GS Phong Lê
4/12/2011
140 năm ngày mất nhà yêu nước, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (28/11/1871-28/11/2011)
Được đào tạo theo mục tiêu và chương trình trường Dòng, Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) sớm được tiếp xúc với một trường văn minh khác; Và con đường tiến thân không phải để trở thành quan lại trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn; Con đường ấy ông không muốn (có thể thế), nhưng đúng ra là ông không thể, bởi ông là người của một tôn giáo khác, của một tín ngưỡng khác.
Khi Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát qua đời, Nguyễn Trường Tộ vào tuổi 30. Hai trí thức Nho học đàn anh, trong đó một người là đồng hương, sống trọn vẹn thời kỳ mở đầu triều Nguyễn, thời chưa có sức ép của ngoại xâm Tây dương; một người bị bêu đầu và tru di ba họ. Không giống hai bậc tiền bối, sức ép đối với Nguyễn Trường Tộ là sức ép của nửa sau thế kỷ XIX khi giặc Pháp bắt đầu mở rộng sự xâm lược nước ta; còn bản thân Nguyễn Trường Tộ thì lý tưởng và sự lập thân đặt ra là không thuộc mô hình Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Bởi ông sinh ra trong môi trường Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên, trong hành trang của một giáo sỹ, Nguyễn Trường Tộ vẫn có tư chất một trí thức nho sỹ. Vẫn được đào luyện trong trường học của Nho gia. Vẫn phải tinh thông chữ Hán, và trở thành thầy dạy chữ Hán ở giáo xứ quê nhà (nhờ đó, sau này ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong công việc từ dịch, bang giao giữa triều đình và các tướng lĩnh Tây dương). Vẫn phải nắm vững kinh điển Nho giáo để có thể sống trong xã hội phong kiến cổ truyền phương Đông còn chưa mấy, hoặc chưa thể thay đổi. Vẫn có những bậc thầy là các ông tú, ông cống, ông huyện về hưu ở tuổi thơ và tuổi học đường ở quê. Vẫn có thể trình bày những ý nguyện và cảm xúc của mình theo cách viện dẫn lịch sử cổ đại Trung Hoa và trong những thể thức kinh điển như sớ, tấu và thơ văn cảm tác luật Đường cho người đọc là các bậc bề trên trong triều đình.
Thế nhưng, trong tư cách một giáo sỹ, phần tri thức mới mà Nguyễn Trường Tộ được tiếp nhận là qua quan hệ thầy trò với Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier) – người có mặt ở giáo xứ Xứ Đoài từ 1846 khi Nguyễn đã vào tuổi thành niên. Người vừa là bậc thầy dạy tiếng Pháp và các tri thức khoa học- công nghệ cho Nguyễn; vừa là người Nguyễn có trách nhiệm phò tá trong các chuyến đi sang các nước phụ cận như Hong Kong, Singapore và một hành trình dài sang Roma, Paris trong 8 tháng năm 1867. Qua các mối quan hệ đó và trong mở rộng sự tiếp xúc ra nhiều phía một cuộc đời hoạt động ở nhiều lĩnh vực, có quan hệ với nhiều tầng lớp người trong xã hội, từ thứ dân đến quan lại, trong nước và ngoài nước; và với ý chí tự lập và tự học rất cao, Nguyễn Trường Tộ sớm trở thành một người có kiến thức bách khoa. Những kiến thức rồi sẽ được Nguyễn trình bày trong nhiều chục bản điều trần nằm trong 58 di thảo gửi triều đình liên tục trong suốt hơn 10 năm, kể từ 1861-1871 là năm Nguyễn qua đời. Những điều trần bàn rộng và sâu hầu hết các phương diện cốt thiết nhất cho việc cải tạo và xây dựng đất nước nhằm thoát ra khỏi tình thế phong bế, lạc hậu và tạo được một thay đổi bên trong; nếu làm được thế mới mong tránh hoặc thoát được nguy cơ mất nước…
* *
Nhìn vào nội dung các điều trần thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sỹ đương thời một cự ly rất xa. Thế nhưng, để thực hành, lại không thể có con đường nào khác ngoài con đường thuyết phục nhà vua và triều đình. Bởi vào thời Nguyễn Trường Tộ vẫn chưa có một lực lượng xã hội và một cơ sở kinh tế nào làm hậu thuẫn cho nó. Càng rất xa xôi, một cuộc cải cách, một cuộc cách mạng như phương Tây, hoặc gần hơn như Trung Hoa, Nhật Bản.
Còn cần phải tính thêm, sự nguy hiểm, hoặc ít ra là không thuận cho hoạt động của Nguyễn Trường Tộ ở tư cách là người của Thiên Chúa giáo – đó là chính sách cấm đạo, suốt hơn hai thế kỷ, kể từ khi các giáo sỹ phương Tây vào truyền đạo ở Việt Nam. Sự căng thẳng có giảm nhẹ từ thời Tây Sơn đến thời Gia Long, nhưng từ đời Minh Mệnh lại tiếp tục. Đến thời Tự Đức, một số giáo sỹ bị giết, trong đó có một giáo sỹ Iphanho (tức Tây Ban Nha), và đó là cái cớ trực tiếp cho khối liên quân Pháp – Iphanho đánh vào Đà Nẵng (1858). Từ các yêu sách không được đáp ứng như tự do thông thương, đặt lãnh sự ở Huế, mở cửa buôn bán, và tự do giảng đạo, mà liên quân Pháp – Iphanho tiếp tục đánh và chiếm luôn Gia Định (1859), mở đầu sự thôn tính Nam Bộ. Và khi triều đình do sức ép của Tây dương mà nới lỏng việc cấm đạo trong một vài năm thì các văn thân Nghệ An – những người đồng hương của Nguyễn Trường Tộ bèn phát động ngay một phong trào chống lại, dưới khẩu hiệu: “Bình Tây sát Tả”.
Tất cả tình hình trên là bối cảnh chung cho hoạt động của Nguyễn Trường Tộ. Đó là các cuộc đi – về thường xuyên qua các địa điểm Nghệ An – Huế – Đà Nẵng – Gia Định nhằm giúp vào việc bang giao giữa hai phía, và liên tục gửi các điều trần lên triều đình. Giữa các bản điều trần ông còn có những cuộc tiếp xúc với Cơ mật viện gồm những bậc quan đầu triều như Trần Tiễn Thành… Có lần ông còn được Tự Đức cho hầu chuyện ở nhà Tả Vu; Có lần được giao việc đi tìm mỏ và đúc kim loại. Không kể các việc bang giao và từ dịch, ông còn được Tự Đức cử sang Tây, cùng với Gauthier để thuê thầy thợ và sắm thiết bị cho việc mở một ngôi trường dạy khoa học và kỹ nghệ ở Kinh…
Để có được những hoạt động như thế, với Nguyễn Trường Tộ quả không phải điều thuận, trong tư cách một con chiên, một giáo sỹ. Ông không dễ dàng được tin. Nhiều điều trần không dễ được nghe, được tiếp nhận. Nhiều lúc phải trốn lánh khi có cao trào cấm đạo. Có lần ông bị văn thân đòi xử tử… Trong mấy năm cuối đời, ông phải hoãn một vài chuyến đi xa theo yêu cầu của triều đình, vì sức khỏe suy sụp, dẫu tình thế đất nước có vẻ như “sáng” hơn do những thất bại của Napoléon trong chiến tranh Pháp – Phổ và phong trào Công xã Paris bùng nổ vào 1870-1871. Cái chết buồn ở tuổi 43 và sự lặng lẽ nhiều chục năm sau khi mất nói lên thân phận của Nguyễn Trường Tộ trong tư cách một Nho sỹ, một Giáo sỹ.
Cuối cùng thì tất cả các ý tưởng canh tân nằm trong các bản điều trần kiên trì trong suốt 10 năm, dâng lên Tự Đức và Cơ mật viện đã không được thực hiện. Lý do trước hết là ở tình cảnh nguy khốn, nước sôi lửa bỏng của đất nước. Giặc đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây… Trong triều là loạn Đoàn Trưng khiến Tự Đức suýt mất ngôi… Thứ đến là ở tầm nhìn thiển cận của triều đình, kể từ thời Gia Long, khi bộ phận đầu não trong tổ chức Cơ mật viện đều là những người già bảo thủ nên bất cứ việc gì vua hỏi cũng đều phân vân không quyết, mà quyết làm sao được, bởi tìm đâu ra lời giải trong những tên tuổi của Trung Hoa cổ đại, như Y Doãn, Chu Công – Tiêu Hà, Hàn Tín; Hoặc quyết theo hướng đóng cửa, đẩy xa hơn những mâu thuẫn dẫn tới xung đột, mà mỗi lần xung đột là một lần thất thế, mất đất, tốn người, hao của… Và cuối cùng, quan trọng hơn cả và căn bản hơn cả, là tình thế chung của đất nước lúc ấy còn chưa có một cơ sở kinh tế – xã hội làm hậu thuẫn trong phương thức sản xuất phong kiến còn khép kín.
* *
Nguyễn Trường Tộ mất ở tuổi 43 khi trở về quê nhà với giáo xứ Xã Đoài mà không nhận được bất cứ hồi âm nào của triều đình. Với Giáo hội mà ông là con chiên, ông đã để lại hai công trình, nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất hoành tráng: đó là Tu viện dòng thánh Phao lồ ở Sài Gòn, năm 1864, và Nhà Chung Xã Đoài ở Nghệ An sau năm 1868 mà ông là Kiến trúc sư, chủ trì việc xây dựng. Đóng góp cho quê hương, ông để lại công trình giao thông- thủy lợi Thiết cảng (Kênh Sắt), năm 1866 theo thư mời giúp của Tổng đốc Hoàng Tá Viêm, nhằm khai thông con đường thủy từ sông Cấm ra Vinh, bây giờ gọi là kênh Nguyễn Trường Tộ. Nhưng đáng kể hơn cả là phương diện trí tuệ, ông đã để lại những ý tưởng mới mẻ, sắc sảo, toàn diện cho việc canh tân một đất nước còn chìm quá sâu trong tình trạng phong kiến bảo thủ, lạc hậu, đang trong nguy cơ mất dần trước sức mạnh của thực dân phương Tây.
Nguyễn Trường Tộ đã sống vào một thời khó khăn cho kẻ sỹ của đất nước. Nhất là những Kẻ Sỹ có nhân thân đặc biệt. Trong hai vai phải đóng, một là Nho sỹ một là Giáo sỹ, mà không thể chỉ chọn một, ông đã bị dồn thúc từ hai phía. Nhưng bằng sự khéo léo và thông minh, và với lòng yêu nước, ông đã tìm được một lối đi cho riêng mình, để không trở thành nạn nhân giữa hai chiến tuyến. Chọn tư cách nào để nói về ông? Một nhà bách khoa có óc thực tiễn. Một người yêu nước có tri thức hiện đại. Một nhà cải cách không hoặc chưa có hoàn cảnh để thực thi các ý tưởng của mình. Xét từ nguồn gốc xuất thân, môi trường đào tạo và bối cảnh thời cuộc, ông đã bứt ra khỏi những hạn chế và ràng buộc, để có một tầm vóc lớn trong tư thế “sinh bất phùng thời”.
P. L.
----------------------------------
Giáp Văn Dương - Thứ hai, ngày 30 tháng tám năm 2010
Mai Thị Huyền - 2/12/2011
“MỜ LỆ SONG NGƯ DẠ CẢM HOÀI” (Kỷ niệm 140 năm ngày mất của Nguyễn Trường Tộ (28-11-1871 – 28-11-2011) (29/11/2011)
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Nguyễn Trường Tộ là người yêu nước một trăm phần trăm (27/11/2011)
.
.
.
No comments:
Post a Comment