Friday, December 9, 2011

NGẢI VỊ VỊ & HUỲNH THỤC VY (Nhân Khánh, RFA)



Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2011-12-09

Trong những ngày qua, nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị được nhắc lại một lần nữa ở Việt Nam gắn liền với sự cố xảy ra với blogger Huỳnh Thục Vy, họ đều bị nhà nước phạt tiền.

Nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị trước nhà riêng năm 2011.  AFP

Tuy nhiên diễn tiến các sự việc có khác nhau, khiến người ta không thể không suy nghĩ về các quyết định của gia đình blogger nữ 26 tuổi này và các âm vang kèm theo trong xã hội Việt Nam.

Ngải Vị Vị
Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ tài hoa của Trung Quốc. Ông làm cho chính quyền độc đoán Bắc Kinh nổi giận khi lên tiếng công khai phê phán chính quyền tham nhũng đã xây dựng những lớp học mong manh liên quan cuộc động đất Tứ Xuyên. Ông cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ ngành y tế Trung Quốc đã vô trách nhiệm trong vụ sữa nhiễm độc được lưu hành rộng rãi. Nghệ sĩ Ngải Vị Vị cũng nổi tiếng bởi những lời hô hào đòi nhân quyền.

Những phát biểu của ông Ngải Vị Vị đã làm nhà cầm quyền khó chịu, với lời buộc tội trốn thuế và phải đóng tiền phạt tương đương 2,4 triệu đô la trong vòng hai tuần lễ được tung ra để bịt miệng ông ta. Cảm kích trước một con người tài năng thẳng thắn và có tâm với đất nước và người dân, hàng ngàn người Trung Quốc đã tự nguyện gửi tiền giúp ông. Nhiều người ủng hộ đã vượt hàng ngàn cây số, từ nhiều vùng ở Trung Quốc đến tận nhà ông ở Bắc Kinh để đóng góp, gồm đủ mọi tầng lớp từ sinh viên cho đến doanh nhân. Các ủng hộ viên gởi tiền cho nhà nghệ sĩ thông qua internet hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.

Hành vi trao tiền giúp Ngải Vị Vị được hiểu là một cách bày tỏ thái độ bất bình trước thái độ khắc nghiệt của chính quyền. Những người quyên góp khẳng định là họ coi các đóng góp giúp đỡ này như một hình thức bỏ phiếu tỏ thái độ bất bình đối với chính quyền. Khoảng 30 ngàn người Trung Quốc đã tiếp tay trong việc này.

Trường hợp nghệ sỹ Ngải Vị Vị đầu tiên được nhắc ở Việt Nam khoảng hồi tháng 4 năm nay, khi ông này bị bắt trước ngày luật sư Cù Huy Hà Vũ bị kết án một ngày. Để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, nhà cầm quyền đánh thẳng vào túi tiền của họ. Trung Quốc đã sử dụng đến thủ đoạn tài chánh, truy thuế cực cao, và đòi trả thật nhanh. Người ta từng nghe đến biện pháp truy thu thuế có vẻ chính đáng này được đem ra với luật sư Lê Trần Luật – người đã biện hộ cho giáo xứ Thái Hà hay blogger Điếu Cày – một trong những người đầu tiên công khai biểu tình phản đối Trung Quốc trước đây.


Huỳnh Thục Vy

Blogger Huỳnh Thục Vy. Source fb Huỳnh Thục Vy.

Nếu như trong các trường hợp trước đây biện pháp xử lý dừng ở mức phạt hành vi trốn thuế thì trong vụ blogger Huỳnh Thục Vy trở thành vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin. Theo đó thì gia đình blogger Huỳnh Thục Vy lợi dụng công nghệ thông tin để nói xấu đảng và nhà nước, chia rẻ đoàn kết dân tộc, với mức phạt tổng cộng là 270 triệu đồng. Quyết định cũng nêu là gia đình blogger này phải nộp tại kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Nam trong thời hạn 10 ngày nếu không thì họ sẽ cưỡng chế thi hành. Số tiền phạt 270 triệu đồng tương đương thu nhập bình quân của một người công nhân Việt Nam làm việc hơn 11 năm.

Blogger Huỳnh Thục Vy cho biết ý kiến của mình về quyết định xử phạt này với đài Á châu Tự do, như sau:
“Người ta muốn dùng quyết định xử phạt hành chính đó, rêu rao trên khắp các báo chí để tạo một sự đe dọa, một sợ hãi cho toàn thể dân chúng Việt Nam. Người ta làm cho tất cả những ai muốn viết, có ý định viết đều sợ hãi hết, tại vì cứ nghĩ mình nhúng tay vào việc viết lách thế này thì trước sau gì cũng bị phạt. Mà phạt thì người ta sẽ tịch thu hết nhà cửa, người ta sẽ cướp hết tiền bạc của mình. Đó là mục tiêu thứ nhất là làm cho dân Việt Nam sợ hãi, giới blogger sợ hãi.
Mục tiêu thứ hai là làm cho chính gia đình em lo lắng mà ngừng viết lại, lấy cái quyết định xử phạt với giá tiền rất là cao 270 triệu để đè nặng lên gia đình em. Làm cho gia đình em phải khó khăn, túng quẫn vì cố gắng làm thế nào phải gom góp tiền nộp cho họ. Nhưng họ nhầm, gia đình em không hề có tiền, không hề có một đồng nào để đủ một phần nhỏ để mà nộp phạt cho họ. Gia đình em đã quyết định không nộp phạt. Mà thực tế ra, dù có tiền thì gia đình em cũng không nộp đâu. Vì thực ra rất là vô lý, vì tại sao mình phải đi nộp phạt trong khi mình không có lỗi, mình không có vi phạm pháp luật gì cả. Đó chỉ là điều vu khống mà người ta đổ vào đầu mình. Mình không nhận."

Sau tin blogger Huỳnh Thục Vy bị phạt tiền phát ra, trên mạng internet xuất hiện một cuộc quyên góp được gọi là chương trình Góp xu - "Một chút để dành, an lành cho bạn" được blogger Mẹ Nấm phát động, cùng lời ngỏ: bởi tất cả chúng ta đều có thể là nạn nhân của những quyết định như của gia đình Huỳnh Thục Vy khi sử dụng Internet bày tỏ suy nghĩ và thái độ của mình.

Đánh dấu một sự chuyển biến?

Tuy nhiên diễn biến ở Việt Nam có khác với Trung Quốc. Nếu như ông Ngải Vị Vị để tránh sự việc sẽ biến thành một án hình sự, mà ông có thể bị kết án đến 7 năm tù, nên ông Ngải đã đem số tiền quyên góp đi nộp thế chấp để có thời gian tiếp tục tiến hành kháng cáo quyết định của sở thuế Bắc Kinh. Còn trong trường hợp blogger Huỳnh Thục Vy, ngay từ đầu gia đình cô ta đã quyết định không nộp phạt. Blogger này cho rằng nếu nộp phạt thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu áp đặt lên cá nhân mình, áp đặt lên tất cả các blogger trong tương lai và tiếng nói đối lập sẽ vì thế mà yếu đi. Gia đình blogger Huỳnh Thục Vy sẽ đem số tiền quyên góp được ra làm từ thiện cho trẻ em nghèo.

Đồng thời, sự kiện liên quan đến blogger Huỳnh Thục Vy cũng đánh dấu một chuyển biến rõ nét trong xã hội dân sự Việt Nam. Nếu ở vụ blogger Điếu Cày bị phạt tiền trước đây, người dân đã góp lòng can đảm trong thư kiến nghị gởi nhà nước. Sang đến vụ blogger Huỳnh Thục Vy, nhiều người dân đã can đảm góp tiền.

Bày tỏ suy nghĩ của mình khi phát động chương trình quyên góp này, blogger Mẹ Nấm cho đài Á châu Tự do biết như sau:
“Em nghĩ đơn giản là gia đình Vy là một trong những gia đình có tiếng nói khao khát tự do trong xã hội mà họ gặp chuyện không may. Khi bị cư xử như thế thì với cái phần của mình cũng là người theo đuổi quyền tự do, quyền được nói thì em nghĩ đưa ra cái chương trình đó để tất cả những người khác nếu đồng cảm thì đều có thể giúp được cho Vy, chia sẻ với gia đình Vy.
Có người thắc mắc là tại làm sao gọi là góp xu mà không gọi là góp tiền cho nghiêm túc. Ý nghĩa mà em muốn nói là phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trước; nếu anh biết chia sẻ với người khác bằng cái chuyện để dành một chút nhỏ nhất thì anh sẽ thấy được cái khác lớn hơn. Và gọi là góp xu để chương trình gần gũi với những người khác hơn, những người tham gia internet như em, hay đọc hay viết mà giúp Vy. Nó chỉ là một chuyện cảm thông với nhau bình thường. Nhưng làm sao cho những người khác, họ chỉ tình cờ đọc được bản tin đó và cảm thấy rằng chuyện này là chuyện rất gần gũi nên họ có thể làm. Có sức lan tỏa trong xã hội thì họ sẽ hưởng ứng. Nếu em chia sẻ lại với Vy thì Vy sẽ cảm thấy rất ấm lòng và gia đình họ không có cô đơn.”

Số tiền người dân góp cho những người đấu tranh cho tự do của họ vô tình có mức khởi điểm giống nhau. Với Ngãi Vị Vị có khi chỉ là 1 đồng nhân dân tệ, với Huỳnh Thục Vy là từng xu, đơn giản những người nghèo cũng muốn nói lên tinh thần tương trợ của họ khi những nhà đấu tranh bị đàn áp. Đến giờ này chưa tổng kết được số tiền quyên góp từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Hà Nội… riêng phần chỗ blogger Mẹ Nấm thì góp được 1 ngàn xu tức khoảng 5 triệu đồng Việt Nam.

Cách đối xử với các công dân của mình cũng phản ánh lên chính sách của một hệ thống chính trị, có thể xem đây là một dịp để thế giới thấy rõ hoàn cảnh sống của người dân Việt Nam. Trong lúc sự việc chưa ngả ngũ, chính quyền tỉnh Quảng Nam tỏ ra đã thành công trong việc tạo nên một sự kiện nóng để công luận cả thế giới nhìn vào.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: