Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 13, 2011 6:27:38 PM
Năm 1978 khi ông Ðỗ Ngọc Yến cùng một số bạn bè xuất bản số báo Người Việt đầu tiên, ngày 15 tháng 12, các cuộc vận động tranh cử ở Mỹ đã kết thúc.
Một năm sau, có lần Yến gọi cho tôi ở thành phố Montréal, Canada, trong dịp Lễ Tạ Ơn ở Mỹ. Trong lúc hỏi thăm về công việc tòa báo, tôi nói đùa: “Năm tới bên nước các ông có tranh cử tổng thống; thế báo ông ủng hộ ai?” Không ngờ, đấy lại là một đề tài mà Ðỗ Ngọc Yến đang suy nghĩ rất nhiều. Thế là tôi được nghe một bài thuyết trình, khá dài, về vai trò của báo chí trong đời sống chính trị! Giá điện thoại viễn liên thời đó khá đắt, nhưng ai đã quen Yến thì biết khi đã thích một vấn đề nào rồi anh có thể sẵn sàng nói rất lâu, nói mãi không nghỉ.
Vào năm 1980 còn rất ít người Việt nhập tịch Mỹ, cho nên vấn đề chọn lựa ông tổng thống trong thực tế không quan trọng lắm. Tuy vậy, người Việt mình thích bàn chuyện chính trị hơn người Mỹ; thế nào nhật báo Người Việt cũng phải tham dự vào chuyện bầu cử năm đó. Ðỗ Ngọc Yến kể chuyện vui, nhiều người Việt Nam ở đây còn lãnh trợ cấp xã hội, họ nói đùa là họ “đi làm sở ông Carter!” Ông Carter đang là tổng thống ở Mỹ. Theo Yến nhận xét, những người “lãnh lương của ông Carter” không nhất thiết sẽ ủng hộ cho ông ấy, vì ai cũng biết tiền trợ cấp xã hội do luật lệ ấn định chứ không do hảo ý của người nắm quyền.
Vậy báo Người Việt ủng hộ ai? Nói riêng cá nhân anh, Yến bảo: Tôi thích cha Reagan, vì ông ta cũng xuất thân lang bang như mình! Lại cùng là dân California với nhau cả; ở Mỹ các ứng cử viên tổng thống thường được “người đồng bang” ủng hộ! Nhưng đối với cả tờ báo, Yến nói, mình sẽ không ủng hộ ai hết!
Như vậy là ông “thiếu lập trường à?” “Tôi có lập trường, bao giờ được đi bầu tôi sẽ chọn. Nhưng tôi nghĩ một tờ báo không phải là của một người. Cũng không phải là của một nhóm người làm chủ nhân. Tờ báo là của độc giả; nó không nên bắt độc giả nghe và theo lập trường của nó.” Như vậy thì làm sao tờ báo đóng vai trò hướng dẫn dư luận? “Cách hướng dẫn dư luận tốt nhất là cung cấp đủ thông tin để độc giả người mình biết chuyện gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử. Thông tin khách quan, trung thực, và công bằng, không thiên vị. Ðó đã là hướng dẫn dư luận rồi. Còn quyết định chọn một ứng cử viên, hãy để cho mỗi độc giả của mình quyết định. Như vậy là mình kính trọng độc giả.”
Như vậy thì trong tờ báo không bao giờ khen hay chê một ứng cử viên nào hết hay sao? “Có chứ. Các nhà bình luận có quyền viết ý kiến khen chê riêng của họ. Nhưng cầm tờ báo độc giả biết đó là ý kiến, là lập trường của một người, có ký tên; chứ không phải ý kiến của cả tờ báo. Người làm báo lương thiện phải phân tách rõ ‘tin tức’ và ‘ý kiến, lập trường.’ Không thể mập mờ lem nhem được. Lem nhem thì người đọc sẽ hết tin tưởng vào mình; thiên lệch quá còn làm cho người ta khinh cho nữa!”
Ðó là tóm tắt những ý kiến Ðỗ Ngọc Yến nói về vai trò của báo chí trong một năm bầu cử. Năm nay nhật báo Người Việt sắp bước vào năm thứ 34, và nước Mỹ sắp có một cuộc tranh cử vừa bầu tổng thống vừa bầu Quốc Hội. Cho nên nhân dịp “sinh nhật” tờ báo chúng tôi xin phép nhắc lại câu chuyện trên.
Quan niệm về báo chí trong chính trị của Ðỗ Ngọc Yến không giống nhiều tờ báo Tây phương, hay báo chí ở Mỹ. Ở đây, mỗi lần bầu cử các nhật báo như Los Angeles Times, OC Register đều viết một bài quan điểm cho biết họ ủng hộ ai; và nêu các lý do. Ðọc những lý luận họ đưa ra chúng ta thấy nó cũng giống một bài vận động tranh cử; vì trong đó họ phải giải thích bằng cách nêu ra những ưu điểm của ứng cử viên này, nhược điểm của ứng cử viên kia. Lâu dần, các độc giả biết trước khuynh hướng của tờ báo hướng về những ứng cử viên nào, hay về một đảng nào.
Trình độ độc giả cao, họ không bị ảnh hưởng của ý kiến tờ báo. Nhưng vì nêu lên ý kiến nghiêng về một phía nào đó, tờ báo đã tự chọn cho mình; không những chọn một lập trường chính trị mà chọn cả một loại độc giả nữa.
Những người thích đảng Cộng Hòa thường thích đọc báo Wall Street, thích coi đài truyền hình Fox. Ai thích đảng Dân Chủ thì cũng hay đọc tờ New York Times hay Washington Post. Người ta ai chẳng thích nghe những người nói cùng ý kiến với mình? Lâu dần, mỗi tờ báo cũng chọn một số người viết bình luận phù hợp với sở thích của độc giả. Cứ như vậy, cuối cùng báo chí không hoàn toàn độc lập nữa. Chính trị nước Mỹ vì thế càng ngày càng phân cực, không còn ai trung dung nữa. Tuy nhiên, có một điều đáng kính trọng trong báo chí ở Mỹ là họ phân biệt rất rõ “quan điểm” và “tin tức.” Dù tờ báo có nghiêng về phía một đảng, khi làm tin, khi điều tra, viết phóng sự, bao giờ họ cũng cố theo sát tiêu chuẩn khách quan, trung thực, và đầy đủ, công bằng.
Nhưng khi một tờ báo lựa chọn một quan điểm, lập trường, hay ủng hộ một ứng cử viên thì ai là người đóng vai quyết định? Bình thường, những người chủ báo đóng vai trò quyết định; nhưng không nhất thiết như vậy. Một công ty xuất bản hai ba tờ báo mỗi tờ có thể đi theo một khuynh hướng khác nhau. Có những công ty làm chủ hàng trăm báo và đài, mỗi đơn vị vẫn có quan điểm riêng. Trong cuộc bầu cử năm 2000, tuần báo Economist (bản chính in ở Anh Quốc, nhưng ấn bản ở Mỹ in và bán nhiều hơn) công bố họ ủng hộ ứng cử viên Gorges W. Bush. Năm 2004, cũng chính tờ báo đó lại chống ông Bush, ủng hộ ông John Kerry. Mỗi lần họ đều nêu lý do, cho thấy họ không theo phe đảng nào cả. Ðặc biệt là vào năm 2000, báo Economist chọn ông Bush thì tờ nhật báo Financial Times, cũng do một công ty làm chủ, lại chọn ông Al Gore. Ðiều này cho thấy quyết định về bầu cử của tờ báo không phải từ các chủ nhân đưa ra.
Vậy ai quyết định? Chúng tôi chỉ biết rõ để nêu ra một thí dụ. Bốn năm trước đây, cũng vào cuối năm, nhật báo Register ở Des Moines, thủ phủ tiểu bang Iowa báo tin họ đã chọn ứng cử viên tổng thống thuộc cả hai đảng. Ai cũng chờ đợi tin này, vì kết quả bầu sơ bộ ở Iowa sẽ ảnh hưởng trên các nơi khác. Năm đó, nhật báo Des Moines Register đã công bố và giải thích việc lựa chọn: Họ đề nghị các cử tri đảng Dân Chủ hãy chọn Nghị Sĩ Hillary Clinton, và họ ủng hộ Nghị Sĩ John McCain trong đảng Cộng Hòa. Ðầu Tháng Giêng năm sau mới biết các cử tri Iowa thuộc hai đảng có đồng ý với tờ báo lâu đời và uy tín nhất tiểu bang hay không (đa số không đồng ý).
Nhật báo Register đã chọn như thế nào? Một số người trong ban chủ biên quyết định, hoàn toàn độc lập với công ty chủ nhân tờ báo. Ðiều này cũng được tờ báo công bố cho độc giả biết. Theo bà Carol Hunter, chủ biên trang bình luận của nhật báo này giải thích, họ đã làm việc theo những quy tắc giống như khi các ký giả săn tin, viết tin. Tức là cố hết sức tìm hiểu về các ứng cử viên với tinh thần khách quan, cố gắng giữ đức công bằng. Sau khi tìm hiểu, ban chủ biên họp bàn với nhau, giống như mỗi lần phải quyết định về chính sách chung. Tinh thần dân chủ thể hiện trong tờ báo, phản ảnh tinh thần dân chủ trong xã hội.
Ban chủ biên đã đi sưu tầm đủ các tiểu sử của tất cả các ứng cử viên trên các báo toàn quốc, nhất là tin tức từ những tờ báo xuất bản ở địa phương gốc của họ. Họ đọc các tài liệu về lập trường của các ứng cử viên, theo dõi các mạng lưới trang nhà của mỗi người. Bà chủ bút tờ báo đã tìm đọc ít nhất một cuốn sách do mỗi ứng cử viên quan trọng viết; và đọc hàng chục cuốn sách khác viết về họ. Chủ nhiệm, chủ bút và người chủ biên trang bình luận thay phiên gặp riêng các ứng cử viên để phỏng vấn họ, có khi gặp cả vợ hay chồng ứng cử viên nữa.
Bà Hunter cho biết vì ban chủ biên tờ báo Des Moines Register “thường có những quan điểm tương đồng với đảng Dân Chủ hơn đảng Cộng Hòa” cho nên ý kiến của họ có ảnh hưởng đến các cử tri Dân Chủ nhiều hơn. Nhưng họ thảo luận và quyết định ủng hộ ứng cử viên cả hai đảng, lựa chọn trên tiêu chuẩn duy nhất là “coi ai trong đảng đó xứng đáng nhất làm tổng thống nước Mỹ.” Trong lúc thảo luận để chọn lựa, họ không để cho kết quả của các cuộc nghiên cứu dư luận ảnh hưởng. Họ chọn Nghị Sĩ McCain mặc dù, trong số số các ứng cử viên Cộng Hòa, lúc đó ông đang đứng hạng rất thấp trong dư luận.
Trước khi quyết định sau cùng được công bố, những người trong ban chủ biên đã giữ bí mật, không để cho ai có thể đoán họ đã chọn người nào. Nhiều người đã đoán trước họ sẽ chọn bà Clinton vì cả chủ nhiệm, chủ bút, chủ biên trang bình luận và người phụ tá đều là phụ nữ, nhưng bà Hunter xác nhận họ không hề thiên vị nữ giới. Khi đưa ra kết quả chọn ông McCain và bà Clinton, tờ báo giải thích lý do chính là hai người này đều đã được thử thách, được chuẩn bị để sẵn sàng lãnh đạo nước Mỹ.
Lược thuật câu chuyện nhật báo Des Moines Register chọn ủng hộ một ứng cử viên tổng thống của mỗi đảng, chúng ta thấy họ theo một quá trình đúng như các quy tắc của nghề làm báo: Tìm hiểu thật tâm, cặn kẽ; suy luận chín chắn, phán đoán ngay thẳng; và đặt công ích lên trên ý kiến và sở thích cá nhân. Ðó là cách duy nhất để cho sự lựa chọn của họ được kính trọng. Như vậy họ mới có thể ảnh hưởng trên các cử tri trong tiểu bang, mặc dù sau cùng đa số cử tri cả hai đảng có thể nghĩ khác họ.
Mỗi năm sắp có bầu tổng thống Mỹ là báo chí trên toàn nước Mỹ đều chờ coi báo Register ở Des Moines sẽ chọn ai. Một tờ báo phải mất hàng thế kỷ mới tạo được tín nhiệm như vậy, những người thừa kế một lịch sử lâu dài, chịu trách nhiệm trước công chúng cũng không dám sơ suất. Vì người Việt hay người Mỹ, ai cũng biết câu tục ngữ “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!”
Một cơ quan truyền thông, một tờ báo, một đài phát thanh hay mạng lưới, cho đến cá nhân một người viết báo, chỉ có thể tạo được lòng tin của công chúng nếu tự mình theo đúng các quy tắc đạo lý nghề nghiệp. Phải tôn trọng các đức tính trung thực, công bằng và ngay thẳng. Những quy tắc đó không những giúp cho mỗi người bảo vệ được danh dự của mình, mà còn nuôi niềm tin trong công chúng, sau cùng sẽ giúp vào việc xây dựng tinh thần dân chủ tự do cho xã hội. Một xã hội không thể nào sống tự do dân chủ nếu không có những cơ sở truyền thông và những người làm báo độc lập, tự do và tôn trọng sự thật.
Kể lại những chuyện này nhân ngày sinh nhật năm thứ 34 báo Người Việt, chúng tôi chỉ nhắc lại những quy tắc mà ông Ðỗ Ngọc Yến, người sáng lập tờ báo đã quan niệm ngay từ các năm đầu. Mong quý vị độc giả tiếp tục phán đoán xem tờ báo này có theo đúng các quy tắc đó hay không, trong 33 năm sắp tới, hay hàng trăm năm sắp tới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment