Friday, December 16, 2011

NGOẠI GIAO VIỆT NAM ĐỨNG Ở ĐÂU ? (Phạm Trần)



Phạm Trần
Thứ năm, 15 Tháng 12 2011 21:51

Phó Chủ tịch Nước Trung Hoa, Tập Cận Bình, sang Việt Nam làm gì?

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam tái khẳng định Việt Nam “không đi với nước này chống lại nước kia; không tham gia các liên minh gây đối đầu, căng thẳng”.

Ông Trọng đưa ra lập trường này tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 tổ chức tại Hà Nội ngảy 12/12/2011, 8 ngày trước khi Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 – 22/12/2011.

Tập Cận Bình, sinh năm 1953 còn là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đứng hàng thứ nhì trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Cộng và là người sẽ thay Hồ Cẩm Đào lãnh đạo đất nước trên 1 tỷ người vào năm 2013.

Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết họ Tập thăm Việt Nam do lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Nhưng đây là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của một Lãnh đạo cao cấp nhất Trung Hoa kể từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam công khai xác nhận chủ quyền bất dịch của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Hoa dùng võ lực chiếm mất năm 1974, khi ấy thuộc quyền kiểm soát của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ờ miền Nam Việt Nam.
Ông Dũng cũng xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Cộng đã chiếm 7 đảo đá ngầm từ năm 1988.

Hiện nay theo lời ông Dũng, Việt Nam kiểm soát 21 đảo ờ Trường Sa và “còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này”.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn tranh chấp chủ quyền với Đài Loan chiếm một đảo nổi và Phi Luật Tân chiếm năm đảo. Mã Lai Á và Brunei cũng đòi chủ quyền trên vùng biển nhưng không giữ đảo nào.

Tại Phiên họp của Quốc Hội ngày 25/11/2011, ông Dũng tuyên bố: “Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa có bất kỳ một quốc gia nào….”

“…Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương LHQ, Công ước luật biển, Tuyên bố DOC
(Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, Decraration Of Conduct)…”

“…Chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa như thế nào? Tôi muốn nói rõ chủ trương nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc”.


Các Nguyên tắc mà ông Dũng đề cập đến gồm có 6 điểm ký kết giữa ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư và ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Hoa ngày 11/10 (2011) tại Bắc Kinh, trong đó có vấn đề “hợp tác cùng phát triển” trên các vùng biển tranh chấp giữa 2 nước đã bị dư luận trong và ngòai nước lên án ông Trọng nhượng bộ đòi hỏi phi pháp của ông Hồ Cẩm Đào, vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Hai điều quan trọng này viết nguyên văn như sau :

4. “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.”
5. “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.”
Như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình từ 20 đến 22/12 (2011) không nên coi là mấy ngày viếng thăm xã giao bình thường mà chắc chắn có gắn với lời tuyên bố về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trọng nói gì?

Nhưng liệu chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình có liên quan đến lời tuyên bố “đón đầu” của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 12/12/2011 không ?

Tại Hội nghị Ngoại giao lần 27 có mặt tất cả các Đại sứ và Tham tán Ngọai giao ở nước ngoài, đề tài : “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng” đã được thảo luận.

Ông Trọng đã nói với đội ngũ “tai mắt” của đảng ở nước ngoài lần đầu tiên kề từ khi lên chức Tổng Bí thư đảng tháng 1/2011 rằng : “
Hội nghị của chúng ta họp vào một thời điểm khá đặc biệt. Năm 2011 vừa tròn 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), 25 năm nhân dân ta tiến hành toàn diện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về đối nội và đối ngoại.”

Vậy thành tựu đối ngọai trong ¼ thế kỷ qua đã đem lại những kết quả gì ?

Thành quả lớn nhất của thập niên 80, theo lời ông Trọng là Việt Nam: “ Đã đẩy lùi được chính sách cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế đối với nước ta, đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia, kể cả các cường quốc và các trung tâm hàng đầu thế giới.

Thật ra Việt Nam đã buộc phải “Đồi mới hay là chết”, theo lời Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Khoá VII, sau 10 năm mê muội áp đặt đường lối kinh tế chỉ huy, tập trung bao cấp theo kiểu Liên Xô đã làm cho dân chúng đói nghèo, kinh tế kiệt quệ.

Sau khi Việt Nam để cho dân tự do làm ăn và mở cửa mời tư bản ngọai quốc vào buôn bán, cộng đồng thế giới đã đáp lại lời mời của Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư đảng VI nên Việt Nam đã hết đói.

Áp lực cấm vận và cô lập Việt Nam của Quốc tế cũng được gỡ bỏ sau khi Việt Nam, do áp lực nếu muốn tái lập bang giao của Tàu, đã rút quân khỏi Cao Miên sau 10 năm xâm chiếm nước này.

Báo cáo chính thức cho biết Việt Nam có 15 ngàn binh sỹ thiệt mạng và trên 30 ngàn người khác bị thương. Quân Miên Khmer đỏ cũng thiệt hại tương tự. Nhưng số thương vong thật của đôi bên sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy vì bên nào cũng dấu kín.
Vì vậy nếu ông Trọng bảo Việt Nam “đã đẩy lùi được chính sách cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế” của thế giới, đứng đầu bởi Hoa Kỳ là nói khống.

Trong diễn văn ngọai giao quan trọng này, ông Trọng cũng đã nhiều lần lập lại đường lối ngọai giao của Việt Nam đã quyết định tại Đại hội đảng XI tháng 1/2011 là :“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghãi giàu mạnh”.

Tuy nhiên Trọng cũng thận trọng khi nói đến ảnh hưởng của Cuộc cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi và Trung Đông từ hồi đầu năm 2011 và hiện còn tiếp diễn ở Syria rằng: “Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, có cả mặt tích cực và tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Những chuyển biến rộng lớn, sâu sắc về kinh tế chính trị đang tác động, làm ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi diện mạo của hế giới và quan hệ giữa các quốc gia. Ở nhiều khu vực đang diễn ra những xung đột xã hội nghiêm trọng mà nổi lên trong thời gian gần đây là những rung động ở Bắc Phi, Trung Cận Đông; các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài; nạn khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, kể cả trên biển, chạy đua vũ trang, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, thảm họa thiên nhiên diễn ra gay gắt, phức tạp làm cho thế giới trở nên bất an hơn”.

Do đó, ông Trọng yêu cầu : “ Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành hữu quan, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế; đồng thời tăng cường đấu tranh dư luận, đấu tranh pháp lý bằng những luận cứ sắc bén cũng như thông qua đối thoại xây dựng, bình đẳng nhằm phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta”.

Liên quan đến các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Hoa và các nước trong khu vực ở Biển Đông, ông Trọng nói rằng: “ Ngành ngoại giao có trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp trong khuôn khổ song phương trên vấn đề liên quan chỉ tới hai nước, và đa phương trên những vấn đề liên quan tới nhiều nước, nhiều bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời cùng các nước hữu quan sớm soạn thảo Bản Quy tắc ứng xử (COC).

Thật ra điều Trọng nói không có gì mới, nhưng được đưa ra trước ngày ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam có ý nghĩa như xác định lại rằng cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Hoa phải được giải quyết theo Luật pháp Quốc tế và những gì Trung Hoa đã cam kết khi ký DOC (Declaration Of Conduct) tại Nam Vang (Cao Miên) năm 2002.
Trung Hoa là nước vi phạm nghiêm trọng DOC và tìm mọi cách không chịu thảo luận với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of South East Asia Nations, ASEAN) để hoàn thành Bản Quy tắc ứng xử (Code Of Conduct, COC), có tính cách pháp lý ràng buộc các bên liên quan.

Ngòai ra Trọng cũng nhắc cán bộ ngọai giao phải: “Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.Quan tâm đầy đủ hơn công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở các nước trong bối cảnh số lượng ngày càng đông, địa bàn ngày càng rộng, vấn đề phức tạp nảy sinh ngày càng nhiều”.

Nghị quyết 36 ra đời năm 2004, nhưng Nhà nước CSVN đã hoàn toàn thất bại trong chính sách chiêu dụ Trí thức về giúp nước. Các thương gia Việt Nam về nước bỏ tiền đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay và không sao tổ chức nổi các hội đoàn để tạo sức mạnh cho đảng CSVN trong các Cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các nỗ lực tuyên truyền bằng sách báo, truyền thanh, truyền hình cũng bị lu mờ trước làn sóng báo, đài của người Việt lưu vong ở khắp nơi.

Ngòai ra, ông Trọng còn yêu cầu cán bộ Ngọai giao hãy: “Cùng với các ngành hữu quan làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần nâng cao giá trị Việt Nam trong con mắt bạn bè và nhân dân thế giới. Thông qua các phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền, làm cho thế giới hiểu biết đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”.

Làm sao mà Ban Tuyên giáo của đảng có thể làm được khi mà các cuộc đàn áp người dân yêu nước biểu tình chống Tàu âm mưu xâm lược bị đàn áp dã man trước mắt người ngọai quốc ở Sài Gòn và Hà Nội trong hai tháng 8 và 9/2011.

Bộ mặt Việt Nam trên thế giới cũng đã rất trơ trẽn khi lên tiếng phủ nhận không đán áp tôn giáo, bắt giam những người muốn thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội và biều tình như Hiến pháp đã quy định.

Sự thiếu lương thiện của guống mày tuyên truyền của nhà nước CSVN đã bị nhân dân thế giới yêu chuộng tự do, dân chủ lột mặt nạ từ nhiều năm qua. Vậy mà, trong lời phát biểu ngày 12/1/2011 của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngọai giao 27 vẫn còn mang nặng “tính công an nghi ngờ do thám”, khi ra lệnh cho cán bộ ngọai giao phải: “Cảnh giác trước những mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, trước những cám dỗ của tiền tài, lợi ích vật chất và những mưu toan, cạm bẫy của các thế lực xấu”.

Hay phải:“Tránh phiến diện, cực đoan, nhấn mạnh một chiều hoặc từ cực này nhảy sang cực khác.”

Vậy chính sách ngọai giao được gọi là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” có còn giá trị gì không, hay đó là điều dối trá?

Phạm Trần
(12/011)
.
.
.

No comments: