Tuesday, December 27, 2011

NỔI LOẠN Ở WUKAN BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG NGƯỜI DÂN TRUNG QUỐC (Michael Wines/New York Times)



Michael Wines/New York Times

Văn Giang/Người Việt  chuyển ngữ
Monday, December 26, 2011 6:01:18 PM

BẮC KINH (NYT) - Hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản Trung Quốc hồi mùa Thu năm nay hết sức hả hê khi loan tải tin tức về phong trào Chiếm Wall Street lan khắp nước Mỹ.

Dân làng Wukan tụ tập xuống đường phản đối. Cuộc biểu tình ở Wukan là dấu hiệu bất mãn của người thường dân và có thể là điềm báo trước những điều sẽ xảy ra ở Trung Quốc. (Hình: AFP/Getty Images)

Ngày nào họ cũng có các bài để chê bai nước Mỹ đồng thời dạy dỗ người dân của mình về những sai lầm của chế độ tư bản và điều mà họ coi là chính phủ Mỹ không quan tâm hay không có khả năng giúp đỡ dân chúng nạn nhân của thành phần tư bản tham lam.

Nhưng Trung Quốc lại có vụ Chiếm Wukan (Ô Khảm) . Và cách ứng xử của truyền thông Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn. Hệ thống truyền thông nhà nước hầu như hoàn toàn im lặng, không giải thích lý do vì sao 13,000 người dân Trung Quốc, căm phẫn vì sự chiếm đoạt đất đai bất hợp pháp của thành phần cán bộ đảng viên địa phương, đã nổi dậy biểu tình phản đối khiến giới chức nhà nước phải bỏ chạy, chống trả lại các biện pháp của công an nhằm chiếm lại quyền kiểm soát nơi này. Tuy nhiên, sự che giấu vụ Wukan chỉ có hại cho chế độ Bắc Kinh: vì đang có ít nhất 625,000 ngôi làng có khả năng bùng ra vụ nổi dậy tương tự như Wukan ở khắp Trung Quốc. Ðây là những ngôi làng nhỏ, thường xuyên phải chịu đựng mọi hình thức bất công, áp bức, tương tự như những gì đã đưa đến vụ bùng nổ ở Wukan tháng này.

“Ðiều xảy ra ở Wukan không có gì mới. Ðây là điều xảy ra khắp nước,” theo lời Liu Yawei, một chuyên gia về chính quyền địa phương, hiện là giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại viện Carter Center ở Atlanta.

Một phân tích gia khác, Li Fan, ước tính trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng có từ 50% đến 60% các ngôi làng ở Trung Quốc đang gặp phải đủ mọi vấn đề về trách nhiệm và điều hành, cũng giống như ở Wukan, dù rằng có thể chưa đến nỗi trầm trọng như vậy. Ông Li đang đứng đầu viện nghiên cứu có tên Viện Trung Quốc và Thế Giới (World and China Institute), một cơ quan cho biết là của tư nhân, bất vụ lợi, có trụ sở ở Bắc Kinh, chuyên về các vấn đề điều hành chính quyền địa phương.

Trên lý thuyết các cuộc biểu tình phản đối ở Wukan đáng lẽ không thể nào xảy ra: các chính quyền làng xã ở Trung Quốc đáng lý phải là giới chức có trách nhiệm nhất ở trong nước vì do chính người dân bầu lên. Hơn thế nữa, chính quyền đã có những luật lệ liên quan đến việc điều hành làng xã nhằm bảo đảm rằng ngân sách được chi tiêu đúng cách.

Làng xã tự trị, như chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vẫn thường gọi, được nhiều chuyên gia ngoại quốc ca ngợi, xem là mô hình dân chủ kiểu mẫu ở Trung Quốc, và tuy rằng cũng công nhận là còn gian lận bầu cử, họ cho rằng nói chung đây vẫn là một phát triển tốt.

Thế nhưng, việc thật sự điều hành làng xã lại là một vấn đề khác. Các chính quyền làng xã phải cung cấp nhiều dịch vụ mà nhà nước cộng sản Trung Quốc hứa hẹn, như vệ sinh và an sinh xã hội, nhưng họ không thể nào đánh thuế dân chúng địa phương hay thu nhiều loại lệ phí. Bất cứ nỗ lực nào nhằm thu thêm tiền cho ngân sách, đều thường phải có sự chấp thuận của đảng bộ cộng sản địa phương hay các giới chức cấp cao hơn.

Và trên thực thế, kết hợp của nhu cầu cần có tiền chi tiêu của chính quyền làng xã và sự lệ thuộc của họ vào các cấp cao hơn đã đưa đến tình trạng tham nhũng hay “có qua có lại” giữa giới chức ở cấp làng xã và chỉ huy cấp quận huyện. Sự bùng nổ giá đất ở Trung Quốc lại càng làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng vốn đã tồi tệ này.

“Bán đất là hình thức kiếm tiền nhiều nhất,” theo lời Edward Friedman, một giáo sư về khoa học chính trị và cũng là chuyên gia về Trung Quốc ở đại học University of Wisconsin-Madison. “Ở mọi cấp ai cũng nhìn thấy cấp trên của mình hưởng được lợi lộc như thế nào. Và cấp nào cũng muốn là có được những lợi lộc đó. Hệ thống cai trị hiện nay đã tạo ra tình trạng là người ta coi chuyện tham nhũng là bình thường và chỉ là để lấy phần của mình.”
Và cơ hội để được lấy phần đó rõ ràng là quá lớn lao.

Năm 2003, một ứng viên cho chức vụ chủ tịch xã ở Laojiaotou, thuộc tỉnh Shanxi, sẵn sáng chi ra 2 triệu renminbi (khoảng $245,000 vào thời đó) để tranh cử cho chức vụ chỉ trả có 347 renminbi một tháng, theo tờ tuần báo Pháp Luật ở Trung Quốc cho biết khi đó.

Trong các cuộc phỏng vấn hồi tháng này, những người cầm đầu cuộc nổi dậy ở Wukan nói rằng ai cũng biết là giới chức chính quyền cũng như đảng bộ Cộng Sản địa phương đã bỏ hàng triệu renminbi để mua những chức vụ béo bở.

Dĩ nhiên là các tố giác này khó mà kiểm chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, có chi tiết kiểm chứng dễ dàng là chín thành viên trong hội đồng điều hành Wukan, có năm người ở chức vụ của mình từ khi chức vụ của họ được người kế vị Mao Trạch Ðông là Ðặng Tiểu Bình đặt ra.

Ðiều này cũng đúng với bí thư đảng bộ địa phương là Xue Chang, người ở chức vụ này từ năm 1970 trước khi bị thay thế do sự phản đối của dân chúng Wukan hồi Tháng Chín.

Các nhà lãnh đạo cuộc tranh đấu ở Wukan cho hay chính quyền địa phương nơi này bán hoặc cho thuê dài hạn gần 60% trong tổng số 11 dặm vuông đất đai ở nơi này trong thời gian 18 năm, từ 1993 đến nay. Các vụ chuyển nhượng này gồm khoảng 4/5 diện tích đất canh tác trong tổng số 1.5 dặm vuông đất nông nghiệp và rừng của địa phương.

Ai cho lệnh bán và bán thế nào vẫn là điều chưa rõ ràng. Theo luật Trung Quốc, việc bán đất đáng lẽ ra phải có sự chấp thuận của dân làng, vì họ làm chủ tập thể và được chia phần khi bán đất. Tuy nhiên, tiến trình chấp thuận lại rất mù mờ và tùy thuộc vào chính quyền địa phương hành xử theo ý của họ.

Ðất đai này sau khi bán đi được dùng để xây khách sạn, cơ xưởng, nhà máy điện và ngay cả các nghĩa địa tư nhân. Một nhân vật giàu có ở Wukang, ông Chen Wenging, được hưởng quyền khai thác cảng ở đây và được thuê dài hạn 50 năm một miếng đất lớn dùng làm trại nuôi heo.

Và một kế hoạch đưa ra năm nay nhằm bán trang trại của ông Chen và một diện tích đất tương tự của dân làng đang canh tác để cho giới đầu tư xây nhà sang trọng và khu thương xá đã là giọt nước làm tràn ly và khiến dân chúng đứng lên phản đối.

Dân làng cho hay họ không biết là tiền bán đất hay cho thuê đất trong những năm qua đã đi đâu, vào túi ai. “Từ năm 1993 đến nay, chẳng ai nói gì với chúng tôi,” theo lời Liu Zuluan, một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy. “Không bỏ phiếu, không bồi thường, hoàn toàn không có gì cả. Chúng tôi cũng không hề hay biết là điều gì xảy ra.” (V.Giang)
.
.
.

No comments: