Saturday, December 24, 2011

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN RÕ RÀNG CHO QUAN HỆ VIỆT - TRUNG (Global Times 23-12-2011)



(GLOBAL TIMES    23-12-2011)

Người dịch: Nguyễn Tâm
Posted by basamnews on 23/12/2011

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam ba ngày, vào ngày thứ Tư vừa qua. Khi vấn đề Nam Hải * vẫn còn đe dọa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chuyến công du này có tầm quan trọng trong việc khôi phục lại ý thức nắm bắt cơ hội cho quan hệ song phương.

Hai nước sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại trên tinh thần cởi mở? Hay sẽ để những vấn đề này hủy hoại sự hỗ trợ chiến lược lẫn nhau giữa hai nước? Trung Quốc và Việt Nam đang đối mặt với sự thử thách lâu dài.

Hai quốc gia rõ ràng có những lợi ích chiến lược khác nhau, phục vụ cho sự phát triển của chính mình. Nhưng hợp tác giữa hai nước thì có lợi về mặt chiến lược cho từng nước hơn là tranh cãi.

Những gì Trung Quốc và Việt Nam cần làm là để nguyên tắc này chi phối quan hệ hai nước. Bất cứ tranh chấp nào cũng nên được giải quyết một cách đúng đắn. Thậm chí nếu có trở ngại, cũng không nên phát triển thành đối đầu.
Trung Quốc có nhiều mối quan tâm chiến lược gắn liền với sự phát triển của mình. Trung Quốc không muốn đối đầu với bất kỳ nước nào, kể cả Việt Nam.

Khó có thể cho rằng Việt Nam xem Trung Quốc như kẻ thù trong tranh chấp lãnh thổ. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã viếng thăm lẫn nhau từ khi vấn đề Nam Hải trở nên nhạy cảm, và cũng là chủ đề nổi bật trong diễn biến ngoại giao ở khu vực Châu Á.

Hai bên cần góp sức thúc đẩy sự tin cậy chiến lược với nhau. Dựa vào tình hình Mỹ đang trở lại Châu Á, Việt Nam có thể có khuynh hướng tạo cơ hội thuận lợi cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào những tranh chấp trên biển Nam Hải. Động thái như vậy sẽ làm dư luận và truyền thông Trung Quốc đương nhiên hiểu đó là hành động thù địch.

Việt Nam nên hiểu rõ rằng Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế khi giải quyết vấn đề Nam Hải. Đó là vì Trung Quốc coi trọng môi trường hòa bình xung quanh Nam Hải, chứ không phải Trung Quốc bị thúc ép phải làm vậy bởi Việt Nam.

Các lựa chọn ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Nam Hải là có giới hạn. Trung Quốc không chủ trương đe dọa sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam nên theo đuổi cùng một nguyên tắc này, theo đó hai nước cùng chia sẻ nhiều cơ hội phát triển.

Trung Quốc và Việt Nam cả hai đều là những nước xã hội chủ nghĩa. Cả hai đều thực hiện những cải cách và chính sách mở cửa giống nhau. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam. Trung Quốc cũng muốn nhìn thấy một Việt Nam phát triển và thịnh vượng.

Hoàn toàn phi lý khi nói rằng sự vươn lên của Trung Quốc là nguy cơ đối với Việt Nam. Cho dù Trung Quốc không mạnh như mong muốn, thì sức mạnh dân tộc của Trung Quốc vẫn hơn hẳn Việt Nam.

Hai nước nên duy trì quan hệ thân thiện. Vì vấn đề Nam Hải vẫn rất nhạy cảm, hai nước nên cân nhắc tác động dư luận lẫn nhau, nếu không thì thiệt hại, mất mát sẽ lớn hơn những lợi ích có được. Trung Quốc và Việt Nam cần cam kết giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Trung Quốc nên khoan dung hơn và Việt Nam cần khôn ngoan nhiều hơn.

Nguồn: GLOBAL TIMES
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

* Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam
.
.
.

No comments: