Wednesday, December 7, 2011

ĐỌC "LỮNG THỮNG GIỮA ĐỜI" của LÊ THIỆP (Trịnh Bình An)



05-12-2011

Lững Thững Giữa Đời là cuốn hồi kỳ thứ ba của Lê Thiệp, sau Hồi Ký Đỗ Lệnh DũngChân Ướt Chân Ráo, tôi chưa được đọc hai cuốn này, chỉ có trên tay cuốn mới nhất.

Cảm giác đầu tiên là buồn cười, một doanh nhân thành công như Lê Thiệp mà nói chuyện “lững thững” thì tréo ngoe quá. Nhiều năm nay, Lê Thiệp nổi tiếng là một ông chủ tiệm phở thành công. Hệ thống Phở 75 nghe đâu đã vươn ra tận Hàn Quốc, còn tiệm phở trên đường Arlington Blvd. VA thì khách đứng xắp hàng rồng rắn dù gần đó cũng có 2 tiệm phở khác. Ở xứ Mỹ này, muốn giữ khách hàng là chuyện không dễ vì luôn luôn có kẻ muốn giành lấy người khách đó, vì thế, khi chưa có khách thì người chủ bận rộn một, nhưng khi đã có khách rồi, người chủ đến hai ba. Vậy lấy đâu ra lúc mà lững với thững?

Giở sách đọc, tôi hiểu ra tại sao quán phở của Lê Thiệp thành công, bởi vì Lê Thiệp có cái nhìn sắc bén và nhớ lại được từng chi tiết tỉ mỉ về các món ông đã ăn qua. Một đoạn Lê Thiệp tả cảnh người bạn làm món ve sầu rang vàng trong bài “Kim Thiền Thoát Xác”.
Ông đứng dậy bê thẩu đựng ve đổi lại vào cái rổ con, và sau đó xả nước lạnh.
Để lâu quá e nước mắm nó ngấm mặn.
Ve trắng tinh được để cho ráo rồi ông cẩn thận trải mớ ve trên mấy tờ giấy Bounty để thấm cho thật khô.
Thế người Mỹ họ nấu ve sầu kiểu nào vậy, ông có biết không? Tôi nghe họ deep fry giống như gà chiên Fried Chicken của ông Colonel gì đó, phải không?
Ông lấy một lát bơ bỏ vào chảo bắc lên bếp và vặn lửa nhỏ. Ông bảo chiên khác, rang khác. Chiên là phải ngập dầu, ngập bơ và lửa lớn. Còn rang là lửa phải nhỏ và bơ chỉ loáng thoáng thấy vị. Khi bơ đã tan và hơi có bọt li ti, ông trút cả mớ ve vào, nhanh tay đảo.
Trong món ăn có món dễ ăn, món khó ăn. Một món dễ ăn phải có đủ các vị chính ngọt, mặn, bùi, béo, thơm; sau đó, có những mùi phụ mà khách có thể tùy ý thêm vào như cay, chua, chát, đắng; Điều cần nhất là món ăn không được quá gắt, quá nồng, quá lạ miệng,… đòi hỏi người ăn phải ăn nhiều lần mới quen.

Trong văn chương cũng có văn dễ đọc, văn khó đọc. Văn dễ đọc phải có đủ các yếu tố chính: nhân vật đặc biệt, lời đối thoại thú vị, tình tiết ly kỳ, bố cục gọn ghẽ, chữ dùng giản dị; sau đó, tùy vào tài năng của người viết mà câu chuyện có hàm chứa một ý nghĩa, hay một gợi mở nào đó. Điều cần nhất là không được quá rắc rối, phức tạp, quá nhiều ẩn dụ ví von, tâm lý nhân vật quá khác thường, triết lý quá cao siêu,… đòi hỏi người đọc phải đọc nhiều lần mới hiểu.

Văn Lê Thiệp thuộc loại văn dễ đọc.

Lững Thững Giữa Đời gồm 23 bài theo thể loại ký sự nhân vật, tùy bút và truyện phóng sự. Nhìn vào mục lục, người đọc bị hấp dẫn ngay với những tựa đề “Làng báo Sài Gòn thiếu chân chạy”, “Chuyện cổ tích typo”, “Phi kiếm hiệp bất thành báo”, “Nhà báo nông dân”,... Đúng thôi, vì sinh hoạt của giới báo chí miền Nam vốn là một thế giới náo nhiệt, đầy sóng gió, với nhiều nhân vật nổi tiếng và sự kiện ly kỳ, nhưng lại rất bí ẩn với những ai không trực tiếp nằm trong nó. Cái thế giới ấy nếu được kể lại từ một phóng viên nổi tiếng là viết nhanh, viết giỏi như Lê Thiệp thì chắc hẳn phải rất thú vị, như câu chuyện về “đảng Cây Da Xà và báo Sóng Thần”.

Một nhân viên của báo Sóng Thần than phiền rằng vùng Phú Thọ, xóm Nhị Tỳ, nạn bán số đề tràn lan và đám chủ đề lộng hành khiến đời sống bà con ở đó bị xáo trộn dữ dội. Ông Thao cho viết một mẩu tin nhỏ, một cột, ghi lại sự kiện này như lời báo động. Hôm sau, một người đến gặp ông Uyên Thao trách tại sao “đảng Cây Da Xà” nộp tiền cho ông Thao đầy đủ mỗi tháng mà lại đăng cái tin có hại như vậy? Ông Thao ngẩn người ra thì ông đại diện Cây Da Xà đưa ra tờ biên nhận mỗi tháng ông Uyên Thao ký nhận 1 triệu 200 ngàn đồng...
Muốn biết kết cục ra sao, mời đọc “Từ Văn Đô đến Viễn Ấn”.

Viết về những con người thực có khi khó hơn sự kiện, bởi vì sự kiện thường phức tạp nên người viết tha hồ chọn những gì đặc biệt nhất để mô tả, nhưng với nhân vật thì ngược lại, có những người bề ngoài rất dung dị, có khi đến mức nhạt nhẽo, lúc đó người viết phải có cái nhìn thấu suốt và chu đáo mới tìm ra được những nét đặc biệt của nhân vật. Như Đại úy Nguyễn Quang Đan - một con người bình thường với một ước mơ bình dị, nhưng cuộc sống lính tráng thô bạo vẫn không làm anh trở nên thô bỉ.

Bỗng ông Đan thở dài: Nếu không có chiến tranh chắc tao sẽ là một anh nông dân, vì tao yêu đồng ruộng, và chắc gì mày đã đi săn tin chiến sự ở cái xứ Huế này. Ngay ngẫu nhĩ hai đứa lại ngồi giữa chốn đế vương (điện Thái Hòa) này trong một đêm Trung Thu. [...] Ngày mai tao phải đi sớm. Tao sẽ đưa mày ra cửa Ngọ Môn nhưng là cửa xép. Cửa chính ngày xưa chỉ mở khi có đại lễ. Tao nghĩ hai đứa mình tài cán gì mà dám nghênh ngang qua Ngọ Môn.
Cứ như thế, các sự kiện, các nhân vật của một miền Nam tự do lần lượt hiện ra qua ngòi phút phơi phới của Lê Thiệp. Hai chữ “phới phới” tôi lấy lại từ bài điểm sách của Trùng Dương (bà từng là chủ nhiệm báo Sóng Thần và một cây viết khá nổi tiếng trước 1975). Hai chữ này nói lên cái văn phong nhẹ nhõm - không quá chê bai, không quá khen vùi, không quá tha thiết, không quá cay đắng - của Lê Thiệp. Có lẽ cái cách viết thản nhiên như thế giúp cho Lê Thiệp nhìn lại quá khứ đầy mâu thuẫn mà vẫn rút ra được những nhận xét bình tĩnh, công bằng như nhận xét dưới đây về báo chí miền Nam Việt Nam trước 1975.
Nhìn dưới một khía cạnh nào đó, báo chí Sài Gòn là những cơ quan đấu tranh. Đấu tranh hiểu theo nghĩa rộng, có thể là đấu tranh chống Cộng, đấu tranh cho một miền Nam dân chủ, đấu tranh chống sự can thiệp của người ngoại quốc, và kể luôn đấu tranh cho trung lập, cho bè nhóm, đảng phái, tôn giáo hoặc ngay cả Cộng Sản.

Phần đấu tranh đó đã lấn đi vai trò thông tin theo nghĩa đẹp của chữ thông tin. Tin tức trừ trường hợp được vo tròn bóp méo để phù hợp với chủ trương đấu tranh, hiểu theo nghĩa khách quan, vô tư, nhanh chóng, khả tín,... đã không được thực sự là ưu tư hàng đầu của đa số báo chí Sài Gòn.
Một yếu tố khác khiến cho văn dễ đọc, nói cách khác, làm người đọc thích thú, là tác giả phải rất khéo léo khi nói về “cái tôi”. Không có cái tôi - tức những suy tư riêng, cảm tình riêng của tác giả - hồi ký sẽ thành khô khốc. Nhưng nặng quá về cái tôi, sẽ không còn là hồi ký nữa mà là hồi... xuân. Đây cũng như tài nêm nếm vị đinh hương, quế, hồi cho nồi phở; nhạt quá, không ra phở, đậm quá, thành… cà-ri. Về vụ này Lê Thiệp tỏ ra biết cách gia giảm “cái tôi” đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng đủ để kéo người đọc khi thì trầm tư, khi thì bật cười, khi thì ngậm ngùi cùng với người viết.

Như trong “Hoa báo xuân”, Lê Thiệp nói về một loại hoa màu vàng nở vào mùa Xuân khiến ông nhớ tới hoa mai quê nhà. Lê Thiệp không nói ông nhớ quê hương, ông chỉ nói ông mê hoa, mê đến nỗi chỉ cần thấy cây hoa ngoài bờ dậu đã muốn mua ngay căn nhà. Khi nghe Lê Thiệp lúng túng thú nhận “khó mà nói với ai kể cả vợ về cái liên hệ dấm dớ giữa tôi và bụi cây um tùm đó.” Nngười đọc không khỏi bật cười nhưng cùng lúc, ngậm ngùi thương cảm. Cái tôi ở đây không còn là cái tôi riêng của người viết, mà trở thành cái tôi của cả người đọc.

Rốt cuộc, “Lững Thững Giữa Đời” là sao?

Nếu có một ngày nào đó, bạn đi bộ, một mình, đi chậm rãi, vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, để ý tới từng ngọn cỏ, cành cây, từng con chim, con sóc, và suy nghĩ, và nhớ lại những chuyện xưa, và nhìn lại những chuyện nay, rồi tự đặt ra cho mình những câu hỏi dù biết sẽ không có câu trả lời, có thể bạn cũng sẽ “Lững Thững Giữa Đời” theo cách của Lê Thiệp.

Một điều đáng tiếc trong Lững Thững Giữa Đời là không có bài nào viết về cuộc sống của người Việt hải ngoại hay của tác giả gần đây. Phải chăng Lê Thiệp vẫn còn mải lững thững giữa cuộc đời xa cũ? Và không lẽ cái nghề chủ bán phở tuy an nhàn hơn nghề phóng viên nhưng vẫn thiếu vắng một cái gì đó?

Sự gian nan nguy hiểm của một người cầm bút hóa ra vẫn có cái đền bù, nói như Lê Thiệp nói, đó là lúc con người thấy mình có cái cơ hội hết sức quý giá, cơ hội được chiến đấu cho Sự Thật bằng ngòi bút của chính mình.

© DCVOnline

----------------------------------

Trùng Dương   -   Thứ Hai, 14 tháng 11 2011

 
VIÊN LINH   -   Wednesday, November 30, 2011 5:34:13 PM
Báo Xuân, và các hồi ký làm báo
.
.
.

No comments: