Saturday, December 24, 2011

NGÀY TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO TẠI LITTLE SAIGON (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE (NV) - Vào trưa hôm Chủ Nhật, 18 tháng 12, tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove, Hội Lê Văn Duyệt Foundation cùng các hội đoàn văn hóa giáo dục và các nghệ sĩ VN tại Nam California đã long trọng tổ chức Ngày Tôn Sư Trọng Ðạo để các giới giáo chức và học sinh qua nhiều thế hệ có dịp gặp gỡ thăm hỏi biểu hiện tấm tình thầy trò theo như truyền thống của người Việt.

Học trò cũ thi nhau lên chúc mừng thầy cô trong buổi tiệc vui Ngày Tôn Sư Trọng Ðạo. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trên 200 quan khách phần lớn là các thầy cô và nam nữ cựu học sinh của các trường trung học lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 đã đến tham dự. Trưởng ban tổ chức, bà Trần Diễm Khanh, với niềm hân hoan đã nhắc đến ý nghĩa của buổi sinh hoạt này: “Với bất cứ người VN nào đã từng cắp sách đến trường đều có một lòng tôn trọng tri ơn những người đã bỏ cả cuộc đời để dìu dắt chúng ta cả về trí thức cũng như cách sống. Hội Lê Văn Duyệt Foundation từ nhiều năm nay đã tổ chức Ngày Tôn Sư Trọng Ðạo để ghi nhớ ơn thầy cô vốn như truyền thống đạo đức của dân tộc Việt.”

Tiếp đó, bà Trần Diễm Khanh đã trân trọng giới thiệu Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, chủ tịch Hội Lê Văn Duyệt Foundation, người đứng ra chủ xướng tổ chức Ngày Tôn Sư Trọng Ðạo mấy năm nay.

Thiết tha với giềng mối đạo đức truyền thống của dân tộc nay có phần suy vi, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm đã tâm tình với mọi người đến hơn 15 phút. Giáo sư đề cập đến tính chất hiếu học và lòng biết ơn người đã dạy dỗ mình dù chỉ là một chữ đã như một truyền thống đạo đức của người dân Việt. Ca dao tục ngữ VN đã ghi nhận qua những câu “Không thầy đố mày làm nên,” “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là một minh chứng cụ thể.

Sở dĩ có được cái tính chất đáng quí ấy là bởi dân tộc ta đã thấm nhuần được tinh thần của Khổng học do Ðức Khổng Phu Tử, người được coi như Vạn Thế Sư biểu tạo nên. Trải qua bao thời phong kiến, dân tộc VN đã biết lược đi những phần không thích hợp để chỉ giữ lại những tinh túy trong Khổng học để áp dụng vào đời sống, ích quốc lợi dân.

Kể về tiểu sử Ðức Khổng Tử, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm nói: “Khổng Tử là một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không chỉ riêng của Trung Hoa mà còn là của cả thế giới loài người. Khổng Tử được coi như một chính trị gia thuộc phái 'Vương Ðạo' nghĩa là lấy nhân nghĩa để trị dân. Nhờ Khổng Tử, địa vị của ông thầy được người đời xưa nâng cao, hơn cả vị trí của người cha, chỉ đứng sau địa vị của ông Vua. Câu 'Quân, Sư, Phụ' cho biết sau ông vua là đến ông thầy rồi mới đến ông cha. Người làm cha cũng có công dưỡng dục, dạy dỗ con cái, nhưng trong xã hội người dậy con mình nhiều nhất, người có công vun xới vườn kiến thức và đạo đức của con mình, chính là ông thầy của nó. Làm cho một người non dại trở thành một người trưởng thành có kiến thức, có đạo đức có khả năng, có đời sống xứng đáng với ý nghĩa cao đẹp của con người, đó là công lao to lớn của ông thầy, của người biết mang trong người cái trọng trách 'hối nhân bất quyện' (dạy người không biết mệt). Khổng tử là người đã ý thức rõ cái sứ mạng, cái thiên chức cao quí đó của một lương sư. Hậu thế tôn sùng ngài như bậc thầy của muôn đời.”

Ðề cập đến hiện trạng, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm cho rằng: “Ngày nay trước sự bành trướng của duy vật vô thần chủ nghĩa, tính 'linh ư vạn vật' của con người bị phủ nhận, giáo dục trở thành chợ buôn bán, phẩm chất tụt hậu, thầy không còn đủ điều kiện để làm thầy, học trò không còn cơ hội để học làm người, đạo đức suy đồi, xã hội trụy lạc đổ vỡ, lòng người hoang mang, tinh thần Tôn Sư Trọng Ðạo hơn bao giờ hết, cần phải được phục hồi, truyền thống tốt đẹp đã có cần được chấn hưng để những thế hệ sau này còn có cơ xây dựng lại tinh thần nhân bản, dân tộc, khai phóng rất cần cho việc hiện đại hóa và phát triển quốc gia trong những thập niên tới.”

Cũng nhân dịp này, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm đã ngỏ lời cảm ơn mọi người đã đến tham dự ngày Tôn Sư Trọng Ðạo và đặc biệt đến ông bà Bruce Trần, tổng giám đốc đài truyền hình VHN đã luôn luôn hỗ trợ cho những sinh hoạt văn hóa giáo dục trong cộng đồng và còn hứa sang năm sẽ cùng Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức lớn hơn, trực tiếp truyền hình đi khắp nơi để làm sống lại tinh thần Tôn Sư Trọng Ðạo của người Việt.

Cô Phạm Ngọc Mai trân trọng cài lên áo Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm cái Nơ Hoa Vàng thể hiện đạo nghĩa thầy trò trong ngày Tôn Sư Trọng Ðạo. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt

Sau lời phát biểu của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, ban tổ chức đã mời tất cả các nam nữ giáo sư có mặt lên sân khấu để các cựu học sinh tới chúc mừng tri ân bằng những bó hoa tươi thể hiện tấm lòng biết ơn của mình với những người đã mang hết tâm sức ra để giáo dục hướng dẫn mình sống cho có nhân cách và hữu dụng cho xã hội.
Tiếp đó nhiều đại diện cựu học sinh các trường trung học lớn của VNCH đã lên bày tỏ những cảm nghĩ của mình trong dịp này.

Phần phát biểu chấm dứt, mọi người đã cùng nhau tham dự bữa tiệc vui chan hòa tình nghĩa thầy trò. Trong khi đó anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã cống hiến một chương trình văn nghệ khá đặc sắc với những tiếng đàn, tiếng hát học trò năm xưa.

–-
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com
.
.
.

No comments: