bớt đau phần nào chăng”.

Vậy là tác giả thăm nghĩa địa vào ban đêm và cầm một bó hương rất to để “giả sử không tìm thấy mộ mẹ, tôi sẽ thắp hương khắp cả nghĩa địa. Như vậy có nghĩa là tôi vẫn thấp thỏm hy vọng tìm ra mồ mẹ mồ cha”.

Một nguyên cớ đi nghĩa địa vào ban đêm nữa là “đi ban ngày tôi sẽ thấy lồ lộ những hình thù quỷ quái của những ngôi mộ chôn chung: mộ hình khẩu súng lục, mộ hình khẩu súng trường, mộ nhọn như mũi chông, mộ bằng như cái nong...”. Những ngôi mộ mà một nhóm trai làng vô tôn giáo, vô thần thánh đã sáng tạo ra như là lũ quỷ sứ dưới địa ngục nhồi nặn các tội nhân thành dị dạng...

Vậy là giữa ban đêm, tác giả lần mò trong nghĩa địa thầm kêu “Cha ơi, cha ở nơi nào? Mẹ ơi, mẹ ở nơi nào? Ông nội ơi, ông ở nơi nào? Bà nội ơi, bà ở nơi nào? Anh trai tôi ơi, anh ở nơi nào? Hãy xin một thoáng hiện hình, hãy xin một thoáng gió thổi, hãy xin một rung rinh ngọn cỏ để chứng nghiệm: người xưa đã trở về...”

Tuy nhiên, không một linh nghiệm nào hiển hiện cho tác giả, ông đành phải theo chân người bạn cũ trong làng tên là Bá “đi hết góc này tới góc khác” để tìm mộ người thân. “Tôi như một cái máy, bước theo Bá không định hướng. Khu nghĩa địa hẹp thôi mà lúc này sao mênh mông thế? Dưới chân tôi là hàng trăm hàng ngàn bộ hài cốt, là bao nhiêu thế hệ dồn nén lại, là hàng bao nhiêu số phận chen chúc nhau, trong đó linh hồn bố mẹ tôi phiêu dạt, hài cốt bố mẹ tôi phiêu dạt giữa cõi mênh mông...”

Chưa tìm được mộ cha mẹ và người thân, tác giả chưa chịu tuyệt vọng, cứ nhắm mắt, chắp tay khấn: “...con không tìm được mồ bố mồ mẹ. Lỗi này của con thật quá lớn, mong bố mẹ xá cho. Nếu hồn bố mẹ linh thiêng thì xin cho cháy bùng nén hương cắm nơi bố mẹ nằm để sáng mai con sửa mộ...”

Tác giả khấn xong rồi chờ đợi mà chẳng có nén hương nào cháy thành ngọn lửa. Ông lại khấn lần nữa và lại chờ đợi. “Nếu có một nén hương cháy bùng lên thật. Tôi sẽ sung sướng biết chừng nào, tôi sẽ nằm lăn ra trên cỏ để ôm lấy mảnh đất và tưởng tượng hình hài cha tôi, mẹ tôi đang nằm dưới đó...”. Nhưng rồi sau cùng, không một nén hương nào cháy lên thành lửa để chỉ cho ông nơi chôn cha, nơi chôn mẹ, ông đành phải “nhắm mắt để ảo giác sẽ đem đến cho tôi gương mặt khắc khổ và nhân hậu của cha mẹ” và rồi không biết cha mẹ nằm đâu, ông đành chắp tay vái lậy cả bốn hướng. Lúc này ông mới lên tiếng kết tội:
Chúng nó đào mộ tổ. Chúng nó quật hài cốt ông bà, tiền nhân. Chúng nó đào huyệt chôn chung hàng ngàn số phận con người.”

“Chúng nó” là ai, nhà văn Võ Văn Trực không dám nói ra. Tội lỗi tày trời vậy phải trừng phạt “chúng nó” như thế nào, ông cũng không dám động tới.

Vậy thì người đọc đành phải hiểu ngầm “chúng nó” là những người như “bác Chắt Kế”, những người cộng sản một thời đã nã đại bác vào quá khứ. Cho dù ngày nay người ta ra sức phục hồi lại chùa chiền, lễ hội, luôn miệng kêu gào “trở về cội nguồn dân tộc” nhưng những cuộc “đào mộ tổ tiên, xóa bỏ tập tục”, “vận động đấu tố” đã góp phần tạo nên một băng hoại tinh thần, một cuộc đảo lộn các giá trị khiến cho toàn xã hội ngày càng mất đi tính nhân văn, con người ngày càng trở nên những cá nhân ích kỷ, thèm khát vật chất và thấp kém về mặt tinh thần.

Mấy lời tâm sự của tác giả

Đóng lại “Chuyện Làng Ngày Ấy”, nhà văn Võ Văn Trực có đôi lời tâm sự:
Khi mới bắt đầu tập viết văn làm thơ, tôi đã có ý định viết cuốn sách này. Ý nghĩ đó nung nấu trong người tôi dọc năm tháng học tập, công tác và sáng tác. Nhiều lúc định bắt tay vào viết, tôi cố nén lại và tự bảo: “Ðể đến lúc về hưu hãy viết, thời gian càng lùi xa, nhìn trở lại càng đánh giá chính xác hơn các hiện tượng và vấn đề”. Nhưng những năm gần đây, mỗi lần về quê hoặc mỗi lần gặp người làng trên các nẻo đường đất nước, tôi lại thấy bồn chồn, sốt ruột, một cái gì từ bề sâu thăm thẳm cứ trồi lên, dào lên và thôi thúc tôi phải viết - phải viết, không thể chậm trễ được nữa! Thế là ngay sau Tết Canh Ngọ, đúng tối mồng tám tháng Giêng (giỗ mẹ), tôi bắt đầu viết.

Ðây là chuyện làng xóm, gia tộc, gia đình xẩy ra sau những năm cách mạng tháng Tám. Tôi ghi lại một cách trung thực những điều tôi nghe, tôi thấy, tôi biết.

Những tên đất hoàn toàn là những địa chỉ có thật, tôi không bịa thêm hoặc không đổi tên một địa phương nào cả. Còn tên người, hầu hết tôi giữ nguyên, chỉ xin mạn phép thay vài ba tên. Chương V tức là chương Ðám cưới o Thèo anh Mẫn, vì có nhiều đám cưới tương tự, không thể miêu tả một đám cưới cụ thể nào, cho nên tôi phải đặt ra hai cái tên Thèo và Mẫn. Chương XIII tức là chương Ðấu tranh chính trị, tôi thay một số tên người: Khang, Ðẹt, Hinh, Biều... vì cháu con họ còn đó, sợ giữ tên thật e có điều gì bất lợi trong quan hệ tình cảm thôn xóm về lâu dài.

Viết lại chuyện cũ, tôi hoàn toàn không có ý đồ xấu xa moi móc những sai lầm chúng ta đã vấp phải, để rồi đổ lỗi cho người này hoặc người kia, mà cốt để chúng ta đừng lập lại những sai lầm ấy - “Chúng ta” không có nghĩa chỉ là thế hệ được chứng kiến sai lầm, mà tất cả mọi thế hệ mai sau.

Từ sau đại hội Ðảng lần thứ VI, nhất là từ sau nghị quyết IV về văn hóa - xã hội của ban chấp hành trung ương Ðảng khóa VII, chúng ta thẳng thắn nhìn vào những sai lầm cũ và đề xuất phương hướng đi tới. Mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phục hồi. Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. Nhưng tình làng nghĩa xóm đã dần dần được hàn gắn, mọi người lại sống trong một cộng đồng đầm ấm, cùng bắt tay khôi phục những gì còn có thể khôi phục được. Các chi họ, các dòng họ đã sửa sang lại khu mộ của tiền nhân. Ðảng ủy xã, ủy ban nhân dân xã đã xây đài tưởng niệm liệt sĩ. Hài cốt bác Chắt Kế được rước vào nghĩa trang huyện. Con cháu của bác được nhận ngôi nhà tình nghĩa...

Tôi xin dâng bạn đọc cuốn sách nhỏ này bằng hai bàn tay chân tình của tôi. Xin bạn hãy xem mọi điều tôi viết trong đó như những lời tâm sự tha thiết: chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xóa sạch mọi sai lầm ấu trĩ, cùng vun trồng nền văn hóa Việt Nam hiện đại được bắt rễ sâu trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc.

Võ Văn Trực

Vì sao cuốn sách mang nguyện vọng đẹp đẽ vậy lại bị cấm xuất hiện ở trong nước? Đó là vì nó giản dị và chân thực và chính vì “giản dị và chân thực” nên giá trị tố cáo của nó mạnh mẽ không thua gì thuốc nổ làm vỡ tung mọi bưng bít, che giấu, gây nhiễu và cả ngụy tạo về một thời kỳ lịch sử vừa mới qua đây thôi, hãy còn nóng hổi tính thời sự. Xin hãy đọc và lan truyền nó.

Mọt Sách
26-4-05

.
.
.


No comments: