Thursday, December 22, 2011

NĂM 2011 DƯỚI CON MẮT CÁC TÁC GIẢ "ĐÀN CHIM VIỆT" (Mạc Việt Hồng)




Còn ít hôm nữa thôi, chúng ta sẽ chia tay với năm 2011. Để có thể đưa ra một cái nhìn tương đối khái quát về năm đã qua, chúng tôi đã có bài phỏng vấn với một số tác giả của Đàn Chim Việt. Mỗi người sống ở một quốc gia khác nhau, có người cầm bút chuyên nghiệp, người khác chỉ viết, dịch như một sở thích.
Do phỏng vấn cùng lúc nhiều người, chúng tôi đã không dám đặt quá nhiều câu hỏi. Chia sẻ của các tác giả sẽ xoay quanh 2 vấn đề:
1- Cảm nhận và đánh giá về năm 2011.
2- Những kỳ vọng vào năm 2012.
Tên các tác giả được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt.
——————————————-

Nguyễn Minh Cần (Moskva- Nga):
1- Năm 2011, theo tôi, được đánh dấu bởi một số sự kiện sau đây:
- Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nặng trên thế giới làm cho đời sống bộ phận lớn nhân dân các nước bị sa sút trầm trọng, gây ra nỗi bất bình lớn trong đông đảo dân chúng, nhất là tại các xã hội Âu Mỹ. Khủng hoảng kinh tế tài chính đòi hỏi các nhà cầm quyền phải có những điều chỉnh trong chính sách để ổn định tình hình thị trường và tạo điều kiện cho nền kinh tế được phát triển lành mạnh.
- “Mùa xuân A-rập”, mở đầu bằng cuộc Cách mạng Hoa nhài, đã đột ngột bùng phát ở Tunisia, Egypt, Libya, rồi lan rộng ra nhiều nước khác… “Mùa xuân A-rập” chẳng những tạo nên những trận bão táp lớn ở Bắc Phi và Trung Đông, mà còn gây ra chấn động mạnh đến nhiều chế độ độc tài toàn trị ở tận châu Á, như Trung Quốc, Việt
Nam…
Mặc dù “Mùa xuân A-rập” đã đánh đổ chế độ độc tài ở mấy nước Tunisia, Egypt, Libya, đánh đổ những kẻ độc tàikhét tiếng Ben Ali, Hosni Mubarak, Muammar Kadhafi, nhưng ngay cả ở mấy nước đó cuộc cách mạng dân chủ vẫn chưa hoàn thành, quần chúng cách mạng vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh để những mục tiêu cách mạng
được thực hiện triệt để. Nếu không thì cuộc cách mạng “nửa vời” sẽ tạo điều kiện cho các thế lực thống trị cũ dần dần quay trở lại chính quyền. Còn nhiều nơi ở Bắc Phi và Trung Đông, như Syria, Yemen, Iran… bọn độc tài vẫn còn cố sống cố chết bám chặt quyền thống trị và đã làm đổ máu biết bao dân lành. Tình hình đó đòi hỏi lương tâm nhân loại phải trỗi dậy để có biện pháp bảo vệ dân lành..
- Đang từ chế độ dân chủ, dù chưa được hoàn bị, những năm qua – dưới thời ông Putin – nước Nga chuyển qua chế độ đôc đoán và đang trượt dần xuống chế độ độc tài. Nhưng, việc hàng trăm nghìn người dân ở Moskva, Saint Petersburg và nhiều thành phố khác trên đất nước Nga cũng như kiều dân Nga ở nước ngoài trong những ngày gần đây đã biểu tình mạnh mẽ tố cáo những trò gian lận trắng trợn trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, làm loé lên tia hy vọng rằng nhân dân Nga sẽ có đủ sáng suốt để không bị lừa bịp một lần nữa, để không bị quay lại chế độ độc tài toàn trị mà trước đây họ đã từng chịu khốn khổ hơn 73 năm trời.
- Về phần đất nước Việt Nam ta, năm 2011 để lại những dấu vết tàn bạo của các trận đàn áp dã man của những kẻ cầm quyền nhằm chống lại phong trào yêu nước cũng
như phong trào đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân ta. Trong lúc đó, kẻ cầm quyền vẫn tiếp tục đường lối dựa dẫm, thuần phục bọn bành trướng bá quyền phương Bắc gây ra hiểm họa lớn cho đất nước ta. Như vậy, theo tôi, năm 2011 vừa đem lại niềm phấn khởi đồng thời cũng gây nên nỗi lo âu cho mọi người.
2. Năm 2012, tôi hy vọng rằng thế giới sẽ khắc phục được cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính; còn các chế độ độc tài trên thế giới sẽ lần lượt tiến dần đến giờ phút cáo chung.
Riêng ở Việt Nam, tôi hy vọng phong trào yêu nước, cũng như các phong trào đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, bất chấp mọi sự đàn áp, khủng bố của kẻ cầm quyền, sẽ lớn mạnh, đủ sức để buộc những kẻ độc tài trong nước phải thay đổi, nếu không muốn chịu số phận của Muammar Kadhafi, Hosni Mubarak, Ben Ali.

Đinh Minh Đạo (Warsaw, Ba Lan):
- Năm 2011 đã đi qua với nhiều sự kiện bất ngờ. Từ ngọn lửa tự thiêu của một thanh niên Tunisia đã làm bùng lên cuôc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập. Các chế độ độc tài tham nhũng, tưởng như chúng trường tồn, đã sụp đổ nhanh chóng, nhân dân các nước này đang xây dựng các thể chế dân chủ để thay thế các chế độ độc tài đã ra đi. Đây là sự kiện động viên, khích lệ chủng ta , rằng không có một chế độ độc tài nào tồn tại mãi.
Hơn 20 năm đã trôi qua, kể từ khi cuộc cách mạng bất bạo động của các nước đông Âu, chuyển đổi các chế độ độc tài cộng sản sang chế độ tự do dân chủ. Các nước đông Âu bước sang chế độ tự do dân chủ đã tiến những bước khá dài về kinh tế chính trị. Nhân dân được sống trong một chế độ tự do dân chủ đích thực, đời sống vật chất ngày một đầy đủ.
Những người Việt Nam quan tâm đến tình hình đất nước, đang sống, làm việc tại các nước đông Âu nói trên, được chứng kiến đổi thay từng ngày, càng mong ước cho một nước Việt Nam dân chủ.
Nhưng nhìn về đất nước, chúng ta không khỏi bùi ngùi. Những trí thức tài năng, nặng lòng với đất nước, can đảm đứng lên vạch ra các sai trái của chính quyền vào tù với những bản án trái luật pháp. Những công dân bày tỏ lòng yêu nước vẫn bị cấm đoán, bị đàn áp. Những người dân mất đất, mất nhà đi khiếu kiện, màn trời chiếu đất, mỏi mòn theo năm tháng.
Vẫn biết là sớm hay muộn, thì Việt Nam cũng phải đi theo con đường dân chủ. Nhưng ước mơ thì luôn cháy bỏng, mà đời người thì hữu hạn.
- Năm 2012 sẽ là năm khó rất khăn về kinh tế đối với thế giới và Việt Nam, Cầu mong mỗi người, mỗi gia đình…vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế.
Tôi hy vọng và mong muốn Việt Nam chuyển biến và tiến bước trên con đường dân chủ. Sẽ không có người dân nào bị tù đầy chỉ vì nói lên chính kiến của mình.
Kính chúc ban biên tâp, các tác giả, bạn đọc Đàn Chim Việt một năm mới sức khỏe và hạnh phúc.

Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn, Việt Nam):
- Năm 2011 là năm có sự kiện nổi bật nhất là những cuộc biểu tình của người yêu nước VN chống quân Trung Quốc xâm lược diễn ra xung quanh Hồ Gươm Hà Nội. Lại là năm có nhiều cuộc đàn áp dã man của công an với những người biểu tình yêu nước.
Quyền tự do biểu tình, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, quyền tự do sống, tự do mưu cầu hạnh phúc… đã được ghi đầy đủ trong Hiến pháp của nước CHXHCNVN năm 1992. Đã gọi là quyền thì không phải đi xin. Ví dụ, hiến pháp cho công dân quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc… thì sống là phải THỞ, phải ĂN, phải UỐNG; cho nên mỗi lần công dân VN ăn, thở, uống đều không phải xin phép công an. Công dân VN còn được quyền mưu cầu HẠNH PHÚC, nên mỗi lần công dân VN yêu vợ, yêu chồng (hạnh phúc) đều không phải xin phép công an. Biểu tình cũng vậy, đã gọi là được tự do BIỂU TÌNH thì không phải xin phép nhà nước hay công an mới gọi là QUYỀN.
Công an VN bắt những người biểu tình yêu nước là trái hiến pháp. Như vậy, công an có thể bắt tất cả người VN nào đang thực thi quyền sống, quyền hạnh phúc như đã ghi trong hiến pháp. Việc bắt giam bà Bùi Minh Hằng hai năm đi giáo dục cải tạo mà không thông qua thủ tục tố tụng hình sự là sai hiến pháp, là đánh tráo khái niệm: cái công lớn “yêu nước” thành tội “phá rối trật tự công cộng”. Nhà nước Việt Nam gọi nhà tù là chỗ giáo dục, là nơi học tập là đánh tráo khái niệm. Chính vì vậy nền giáo dục VN là một nền giáo dục xuống cấp nhất thế giới. Trẻ em đi đến nơi giáo dục, đi đến trường học tập cũng khác gì đi tù? Đánh tráo từ “đi tù” bằng từ “giáo dục”, bằng từ “cải tạo” là đại họa cho dân tộc VN.
- Năm 2012 là năm nhà nước VN còn đàn áp người yêu nước chống Trung Quốc ác liệt hơn, đàn áp người bất đồng chính kiến ác liệt hơn nữa.

Vũ Đình Kh. (Vancouver, Canada):
- Nhìn sự việc xảy ra ở VN trong năm 2011, toàn những sự kiện đầy biến động, dồn dập, mỗi lúc một tồi tệ hơn.
Nhà nước VN càng lúc càng đưa thêm những bế tắc, tròng ách vào đất nước về mọi mặt. Từ chính trị, kinh tế và nền cai trị chuyên chế đã làm đất nước ngày càng tan hoang thêm.
Chính trị bế tắc vì nhu nhược với ngoại bang phương Bắc, mất đất, mất biển, mà không một ông lãnh tụ nào dám hé môi. Những màn ngoại giao với các nước tự do dân chủ, dường như chỉ là đu dây cho phe cánh an toàn, trong tạm thời, nhưng lúc nào cũng muốn núp vào sự che chở của Bắc triều, để giữ cái ghế và cho gia đình sống cuộc sống sang giàu, mặc nhân dân đói khổ.
Kinh tế là con dao hai lưỡi cho chế độ khi các Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là con dao mà đảng CSVN tự đâm vào cổ họng họ, vì nạn tham nhũng ngày càng tràn lan mạnh mẽ không cách gì chữa nổi. Những món nợ thâm thủng được giấu nhẹm bấy lâu, ngày càng lộ ra nhiều hơn. Nền cai trị chuyên chế, độc tôn đã đưa nhân dân và nhà nước vào hai thế đối lập thù nghịch khó tẩy xóa, sau 11 cuộc biểu tình mỗi cuối tuần. Công an đánh và bắt người dân tỏ lòng yêu nước ngày càng tùy tiện và tàn ác.
Nói chung: Năm 2011, là năm mỗi lúc một tồi tệ hơn, trong ba lĩnh vực vừa kể trên, không có gì thay đổi… ngoài những ông quan cách mạng ngày càng thoái hóa hơn, ti tiện hơn và giàu hơn…
- Năm 2012, ngoài vấn đề kinh tế đứng trước cơn bão thời cuộc, sắp đỗ vỡ đến nơi hàng loạt, như con cờ dôminô. Vấn đề Biển đông là nóng bỏng nhất, nhất là khi giàn khoan dầu CNOOC 981 được điều động tới biển Đông.
Tôi nghĩ, lúc đó sẽ có biểu tình! Mọi con dân VN, dù có hèn đến đâu, cũng sẽ xuống đường biểu lộ sự bất mãn của 1 chính quyền, không vì dân, vì đất nước, mà chỉ vì đảng còn mình. Và sẽ có trấn áp mạnh bạo hơn, tàn độc hơn. VN khó có cuộc xuống đường, đông đảo, như các quốc gia ở Trung Đông làm nên cách mạng Hoa Nhài! Nhìn 11 cuộc biểu tình! Bao nhiêu người xuống đường, khi đất nước này có gần 90 triệu dân?
Theo tôi, chỉ có kinh tế mới có thể làm sụp đổ chế độ bạo tàn này! Điều đó, chúng ta đang dần thấy, khi thị trường bất động sản và chứng khoán, đang bị đóng băng tại VN và nhiều đại gia đã sạt nghiệp…

Lê Minh (Sydney, Úc Châu):
- Nhìn lại năm 2011 chúng ta thấy có một số vấn đề tiêu biểu, có thể được tóm tắt như sau:
Người dân trong nước can đảm hơn, mà điển hình là việc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội kể từ sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh trong lãnh hải Việt Nam vào tháng 6.
CSVN gia tăng vấn đề đàn áp tôn giáo, mà nổi bật là các vụ công an sử dụng côn đồ đánh đập giáo dân, giáo sĩ tại các giáo xứ Thái Hà, Con Cuông,… Kế tiếp là các vụ bắt giữ các thanh niên công giáo yêu nước đã từng tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Không chỉ đối với Công giáo, nhà cầm quyền CSVN còn thẳng tay đối với Giáo hội PGVNTN, mà điển hình là việc bố ráp tại các ngôi chùa của giáo hội trong ngày lễ Vu Lan. Phật giáo Hòa Hảo cũng không tránh khỏi tai kiếp mà trường hợp điển hình là vụ vô cớ bắt giữ và xử tù hai ông Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân trong những ngày cuối năm.
Về phía chính quyền thì chúng ta thấy có 2 vụ tham nhũng nổi bật, đó là vụ Vinashin, nay đã được các chủ nợ đòi kiện ra tòa án quốc tế; và vụ Úc điều tra tham nhũng liên quan đến việc in tiền Polymer cho Việt Nam.
- Mặc dầu năm 2011 cho thấy CSVN miễn cưỡng hoặc hiếm khi nhượng bộ dưới áp lực quốc tế về vấn đề nhân quyền, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào một sự thay đổi khả quan hơn trong năm 2012 bởi vì việc hội nhập cộng đồng quốc tế cũng đồng nghĩa với việc CSVN phải tự thay đổi mình duới góc độ nào đó, dù là chậm hay là ít ỏi.

Trần Bình Nam (California, Mỹ):
- Ai cũng muốn thế giới mình đang sống là tốt đẹp và mọi sự hanh thông. Nhưng nếu phải thành thật trả lời câu hỏi của chị thì tôi không đánh giá năm 2011 là một năm sáng sủa, mặc dù năm 2011 là năm có những biến chuyển chính trị và kinh tế quan trọng và các biến chuyển này sẽ ảnh hưởng không ít cho bức tranh chính trị và kinh tế của năm 2012.
Những biến chuyển quan trọng như (1) Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi Iraq (2) Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối ngoại để chuẩn bị đương đầu với Trung quốc tại Đông Á – Thái Bình Dương, (3) Phong trào nổi dậy đòi dân chủ của các nước Bắc Phi và Trung Đông. (4) Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhất là Hoa Kỳ và Âu châu. (5) Nền dân chủ gương mẫu của Hoa Kỳ có dấu hiệu rạn nứt: đảng phái tranh chấp quên quyền lợi quốc gia; quần chúng lên tiếng chống định chế qua phong trào “Occupy Wall Street” là những dấu hiệu xấu.
Như vậy bức tranh năm 2011 có chút màu hồng về mặt địa lý chính trị nhưng xen lẫn nhiều với màu đen của kinh tế và đạo đức chính trị. Và không có gì hứa hẹn màu hồng của mùa Xuân Ả Rập sẽ hồng hơn, hay biến cố đó sẽ mở cửa cho một tình huống mới làm đậm thêm sự tranh chấp giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo.
- Với năm 2012, tôi kỳ vọng một thế giới hòa bình. Tôi tin kỳ vọng này sẽ đạt được. Tuy các biến chuyển của năm 2011 đều là tiền đề cho những rối loạn, nhưng có lẽ thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận rối loạn.
Nỗ lực của Iran chế tạo vũ khí nguyên tử, và kho bom nguyên tử của Pakistan sẽ là hai vấn đề nhức đầu cho thế giới. Nhưng tôi tin Pakistan sẽ biết bảo vệ an toàn kho vũ khí của mình để cho thế giới khỏi ra tay xâm phạm chủ quyền của Pakistan. Và Iran sẽ đến gần khả năng chế tạo bom nguyên tử hơn nhưng Hoa Kỳ cũng như Do Thái sẽ biết tự chế không trực diện tấn công hay bỏ bom. Nhưng khả năng phá hủy ngầm có nhiều cơ may sẽ xảy ra.
Tôi kỳ vọng tron năm tới, Việt Nam và Myanamar sẽ xác định thái độ chính trị rõ hơn đối với Trung quốc, và Việt Nam sẽ triển khai sức mạnh quân sự để bảo vệ Biển Đông. Với thái độ gia trưởng của Trung quốc, có thể có đụng chạm xảy ra trên Biển Đông nhưng sẽ chưa có điều kiện cho một cuộc xâm lăng của Trung quốc để Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc phải chọn lựa “hòa hay chiến”.
Năm 2012 sẽ có 3 nhà lãnh đạo 3 khối lớn xuất hiện. Tập Cận Bình ở Trung quốc 100%, Vladimir Putin ở Liên Bang Nga 99%, và ông Barack Obama ở Hoa Kỳ(50%). Cả ba đều sẽ dòm ngó nhau trước khi xác định nước cờ mới.
Năm 2012 bức tranh chính trị của Trung Đông sẽ trở nên tối hơn và thêm nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ và Âu châu. Sau Mùa Xuân A Rập là mùa Đông.
Sự thay đổi độ nóng của khí quyển và sự cựa mình của vỏ quả đất trong những năm qua đã báo hiệu những sự không lành cho nhân loại vào năm 2012 về mặt thời tiết, động đất và sóng thần. Là một cư dân California, Hoa kỳ tôi cầu nguyên cho trận động đất lớn mà các nhà động đất học tiên đoán sẽ tới thăm nam California bất cứ lúc nào sẽ chưa tới. Và đừng có trận Tsunami nào đánh vào bờ biển Việt Nam.

Bùi Tín (Paris, Pháp):
- Là một năm có nhiều niềm vui, nỗi mừng cho người dân lương thiện trên thế giới, trong nước ta. Điều lý thú là nhiều tin mừng không được dự báo trước, như mùa Xuân Bắc Phi - Mùa Xuân  rập - Mùa Xuân của Thức tỉnh Hồi giáo, hàng loạt kẻ độc tài đền tội, từ Tunisia đến Côte d’ Ivoire, rồi Ai Cập, tiếp đến Libya …Một sự rơi rụng dây chuyền, kiểu quân bài dôminô, vẫn đang còn tiếp diễn. Tuy bất ngờ nhưng lại là tất yếu, hợp quy luật.
Gần cuối năm là Bông Sen Miến Điện nở với nụ cười Aung San Suu Kyi rạng rỡ mà thâm trầm, tỏa rộng hương ra cả vùng Đông Nám Á.
Thế giới trải qua khủng hoảng kinh tế – tài chính, với những món nợ quốc gia tích tụ nguy hiểm, nhưng bù lại với việc thực hiện “quyền và nghĩa vụ can thiệp” được Liên Hợp Quốc đề xuất và thực hiện, nhân dân thế giới cảm thấy gần nhau, thương yêu nhau hơn để vững lòng loại bỏ những kẻ cầm quyền lỳ lợm ác với dân, tham của nước không giới hạn.
Ở nước ta, nét đẹp nhất trong năm là sự xuất hiện cả một tập thể Anh Thư Thời Đại, như nhà giáo Lê Hiền Đức, các cô Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Dương Thị Xuân, Tạ Thùy Linh, Trần Thị Hường, Võ Thị Hảo, Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Thị Dương Hà … và biết bao chùm hoa, vườn hoa nhi nữ khác, làm thơm, làm đẹp dân tộc và đất nước ta trong cơn hỗn loạn do cường quyền tham nhũng gây nên..
Theo tôi, đối với mọi người sống có lý tưởng, sống tốt, sống thiện, yêu nước mình, thương dân mình, có tình nhân loại, năm 2011 là một năm Vui, năm Mừng, năm Đẹp, năm rất đáng sống và đấu tranh, năm nuôi dưỡng niềm tin để dấn thân bền bỉ cho tiến bộ xã hội trên đời này.
- Năm 2012, trên thế giới Mùa Xuân Dân Chủ và Nhân Quyền sẽ phát triển.
Cuộc Cách mạng Thông tin với kỹ thuật điện tử – số học tiền tiến sẽ tạo nên những công cụ đấu tranh bén nhạy chưa từng có như internet, Facebook, điện thoại cầm tay… tiếp sức cho triệu triệu tấm lòng tha thiết với tự do, đặc biệt là cho thanh niên ham hành động chung.
Tạp chí TIME đã nhận định nhân vật của năm 2011 là Những người Biểu Tình – The Protesters . Họ thường vô danh, là số đông, chung lý tưởng, chung ý chí, chung hướng thiện, tâm hồn đẹp, tỏa hương, có sức cuốn hút mạnh. Họ làm nên lịch sử.
Họ sẽ tiếp tục là Nhân Vật của năm 2012. Ở Việt Nam ta đã có những cuộc tập họp, tuần hành, cầu nguyện, biểu tình ôn hòa có hàng ngàn, hàng vạn người tham gia. Năm 2012 sẽ có những cuộc biểu tình hàng vạn, hàng chục vạn người. Sao lại không Chắc chắn nữa là khác, khi lòng dân không yên, khi lòng dân đã quyết theo lẽ phải, theo quyền sống, theo những giá trị thời đại.
Năm 2012, tôi ước mong mọi người Việt Nam suy ngẫm về lời tâm sự sâu sắc nhất của Bà Aung San Suu Kyi: “Không phải quyền lực tha hóa con người! Làm hư hỏng con người chính là nỗi sợ”. Nỗi sợ của kẻ nắm quyền lực tham lam vụ lợi chỉ sợ mất quyền lực, và nỗi sợ của những kẻ bị quyền lực đè nén, sợ cường quyền ức hiếp.
Mọi người hãy tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.
Bước vào năm 2012, tôi muốn nhắn những người đang nắm quyền lực cao nhất, bị quyền lực và đặc quyền đặc lợi mê hoặc, hãy tỉnh lại kẻo quá muộn. Mọi sự phải có chừng mực.
Tôi muốn nhắn với họ, các người hãy tỉnh lại. Bấy nhiêu tội ác. Bấy nhiêu tham nhũng là dủ, quá đủ, quá đáng lắm rồi. Hãy nghĩ cho kỹ: Ben Ali và vợ hắn đã bị tuyên án 30 năm tù, tài sản bị tịch thu hết. Moubarak sẽ ngồi tù suốt đời, tay trắng hoàn tay trắng. Kaddafi hét ra lửa một thời bị tóm trong ống cống và chết bi thảm. Noriéga vua độc ác tham nhũng cả vùng Trung Mỹ vừa qua 20 năm tù giam sẽ còn bị tù hơn 20 năm nữa.
Những sự kiện tốt đẹp trong năm 2011 sẽ tiếp nối, dồn dập, sâu rộng, đẹp hơn trong năm 2012 là mong muốn, hy vọng, là lời chúc nhau đầy hứng khởi của mọi người dân lương thiện trên quả đất tươi đẹp đầy tình người này.
Chúc Đàn Chim Việt bay cao, bay xa báo tin vui quanh năm 2012 cho bạn đọc ở Quê hương và cho người Việt khắp 5 châu 4 biển.

Đỗ Trường (Leipzig, Đức):
- Năm 2011 chính trị xã hội có nhiều biến động xảy ra ở quốc nội. Có rất nhiều người mạnh dạn nói lên những chính kiến bất đồng với chính quyền, điển hình là vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Bên cạnh đó còn có nhà văn Phạm Viết Đào, nhà văn Phạm Đình Trọng.v.v. Trong năm qua, xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống đường lưỡi bò, xâm chiếm biên giới của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã qui tụ được nhiều nhân sỹ, và các tầng lớp nhân dân. Với một thời gian dài, và chưa từng xảy ra ở VN như vậy, tôi cho đó là một hiện tượng, là một tín hiệu rất khả quan làm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đề nghị quốc hội ra luật biểu tình. Cái luật này là quyền cơ bản của con người, thực ra nó phải có từ lâu rồi mới phải.
Về giáo dục, chăm sóc y tế, đời sống giầu, nghèo của nhân dân lao động và những người cầm quyền (cán bộ) có một khoảng cách, hố sâu ngày càng lớn. Giáo dục, chưa năm nào tôi thấy bi đát, dối trá như năm 2011, về tất cả các mặt. Văn học nghệ thuật, thông tin, truyền hình cũng vậy, trong nước đang mắc chứng bệnh nghiện thi, cuồng thi, trong khi đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Đất đai, qui hoạch chiếm đoạt tràn lan, làm xã hội bất ổn. Tôi thấy từng cơn, từng cơn sóng đang âm ỉ trong lòng người dân, và dường như thiếu một chút gì nữa thôi.
- Năm 2012, quả thật tôi không kỳ vọng có gì lớn, nhưng tôi mong luật biểu tình được quốc hội VN thông qua. Và nếu như không có biến cố gì, mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữ đúng lời hứa không cắt chức bất kỳ cán bộ nào. Trong tình hình hiện nay, nếu như thay cán bộ mới, những ông này túi chưa đầy, sẽ vơ vét, nhũng nhiễu gấp nhiều lần cán bộ cũ khi túi họ đã cho tạm đủ. Âu đó cũng là một cách làm giảm nỗi đau cho dân chúng.

Mạc Việt Hồng thực hiện
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: